Khoa học hay không khoa học? Nếu phải, liệu có giống với những khoa học khác? Và khác với các khoa học tự nhiên, nếu xã hội học xuất phát từ một dạng vận dụng tinh thần khoa học, thì chỉ nó có vị trí ngoại lệ của nó? Có lẽ đó sẽ là một vị trí đáng tủi hổ mà các khoa học lịch sử khác cùng chia sẻ. Và chính những khoa học này cũng chỉ sinh ra toàn những đặc điểm khái quát bổ sung vào cho cái cần phải gọi là lý luận xã hội học. Khi kiểm nghiệm các bước phân tích xã hội học, giả sử nếu ta chấp nhận xã hội học có những sự khác biệt với các khoa học đã có vị trí ổn định, thì liệu quan sát và lý luận xã hội học có khác với các dạng quan sát và lý luận khoa học mà từ lâu được các nhà khoa học luận xác định hay không? Liệu lý luận và quan sát xã hội học có khác với các hoạt động tư duy của khoa học hình thức hay khoa học thực nghiệm hay không? Hay là cùng lúc, nó khác với cả hai loại hình hoạt động tư duy này? Hay là phương pháp luận xã hội học có mối quan hệ mật thiết hơn với phương pháp luận thực nghiệm? Nhưng liệu mối quan hệ này có mật thiết đến nỗi Durkheim khẳng định rằng xã hội học như là “một khoa học thực nghiệm về các hiện tượng xã hội”? Liệu có phải giá trị đang được thử thách của phương pháp xã hội học được đánh giá ở chính khoảng cách của nó đối với lịch sử? So sánh lịch sử là phương pháp tạo ra con đường cơ bản của lý luận xã hội học, chẳng hạn như việc xây dựng các thuật ngữ lý thuyết “mẫu” rõ ràng nhất và dễ giải thích nhất trong tất cả các khoa học xã hội. Vậy có phải đó là phương pháp thực nghiệm tương đối hay không? Cuối cùng, tên gọi mỹ miều này còn ẩn chứa điều gì?
Mọi cuộc tranh luận xung quanh kết quả của một nghiên cứu hay của một trường phái nghiên cứu mới đặt ra tất cả những vấn đề này. Thực vậy, người ta không bao giờ chấp nhận nêu các vấn đề một cách sơ sài và máy móc, vì làm như vậy có thể sẽ quên đi những điều “được-thua”, quên đi những toan tính cá nhân hay mục tiêu khoa học, quên đi những sự tăng giảm chiến thuật nghiên cứu, các cơ hội xử lý trực diện hay không trực diện. Trước hết, tranh luận lôi cuốn những ai có thể thỏa mãn sở thích thái quá của mình. Ngay khi người ta tranh luận về tính khoa học của các khoa học xã hội, những người lớn tiếng nhất là những chuyên gia chuyên tấn công hay bảo vệ, phủ nhận hay tán dương. Một bên là những người biết như thế nào là một khoa học “đúng” và “không đúng”. Còn phía bên kia là những ngự lâm bị lôi cuốn bởi hai từ “bảo vệ” và “chứng minh” tính nghiêm túc khoa học cái nghề của họ. Họ tranh luận cho đến khi trở nên mù quáng và hết cả chân thành. Phân tích khoa học luận trước hết là miêu tả một cách có suy nghĩ những hành động và lý luận thực tế của nghiên cứu, chứ không phải làm ồn. Từ lâu, đối với những ai khó tính như Nietzsche hay nguyền rủa (nhà triết học Đức) hoặc đối với những kẻ vô chính phủ trong lý thuyết, thì mọi nhận định về xã hội học hay số phận của các nền văn minh đều nên thay thế. Hầu như khắp nơi, các nhà khoa học bán thực nghiệm cảm thấy nhất quyết phải bảo vệ cho rằng họ là những người cho áp dụng phương pháp thực nghiệm. Thậm chí mỗi một từ, qua đó người ta xem xét kết quả nghiên cứu của mình đã là một diễn giải lý thuyết. Người ta cũng có thể định nói rằng, tất cả các điều đó không để lại hậu quả gì. Những triết gia “tương đối” và những thí nghiệm gia “tương đối” ra sức hò hét trong các báo cáo khoa học chỉ kéo dài đúng thời gian một bài báo tuần. Còn nghiên cứu nghiêm túc, mệt nhọc thì có con đường riêng của nó. Nhưng, sinh viên, những nhà nghiên cứu trẻ, hoặc già cỗi rồi vẫn đọc những bài tuần báo ấy: chắc tuần sau vẫn còn lại một cái gì đó. Nguy hại hơn nữa, trong các ngành khoa học, những bài báo nghiên cứu trước hết được thừa nhận bởi một nguyên do hiển nhiên: người sành nhất sẽ hiểu rằng, trong xã hội học, nếu nói ra nghĩa là không “bác bỏ” kết quả của mình. Trong khi đó, người ta còn biết rằng sẽ có tội, nếu như có những ý kiến cho là tương đồng giữa tính khoa học và “tính phản bác”. Vậy là, mỗi nhà khoa học phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc là chấp nhận bị loại khỏi mọi diễn giải khoa học trong các khoa học lịch sử, hoặc là chỉ viện dẫn kết quả dưới danh nghĩa luật lệ triết học theo hiện tượng học và trực giác. Còn chắc chắn hơn nữa là tạo thành thói quen tinh thần triết học Popper.
Ngày nay, nghiên cứu trong các khoa học xã hội bị kìm kẹp giữa một bên là sự xấu xa, tồi tệ quá đáng và một bên là “danh dự”. Cả hai đồng thời đổ lên chính đầu nó. Mỗi người nói về nghề của mình hệt như người ta đang tạo ra một nghề mới xuất phát từ nghiên cứu. Theo nguyên tắc của cuốn sách này, vấn đề khoa học luận đầu tiên chính là vấn đề “khó nắm bắt được lý luận thực tế” của lịch sử và xã hội học. Thêm vào đó, có một hiện tượng xã hội khác, đó là trong các buổi tọa đàm hoặc trong các lời mào đầu, người ta luôn nghe các nhà xã hội học đòi kết quả nghiên cứu của họ thuộc về thế giới khoa học luận của Popper. Trước khi trình bày công trình nghiên cứu, họ đòi hỏi lý thuyết của mình thuộc về không gian lý luận “có thể phản bác” (espace falsifiable). Các công trình này có khi hay và cũng có khi dở. Nhưng dù sao thì tất cả đều dựa vào những đề xuất lý thuyết hiển nhiên, chẳng đáp ứng điều kiện logic nào để có thể thỏa mãn trắc nghiệm “có tính chất phản bác” (test falsificateur) theo nghĩa của Popper. Qua rồi thời kỳ trang trọng tuyên bố thuộc vào đẳng cấp các nhà nghiên cứu rất đòi hỏi, người ta không còn nghe nói về điều ấy nữa: “lớp các yếu tố phản bác tiềm ẩn” (classe des falsificateurs virtuels) thật là trống rỗng đối với cả các nhà nghiên cứu mang phong cách truyền thống nhất về phương pháp nghiên cứu. Tóm lại, việc chú giải các lý thuyết và sự thiển cận của tư tưởng “duy khoa học” tạo nên hai đỉnh của tính hợp lệ trong các lý thuyết khoa học. Chúng thể hiện trong những gì được ứng tác từ khoa học luận về các khoa học xã hội. Điều tệ hại nhất là lẫn lộn giữa tư tưởng tiên tri và tư tư tưởng duy khoa học: “thông minh nhân tạo”, chắp cánh cho sự tưởng tượng về tương lai.
Những khoác lác về phương pháp luận hoặc những ngoa dụ về lý thuyết thường khuếch trương nhiều trong việc xác định “phát ngôn lý thuyết xã hội học có nghĩa là gì”. Mong sao cho họ giảm âm thanh xuống. Chúng ta cũng đã nghe quá nhiều về việc giảm giá trị khoa học, hoặc thậm chí có thể thấy rằng đơn giản đó chỉ là những kết quả được ghi nhận ở các nghiên cứu khoa học xã hội có tính chất rất vội vàng: ở những người này là khoái cảm thích đau đớn, còn ở những kẻ kia lại nóng nảy hiếu chiến. Hiển nhiên, mong muốn ngược lại đối với một khoa học xã hội là làm sao người nghiên cứu có thể biện hộ và thuyết phục được. Mong muốn chính là làm sao các khoa học xã hội thuộc trọn vẹn về thế giới kiến thức mang tính chất duy nghiệm-hữu lý.
Không có dạng công trình khoa học nào giữ vị trí độc tôn trong tinh thần khoa học, bởi lẽ trước khi đi đến vị trí đó thì có lẽ cái “cơ bản” của khoa học là phải phân biệt trái, phải cho những ai ngấp nghé nhãn hiệu khoa học. Địa vị đầy đủ và tối cao của khoa học không chỉ được thừa nhận trong lịch sử khoa học của các hệ ý niệm (paradigmes) (địa vị xã hội của một hệ ý niệm trội thường có xu hướng phát ra và dần dần áp đặt các dạng đặc biệt về cách thức hình thành và xây dựng hệ ý niệm đó). Khái niệm “tinh thần khoa học”, như Bachelard thường dùng để miêu tả chương trình hoạt động trong các khoa học vật lý và hóa học, mang đến cho công việc miêu tả khoa học luận một nhiệm vụ là phải coi nó ít mang tính trung tâm hơn, bởi vì nói một cách khái quát hơn thì có các dạng kiến thức khác nhau, xác định sự tồn tại hay không tồn tại, xác định các chương trình có khả năng làm tăng trưởng kiến thức nhân loại bằng những nguyên tắc lý thuyết xây dựng lại theo tinh thần thuyết nhất nguyên kinh nghiệm hay hình thức. Trong các chế tính khoa học và trong hệ thống những sự khác nhau đó, cần tìm lại vị trí hoạt động của xã hội học mà nhà xã hội học quan tâm. Không nên toan tính một vị trí nào đó trong bậc thang địa vị, bởi vì việc này không đáng để dành một giờ để suy nghĩ.
Chúng ta sẽ hiểu các phân tích sau đây không nhằm kết luận rằng xã hội học khoa học là không thể thực hiện được. Mọi công trình khoa học trong các khoa học xã hội đều có thể có. Song, cũng cần phải tránh thế đôi ngả hầu như Jean-Claude Milner gặp phải khi tác giả này xem lại vấn đề đặc tính của một khoa học nhân văn nhân bàn về tình trạng hiện nay của ngôn ngữ học: “Sự lựa chọn không thể khác đã được áp đặt: hoặc là khoa học nhân văn là các môn khoa học (vậy thì chúng phải là các khoa học có cùng ý nghĩa với các khoa học tự nhiên và xuất phát từ cùng một khoa học luận, nghĩa là tính từ “nhân văn” không có nghĩa gì khác ngoài sự trần tục); hoặc là các khoa học này thực sự chỉ mang tính nhân văn (mang tính xã hội hoặc là một đặc tính khác, vậy thì chúng không phải là các môn khoa học và như vậy không có khoa học luận. Thế đôi ngả này được áp đặt cho mọi khoa học xã hội”).
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Jean-Claude Passeron – Lý luận xã hội học – NXB TG 2002.