Theo tạp chí Foreign Affairs ngày 23/3, phản ứng của Chính phủ Mỹ trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona gây ra là rất bối rối, không nhất quản và phản tác dụng. Kể từ tháng 2 vừa qua, những dữ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy đã cho thấy rõ là loại virus này đang lây lan nhanh chóng ở những khu vực mà không thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp đơn giản để ngăn cách mọi người có thể giúp làm chậm tốc độ lây nhiễm các ca mới. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Trump đã không thực hiện bất kỳ sự cách ly xã hội nào. Thậm chí khi các ca lây nhiễm cấp tính tràn ngập các bệnh viện của Mỹ, Chính quyền Trump vẫn chỉ có một vài nỗ lực để tăng cường hệ thống y tế, tăng số lượng máy thở ở các bệnh viện hay mở rộng xét nghiệm.
Nhiều người đổ lỗi những thất bại này cho ông Trump do ban đầu đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Tới ngày 4/3, ông Trump vẫn khăng khăng cho rằng dịch COVID-19, vốn bị gây ra bởi một chủng mới của virus Corona, không tồi tệ hơn so với cúm mùa. Một tuần sau đó, ông Trump tuyên bố rằng hệ thống y tế của nước Mỹ đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh. Ông Trump đáng bị chỉ trích, lên án vì đã khuyến khích đất nước mộng du bước vào cuộc khủng hoảng. Đáng trách hơn là sự tấn công của Tổng thống Mỹ và các thể chế nước này, vốn bắt đầu từ rất lâu trước khi virus mới xuất hiện và sẽ được cảm nhận rất lâu sau khi nó biến mất.
Bằng cách không ngừng tấn công các chuẩn mực của sự chuyên nghiệp, độc lập và chuyên môn kỹ thuật và ưu tiên sự trung thành chính trị trên tất cả, ông Trump đã làm suy yếu bộ máy hành chính liên bang đến mức bây giờ nó bắt đầu giống như “Paper Leviathan”, một thuật ngữ mà nhà kinh tế chính trị James Robinson và tác giả bài báo sử dụng để mô tả các quốc gia chuyên quyền vốn dành rất ít không gian cho dân chủ hay sự chỉ trích đối với chính phủ và thể hiện năng lực hoạch định chính sách mỏng như tờ giấy. Các quan chức ở những quốc gia này đã quen với việc ca tụng, gật đầu và nhận chỉ thị từ giới lãnh đạo cấp cao hơn là sử dụng chuyên môn của họ để giải quyết các vấn đề. Càng nhiều quan chức Mỹ giống như những vị quan liêu độc đoán nói trên thì xã hội ngày càng ít tin tưởng họ và họ cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả vào những thời khắc khủng hoảng như hiện nay.
Chỉ trong hơn ba năm cầm quyền, ông Trump đã đảo ngược rất nhiều quy tắc chính trị mà trước đây đã giúp hệ thống chính trị của Mỹ vận hành, bao gồm cả những kỳ vọng về việc Tổng thống sẽ không đưa ra những lời nói dối một cách thẳng thừng; sẽ không can thiệp vào các vụ án; sẽ không cản trở các cuộc điều tra thực thi luật pháp; sẽ không tha thứ hay khuyến khích tình trạng bạo lực; sẽ không mang lại lợi ích vật chất về cho gia đình hay cho phép gia đình hưởng lợi từ sự đặc quyền và quyền lực hành pháp; và sẽ không phân biệt đối xử với công dân bất kể sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo của họ là gì. Trên cơ sở làm rõ những chuẩn mực này, có thể thấy ông Trump đã đẩy nhanh sự phân cực hóa nền chính trị Mỹ – một xu hướng ăn mòn có từ trước khi ông lên nắm quyền và đã được tăng cường dưới sự giám sát của ông. Cái giá của sự phân cực không chỉ thể hiện rõ trong các vấn đề chính trị mà còn ở cả sự bất lực của các chính trị gia không thể giải quyết các vấn đề cơ bản như thiếu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người, tình trạng bấp bênh của cơ sở hạ tầng công cộng đang xuống cấp hay thậm chí ngăn chặn chính phủ khỏi việc đóng cửa theo định kỳ.
Nhiệm kỳ của ông Trump thậm chí còn tai họa hơn đối với một trong những trụ cột thể chế quan trọng nhất mà đã giúp hạn chế quyền hành pháp trong hai thế kỷ qua: đó là nền công vụ. Để chắc chắn, bằng cách trao toàn quyền cho tổng thống trong việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao, các thể chế chính trị của Mỹ khiến cho sự chuyên nghiệp phi đảng phái không thể dễ dàng bén rễ trong các cơ quan hành pháp. Thậm chí ngay cả dưới thời các chính quyền với những chương trình nghị sự chính sách và ưu tiên khác nhau, hầu hết các bộ ngành đều cố vận hành một cách hiệu quả và theo đuổi các chính sách đúng đắn trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, môi trường, thương mại, hàng không vũ trụ và tất nhiên cả kiểm soát dịch bệnh. Bằng cách duy trì các quy tắc và quy trình phi đảng phái và dựa trên yếu tố chuyên môn kỹ trị, các quan chức chuyên nghiệp phục vụ theo chức năng chính trị được bổ nhiệm như một cách để bảo vệ chính quyền, ngăn chặn việc thực hiện các chính sách cực đoan hơn hay thể hiện xu hướng đảng phái rõ ràng hơn. Một nền công vụ chuyên nghiệp cũng là biện pháp bảo vệ cuối cùng, mạnh mẽ nhất trước các thảm họa thiên nhiên và trường hợp khẩn cấp về y tế.
Chính quyền Trump không chỉ thất bại trong việc duy trì cơ sở hạ tầng y tế thiết yếu để bảo vệ đất nước trước các dịch bệnh truyền nhiễm, ví dụ như ông đã giải tán đơn vị sẵn sàng đối phó với đại dịch trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia. Sự “thù hằn” của ông Trump đối với vấn đề chuyên môn vô tư đã khiến rất nhiều quan chức liên bang có kinh nghiệm và chuyên môn nhất phải ra đi và chỉ được thay thế bằng những người trung thành với ông Trump. Các cuộc tấn công liên tiếp của ông Trump nhằm vào những người vạch ra sự không trung thực của ông ta hay các vấn đề về chính sách của chính quyền đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi, ngăn cản các quan chức lên tiếng. Điều này đã phần nào phản ánh về phản ứng ban đầu chậm chạp và không hiệu quả của các cơ quan y tế liên bang trước sự bùng phát của dịch bệnh như Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC).
Sự tấn công của ông Trump đối với bộ máy cai trị liên bang đang dẫn nước Mỹ đi vào con đường suy đồi về thể chế, theo sau bởi rất nhiều quốc gia đã từng là nước dân chủ nhưng giờ cũng chuyển thành chuyên quyền độc đoán. Từ Argentina dưới thời Juan Peron ở giữa thế kỷ 20 đến Hungary dưới thời Viktor Orban hay Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan hiện nay, một điểm bước ngoặt trong gần như tất cả các thảm kịch như vậy là việc đánh mất sự độc lập của nền công vụ và tư pháp.
Không quá muộn để đảo ngược những thiệt hại mà ông Trump đã gây ra cho các thể chế và bộ máy quản lý liên bang. Bước đi đầu tiên để làm như vậy là từ bỏ một câu chuyện hoang đường rằng Hiến pháp, được xây dựng bởi những người sáng lập nước Mỹ, có thể bảo vệ nền dân chủ Mỹ trước một vị tổng thống chuyên quyền, phân cực, khó đoán và tự ái. Như James Madison đã tuyên bố rằng: “Mục đích của tất cả các hiến pháp chính trị là trước tiên phải tập hợp cho người lãnh đạo các nhân vật có trí tuệ nhất để nhận thức và đạo đức nhất để theo đuổi lợi ích chung của xã hội và trong giai đoạn tiếp theo thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để giúp họ duy trì đạo đức khi tiếp tục được sự tín nhiệm của công chúng”.
Nguồn: TKNB – 25/03/2020.