Bây giờ ta cần chú thích thêm là khi một lý thuyết trong một lĩnh vực mới được đề ra, khi khoa học cũ được cải tiến bởi thuyết mới, không phải tất cả khái niệm của cái cũ bị từ bỏ. Và tôi tin, những khái niệm nào trong lý thuyết hiện nay của chúng ta không bị đào thải và tồn tại, đó là những khái niệm gắn chặt với các truyền thống đạo học.
Tôi có thể nói biến cố này trong vật lý Newton. Một trong những phát hiện then chốt của Newton, có thể là cái then chốt nhất và là cái nổi tiếng nhất, đó là sự khám phá có một thứ bậc chung trong vũ trụ. Tương truyền rằng, Newton nhận thấy trong tia chớp của trực giác, khi một trái táo rơi từ cành xuống đất, thì ực đã lôi trái táo xuống đất cũng chính là lực lôi kéo các hành tinh quay quanh mặt trời. Đó là điểm xuất phát của thuyết Newton về lực trọng trường và cái nhìn này – có một thứ bậc nhất thể trong vũ trụ – cũng không hề bị cơ học lượng tử hay thuyết tương đối phê phán. Ngược lại, nó được xác nhận và thậm chí được đề cao trong những thuyết mới.
Tương tự như thế, tôi tin rằng tính nhất thể cơ bản và tính liên hệ phức tạp của vũ trụ cũng như nguyên lý động nội tại của những hiện tượng tự nhiên – hai luận điểm lớn của vật lý hiện đại – sẽ không bị các nghiên cứu tương lai làm thương tổn. Chúng có thể được phát biểu lại, và nhiều khái niệm ngày nay sẽ bị thay thế bởi một loạt những khái niệm của tương lai. Thế nhưng sự thay thế này sẽ xảy ra một cách thứ tự và những luận điểm căn bản mà tôi dùng trong sự so sánh với các truyền thống đạo học sẽ được tăng cường, chứ không bị suy giảm, tôi tin thế. Niềm tin này đã được xác định, không phải chỉ bởi những tiến bộ trong vật lý, mà bởi những phát triển nổi bật trong sinh vật học và tâm lý học.
Loại phê bình thứ hai mà tôi được nghe nhiều lần, lý luận rằng nhà vật lý và nhà đạo học nói về hai thế giới khác nhau. Nhà vật lý làm việc với một thực tại lượng tử, nó hầu như hoàn toàn vô nghĩa với thế giới bình thường, với hiện tượng hàng ngày, trong lúc đó, đạo học làm việc chính xác với hiện tượng vĩ mô, với sự vật của thế giới thông thường, nó hầu như không có gì liên quan đến thế giới lượng tử.
Trước hết, người ta cần thừa nhận rằng thực tại lượng tử không hề xa rời hiện tượng vĩ mô. Thí dụ, một trong những hiện tượng vật lý quan trọng của thế giới thông thường, tính cứng chắc của vật chất, là một hệ quả trực tiếp của hiệu ứng lượng tử nhất định. Vì thế ta cần sửa lại lý luận này và nói rằng nhà đạo học không chú ý làm việc với thực tại lượng tử, còn nhà vật lý thì có.
Bây giờ, nói về khái niệm của hai thế giới khác nhau, cái nhìn của tôi là chỉ có một thế giới duy nhất – thế giới đáng kính sợ và bí ẩn này, nói chư Carlos Castaneda – nhưng thực tại duy nhất này có nhiều khía cạnh, nhiều chiều hướng, nhiều mức độ. Nhà vật lý và đạo học làm việc với khía cạnh khác nhau của thực tại. Nhà vật lý khai phá tầng mức của vật chất, nhà đạo học khai phá tầng mức của tâm linh. Điều mà hai loại khám phá có chung là, hai tầm mức đó đều nằm ngoài cảm quan thông thường. Và, như Heisenberg dạy chúng ta, nếu cảm quan là không thông thường thì thực tại là không thông thường.
Thế nên ta có nhà vật lý dò tìm trong vật chất với sự giúp sức của những thiết bị tinh xảo và nhà đạo học dò tìm trong ý thức với sự giúp sức của phương pháp thiền định tinh tế. Cả hai đều đạt tới tầng mức không thông thường của nhận thức, và tại tầng mức không thông thường này thì những cấu trúc và nguyên lý của sự tổ chức xem ra hết sức tương tự. Cách thế mà cấu trúc vi mô liên hệ với nhau đối với nhà vật lý, phản ánh đúng cách thế mà các cấu trúc vĩ mô liên hệ với nhau đối với nhà đạo học. Và khi ta cô lập những cấu trúc vĩ mô đó trong cách thế nhận thức thông thường thì ta nhận ra chúng là vật thể thông thường, cách ly.
Một loại phê bình khác, hay được nêu lên, nhất trí là nhà vật lý và đạo học hướng đến những tầng mức khác nhau của thực tại, những lý luận rằng thực tại của đạo học cao hơn, là thực tại, là thực tại tâm linh, nó chứa đựng thực tại thấp hơn là hiện tượng vật lý, trong lúc thực tại vật lý không chứa tâm linh.
Trước hết tôi xin nói rằng, nói một thực tại này cao hơn hay thực tại kia thấp hơn, là một tàn dư của mẫu hình tư duy cũ – lại nhắc tới hình ảnh của toàn kiến trúc, chứ không nói về mạng lưới. Tuy nhiên tôi đồng ý là nhà vật lý không nói được gì về các tầng mức khác nhau, hay chiều hướng hay thực tại khác – đời sống, tinh thần, ý thức, tâm linh… Đối với vật lý, không có gì để nói về những tầng mức của nó, nhưng khoa học thì rất có thể.
Tôi đã đến chỗ tin rằng hình mẫu mới cho khoa học, mà tôi đã đề xuất sáu tiêu chuẩn, đã tìm thấy sự phát biểu phù hợp nhất trong lý thuyết mới về đời sống, những hệ thống tự tổ chức vận hành, chúng đã xuất hiện trong ngành Cybernetics (điều khiển học) trong những thập niên qua. Ilya Priogine, Gregory Batetson, Humberto Maturana và Francisco Varela là một số những người đầu tiên đóng góp cho thuyết này. Đó là một thuyết có thể áp dụng cho mỗi quá trình phát triển hữu cơ cá thể, hệ thống xã hội, và hệ thống sinh thái; và chúng hứa hẹn đưa đến một quan niệm thống nhất về đời sống, tinh thần, vật chất và tiến hóa. Cách tiếp cận này xác nhận sự tương đồng giữa vật lý và đạo học và cộng thêm nhiều cái khác nằm ngoài phạm vi vật lý: quan niệm về ý chí tự do, quan niệm về sống chết, tự tính của ý thức, vân vân. Đó là một sự hòa điểu sâu sắc giữa khái niệm, chúng được phát biểu trong một hệ thống tự tổ chức vận hành và các khái niệm liên hệ trong các truyền thống đạo học.
Sự phát triển hiện nay và khả năng trong tương lai
Điều vừa đề cập dẫn tôi nói về sự phát triển hiện nay và khả năng trong tương lai về sự phát biểu của những mẫu hình của khoa học mới. Từ khi viết Đạo của vật lý, tôi đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức khi nói về vai trò của vật lý trong sự phát triển này. Lúc bắt đầu nghiên cứu sự chuyển dịch của mẫu hình trong nhiều loại hình khoa học, tôi nhận ra tất cả chúng đều xuất phát từ thế giới quan cơ học của vật lý Newton, và tôi thấy vật lý mới là mô hình lý tưởng cho khái niệm và cách tiếp cận mới trong loại hình khác. Trong thời gian qua, tôi đã nhận định rằng một quan điểm như thế có nghĩa là tầng mức của vật lý là cơ bản hơn mọi thứ khác. Ngày nay tôi xem nền vật lý mới, đặc biệt là thuyết Dung thông (Bootstrap) chỉ là trường hợp đặc biệt của phương pháp tiếp cận, khi ta làm việc với hệ thống.
Vì thế, sự hoàn chỉnh các luận điểm mà tôi nêu ra trong Đạo của vật lý không phải nằm trong các phát hiện tiếp theo về sự tương đồng giữa vật lý và đạo học, mà chính là sự mở rộng trong các ngành khoa học khác. Thật ra điều này đã được thực hiện, và tôi xin lướt qua vài tác phẩm đó. Về mối tương đồng giữa khoa học và khoa học tư duy, tác giả tốt nhất mà tôi biết là Francisco Varela, một trong những người đi đầu của thuyết tự tổ chức vận hành. Varela với Evan Thompson, đang viết một cuốn sách về sự tham dự của lý thuyết tâm thức Phật giáo trong nhận thức khoa học. Trong thời gian qua, cuốn sách của ông Three of Knowledge (Cây nhận thức), đồng tác giả với Humberto Maturana, là suối nguồn quan trọng của ý niệm này.
Trong tâm lý học, nhiều tác phẩm đã được hoàn thành để khai phá chiều kích tâm linh của tâm lý học và phép chữa bệnh tâm lý. Có một ngành đặc biệt, tâm lý chung của con người, chỉ cống hiến cho mục đích này. Stanilav Grof, Ken Wilber, Frances Vaughan và nhiều người khác đã xuất bản sách vở về đề tài này, nhiều người trong đó bắt đầu với Đạo của vật lý, và trở về lại với Carl Gustav Jung.
Trong ngành khoa học xã hội, phương hướng tâm linh xuất hiện với tác phẩm của E.F. Schumacher, Buddhist Economics, lần đầu xuất bản vào cuối những năm 60 và từ đó được tìm hiểu trong nhiều nhóm khác nhau và trong các hệ thống mới, cả lý thuyết lẫn thực hành. Liên hệ chặt chẽ với phong trào này là một dạng chính sách sinh thái mới, được gọi là chính sách Green (Xanh), đó là nơi tôi xem là biểu hiện chính trị của sự biến dịch của mẫu hình văn hóa mới. Khía cạnh tâm linh của các phong trào chính trị này đã được thảo luận bởi bà Charlene Spretnak trong tác phẩm The Spiritual Dimension of Green Politics (Chiều kích tâm linh của Chính sách Xanh).
Cuối cùng, tôi xin thêm vài chữ để nói đến quan niệm của tôi về đạo học phương Đông, nó cũng có vài thay đổi trong 15 năm qua. Trước hết, đối với tôi lúc nào cũng rõ, và tôi đã nói trong Đạo của vật lý, rằng sự tương đồng theo cách tôi thấy giữa vật lý và đạo học phương Đông cũng có thể rút ra từ các truyền thống đạo học phương Tây. Cuốn sách tới đây của tôi, Belonging to the Universe (Thuộc về vũ trụ), đồng tác giả với Brother David Steindl-Rast, thảo luận về một vài sự tương đồng đó. Hơn nữa, tôi không còn nghĩ có thể đưa truyền thống đạo học phương Đông vào phương Tây mà không thay đổi chúng trong nhiều điểm quan trọng để thích nghi với văn hóa của chúng ta. Niềm tin này được củng cố bằng sự gặp gỡ với nhiều vị đạo sư tâm linh phương Đông, họ không hiểu được vài khía cạnh chủ yếu của mẫu hình mới đang phát sinh ở phương Tây.
Mặt khác, tôi cũng tin là truyền thống tâm linh của chúng ta sẽ phải chịu nhiều thay đổi quyết liệt để hòa điệu với giá trị của mẫu hình mới. Tâm linh với hình ảnh mới về thực tại mà tôi trình bày ở đây có lẽ phải là một tinh thần sinh thái, hướng đến địa cầu, từ bỏ tinh thần gia trưởng. Loại tâm linh mới này đã được phát triển trong nhiều nhóm và nhiều phong trào, bên trong và bên ngoài Nhà thờ. Một thí dụ là nhóm tâm linh sáng tạo được hình thành bởi Matthew Fox và đồng nghiệp của ông tại Holy Names College, Oakland, California.
Đó là sự phát triển đang xảy ra trong tiến trình hình thành mẫu hình mới. Sự đóng góp của riêng tôi trong mười lăm năm qua đã giúp được sự ra đời cảu những mẫu hình mới và hệ quả xã hội của chúng trong The Turning Point (Bước ngoặt) và tinh lọc thêm sự tổng hợp đó bằng cách hợp tác với một nhóm đồng nghiệp xuất sắc mà cùng với họ tôi đã tìm thấy và phát triển một trung tâm tư tưởng sinh thái, Elmwood Institute.
Qua những năm tháng đó, tôi đã gặp nhiều con người đặc biệt, với họ tôi có những thành tựu lớn. Nhiều tình bạn lâu năm cũng đã xuất phát từ những lần gặp gỡ đó. Lúc tôi quyết định viết Đạo của vật lý cách đây hơn 20 năm, tôi đã có một bước đi đầy rủi ro nghề nghiệp, với nhiều hoang mang lo lắng cũng như e ngại về mặt kinh tế và tôi hoàn toàn cô đơn khi trải qua giai đoạn đó. Nhiều bè bạn và đồng nghiệp của tôi cũng phải chịu như thế khi họ đi những bước tương tự trong lĩnh vực của họ. Ngày nay tất cả chúng tôi thấy mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng tôi được đưa vào trong một hệ thống mà tôi gọi là văn hóa tiên tiến – một phong trào đa dạng tiêu biểu cho nhiều mặt của một cách nhìn mới về thực tại, từng bước kết tinh lại để thành một lực lượng mạnh mẽ cho sự chuyển hóa xã hội.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Fritjof Capra – Đạo của vật lý – NXB THTPHCM 2015.