Thất bại của Trung Quốc trong giám sát xã hội


Dịch COVID-19, hay còn gọi là dịch “Viêm phổi Vũ Hán” đã lan ra toàn Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, trở thành một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Sự kiện này bề ngoài dường như không mang tính chính trị, nhưng trên thực tế đã khiến các nước xung quanh Trung Quốc giảm niềm tin vào Chính phủ Trung Quốc. Trên phương diện chính trị quốc tế, có thể nói Trung Quốc đã thua cuộc.

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc chỉ có thể giảm thiểu chứ không thể ngăn chặn tổn thất về sinh mạng và hình ảnh đất nước. Lần này, rõ ràng Chính phủ Trung Quốc không thể rũ bỏ trách nhiệm. Tiếng nói phê phán Trung Quốc về dịch SARS cách đây hơn 10 năm vẫn còn đó, và dường như lại vang lên một lần nữa. Trên phương diện thông tin, việc che giấu tình hình dịch bệnh dường như lại tái diễn. Hơn 10 năm qua, kể từ khi dịch SARS kết thúc, GDP của Trung Quốc tăng trưởng nhanh; biện pháp giám sát người dân của Chính phủ Trung Quốc càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trên phương diện y tế cộng đồng và an toàn tính mạng con người, Trung Quốc tiến bộ đến đâu? Đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tại sao thành phố có tỷ lệ camera giám sát cao nhất thế giới

Điều đáng suy ngẫm nhất về dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng y tế lớn như vậy lại xảy ra đúng lúc hệ thống giám sát của Chính phủ đối với người dân Trung Quốc ngày càng hiện đại. Mấy chục năm qua, chính phủ các nước trên toàn thế giới đều nỗ lực vận dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát xã hội nhằm chiếm ưu thế trong quan hệ quốc tế và chiến tranh. Trên phương diện quan hệ quốc tế, Mỹ đương nhiên vẫn dẫn đầu trên phạm vi toàn cầu với lực lượng quân sự hùng mạnh. Ví dụ mới đây nhất là việc quân đội Mỹ dùng máy bay không người lái tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tuy nhiên, trên phương diện giám sát xã hội trong nước, Trung Quốc dẫn đầu và bỏ xa các nước khác. Chính phủ Trung Quốc không tiếc công sức đầu tư phát triển ngành công nghệ thông tin và đã sớm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về khoa học công nghệ. Điều quan trọng hơn là Trung Quốc không có truyền thông độc lập, cũng không có chuyện xã hội dân sự và đảng đối lập giám sát Chính phủ. Vậy nên, an ninh công cộng và an ninh quốc gia mà Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền luôn được chú ý hơn nhiều so với những vấn đề riêng tư như quyền tự do công dân. Vì thế, Chính phủ Trung Quốc có thể gia tăng thúc đẩy hệ thống giám sát trên phạm vi toàn quốc.

Theo trang mạng về khoa học công nghệ Comparitech, 8/10 thành phố trên thế giới có nhiều camera giám sát nhất tính theo bình quân đầu người đều thuộc Trung Quốc: ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu còn có cả Trùng Khánh, Vũ Hán, tâm dịch lần này. Camera giám sát chỉ là một bộ phận nhỏ trong hệ thống giám sát. Ngoài camera còn có thiết bị nhận dạng khuôn mặt, hệ thống đánh giá niềm tin xã hội, hệ thống thu thập dữ liệu và hệ thống xử lý phân tích dữ liệu. Hơn thế, sự hợp tác giữa Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ mạng và kết nối mạng là khá toàn diện. Ví dụ, số người và tần suất sử dụng, thanh toán qua mạng (thanh toán điện tử) ở Trung Quốc tăng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây và hiện nay đang dẫn đầu toàn cầu. Điều thú vị hơn là không ít người dân thành phố do tin tưởng vào Chính phủ và mong muốn cuộc sống tiện lợi đã tự nguyện hoặc bán tự nguyện giao một lượng lớn dữ liệu cá nhân cho Chính phủ và các doanh nghiệp lớn.

Thế nhưng, cho dù không quan tâm đến quyền tự do công dân và quyền riêng tư cá nhân, nhưng chỉ cần dành chút thời gian suy ngẫm thì những người tự nguyện và bán tự nguyện này có thể đưa ra rất nhiều câu hỏi về hệ thống giám sát như vậy. Ví như hệ thống giám sát khổng lồ như vậy của Trung Quốc có thực sự khiến người dân cảm thấy an toàn hơn không? Việc họ hy sinh quyền riêng tư nhiều như vậy có đáng hay không?

Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 8/12/2019, bệnh viện tại Vũ Hán phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch COVID-19) đầu tiên. Cuối tháng 12/2019, Ủy ban y tế và sức khỏe thành phố Vũ Hán thông báo tình hình dịch bệnh với 27 ca nhiễm, nhưng đồng thời hấn mạnh chưa phát hiện hiện tương lây nhiễm rõ ràng từ người sang người. Ngày 31/12/2019, các hộ kinh doanh tại chợ hải sản Hoa Nam, nơi được coi là địa điểm khởi phát dịch bệnh, vẫn kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, lúc đó, nhiều người kinh doanh và làm việc tại khu chợ này đã đổ bệnh. Họ là những người trong diện nghi nhiễm và xác định nhiễm bệnh. Một ngày sau, khu chợ hải sản Hoa Nam mới đóng cửa toàn diện. Nhìn lại, cho dù chúng ta bỏ qua những bình luận lan tràn trên mạng và muốn tin vào những số liệu được công bố chính thức thì cũng rất khó tin khi 27 ca nhiễm cuối tháng 12/2019 đều là lây nhiễm từ động vật sang người. Lẽ nào trong suốt 20 ngày từ ngày 8/12 đến cuối tháng 12/2019, Chính quyền địa phương và virus đều đang trong “kỳ nghỉ”?

Hệ thống giám sát không đảm bảo an toàn cho người dân cả nước

Có thể nói dữ liệu về người bệnh, địa điểm làm việc, nơi ở, tính chất công việc, quan hệ cá nhân… mà hệ thống giám sát của Trung Quốc thu thập được là những thông tin dễ tìm. Trên thực tế, không cần đến camera giám sát hay thiết bị nhận dạng khuôn mặt mà chỉ cần phân tích lý thuyết và dữ liệu do bệnh viện, khu chợ và tổ dân cưc ung cấp là có thể khẳng định dịch bệnh lây từ người sang người. Vì sao vấn đề này không được xác định ngay từ đầu mà phải đến ngày 20/01/2020, khi chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc – giáo sư Chung Nam Sơn khi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), mới được công bố với thiên hạ, chứng thực nhân viên y tế nhiễm virus gây dịch COVID-19 và virus này lây từ người sang người, đồng thời kêu gọi mọi người không nên đến Vũ Hán?

Hiển nhiên trong sự việc này, hệ thống giám sát không thể phát huy vai trò động viên người dân và chính quyền các cấp, bảo đảm an toàn cho người dân cả nước, nói gì đến việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng trên phạm vi khu vực hay toàn cầu. Có lẽ hai nguyên nhân lý giải điều này và hai nguyên nhân này cùng tồn tại. Nguyên nhân thứ nhất, cũng là điều mà nhiều người nói đến, là cơ quan chuyên môn nhà nước hoặc một số cơ quan chính phủ đã biết nhưng che giấu tình tình dịch bệnh vì một số lý do nào đó. Ví dụ, ngày 16/1/2020, lãnh đạo thành phố Vũ Hán tuyên bố mới chỉ có 40 ca xác định nhiễm bệnh viêm phổi lạ; trong khi đó, các nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản cũng đã xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, đều là những người đã đến Vũ Hán cho dù chưa hẳn đã đến khu chợ hải sản Hoa Nam hay tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Rõ ràng tin tức về việc virus SARS-CoV-2 lây từ người sang người đã sớm được lan truyền bên ngoài Trung Quốc, vật mà không rõ vì sao số ca bệnh được xác nhận tại Vũ Hán và trên toàn Trung Quốc lại ít như vậy. Vài ngày sau, Vũ Hán bất ngờ công bố tổng số ca nhiễm bệnh lên đến hàng trăm, hàng nghìn rồi hàng vạn, đồng thời số ca nhiễm bệnh tại nhiều địa phương khác của Trung Quốc cũng tăng nhanh chóng. Dường như chỉ có một cách để lý giải hiện tượng này: Trước đó, các cơ quan nhà nước, không rõ ở cấp địa phương hay trung ương, cố tình công bố số liệu ít hơn nhiều so với thực tế. Có thể có quan chức sợ bị truy cứu trách nhiệm hoặc vì muốn giữ thể diện mà làm vậy. Nhưng sau đó, khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, có người trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc cấp địa phương đã lên tiếng: đến lúc không thể che giấu tình hình dịch bệnh được nữa.

Thứ hai, cho dù là hệ thống giám sát thu thập được nhiều dữ liệu và không ngừng tiến hành xử, phân tích, nhưng đó cũng chỉ là những dữ liệu “chết” – con người mới là quan trọng. Muốn đưa ra được cảnh báo, kết luận đủ để khiến Chính phủ Trung Quốc hành động, các quan chức lãnh đạo cần sẵn sàng nhận trách nhiệm, quyết tâm coi việc ngăn chặn và kiểm soát khủng hoảng y tế là sứ mệnh tối cao, chứ không nên chỉ quan tâm đến lợi ích có được từ vị trí của mình trong bộ máy công quyền hay vì mục tiêu nào khác. Có thể thấy rõ rằng ở thời kỳ đầu của dịch bệnh, hệ thống giám sát xã hội có sứ mệnh hay chỉ thị khác cao hơn. Ví dụ, từ trung tuần đến hạ tuần tháng 12/2019, cơ quan công an đã nhanh chóng triệu tập 8 cư dân mạng vì cho rằng họ tung tin đồn nhảm về dịch bệnh. Đương nhiên về cơ bản, đây không phải là tin đồn nhảm mà là sự thực, và hành động của những công dân này là lời nhắc nhở từ sớm đối với người dân cả nước. Người ta có lý do để tin rằng hệ thống giám sát xã hội của Trung Quốc và những con người làm việc trong đó về mục tiêu và chương trình làm việc đều có sự thiên lệch đến mức nghiêm trọng – họ rất nhạy cảm với quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác của công dân. Vì vậy, họ nhanh chóng đưa ra phản ứng nhằm ngăn chặn mọi hành vi cá nhân hay tập thể thể hiện quyền tự do nhưng lại tỏ ra thiếu năng lực trong việc giám sát dịch bệnh và người bệnh.

Dữ liệu thu thập vượt quá năng lực xử lý và phân tích

Một đặc điểm lớn của thời đại số là việc thu thập dữ liệu diễn ra tới mức thái quá. Thái quá ở chỗ điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của con người, mà còn vượt quá khả năng xử lý, phân tích của công nghệ và các cơ quan chức năng. Ngoài việc trấn áp ý kiến bất đồng, rất nhiều dữ liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được thu thập và lưu lại trước để sử dụng sau nhằm các mục đích khác như truy bắt tội phạm. Tuy nhiên, việc có nguồn dữ liệu lớn không có nghĩa là chính phủ đã trở thành “quái vật” hay “đại quản gia” toàn năng và biết hết mọi thứ. Lấy Chính phủ Trung Quốc làm ví dụ: Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc được tuyên bố là nắm quyền lãnh đạo, nhưng trong rất nhiều vấn đề có sự bất đồng ý kiến, chưa hẳn lúc nào dữ liệu cũng được chia sẻ.

Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Chính phủ, không ít nhân sỹ bất đồng chính kiến thận trọng trong phát ngôn và hành động nhưng vẫn thường xuyên bị cơ quan công an triệu tập. Điều đáng chú ý là khi cơ quan công an triệu tập, trình tự cảnh cáo, nói chuyện hay chất vấn chỉ là thứ yếu; quan trọng là họ được yêu cầu phải giao nộp điện thoại di động để công an lấy dữ liệu, khiến họ hết sức bất bình. Điều này được cho là cần thiết vì điện thoại di động và phần mềm ứng dụng đều đã được kiểm duyệt, bất kể dữ liệu nào cũng có thể được cơ quan công an hay hệ thống giám sát xã hội thu thập trong thời gian sớm nhất. Vậy thì vì sao công an vẫn dùng biện pháp nguyên thủy là tải dữ liệu từ điện thoại di động của người khác?

Rõ ràng Chính phủ Trung Quốc hiện nay cũng rơi vào vũng lầy với kho dữ liệu lớn. Họ không ngừng thu thập dữ liệu thông qua hệ thống giám sát nhưng vẫn hành động theo thói quen của mình. Chính vì vậy, khi thực sự hành động, như lúc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế lớn như vậy, họ lại mắc sai lầm không thể bào chữa.

Nguồn: Tờ Minh báo (Hong Kong) – 23/03/2020

TLTKĐB – 28/03/2020.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s