Thị trường bất cân xứng
Theo cách nhìn của FED, phần quan trọng nhất trong kế hoạch xoa dịu cơn sợ hãi trong các thị trường là chính sách truyền thông hay còn gọi là “định hướng chính sách” (forward guidance), thông qua đó, FED tìm cách khuếch đại ảnh hưởng của chính sách nới lỏng bằng cách hứa hẹn rằng họ sẽ duy trì như vậy trong thời gian dài, hoặc cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đạt được mục tiêu đề ra. Cuộc tranh luận chính sách về việc phương pháp định hướng chính sách có phải đang tiếp thêm sức mạnh cho FED lũng đoạn thị trường hay không vẫn luôn là một trong những lĩnh vực điều tra tình báo dai dẳng nhất trong kinh tế học hiện đại Cuộc điều tra này liên quan đến thông tin không hoàn hảo hoặc sự bất cân xứng về thông tin: tình trạng một bên nắm giữ những thông tin tốt hơn bên kia, khiến cả hai bên thực hiện hành vi dưới điểm tối ưu.
Lĩnh vực này đạt được bước tiến vượt bậc với một luận văn của George Akerlof xuất bản năm 1970, Thị trường cho những “trái chanh” (The market for “lemons”), trong đó ông chọn doanh số xe hơi đã qua sử dụng làm luận chứng. Năm 2001, Akerlof được trao giải Nobel Kinh tế một phần vì công trình này. Ông nói, người bán của một chiếc xe hơi đã qua sử dụng biết rất rõ xe còn tốt hay đã xuống cấp nhiều – một “trái chanh”. Người mua thì không biết điều này, do đó phát sinh tình trạng bất cân xứng thông tin giữa hai bên. Thông tin không cân xứng này sẽ quy định hành vi theo những cách trái ngược nhau. Người mua có thể nghĩ rằng mọi chiếc xe đã qua sử dụng đều là trái chanh, nếu không thì người ta đã không bán chúng. Niềm tin này khiến người mau trả giá xuống thấp hơn mức mình sẵn sàng trả. Người bán của những chiếc xe cũ nhưng còn tốt sẽ không chấp nhận mức giá này và từ chối bán xe. Trong trường hợp cực đoan nhất, rất có thể sẽ không có thị trường cho toàn bộ xe đã qua sử dụng vì người mua và người bán không thể thỏa hiệp về mức giá, ngay cả khi về lý thuyết vẫn sẽ có một mức giá cân bằng thị trường nếu cả hai bên tham gia giao dịch đều biết hết mọi thông tin.
Những chiếc xe đã qua sử dụng chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng thông tin bất cân xứng. Nó có thể ứng dụng vào rất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau, bao gồm các giao dịch tài chính. Điều thú vị là, vàng không phải chịu cảnh này vì nó có một chất lượng theo quy chuẩn. Không có gian lận thì không có “trái chanh” khi mua bán vàng thỏi.
Kể từ năm 1970, công trình của Akerlof đã được áp dụng cho vô số vấn đề, và các nhà kinh tế học xem đây như một “phép thử” tài năng. Những ý nghĩa của phân tích mà ông đưa ra vô cùng phong phú. Nếu kỹ thuật giao tiếp có thể được cải thiện và tình trạng thông tin bất cân xứng giảm đi thì các thị trường trở nên hiệu quả hơn và thực hiện chức năng dò giá thuận lợi hơn, giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Năm 1980, nhà kinh tế học 26 tuổi – Ben S. Bernanke đặt ra thách thức đối với vai trò của việc phân tích thông tin trong thị trường hiệu quả. Trong một luận văn có tiêu đề Tính chất không thể đảo ngược, tính chất bất định và Hoạt động đầu tư tuần hoàn (Irreversibility uncertainty, and cyclical investment), Bernanke trình bày quy trình ra quyết định đằng sau một khoản đầu tư và đặt ra vấn đề: tính bất định trong chính sách tương lai và điều kiện kinh doanh gây cản trở khoản đầu tư đó như thế nào. Đây là một câu hỏi trọng yếu. Đầu tư là một trong bốn thành tố nền tảng của GDP, còn lại là tiêu dùng, chi tiêu của Chính phủ và cán cân thương mại. Có lẽ đầu tư là thành tố quan trọng nhất vì GDP bị điều khiển không chỉ khi dự án đầu tư được triển khai mà trong nhiều năm sau đó thông qua cái giá phải đánh đổi để năng suất tăng lên. Việc đầu tư vào các doanh nghiệp mới có thể là chất xúc tác đối với nhu cầu tuyển dụng, nhờ đó thúc đẩy tiêu dùng thông qua việc trả lương cho người lao động bằng lợi nhuận từ khoản đầu tư. Bất cứ trở ngại nào đối với hoạt động đầu tư cũng có thể gây ra tác động tiêu cực lên sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Tình trạng thiếu vốn đầu tư là một tác nhân quan trọng khiến Đại suy thoái kéo dài. Các học giả, từ Milton Friedman và Anna Schwartz cho đến Ben Bernanke đều xác định chính sách tiền tệ là nguyên nhân hàng đầu của Đại suy thoái. Tuy nhiên, số lượng các công trình nghiên cứu lý do Đại suy thoái kéo dài quá lâu như vậy vẫn chưa là gì so với giai đoạn suy thoái tương đối ngắn vào năm 1920. Charles Kindleberger đã xác định đúng nguyên nhân dẫn đến bản chất kéo dài của Đại suy thoái, đó là tính bất định của chính thể (regime uncertainty). Lý thuyết này cho rằng, ngay cả khi giá thị trường đã giảm mạnh để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại nền kinh tế thì các nhà đầu tư có thể vẫn e ngại vì chính sách công không ổn định khiến họ rất khó tính toán lợi nhuận cho chính xác. Tính bất định của chính thể không chỉ là tính bất định thông thường của hoạt động kinh doanh do sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, hay sự thực thi kém hiệu quả của một kế hoạch kinh doanh. Nó đề cập đến sự bất định phát sinh thêm bởi chính sách can thiệp của Chính phủ, nhìn bề ngoài thì có vẻ như được thiết kế để cải thiện các điều kiện nhưng thực ra là đang khiến tình hình tồi tệ hơn.
Luận văn của Bernanke được xuất bản năm 1980, ngay giữa ba thời kỳ đỉnh cao của tính bất định chính thể trong một thế kỷ qua: thập niên 1930, thập niên 1970 và từ năm 2010 đến nay.
Trong thập niên 1930, tính bất định bị gây ra bởi bản chất thất thường, lúc thế này lúc thế khác của những chính sách can thiệp mà Hoover-Roosevelt đưa ra trong việc kiểm soát giá, trợ giá, luật lao động, xung công vàng và nhiều lĩnh vực khác. Tính bất định càng thêm nghiêm trọng bởi các quyết định của Tòa án Tối cao ủng hộ chương trình này và hủy bỏ chương trình kia. Bất chấp lực lượng lao động không được sử dụng dồi dào và giá cả chạm đáy, trong thập niên 1930, các nhà tư bản vẫn thờ ơ cho đến tận khi đám mây bất định chính sách được gạt bỏ bởi sự cưỡng chế năm 1946. Chỉ đến khi Chính phủ tìm ra hướng đi đúng đắn, nền kinh tế Mỹ mới thoát khỏi Đại suy thoái.
Trong thập niên 1970, nền kinh tế Mỹ một lần nữa là nạn nhân của sự bất định thể chế nghiêm trọng kéo dài 10 năm, bắt đầu với việc Nixon kiểm soát lương và giá cả, cấm chế độ bản vị vàng, rồi tiếp diễn bởi việc Jimmy Carter ban hành thuế lợi nhuận đánh trên lượng dầu thô khai thác được.
Tình trạng bất định thể chế cũng đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ ngày nay do các cuộc chiến ngân sách, quy định về chế độ chăm sóc y tế, chính sách thuế và luật môi trường. Vấn đề không phải là việc mỗi sự lựa chọn về chính sách thực chất tốt hay tồi. Hầu hết các nhà đầu tư có thể xoay sở thích nghi được khi Chính phủ đưa ra chính sách tồi. Điều cốt lõi là họ không biết chính sách nào sẽ được ủng hộ, do đó không thể tính toán được suất sinh lời nếu không biết đủ rõ về vốn rủi ro.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: James Rickards – Sự lụi tàn của đồng tiền – NXB TC 2017.