Đối sách của Nhật Bản với COVID-19 – Phần đầu


Ngày 26/2, đối mặt với tình hình dịch COVID-19 có thể nhanh chóng lan rộng ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi “tự cách ly”, mong muốn trong vòng 2 tuần, các hoạt động tập thể như cuộc thi thể thao, văn hóa văn nghệ trên phạm vi toàn quốc có thể tạm ngừng tổ chức, nếu buộc phải tổ chức thì cố gắng thu hẹp quy mô nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng khi tập trung đông người. Ngày 27/2, nội dung “tự cách ly” lại mở rộng sang các trường trung học và tiểu học, chính phủ kêu gọi bắt đầu từ ngày 2/3, toàn bộ các trường trung học, tiểu học và giáo dục đặc biệt tạm thời nghỉ học, thời gian nghỉ học gắn liền với kỳ nghỉ xuân vào cuối tháng 3, sẽ kéo dài khoảng 1 tháng.

Việc biểu diễn tập trung đông người gây ra dịch bệnh phần lớn rơi vào thời điểm cuối tháng 2, trước khi chính phủ kêu gọi “tự cách ly”, vì vậy rất nhiều người dân chỉ trích chính phủ phòng chống dịch không kịp thời. Nếu khống chế được dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện trong nước thì sẽ không thể xuất hiện tình trạng lúng túng đó.

Trên thực tế, làm thế nào để thuyết phục hiệu quả dân chúng thực hiện biện pháp bắt buộc, phòng ngừa sự lây nhiễm lan rộng dịch bệnh là lo ngại trực tiếp nhất mà Chính phủ Nhật Bản cần đối mặt. Cho dù là ngừng thi đấu thể thao và hoạt động khác hay đóng cửa trường học thì cũng không thể dựa vào pháp luật, cũng không thể bằng cách ra lệnh hoặc thực hiện biện pháp mang tính cưỡng chế để ngăn cấm hoạt động tập trung đông người khiến dịch bệnh lan rộng. Ngoài ra, nhìn lại việc dịch bệnh tại Nhật Bản đã xuất hiện từ lâu, thái độ và phản ứng của người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi thì cho dù chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi sớm cũng chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Đặc điểm tâm lý “chỉ đến khi có bệnh mới biết lo” của người dân làm tăng thêm khó khăn cho công tác dự phòng sớm dịch bệnh của chính phủ. Tuy nhiên, việc sửa chữa sai lầm đã được tiến hành nhanh chóng, sau khi dịch bệnh lan rộng do tập trung đông người, các phương tiện truyền thông như kênh truyền hình đã xuất hiện tiếng nói khuyên thanh niên không nên đi xem ca nhạc, không đi hát karaoke, các cuộc thi đấu thể thao trên phạm vi toàn quốc hoặc lễ hội có quy mô nhỏ ở địa phương liên tục bị hủy bỏ hoặc trì hoãn tổ chức, một số chính quyền địa phương trước kia không hưởng ứng lời kêu gọi nghỉ học của chính phủ cũng ngay lập tức có phương án đóng cửa trường học.

Nhìn chung, mức độ coi trọng của người dân Nhật Bản đối với dịch bệnh vẫn có phần chủ quan, ở một số vùng ít mắc bệnh, tình hình không nghiêm trọng, vẫn có rất nhiều người không đeo khẩu trang đến nơi công cộng, trong thời gian nghỉ học, vẫn có rất nhiều học sinh trung học, tiểu học đi ra ngoài đường để mua sắm hoặc chơi bời.

Ngày 10/3, trước xu thế bệnh dịch có xu hướng lan nhanh, Thủ tướng Abe có bài phát biểu kêu gọi biện pháp “tự cách ly” trên toàn quốc kéo dài 10 ngày. Tiếp đó, dự thảo luật sửa đổi “Luật biện pháp đối sách đặc biệt với các bệnh dịch mới” được chính phủ đệ trình quốc hội, lần lượt được Hạ viện và Thượng viện thông qua, ngày 14/3 chính thức có hiệu lực. Đạo luật này trao quyền cho Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh truyền nhiễm với sự đồng ý của quốc hội. Trước tình hình bệnh dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và kinh tế, chính phủ có thể căn cứ vào tình hình, thực hiện các biện pháp hoặc yêu cầu cưỡng chế như cấm đi ra ngoài, nghỉ học, nghỉ làm việc… đồng thời có thể căn cứ vào nhu cầu phòng dịch, trưng dụng đất đai, cơ sở y tế, dược phẩm, thực phẩm…

Trái ngược với việc thuyết phục dân chúng phối hợp ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng, chính phủ thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp để thực hiện các biện pháp như nghỉ làm, nghỉ học…, sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế Nhật Bản, là lo ngại lớn nhất của chính phủ nước này. Do chịu ảnh hưởng của các vấn đề như cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, tăng thuế tiêu dùng, mưa bão, mùa đông ấm áp…, kinh tế Nhật Bản suy thoái trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDp trong 4 quý giảm 1,8% xu hướng tương lai sẽ vẫn kéo dài tình trạng tồi tệ.

Dịch COVID-19 lan rộng làm gia tăng xu hướng không mấy tốt đẹp của kinh tế Nhật Bản. Theo dự báo của 14 nhóm chuyên gia kinh tế của tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei), do tiêu dùng cá nhân giảm, đầu tư giảm mạnh và triển vọng phát triển kinh tế mờ mịt, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của nước này sẽ tiếp tục giảm. Vào ngày Thượng viện Nhật Bản thông qua “Luật biện pháp đặc biệt”, toàn bộ thị trường chứng khoán Tokyo tụt dốc, giá cổ phiếu Nikkei giảm xuống dưới 17.000 điểm, trong một tuần đã giảm tới mức thấp nhất trong lịch sử.

Ngành du lịch và bán lẻ của Nhật Bản cũng trở thành những nạn nhân trực tiếp và lớn nhất của dịch COVID-19. Ngay từ cuối tháng 1/2020, rất nhiều khách sạn ở các vùng như Hokkaido đã bắt đầu dừng hoạt động, nhiều khách sạn có dịch vụ suối nước nóng đã không thể kinh doanh được do lượng du khách giảm mạnh, các cửa hàng miễn thuế lớn trên khắp Nhật Bản có rất ít khách trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc, lượng hàng tiêu thụ quá ít, các đồ lưu niệm từng bán chạy trước đây như “Người yêu màu trắng” đã tuyên bố ngừng sản xuất vì không bán được hàng, rất nhiều thông tin bi quan tương tự như vậy được truyền đi.

Năm 2019, ngành du lịch Nhật Bản đã thu hút được gần 32 triệu lượt du khách nước ngoài, chi tiêu khi đến nước này là gần 5000 tỷ Yen. Theo thống kê của Cơ quan du lịch Nhật Bản, số lượng du khách thăm Nhật Bản tháng 1/2020 đã giảm 1,1%, tháng 2/2020, do nguồn khách du lịch lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Nhật Bản bằng máy bay giảm 80% nên với tình hình này, dự báo của Chính phủ Nhật Bản về số lượng du khách đến quốc gia này lên tới 40 triệu lượt người, với nguồn thu 8000 tỷ Yen khó có thể đạt được.

Tình hình các ngành nghề khác cũng không mấy lạc quan. Một mặt, do chịu ảnh hưởng của các nhân tố như trường học đóng cửa, hoạt động tự do cá nhân giảm, doanh nghiệp làm việc từ xa, công việc giảm…, các ngành cung ứng như nông sản cho nhà ăn trường học, vận chuyển giao thông, xây dựng… đều xuất hiện vấn đề kinh doanh khó khăn ở mức độ khác nhau. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản cũng vì vậy mà giảm đi, lòng tin của người tiêu dùng đã giảm đi nhiều. Thuế tiêu dùng tăng lên 10% vào tháng 10/2019 đã làm giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước và lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản, tính khó lường của dịch COVID-19 bất ngờ gây ra giống như đổ thêm dầu vào lửa, tác động lớn hơn đến thị trường tiêu dùng trong nước.

(còn tiếp) 

Nguồn: Trang mạng Quốc tế (TQ) – 18/03/2020.

TLTKĐB – 28/03/2020.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s