Ta lại xem câu chuyện về Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng là nhân vật mà mọi người đều quen thuộc, trong con mắt mọi người, ông ta là hóa thân của trí tuệ, là mẫu mực của lòng trung thành. Sau thất bại thảm hại ở trận Di Lăng, Lưu Bị ngã bệnh nằm liệt, gửi con côi cho Gia Cát Lượng tại thành Bạch Đế rồi qua đời. Sau đó Gia Cát Lượng hết lòng trung thành trợ giúp A Đẩu, đích thân xử lý mọi việc, thậm chí “tự rà soát đối chiếu sổ sách”. Trong chiến tranh đối kháng với nhà Ngụy của Tào Tháo, ông nhiều lần dẫn quân xuất chinh. Lần cuối cùng đương đầu với Tư Mã Ý của Ngụy hơn trăm ngày. Mấy lần tấn công Ngụy đều bất lợi do đường Thục hiểm trở khó khăn, quân lương vận chuyển không liên tục. Vì vậy Gia Cát Lượng đã chia quân đồn trú, vừa khẩn hoang canh tác vừa phòng thủ, thực hiện kế đóng quân lâu dài. Tư Mã Ý cũng là một người thông minh tuyệt đỉnh, ông ta nhận ra điểm yếu của Gia Cát Lượng, quyết tâm làm hào sâu lũy cao, kiên trì không xuất chiến. Để buộc Tư Mã Ý xuất chiến, Gia Cát Lượng nghĩ cách chọc tức ông ta, sai người gửi cho ông ta quần áo và đồ trang sức của phụ nữ, ý muốn nhắn Tư Mã Ý: Ngươi không xuất chiến thì chẳng khác gì đàn bà. Nhưng khi tiếp kiến sứ giả, Tư Mã Ý rất khách sáo, tán gẫu thoải mái với sứ giả, không hề đả động đến chuyện quân lữ, còn quan tâm hỏi Gia Cát Lượng có khỏe không, nghỉ ngơi thế nào. Sứ giả nói với Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng “sáng dậy tối ngủ, phạt trên 20 vụ đều đích thân xem xét: chỉ dám ăn không đến mấy thăng”. Sứ giả đi rồi, Tư Mã Ý nói với những người bên cạnh: “Khổng Minh ăn ít lo việc nhiều, làm sao có thể trụ được lâu!” Quả nhiên không lâu, Gia Cát Lượng ốm chết trong quân, quân Thục rút lui.
Trần Bình, Gia Cát Lượng là quan chức cấp cao đương thời, với tư cách là người lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của họ có những chỗ mạnh, chỗ yếu nào? Trước hết xem Trần Bình, khi hoàng đế hỏi ông ta “nhà ngươi quản gì”, ông ta trả lời khá thích đáng, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “vô vi nhi trị” của Đạo giao – thuận theo tự nhiên, đoàn kết điều hòa nhịp nhàng quan hệ của các bên, để cho cấp dưới chịu trách nhiệm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Điều đó nói lên rằng ông ta rất hiểu chức trách người lãnh đạo cấp cao – đó không phải là người ôm đồm, việc gì cũng tự mình làm. Trái lại, Gia Cát Lượng có thể nói là người đa tài đa nghệ, làm việc cần cù tận tâm, hàng ngày thức khuya dậy sớm, mọi công việc đều phải đích thân xử lý, đích thân kiểm tra, “tự rà soát đối chiếu sổ sách”, “phạt trên 20 vụ đều đích thân xem xét”, đến nỗi tính chất mệt mỏi quá mức sinh bệnh, xa rời nhân thế quá sớm. Phương thức lãnh đạo như thế không những bất lợi cho chính người lãnh đạo, mà cấp dưới của ông ta cũng không khoái do bị can thiệp quá nhiều, họ sẽ cảm thấy mình không được tín nhiệm, sức sáng tạo độc lập của mình không được phát huy, cảm thấy bị áp chế, do vậy sẽ mất đi tính tích cực công tác. Điều đó không chỉ làm cho không khí của tổ chức trầm lắng, cấp dưới làm việc thiếu tính chủ động, xét theo ý nghĩa lớn hơn, phương thức lãnh đạo này còn mất đi cơ hội phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Một người dù có tài trí, nhưng làm việc dưới quyền một người lãnh đạo can thiệp vào mọi chuyện như vậy, việc gì cũng phải xin ý kiến, cũng phải báo cáo, thông minh tài trí của anh ta khó lòng phát huy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sau khi Gia Cát Lượng mất đi, nước Thục rõ rệt thiếu nhân tài, không ai có thể chủ trì đại cuộc. Cho nên Lyndall F. Urwick trong cuốn Các yếu tố của quản lý đã chỉ ra: “Thiếu dũng khí trao quyền xác đáng và thiếu tri thức về cách thức tiến hành trao quyền là một trong những nguyên nhân thường thấy nhất khiến tổ chức thất bại”.
Trong thực tiễn quản lý hiện nay, vẫn có không ít người lãnh đạo giống như Gia Cát Lượng, “tự rà soát đối chiếu sổ sách”, “phạt trên 20 vụ vẫn đích thân xem xét”, bất kể công việc lớn nhỏ đều tự mình thực hiện, quen bao biện làm thay, suốt ngày lâm vào tình trạng hội họp nhiều, văn kiện nhiều, tiếp khách nhiều, điện thoại nhiều, khó tập trung thời gian và tinh lực để suy nghĩ và xử lý những công việc trong kế hoạch, khiến một số đồng chí lãnh đạo thường đau đầu hoa mắt, mệt mỏi rã rời.
Đã có người từng nói, khi người lãnh đạo đảm đương một công việc mà người khác cũng có thể làm, ông ta sẽ không thể đi làm những công việc mà chỉ có ông ta mới có thể làm. Có nghĩa là, chỉ có người lãnh đạo đứng trên đỉnh kim tự tháp, cân nhắc toàn cục, nắm phương hướng, đưa ra chủ ý, dùng cán bộ, còn trong các công việc cụ thể thì giữ thái độ siêu thoát, “chỉ tay năm ngón”, mới được coi là người lãnh đạo thông minh.
Thực ra, người lãnh đạo sau khi trao một số chức quyền cho cấp dưới, một mặt có thể dành thời gian học tập tri thức mới, từ đó không ngừng bồi đắp, nâng cao trình độ nghiệp vụ và trình độ quản lý của mình, mặt khác, còn có thể kích thích tính tích cực của cấp dưới, phát huy sức sáng tạo của họ. Bởi vì cấp dưới sau khi được cấp trên trao quyền, không phải chịu sự can thiệp từ bên ngoài, sẽ có thể làm việc theo suy nghĩ của mình. Điều này không hẹn mà gặp với “vô vi nhi trị” của Đạo gia. Lão Tử trong Đạo đức kinh đã giải thích thêm về “vô vi nhi trị” như sau: “Phù vật, hoặc hành hoặc tùy, hoặc cường hoặc lụy, hoặc tải hoặc hủy. Thị dĩ thánh nhân khử thậm, khử xa, khử thái”. Ý là tính chất sự vật không giống nhau, tính chất con người khác nhau, đó là trạng thái bình thường của thế giới, nếu xác lập một tiêu chuẩn, cưỡng bức thực hiện để thay đổi tính chất của một vật, một người, thì chỉ làm tổn hại tính chất của sự vật, làm thay đổi tính chất của con người. “Thị dĩ thánh nhân khử thậm, khử xa, khử thái”. Tức là đòi hỏi người lãnh đạo phải loại bỏ cực đoan, loại bỏ xa xỉ, loại bỏ phóng túng, loại bỏ ham mê khoái lạc, thuận theo ý dân, tin tưởng rằng nhất định có thể thực hiện được “vô vi nhi trị” giống như thánh nhân “đắc đạo” vậy.
Tóm lại, “vô vi nhi trị” của Đạo gia chỉ ra rằng, người lãnh đạo cần thuận theo quy luật, thuận theo nhân tính, thực hiện trao quyền, để cho cấp dưới có đầy đủ cơ hội và điều kiện phát huy đầy đủ tài năng của mình, lúc này người lãnh đạo dường như chẳng làm gì, nhưng công việc do ông ta lãnh đạo lại triển khai tốt đẹp mỹ mãn, đó chính là cái tài thống soái “vô vi nhi trị”, là nghệ thuật lãnh đạo đích thực mà không màu mè.
Người dịch: Viễn Phố
Nguồn TN2014 – 55