Tóm tắt
Tư tưởng “vô vi nhi trị” của Đạo gia là một trong những bộ phận hợp thành chủ yếu của văn hóa tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, trước nay được gọi là “quân nhân nam diện chi thuật”, hàm chứa tư tưởng triết học lãnh đạo phong phú. Bài này chủ yếu tìm hiểu tính thống nhất bên trong của “vô vi tri nhị” và quản lý theo cách trao quyền, cung cấp tư liệu tham khảo cho công tác lãnh đạo, từ đó nâng cao tính hữu hiệu của lãnh đạo, đồng thời làm rõ, nguyên tắc trao quyền là một nguyên tắc lãnh đạo quan trọng trong quản lý học, có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc.
Nhìn từ giác độ lý luận triết học lãnh đạo, tư tưởng của người sáng lập Đạo giao Lão Tử trước nay được gọi là “quân nhân nam diện chi thuật”, tức là phương lược lãnh đạo quốc gia, trị lý thiên hạ của người thống trị tối cao (vua), là lý luận cơ bản mà người thống trị các thời đại không thể không học.
Tư tưởng cốt lõi và trạng thái tối cao của triết học lãnh đạo của Đạo gia là “vô vi nhi trị”. Đạo đức kinh nói như sau về “vô vi nhi trị”: “Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã. Vi giả bại chi, chấp giả thất chi”. Đại ý là, “muốn trị lý thiên hạ mà dùng sức mạnh để thực hiện, tôi xem không thể đạt tới mục đích. Bởi vì thiên hạ, cái thứ thần thánh đó là không thể dùng quyền lực để tùy tiện làm bừa được. Dùng sức mạnh để thực hiện tất nhiên thất bại, ngoan cố độc chiếm tất nhiên sẽ mất”. Có thể thấy, theo Lão Tử, thiên hạ là thần thánh, không phải là thiên hạ của người lãnh đạo, mà là thiên hạ của nhân dân. “Vô vi nhi trị” mà ông nói tức là phải thông qua “vô vi” để đạt tới mục đích của “trị”. “Trị” ở đây là lãnh đạo thành công đối với tổ chức xã hội, còn “vô vi” là con đường và phương tiện, không phải là “không làm gì cả” theo ý nghĩa chung, cũng tuyệt nhiên không phải là từ bỏ lãnh đạo, để cho nó tự phát triển, mà có ý nghĩa sâu sắc riêng của nó. Lão Tử có một câu danh ngôn, đó là “nhân pháp địa, đại pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, có nghĩa là hành vi của cong người cần phỏng theo đất (bởi vì đất là môi trường sống của con người), đất cần phỏng theo trời (vì mặt đất chỉ là một bộ phận hợp thành của vũ trụ), trời cần làm theo đạo (vì đạo vừa là bản thể và khởi nguồn của vũ trự, vừa là quy luật phát triển của vũ trụ), còn đạo thì cần mô phỏng tự nhiên, lấy tự nhiên làm phép tắc. “Tự nhiên” ở đây không phải là giới tự nhiên mà ngày nay chúng ta nói, mà là chỉ tự nhiên nhi nhiên, tức là bản thân sự vật phát sinh phát triển một cách tự nhiên theo quy luật của chính nó, không cần sự cưỡng chế và can thiệp của bất kỳ lực lượng bên ngoài nào.
Lão Tử đề xướng thuận theo quy luật tự nhiên, về mặt phương thức lãnh đạo, ông phản đối người lãnh đạo tùy tiện làm theo ý mình, chủ trương thanh tĩnh vô vi, hành động thuận theo đạo. Ông cho rằng người ngồi trên cần biết rằng trách nhiệm của mình chẳng qua chỉ là “phụ trợ vạn vật tự nhiên”, cần tránh xuất phát từ cái riêng của mình để quản lý một cách bừa bãi, chỉ có làm được như vậy mới có thể khiến hiệu suất quản lý đạt tới mức lớn nhất. Người quản lý càng không nên cố áp đặt ý chí của mình cho người khác, lấy tiêu chuẩn của mình làm tiêu chuẩn phán đoán sự vật.
Lão Tử chia người lãnh đạo ra làm 4 cấp: “thái thượng bất tri hữu chi, kỳ thứ thân chi dự chi, kỳ thứ úy chi, kỳ thứ vụ chi”. Có nghĩa là người lãnh đạo sáng suốt nhất, về căn bản nhân dân không cảm nhận thấy sự tồn tại của ông ta; cấp sau đó, người ta gần gũi ông ta, khen ngợi ông ta; cấp sau nữa, nhân dân sợ ông ta; tệ hại nhất, nhân dân khinh bỉ coi thường ông ta. Đối với Đạo gia, trạng thái lãnh đạo hoàn hảo nhất là phải tự nhiên như là trời đất sinh thành vạn vật vậy. Mọi việc người lãnh đạo làm đều thuận theo tự nhiên, thuận theo quy luật, những người bị lãnh đạo, ai cũng có vị trí của mình, làm hết sức phận sự của mình, đó mới là trạng thái cao nhất của lãnh đạo, như vậy gọi là “vô vi bất vô vi”, là “vi vô vi, tắc vô bất trị hỹ” [thực hiện được nguyên tắc vô vi thì không việc gì không quản lý được].
“Vô vi nhi trị” về bản chất chính là loại bỏ sức ép cao từ bên trên, tạo ra sức mạnh từ dưới lên, tức là đòi hỏi người lãnh đạo cần thực hiện việc trao quyền đầy đủ, khiến cho cấp dưới có cơ hội và điều kiện phát huy đầy đủ tài năng, đồng thời điều khiển và bảo vệ nhân tài một cách thỏa đáng.
Nói đến trao quyền, chúng ta không thể không nhắc đến câu chuyện về Trần Bình và Gia Cát Lượng.
Trần Bình, mưu sỹ quan trọng dưới quyền Lưu Bang, từng nhiều lần đưa ra mưu sách khiến Lưu Bang biến nguy thành an. Sau khi Lưu Bang chết, Lữ Hậu nắm quyền, thân thích họ Lữ thâu tóm các chức vụ trọng yếu về quân sự, chính trị của đất nước, gây bất mãn trong dòng họ Lưu và các đại thần. Nhân lúc Lữ Hậu qua đời, Trần Bình phát động chính biến quân sự, tru du họ Lữ, đón con thứ của Lưu Bang là Lưu Hằng tới Trường An, lập làm thiên tử, tức là Hán Văn đế, Trần Bình làm tả thừa tướng. Một hôm, hoàng đế hỏi Trần Bình, toàn quốc một năm xử bao nhiêu vụ án, toàn quốc một năm thu chi tài chính bao nhiêu. Trần Bình ung dung nói: “Những việc này đã có người chủ quản”. Hoàng đế lại hỏi: “Ai chủ quản?”. Trần Bình trả lời: “Bệ hạ muốn biết vấn đề tư pháp, có thể hỏi đình úy; bệ hạ muốn biết thu chi tài chính, nên hỏi trị túc nội sử”. Hoàng đế lại truy vấn: “Nếu việc gì cũng có người chủ quản rồi, vậy ngươi quản việc gì?” Trước câu hỏi hách dịch của hoàng đế, Trần Bình bình tĩnh nói: “Tể tướng là người trên thì phò tá thiên tử điều hòa âm dương, thuận theo bốn mùa, dưới thì đạt tới quy luật của vạn vật; bên ngoài thì dẹp yên chư hầu bốn xung quanh; bên trong thì gần gũi trăm họ, khiến cho khanh đại phu ai cũng thực hiện được chức trách của mình”. Hoàng đế liền khen giỏi.
(còn tiếp)
Người dịch: Viễn Phố
Nguồn TN2014 – 55