Chiến lược khu vực phối hợp: Hướng đến các cộng đồng khác nhau
Tập đoàn Jollibee Foods tham gia vào việc phát triển, vận hành, và nhượng quyền thương mại các nhà hàng phục vụ nhanh tại Philippines và quốc tế. Công ty hoạt động thông qua ba nhánh kinh doanh: dịch vụ ăn uống, nhượng quyền và cho thuê. Các nhà hàng phục vụ nhanh được tập đoàn vận hành dưới các thương hiệu như Jollibee, Chowking, Greenwich, Red Ribbon, Yonghe King, Hong Zhuang Yuan, Mang Inasal, Burger King, San Pin Wang, và 12 nhà hàng lẩu khác. Công ty cũng tham gia vào việc cho thuê các địa điểm đặt cửa hàng, in ấn kỹ thuật số và các hoạt động quảng cáo, cung cấp các dịch vụ kế toán, nhân sự và hậu cần, cũng như các dịch vụ quản lý kinh doanh.
Về thị trường tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, JFC nhắm đến bốn cộng đồng khách hàng: gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên, và những người tiết kiệm. Gia đình là một nhóm khách hàng sẵn sàng nuôi dưỡng quan hệ tình cảm và dành thời gian ý nghĩa với tất cả các thành viên. Trẻ em tạo thành một nhóm với mong muốn một sân chơi có thể đáp ứng tinh thần ham khám phá của chúng. Thanh thiếu niên thuộc nhóm khách hàng cần một chốn rộng rãi và thoải mái, nơi họ có thể cùng nhau sẻ chia tiếng cười hay những câu chuyện bên cạnh một thực đơn giá cả phải chăng. Trong khi đó, những vị khách tiết kệm là những khách hàng đi theo nhóm vào những sự kiện nhất định, chẳng hạn như hội họp cho nhân viên văn phòng, sinh nhật hay các cuộc hội ngộ. Yêu cầu của họ là các món ăn tiêu chuẩn sạch sẽ và giá cả phải chăng.
Đối với thị trường nước ngoài, Jollibee sử dụng các chiến lược có đôi chỗ khác biệt. Công ty đang cố gắng tiếp cận cộng đồng người Philippines rải rác khắp thế giới thông qua các giá trị gia đình mà họ cung cấp (Dalgic, 2006). Một ví dụ là Jollibee ở Hoa Kỳ, vốn mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1998 tại California (Jollibee USA, 2014). Khi phục vụ cho các gia đình Philippines và Philippines-Mỹ sống trong khu vực, Jollibee đem lại cho họ cảm giác bồi hồi nhớ những điều quen thuộc từ quê nhà. Ở Đông Á, Jollibee đang cố gắng kết nối với các cộng đồng người Hoa, cộng đồng mang lại nền văn hóa chi phối ở khu vực này.
Chiến thuật địa phương hóa tùy chỉnh: Menu cho từng địa phương và những sáng kiến trực tuyến
Đối với người Philippines, những sản phẩm của Jollibee hấp dẫn vị giác họ. Bằng cách tập trung nguồn lực đáp ứng khẩu vị của người dân bản địa, Jollibee đã có thể phục vụ thêm các món ăn được địa phương hóa mà không chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nào ở Philippines có được, chứ không chỉ là món khoai tây chiên thông thường kèm theo các bữa ăn như tại McDonald’s, KFC, Burger King,…
Ngoài lãnh thổ Philippines, Jollibee còn tạo ra các thực đơn đặc biệt để đáp ứng khẩu vị từng địa phương. Ví dụ như trong ẩm thực Việt Nam, các loại rau tươi đóng vai trò thiết yếu, do đó không có gì ngạc nhiên khi thực đơn của Jollibee tại đây có thêm món Xà lách dầu giấm. Đi chung với các món trong thực đơn Chicken Joy – Vui Ăn Gà, công ty còn có thực đơn Chicken Barbecue – Gà Nướng, Chicken Strips – Bánh Gà và Chicken Curry – cơm Cà Ri Gà. Để chiều lòng một đất nước yêu thịt như Qatar, Jollibee đã giới thiệu bánh kẹp pita với nhân thịt bò xông khói hoặc gà xắt miếng. Tương tự như Qatar, thực đơn Jollibee phiên bản Saudi Arabia cũng có thêm rau trộn Macaroni và burger Gà Chiên Giòn. Ẩm thực Brunei ảnh hưởng lớn tới các quốc gia láng giềng như Indonesia, Singapore, và Malaysia, vì vậy không có gì quá bất ngơ khi trên thực đơn Jollibee chễm chệ món cà ri gà.
Để nắm bắt những cơ hội phát sinh nhờ sự gia tăng của người tiêu dùng kỹ thuật số, Jollibee đã triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến của mình với AsiaPay, một nhà cung cấp giải pháp và công nghệ thanh toán điện tử ở châu Á, đồng thời là công ty đứng sau PesoPay. Dịch vụ này cho phép trang web giai hàng trực tuyến của Jollibee (www.jollibeedelivery.com) chấp nhận thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng. Nhờ việc tích hợp nền tảng thanh toán của AsiaPay cho thị trường Philippines thông qua PesoPay, Jollibee đã có thể đưa ra cho khách hàng lựa chọn thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng tiện nghi và dễ dàng. Ngoài ra, các công cụ quản lý chống gian lận của PesoPay sẽ tạo điều kiện cho Jollibee tiến hành thanh toán trực tuyến một cách an toàn, từ đó phát hiện và ngăn chặn gian lận trước khi điều đó xảy ra.
Việc áp dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho thị trường địa phương có thể được xem là sáng kiến của Jollibee để thực hiện “Thích ứng tiền tệ”. Thông qua khái niệm “định giá kiểu làn sóng mới” này, công ty đã thiết lập các lựa chọn minh bạch cùng với một cơ chế tùy chỉnh, nghĩa là cung cấp nhiều loại sản phẩm và giá có thể tùy chỉnh trực tuyến (ví dụ: cho phép người tiêu dùng chọn từ thực đơn bánh mì kẹp thịt những món phù hợp với nhu cầu hoặc ngân sách của họ).
Jollibee cũng nỗ lực tích hợp các chương trình khuyến mãi trực tuyến và ngoại tuyến. Có thể kể đến chương trình Amazing Aloha Champ Amazing Blowout của họ ra mắt vào năm 2015. Mỗi khách hàng ở Philippines chỉ cần đặt hàng bữa ăn tiết kiệm Amazing Aloha Champ đi kèm nước dứa để tham gia cuộc thi. Những người tham gia có thể chuyển dữ liệu cá nhân và số biên nhận chính thức bằng cách nhập thông tin trên trang web của họ http://www.amazingblowout.com. Thách thức tiếp theo của Jollibee là thiết kế các chương trình khuyến mãi trực tuyến mang tính sáng tạo, để từ đó khiến khách hàng rỉ tai nhau về chương trình khuyến mãi đó, cả lúc trực tiếp lẫn lúc trực tuyến.
Honda
Tóm lược lịch sử
Không thể thuật lại lịch sử của Honda mà không nhắc đến quá khứ của người sáng lập tập đoàn này, Soichiro Honda. Soichiro được sinh ra trong một gia đình trung lưu lại một khu dân cư Shizuoka. Để đóng góp phần nào cho thu nhập gia đình, Soichiro đã từng làm một chân phụ việc cho cha tại cửa hàng sửa xe đạp.
Từ nhỏ, Soichiro đã có hứng thú với khoa học kỹ thuật. Ngay cả khi đã là một thiếu niên, anh quyết định rời trường khi mới 15 tuổi vì mối quan tâm của anh dành cho ô tô lớn lao hơn. May mắn thay, cha Soichiro ủng hộ sở thích của anh. Chính vì thế, ông đã giới thiệu việc làm cho Soichiro thông qua một người bạn của mình ở Toyko tên là Kashiwabara, giám đốc một cửa hàng sửa chữa ô tô mang tên Art Shokai.
Chính tại đây, dù không có kiến thức lý thuyết nhưng Soichiro đã học được cơ chế và hoạt động của động cơ tự động thông qua va chạm thực tế. Được trang bị các kỹ năng và chuyên môn từ công việc tại cửa hàng sửa xe đạp, Soichiro cuối cùng cũng mở được xưởng của riêng mình, tại đây anh đã phát triển một số sản phẩm xe tự động. Một trong số đó chính là xe máy. Ý tưởng ban đầu của chiếc xe máy này nảy ra khi anh trông thấy một chiếc xe đạp chạy vơ vẩn và nghĩ đến việc tích hợop máy móc vào thân xe.
Năm 1949, Honda tung ra mẫu xe máy mang tên Dream Type-D. Là một bước đột phá vào thời điểm đó, chẳng mấy chốc chiếc xe đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất Nhật Bản. Honda tiếp tục cải tiến và vào năm 1959 đã cho ra mắt chiếc Honda C-100, mẫu xe máy bán chạy nhất thế giới vào lúc bấy giờ.
Ngày nay, Honda đã trở thành một trong những công ty lớn trong ngành công nghiệp ô tô không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn cầu. Công ty không chỉ sản xuất ô tô và xe máy mà còn tạo ra các sản phẩm công nghệ khác, ví dụ như thiết bị điện, động cơ thuyền, thuyền, máy cắt cỏ và nhiều sản phẩm tương tự. Công ty cũng đang đạt được những bước tiến lớn trong nghiên cứu robot và hiện đang xây dựng robot hình người tiên tiến nhất thế giới mang tên ASIMO (American Honda Motor Co, Inc., 2016).
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Hermawan Kartajaya, Philip Kotler, Hooi Den Huan – Marketing để cạnh tranh – NXB Trẻ 2018