Elizabeth Sidiropoulos
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng bế tắc. Đại dịch này cũng cho thấy rõ những yếu kém trong các thể chế toàn cầu và hợp tác quốc tế, đồng thời bộc lộ mảng tối ẩn sau cam kết toàn cầu hóa. Thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 có vẻ như hoàn hảo, với một nước bá quyền tự cho mình là trung tâm, một cường quốc đối thủ đang trỗi dậy, một hiệp định liên quốc gia hậu hiện đại chịu sự tấn công liên tục của các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong thập kỷ qua, cũng như sự chú ý ngày càng tăng đối với các nhà lãnh đạo cứng rắn (và tỏ ra là những người hùng) và chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng. Mặt khác, những công dân thức tỉnh đang huy động các phong trào xã hội chống lại sự phân biệt đối xử (chủng tộc, giới tính, nghèo đói, bất bình đẳng) và phản ứng yếu ớt của giới tinh hoa chính trị trước thực trạng biến đổi khí hậu. Liệu đây có phải là cơn bão hoàn hảo đối với thế giới?
Sự xuất hiện và lan rộng của đại dịch COVID-19 cũng có thể đồng nghĩa với sự suy thoái của trật tự quốc tế tự do. Hay như Campbell và Doshi đã trìanh bày trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 18/3/2020, đó là thời điểm kênh đào Suez đối với Mỹ – thời điểm chứng tỏ rằng Mỹ không còn là thế lực thống trị, như đã xảy ra với Anh và Pháp vào năm 1956. Theo Emma Grahm-Harrison và các tác giả khác trong một bài viết đăng trên tờ The Guardian ngày 6/2/2020, Trung Quốc với chính sách ngoại giao công chúng hiện nay đang giành chiến thắng trước một nước Mỹ dường như chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ, cho dù trước đó họ đã tìm cách che đậy và kiểm soát sự bùng phát và mức độ lây lan của dịch bệnh. Branko Milanovic trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs ngày 19/3/2020 cho rằng các nước trên thế giới có thể đang đối mặt với nguy cơ phải quay về với tự nhiên, trở thành các nền kinh tế tự cung tự cấp. Thế giới toàn cầu hóa vốn đã quen thuộc với chúng ta hiện không còn nữa.
Sự suy yếu của các quy tắc toàn cầu và hợp tác quốc tế sẽ dẫn đến một thế giới dễ bị tổn thương và nguy hiểm hơn đối với các quốc gia nhỏ bé, ít có ảnh hưởng và không được bảo vệ đúng mức. Hơn nữa, nếu các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, thì hoạt động sản xuất lương thực và y tế sẽ trở nên biệt lập hơn, các quốc gia sẽ chú trọng đến thương mại nhiều hơn, sự di chuyển của con người sẽ bị hạn chế và các tổ chức quốc tế dường như sẽ rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”. Điều đó sẽ dẫn đến một trật tự thế giới mà ở đó kẻ mạnh là kẻ quyết định – một bài học khác từ nhà sử học vĩ đại Thucydides. Nhiều quốc gia phản đối trật tự trên, nhưng thời gian và mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 có thể thay đổi tính toán của họ.
Điều này có ý nghĩa gì với châu Phi?
Châu Phi phải đối mặt với những tác động trực tiếp và những hậu quả lâu dài hơn nhiều. Không khó để nhận ra các tác động trực tiếp: Dịch COVID-19 là phép thử đối với các hệ thống quản lý của châu Phi. Khủng hoảng y tế cũng là khủng hoảng về quản lý như đánh giá của cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf trong cuộc trao đổi với phóng viên tạp chí The Africa Report hôm 21/3 về cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi năm 2014 – 2015. Những yếu kém dai dẳng về cơ sở hạ tầng y tế và năng lực điều hành của chính phủ bị phơi bày, và những công dân vốn đã chán ngấy với giới tinh hoa chính trị có thể sẽ tham gia các cuộc phán kháng xã hội bởi các lệnh phong tỏa kéo dài khiến họ mất đi sinh kế vốn là thứ dễ bị ảnh hưởng nhất. Điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn ở những nơi không có các mạng lưới an ninh xã hội hay các gói kích thích – và đó là một thực tế ở phần lớn châu Phi với tình trạng các chính phủ hiện đang thiếu tiền mặt và không có cách nào để tiếp tục cứu trợ bất kỳ thực thể nào. Thực trạng đó cũng có thể dẫn đến các cuộc phản kháng xã hội nhằm vào giới tinh hoa không có phản ứng thỏa đáng.
Theo ước tính của Viện phát triển hải ngoại (ODI), Anh hôm 20/3/2020, kinh tế châu Phi có thể sẽ chịu thiệt hại 100 tỷ USD, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của lục địa này, do đại dịch COVID-19. Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ tác động mạnh đến Lục địa Đen, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu chính của châu Phi – như xuất khẩu hoa từ Kenya sang châu Âu hay khoáng sản sang Trung Quốc. Không chỉ sản lượng xuất khẩu cảu châu Phi sang Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước châu Phi – bị sụt giảm mà tình trạng hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đình trệ cũng khiến lượng hàng dự trữ của châu Phi thấp dần, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ở châu lục này. Dịch COVID-19 kéo dài có thể làm cạn kiệt nguồn lực của các gia đình, nhất là ở những cộng đồng đã chịu sự tàn phá của HIV/AIDS hoặc bệnh lao – các bệnh làm tổn hại hệ thống miễn dịch và khiến người nhiễm bệnh này dễ mắc COVID-19 hơn.
Theo nhận định của Viện Brookings hôm 17/3/2020, một mạng lưới an ninh tài chính toàn cầu tương xứng hiện là yếu tố quan trọng để giúp các chính phủ châu Phi đối phó với những tình huống này, nhất là nâng cao năng lực tài chính của họ. Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã cùng nhau đưa ra đề xuất giảm nợ cho các nước nghèo. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm G20 hôm 26/3/2020, WB kêu gọi các nước thành viên lập tức ngừng đòi nợ các nước nghèo. Tuyên bố chung của nhóm G20 đã bày tỏ mối quan tâm đối với các nước nghèo, cam kết đẩy mạnh việc xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, huy động viện trợ phát triển và viện trợ nhân đạo cho các cộng đồng có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nước G20 cần cụ thể hóa cam kết tài chính của họ.
Mặc dầu vậy, tác động dài hạn của dịch COVID-19 đối với châu Phi sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi muốn nhấn mạnh 5 khía cạnh nổi bật nhất.
Một là việc khôi phục chủ nghĩa đa phương. Hệ thống đa phương toàn cầu đã được thiết lập cách đây 70 năm và đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Hệ thống này, dù xét ở khía cạnh các thể chế hay các quy tắc và chuẩn mực, đang trở nên phức tạp, cản trở những nước đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng các thể chế đa phương như Liên hợp quốc đã giúp gìn giữ nền hòa bình toàn cầu trong phần lớn thời gian 70 năm đó, đồng thời tạo ra ngày càng nhiều quy tắc và chuẩn mực, cho dù chưa thật sự mang tính kịp thời hay có khả năng chi phối nhiều bên liên quan. Trong những năm gần đây, các thể chế và quy tắc của trật tự này đã phải chịu áp lực ngày càng tăng bởi người bảo vệ nó – nước Mỹ – đã bắt đầu cho rằng trách nhiệm này gây quá nhiều tốn kém cho họ. Đến nay, phản ứng của Mỹ trước dịch COVID-19 chứng thực điều này. Mặt khác, nước được cho là bá chủ toàn cầu – Trung Quốc – chưa sẵn sàng đưa ra một hệ thống mới, cho dù vẫn đang tìm cách lấy lòng các nước thân hữu cũ và mới vốn đã bị Mỹ từ chối. Xét cho cùng, dịch COVID-19 có thể là thời điểm kênh đào Suez của Trung Quốc tương tự như điều đã xảy ra vào năm 1956, khi cuộc khủng hoảng Suez báo hiệu sự xuất hiện của Mỹ trong vai trò thống trị toàn cầu.
Một hệ thống quy tắc toàn cầu mang tính ràng buộc đối với tất cả các nước sẽ chứng minh nhận định của Thucydides rằng kẻ mạnh là kẻ quyết định. Mặc dù châu Phi cho rằng hệ thống này cần phải được cải cách một cách nghiêm túc, nhưng lục địa này vẫn cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Nếu dịch COVID-19 đóng vai trò là chất xúc tác đẩy nhanh tốc độ suy thoái của hệ thống đa phương đó, thì châu Phi sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng làm nổi bật sự cần thiết phải có hành động tập thể để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, cho dù sự sợ hãi khiến các nước coi đó là những chướng ngại vật.
Hai là sự kỳ vọng vào thương mại. Thương mại toàn cầu vốn đã chịu tác động cảu cuộc chiến thuế quan (hay đúng hơn là cuộc chiến công nghệ) Mỹ – Trung và sự tê liệt của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), có thể bị ảnh hưởng hơn nữa trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến mặt hàng dược phẩm và thiết bị y tế trong ngắn hạn – cho dù G20 tuyên bố ngược lại – sẽ dẫn đến sự sụt giảm các chuỗi cung ứng toàn cầu trong dài hạn. Tình trạng này diễn ra đúng vào thời điểm châu Phi đang có những bước tiến đáng kể hướng tới việc thành lập một khu vực thương mại tự do ở lục địa này, dự kiến sẽ khởi động vào tháng 7 năm nay. Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Phi (AU) được Tổng thống Cyril Ramaphosa – Chủ tịch AU năm 2020 – triệu tập vào tháng 5 tới hiện đã bị hoãn lại và ngày bắt đầu thực thi Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) cũng sẽ bị lùi xa hơn. Một yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của AfCFTA là tạo ra các chuỗi giá trị khu vực, cho phép tăng cường thương mại hàng hóa và dịch vụ nội khối vốn còn yếu kém do rất ít nước châu Phi có năng lực sản xuất đáng kể và nhiều nước chưa thực hiện mở cửa thương mại dịch vụ. Thế nhưng, những động thái trên sẽ có ý nghĩa gì nếu phần còn lại của thế giới thu mình vào vỏ ốc của chủ nghĩa bảo hộ? Điều đó khiến việc xây dựng các dây chuyền sản xuất trong nước hay khu vực càng trở nên cấp thiết hơn, nghĩa là châu Phi cần tăng cường đầu tư trong khi phần lớn nguồn đầu tư vào châu lục hiện đến từ nước ngoài. Nghiên cứu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cuối tháng 3 vừa qua cho thấy mức sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể dao động từ 30% – 40% trong giai đoạn 2020 – 2021.
Ba là các trung tâm hợp tác phát triển. Châu Phi là nơi tập trung nhiều nhất các quốc gia thu nhập thấp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ phát triển từ phía Bắc. Suy thoái kinh tế ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 – châu Âu và Mỹ – chắc chắn sẽ tác động đến các dòng viện trợ và danh sách ưu tiên viện trợ trong trung hạn. Đã có một sự thay đổi trong EU liên quan đến viện trợ sau cuộc khủng hoảng di cư, và dịch COVID-19 sẽ khiến cho xu hướng đó trở nên rõ ràng hơn ở mức độ tùy thuộc vào thời gian kéo dài dịch bệnh. Theo tạp chí Forbes ngày 24/3/2018, Chương trình nghị sự 2030 đầy tham vọng của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu đòi hỏi một khoản tài trợ rất lớn mà phần lớn sẽ xuất phát từ các nguồn thu ngoài quốc doanh, đặc biệt là từ khu vực tư nhân. Trong điều kiện bình thường, đó là đòi hỏi khó đáp ứng; trong điều kiện đại dịch COVID-19, điều này gần như là không thể. Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng tương tự. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính rằng dịch COVID-19 sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 1,5%. Do đó, nhiều người sẽ bị bỏ lại phía sau và tương lai của các mục tiêu phát triển bền vững, vốn rất có ý nghĩa đối với thế giới, có thể bị ảnh hưởng đáng kể.
(còn tiếp)
Nguồn: https://saiia.org.za/research/africa-after-covid-19-and-the-retreat-of-globalism/
TLTKĐB – 11/04/2020