1/ Mục tiêu và nguyên tắc đàm phán thương mại
a/ Mục tiêu:
+ Nới rộng và mở rộng hơn nữa thương mại thế giới bằng cách giảm và xóa bỏ thuế, hạn chế về số lượng, các biện pháp và hàng rào phi thuế quan.
+ Tăng cường vai trò của Hiệp định chung, cải tiến thể chế thương mại nhiều bên trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp định chung, đưa thương mại thế giới với phạm vi rộng hơn vào khuôn khổ Hiệp định chung với những quy tắc thống nhất, hữu hiệu.
+ Tăng khả năng thích ứng của Hiệp định chung với tình hình kinh tế luôn thay đổi, đặc biệt là thúc đẩy việc điều chỉnh kết cấu, tăng cường quan hệ giữa Hiệp định chung và các tổ chức quốc tế hữu quan. Đồng thời, nghiên cứu tầm quan trọng ngày càng tăng của buôn bán sản phẩm kỹ thuật cao, những khó khăn của thị trường sản phẩm sơ chế và tầm quan trọng của việc cải thiện tình hình buôn bán trên thị trường ấy, đặc biệt là tạo ra các điều kiện cho các nước mắc nợ thực hiện nhiệm vụ tài chính của họ.
+ Thúc đẩy sự phối hợp giữa trong nước và quốc tế để tăng cường mối quan hệ nội tại giữa chính sách thương mại với các chính sách khác có ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển kinh tế, tiếp tục có những nỗ lực hữu hiệu và kiên quyết để cải tiến thể chế tiền tệ quốc tế thúc đẩy tài chính và các nguồn đầu tư thực tế lưu động vào các nước đang phát triển.
b/ Nguyên tắc chung
+ Để đảm bảo các bên tham gia đều được lợi, đàm phán phải tiến hành một cách trong sáng, phù hợp với nguyên tắc của Hiệp định chung.
+ Việc khởi xướng đàm phán, tiến hành đàm phán và thực hiện kết quả đàm phán phải được coi là bộ phận tổ thành của tổng thể các nhiệm vụ. Trong trường hợp các bên thống nhất ý kiến, thì trước khi chính thức kết thúc đàm phán, có thể thực thi tạm thời hoặc thực thi lần chót những thỏa thuận trước đó; khi đánh giá sự cân bằng tổng thể trong đàm phán, cần tính tới cả những thỏa thuận đã đạt được trong kỳ đàm phán trước.
+ Để tránh những đòi hỏi đối chọi nhau, cần tìm ra những nhân nhượng cân bằng trong lĩnh vực rộng lớn và trong phạm vi các đề mục đàm phán.
+ Khi đàm phán cần áp dụng nguyên tắc ưu đãi đơn phương và ưu đãi nhiều hơn. Trong đàm phán, khi các nước phát triển cam kết giảm hoặc xóa bỏ thuế và các hàng rào thương mại khác đối với các nước đang phát triển thì không nên có yêu sách ưu đãi có đi có lại.
+ Với đà kinh tế dần dần phát triển và tình hình thương mại được cải thiện, các nước chậm phát triển cần tham gia sâu rộng hơn vào thể chế cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của Hiệp định chung.
c/ Nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng và từng bước sửa sai.
+ Giữ nguyên hiện trạng có nghĩa là không áp dụng những biện pháp hạn chế hoặc lệch lạc không phù hợp với quy định của Hiệp định chung, hoặc không phù hợp với những văn bản đã thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định chung; khi thi hành các quyền hợp pháp theo Hiệp định chung, không áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc linh hoạt vượt quá mức cần thiết; không áp dụng các biện pháp thương mại nhằm tăng cường thế đàm phán.
+ Từng bước sửa sai có nghĩa là chậm nhất là trước ngày chính thức kết thúc đàm phán phải từng bước hủy bỏ hết mọi biện pháp hạn chế hoặc sai lạc không phù hợp với quy định của Hiệp định chung và các văn bản đã thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định chung hoặc phải sửa cho phù hợp với những quy định và thỏa thuận này, phải tôn trọng các thỏa thuận, cam kết đã đạt được trong đàm phán. Các bên phải thực hiện những cam kết đó trên cơ sở công bằng thông qua thương lượng mà mình đã đồng ý. Không được yêu sách trả giá cho việc hủy bỏ những biện pháp ấy.
Ủy ban đàm phán thương mại đã quyết định thành lập tổ chức giám sát, trong đó có cả việc đánh giá định kỳ, việc thực hiện sửa sai này. Các bên có thể nhắc nhở tổ chức giám sát chú ý thích đáng tới mọi hành vi có liên quan tới việc thực hiện những cam kết mà mình cho là cần thiết.
2/ Đề mục đàm phán
“Tuyên bố của hội nghị cấp bộ trưởng vòng đàm phán Uruguay” đã xác định 15 đề m5uc đàm phán tại vòng đàm phán Uruguay là:
a/ Về thuế.
Đàm phán về thuế nhằm giảm và xóa bỏ thuế, nhấn mạnh mở rộng phạm vi giảm thuế, xác định mục tiêu giảm thuế bình quân khoảng 30%.
b/ Về các biện pháp phi thuế quan.
Đàm phán về các biện pháp phi thuế quan nhằm giảm hoặc hủy bỏ các biện pháp phi thuế quan, trong đó có biện pháp hạn chế số lượng hàng nhập khẩu, các biện pháp từng bước sửa sai, thực hiện cam kết.
c/ Về sản phẩm nhiệt đới.
Đàm phán về sản phẩm nhiệt đới nhằm thực hiện tự do hóa đầy đủ nhất buôn bán sản phẩm nhiệt đới, trong đó gồm cả hàng gia công và bán gia công, giảm thuế và các biện pháp phi thuế quan đối với những sản phẩm này, đặc biệt coi trọng việc buôn bán sản phẩm nhiệt đới của các nước chậm phát triển. Dự tính có khoảng 20 tỷ USD sản phẩm nhiệt đới nằm trong diện đàm phán này.
d/ Sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên.
Đàm phán về sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên nhằm thực hiện tự do hóa hơn nữa buôn bán loại sản phẩm này, trong đó gồm cả hàng gia công và bán gia công. Trọng điểm là cá và hàng thủy sản, lâm sản, kim loại màu và khoáng sản. Giảm và hủy bỏ thuế và các hàng rào phi thuế quan đối với các mặt hàng này.
e/ Về hàng dệt và hàng may mặc.
Đàm phán về hàng dệt và hàng may mặc nhằm xác định phương thức đưa ngành này vào khuôn khổ Hiệp định chung, tức là đưa ngành này trở về với các quy định của Hiệp định chung, xóa bỏ những quy định trong hiệp định về sợi kép không phù hợp với Hiệp định chung và những hạn chế đối với hàng dệt và hàng may mặc.
g/ Về hàng nông sản.
Đàm phán về hàng nông sản nhằm uốn nắn và phòng ngừa những biện pháp hạn chế và những hiện tượng sai lạc, giảm những nhân tố gây ra mất cân đối, mất ổn định trên thị trường hàng nông sản thế giới; thực hiện tự do hóa hơn nữa buôn bán hàng nông sản, đưa mọi biện pháp có ảnh hưởng tới việc gia nhập thị trường và cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản vào kỷ luật chặt chẽ hơn, hữu hiệu hơn của Hiệp định chung.
+ Giảm hàng rào nhập khẩu để cải thiện điều kiện gia nhập thị trường.
+ Cải thiện môi trường cạnh tranh, tăng cường các quy tắc về trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng tới buôn bán hàng nông sản, bao gồm cả việc từng bước giảm các ảnh hưởng tiêu cực của việc trợ cấp và nghiên cứu nguồn gốc của chúng.
+ Giảm các ảnh hưởng tiêu cực của các điều lệ và hàng rào về vệ sinh và kiểm dịch thực vật đối với buôn bán hàng nông sản, đồng thời nghiên cứu các hiệp định có liên quan.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.