Một vấn đề có liên quan khác là các nhà đầu tư có xu hướng tránh sở hữu cổ phiếu đa chủng loại. Trên cơ sở đó, họ chỉ có thể tiếp cận với loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết hoặc cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết. Nhà đầu tư thường muốn sở hữu loại cổ phiếu phổ thông có tất cả quyền biểu quyết, những thứ luôn có sẵn để bán, để họ có thể bầu ra ban giám đốc trong trường hợp công ty không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Như vậy, việc sở hữu một loại cổ phiếu phổ thông với đầy đủ quyền biểu quyết có thể làm tăng thành phần cổ đông, do đó gián tiếp làm tăng giá cổ phiếu.
Một khó khăn khác là khi công ty có được một lượng cổ phiếu trôi nổi lớn, nhưng lượng cổ phiếu này lại nằm trong tay một số tổ chức đầu tư. Nếu các tổ chức đầu tư này chủ động không giao dịch thì hiệu quả của việc phát huy lượng cổ phiếu trôi nổi này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với những tính toán chuẩn ban đầu. Do vậy, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư có thể gặp gỡ các cổ đông lớn để thuyết phục họ bạn bớt một phần cổ phần mà họ đang sở hữu, mặc dù một nhà đầu tư có nhận định lạc quan về cổ phiếu của mình trong tương lai sẽ không thích làm điều đó. Cách tiếp cận tốt hơn về lâu dài là thực hiện các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư của công ty đến các nhà môi giới hay trực tiếp đến các nhà đầu tư bán lẻ để khuyến khích họ sắp xếp lại danh mục cổ phiếu theo từng loại nhà đầu tư, những người có khả năng tạo ra một thị trường giao dịch năng động.
Các chuyên viên quan hệ nhà đầu tư nên tư vấn cho ban giám đốc xem xét việc mua lại cổ phiếu. Việc mua lại cổ phiếu sẽ gửi đến thị trường một thông điệp rằng công ty nhận thấy cổ phiếu của mình đang bị định giá thấp. Điều này cũng có khả năng làm tăng giá cổ phiếu nếu công ty khẳng định sẽ mua lại cổ phiếu nếu nó giảm xuống dưới mức ấn định. Hơn nữa, việc mua lại sẽ làm tăng hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), bởi vì nguồn thu nhập được chia cho số cổ phiếu ít hơn. Tuy nhiên, việc mua lại cũng sẽ làm giảm khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, giảm lượng cổ phiếu trôi nổi. Trong hầu hết các trường hợp, số cổ phiếu được phép mua lại là rất nhỏ nên khó có thể làm giảm lượng cổ phiếu trôi nổi. Do đó, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư chỉ đưa ra lời khuyên với ban giám đốc nếu cho rằng việc mua lại đó lớn đến mức có thể làm giảm lượng cổ phiếu trôi nổi.
Việc theo dõi cổ phiếu trôi nổi của các đối thủ cạnh tranh để xem cách thức họ quản lý cũng rất hữu ích. Nếu nhận thấy họ sử dụng phương pháp mới nhưng có hiệu quả, chúng ta nên học hỏi. Ngược lại, nếu thấy họ gặp khó khăn trong việc quản lý cổ phiếu trôi nổi, ta nên rút ra bài học từ trải nghiệm đó và thử tìm kiếm một phương pháp khác thay thế.
Nói tóm lại, không có những việc như lượng cổ phiếu trôi nổi quá lớn hay mật độ phân phối quá rộng. Chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cần phải luôn cố gắng để đơn giản hóa cấu trúc nguồn vốn phức tạp, đăng ký cổ phiếu và thuyết phục các nhà đầu tư bán lẻ mua lại cổ phiếu, từ đó sẽ cải thiện được lượng cổ phiếu trôi nổi.
Xử lý thông tin xấu
Thông tin xấu sẽ xuất hiện theo thời gian, và chuyên viên quan hệ nhà đầu tư phải chuẩn bị để đối phó với nó. Bản chất của thông tin xấu là rất khó dự đoán chính xác bởi nó có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức và có thể diễn ra theo một kịch bản mới chưa từng có trước đây. Các ví dụ về tin xấu bao gồm âm mưu thâu tóm, nhiều vụ kiện tụng, sự thất bại của việc ứng dụng bằng sáng chế quan trọng, xung đột với công đoàn… Cộng đồng đầu tư sẽ điều chỉnh giá cổ phiếu của một công ty không chỉ để phản ứng với các tin tức thực tế mà còn phù hợp với cách thức mà công ty xử lý các thông tin đó.
Nếu một loại tin xấu đã từng xảy ra trong quá khứ và có khả năng sẽ tái diễn, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư nên lập kế hoạch dự phòng cụ thể để đối phó với loại tin xấu như thế. Kế hoạch này phải bao gồm một danh sách liên lạc nêu rõ những thông tin mà các nhà quản lý và các nhà đầu tư sẽ được liên hệ, nơi liên hệ, người thay thế trong trường hợp họ vắng mặt, một danh mục các hoạt động cần thực hiện và danh sách liên hệ với các phương tiện truyền thông. Danh sách này có thể bao gồm cả một bộ thông cáo báo chí. Trong lịch làm việc của mình, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cũng nên bao gồm cả bản đánh giá thường niên về các kế hoạch dự phòng để đảm bảo rằng tất cả những câu trả lời vẫn còn phù hợp và thông tin liên lạc vẫn còn cập nhật. Ngoài ra, một chuyên viên pháp chế cần phải định kỳ xem xét lại các kế hoạch, thẩm định lại hồ sơ của công ty xem có phù hợp với quy định của Ủy ban Chứng khoán không.
Có một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho những tin xấu là liên tục theo dõi thông tin của các công ty khác trong ngành. Nếu những công ty này rơi vào một trường hợp cụ thể nào đó, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư nên theo dõi cách xử lý của họ. Nếu đối thủ cạnh tranh phản ứng bất thường nhưng có hiệu quả, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư nên ghi chép vào kế hoạch dự phòng của mình với cùng một kịch bản.
Chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cũng nên xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để biết được tin xấu càng sớm càng tốt. Điều này có nghĩa là xây dựng một kênh liên lạc trên các phương tiện truyền thông doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư, những người sẽ chuyển đến cho bạn bất cứ tin đồn nào mà họ nghe thấy. Ngoài ra, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư phải kiểm tra các báo cáo tài chính của công ty ngay khi chúng vừa được lưu hành nội bộ nhằm phát hiện những vấn đề có thể khiến các nhà đầu tư hoặc các nhà phân tích chất vấn. Chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cũng nên có trong tay danh sách thư kiểm toán có liên quan đến việc kiểm soát công ty. Ngay cả khi có một cơ hội nhỏ để xảy ra một cuộc đình công, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cũng phải lập tức liên lạc với công đoàn của công ty để giải quyết. Nếu các điều luật sắp được ban hành có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp (chẳng hạn như các quy định kiểm soát ô nhiễm môi trường hoặc hạn chế nhập khẩu), chuyên viên quan hệ nhà đầu tư phải thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến luật pháp thông qua một nhà vận động hành lang hoặc một luật sư. Thậm chí việc bán cổ phiếu của một người bên trong nội bộ cũng bị coi là tin xấu. Nếu một nhà quản lý bán ra một lượng cổ phiếu lớn, cổ phiếu có khả năng sẽ rớt giá. Do đó, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư cần phải nhận biết các trường hợp bán cổ phiếu sắp xảy ra và chuẩn bị để thảo luận về các lý do đằng sau việc bán ra này. Như vậy, một hệ thống cảnh báo sớm phải bao gồm thông tin đầu vào từ nhiều nguồn thông tin rộng lớn.
Hệ thống cảnh báo sớm này cũng phải theo dõi sự xuất hiện của hiệu ứng lây lan, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực công nghiệp từ thời điểm này sang thời điểm khác. Về bản chất, nếu một công ty cùng ngành có vấn đề, các nhà đầu tư sẽ nghi ngờ rằng các đối thủ cạnh tranh của công ty này cũng có thể đang gặp phải vấn đề tương tự, khi đó giá cổ phiếu của cả nhóm công ty sẽ giảm xuống. Vì lý do này, một chuyên viên quan hệ nhà đầu tư có thể thấy những công ty bị cuốn vào hiệu ứng lây lan này mặc dù họ chẳng làm gì sai Trong những trường hợp như vậy, giá cổ phiếu của một công ty có thể sẽ giảm bất kể hành động quan hệ nhà đầu tư nào được áp dụng. Tuy nhiên, có thể nhanh chóng khiến cho giá cổ phiếu tăng trở lại bằng cách sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để chỉ rõ rằng việc lây lan đó bắt nguồn từ một công ty khác và lập tức thông báo với các nhà đầu tư rằng công ty không gặp phải những vấn đề tương tự. Ví dụ, nếu một công ty phải chịu một sự tổn thất lớn do không mua bảo hiểm rủi ro cho các khoản đầu tư bằng ngoại tệ của mình, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư phải ngay lập tức đưa ra một thông cáo báo chí nêu cụ thể phạm vi bảo hiểm rủi ro mà công ty mình đang sử dụng cũng như cách thức mà việc bảo hiểm rủi ro này giúp công ty tránh được những tổn thất tương tự.
Các hiệu ứng lây lan có thể bắt đầu tại bộ phận chuyên viên quan hệ nhà đầu tư. Nếu vậy chuyên viên có thể cố tình khiến cho hiệu ứng lây lan này lan sang các đối thủ cạnh tranh bằng cách trở thành người đầu tiên thông báo tin xấu cho cộng đồng đầu tư. Bằng cách làm người đầu tiên truyền tin, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư sẽ có thời gian để gửi đi những thông điệp tốt nhất về cách thức mà công ty sẽ hành động để giải quyết những tin xấu này. Hy vọng là các đối thủ cạnh tranh sẽ bị bất ngờ trước thông báo này và do đó họ sẽ có ít sự chuẩn bị hơn so với công ty khởi xướng.
Bất cứ khi nào hệ thống cảnh báo sớm phát hiện ra một vấn đề tiềm năng, chuyên viên quan hệ nhà đầu tư phải ngay lập tức lên kế hoạch dự thảo để đối phó với nó kèm theo các thông cáo báo chí liên quan. Kế hoạch này có thể không cần thiết nhưng nên được thực hiện trước khi có bất kỳ câu hỏi nào xuất phát từ phía công chúng để đội ngũ quản lý có thể dành nhiều thời gian hơn để xem xét cách phản ứng và mức độ tiết lộ thông tin phù hợp thay vì dành thời gian để xem xét lại kế hoạch cơ bản.
(còn tiếp)
TH: T. Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Steven M. Bragg – Điều hành hiệu quả bộ phận quan hệ nhà đầu tư – NXB TH TPHCM – 2011.