Đi theo hướng Tổ chức thương mại nhiều bên – Phần II


4/ Phối hợp các quy tắc về nơi sản xuất

Để phối hợp các quy tắc về nơi sản xuất, đặc biệt là để tạo ra sự tin cậy cao hơn đối với các hoạt động thương mại thế giới, các nước phải làm việc có hiệu quả với Ủy ban hợp tác hải quan. Để bảo đảm kịp thời hoàn thành kế hoạch công tác phối hợp này, sự phối hợp phải được tiến hành trên cơ sở phân loại hàng hóa được liệt kê ở các chương, tiết trong mục lục hạng thuế.

Ủy ban kỹ thuật về quy tắc nơi sản xuất phải gánh các trách nhiệm: 1) Kiểm tra các vấn đề kỹ thuật cụ thể nảy sinh trong công tác quản lý hàng ngày của các nước đối với quy tắc về nơi sản xuất, và dựa trên cơ sở các sự thật đã biết để có ý kiến chỉ đạo về phương pháp giải quyết; 2) Cung cấp thông tin tư vấn và đề ra kiến nghị mà các nước hoặc Ủy ban về quy tắc nơi sản xuất yêu cầu trong việc xác nhận nơi sản xuất; 3) Hằng năm thẩm tra và công bố tình hình thao tác kỹ thuật về quy tắc nơi sản xuất.

5/ Quy tắc về nơi sản xuất được ưu đãi

Do tính tới việc sẽ có thể có một số nước áp dụng quy tắc nơi sản xuất được ưu đãi khác hẳn với quy tắc về nơi sản xuất, các nước ký Hiệp định chung đã đưa ra một dự thảo “Tuyên  bố chung về quy tắc nơi sản xuất được ưu đãi”. Trong dự thảo này, quy tắc nơi sản xuất được ưu đãi được định nghĩa là những sắc luật, pháp quy và những quy định thi hành hành chính mà các nước ký Hiệp định chung áp dụng để xác nhận hàng hóa có được hưởng ưu đãi không (không bị hạn chế bởi khoản 1 điều 1 trong Hiệp định chung) của nước thực hiện ưu đãi thuế hay không. Việc thực thi quy tắc về nơi sản xuất được ưu đãi phải phù hợp với các yêu cầu về thực thi quy tắc chung về nơi sản xuất.

II/ Hiệp định về kiểm nghiệm trước khi hàng xuống tàu (dự thảo)

1/ Định nghĩa

Hoạt động kiểm nghiệm trước khi hàng xuống tàu là kiểm nghiệm chất lượng, số lượng hàng và so sánh giá cả, gồm cả hối suất chuyển đổi ngoại hối và điều kiện tài chính, hoặc phân loại hải quan đối với hàng hóa từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu.

Tổ chức kiểm nghiệm trước khi hàng xuống tàu là tổ chức được xác định trong hợp đồng hoặc được chỉ định. Thỏa thuận về kiểm nghiệm trước khi hàng xuống tàu được áp dụng cho hoạt động này trên lãnh thổ các nước ký Hiệp định chung, dù là do chính phủ hoặc cơ quan chính phủ tiến hành, hoặc là do tổ chức được xác định trong hợp đồng hoặc được chỉ định tiến hành.

2/ Nghĩa vụ của chính phủ nước nhập khẩu

a/ Không phân biệt đối xử.

Chính phủ nước nhập khẩu phải bảo đảm hoạt động kiểm nghiệm không phân biệt đối xử, trình tự được áp dụng khi kiểm nghiệm phải có tiêu chuẩn khách quan, bình đẳng đối với mọi hàng xuất khẩu, công tác kiểm nghiệm do các nhân viên kiểm nghiệm tiến hành phải thống nhất, phải tuân thủ pháp luật và các quy định trong Hiệp định chung, phải thông báo kết quả kiểm nghiệm.

Hoạt động kiểm nghiệm phải được tiến hành trên lãnh thổ hải quan của nước xuất khẩu, nếu không tiến hành kiểm nghiệm tại lãnh thổ hải quan nước này được thì phải nói rõ nơi sản xuất hàng; hoặc nếu hai bên đồng ý thì kiểm nghiệm tại lãnh thổ hải quan của nước sản xuất hàng. Kiểm nghiệm số lượng và chất lượng hàng phải căn cứ vào tiêu chuẩn quy định trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có tiêu chuẩn đó thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn quốc tế.

b/ Sự trong sáng.

Chính phủ nước nhập khẩu phải công khai các hoạt động kiểm nghiệm. Nếu hãng nhập khẩu có yêu cầu từ trước thì trước khi kiểm nghiệm phải cung cấp cho họ toàn bộ những thông tin đòi hỏi họ phải tuân thủ các yêu cầu về kiểm nghiệm, gồm có các tư liệu về các đạo luật của nước nhập khẩu có liên quan tới hoạt động kiểm nghiệm, trình tự và tiêu chuẩn dùng để so sánh giá cả và hối suất, quyền lợi của hãng xuất khẩu. Mọi điều bổ sung hoặc thay đổi so với trình tự hiện hành đều không được áp dụng để kiểm nghiệm, ngoại trừ trường hợp đã được thông báo khi bố trí ngày giờ kiểm nghiệm.

Chính phủ nước nhập khẩu phải nhanh chóng gửi cho các chính phủ khác các đạo luật của mình có liên quan tới hoạt động kiểm nghiệm này. Trụ sở của tổ chức kiểm nghiệm hàng trước khi xuống tàu nên được dùng làm điểm dịch vụ về thông tin.

c/ Bảo vệ bí mật thương mại.

Chính phủ nhập khẩu phải bảo đảm rằng, tổ chức kiểm nghiệm hàng trước khi xuống tàu phải giữ bí mật thương mại những thông tin khi kiểm nghiệm, nếu những thông tin này chưa được công khai.

Tổ chức kiểm nghiệm hàng  trước khi xuống tàu không được đòi hỏi hãng xuất khẩu cung cấp các thông tin sau: 1) Các tư liệu về bản quyền, giấy phép, công nghệ sản xuất chưa công khai, hoặc công nghệ sản xuất chưa đăng ký bản quyền; 2) Các số liệu kỹ thuật chưa công bố; 3) Giá trị nội bộ, gồm cả giá thành sản xuất; 4) Mức lợi nhuận; 5) Nội dung hợp đồng giữa hãng xuất khẩu và hãng cung ứng.

d/ Tránh xung đột lợi ích.

Chính phủ nước nhập khẩu phải bảo đảm rằng, tổ chức kiểm nghiệm tránh gây ra xung đột lợi ích như: 1) Tổ chức kiểm nghiệm tránh gây ra tranh cãi với các tổ chức khác; 2) Tránh gây ra tranh cãi với các tổ chức có quan hệ với mình về tài vụ hoặc về lợi ích thương mại trong bất kỳ tổ chức nào; 3) Tránh gây ra tranh cãi với các tổ chức có liên quan tới hàng hóa mà mình kiểm nghiệm; không được có xung đột giữa các bộ phận khác nhau trong hoạt động kiểm nghiệm.

e/ Tránh gây lỡ việc.

Chính phủ nước nhập khẩu phải bảo đảm tổ chức kiểm nghiệm tránh kéo dài vô cớ việc kiểm nghiệm.

Sau khi kiểm nghiệm xong, trong vòng 5 ngày kể từ ngày cấp giấy cho phép hàng xuống tàu, tổ chức kiểm nghiệm phải làm báo cáo về việc cấp giấy cho phép hàng xuống tàu. Nếu không cấp giấy cho hàng xuống tàu thì phải làm văn bản nói rõ lý do.

Vào bất kỳ lúc nào, nếu hãng xuất khẩu yêu cầu, trước khi kiểm nghiệm vật lý, tổ chức kiểm nghiệm phải làm dự thẩm giá cả, hối suất, hình thức cấp giấy chứng nhận, giấy phép nhập khẩu, sau đó lập tức thông báo bằng văn bản cho hãng xuất khẩu tỉ mỉ các nguyên nhân chấp nhận hoặc không chấp nhận giá cả hoặc hối suất mà họ đề nghị.

Để tránh làm lỡ việc, tổ chức kiểm nghiệm phải nhanh chóng chuyển báo cáo thanh kiểm cho hãng xuất khẩu hoặc đại diện được chỉ định của họ. Nếu báo cáo thanh kiểm có sai sót thì tổ chức kiểm nghiệm phải sửa sai và sau đó chuyển cho các bên thích hợp.

g/ So sánh giá cả.

Chính phủ nước nhập khẩu phải bảo đảm tổ chức kiểm nghiệm, căn cứ vào các quy tắc dưới đây để so sánh giá cả:

+ Không từ chối giá cả theo hợp đồng được ký kết giữa hãng xuất khẩu và hãng nhập khẩu.

+ Việc so sánh giá cả để xác minh giá xuất khẩu phải căn cứ vào giá xuất khẩu của sản phẩm cùng loại hoặc tương tự, giá cả của sản phẩm cùng loại hoặc tương tự mà nước xuất khẩu ấy áp dụng trong thời gian gần như nhau.

+ Khi so sánh giá cả, phải để ra một khoảng linh hoạt về yêu cầu của nghiệp vụ điều chỉnh chung so với các điều kiện trong hợp đồng tiêu thụ. Khoảng linh hoạt ấy gồm có các yếu tố: số lượng tiêu thụ, thời gian và điều kiện xuất hàng, điều khoản tăng giá, thuyết minh về chất lượng, thiết kế đặc thù, vận tải đặc thù hoặc thuyết minh về việc đóng gói, quy mô đặt hàng, tiêu thụ tại chỗ, ảnh hưởng của thời tiết, chi phí về giấy phép hoặc chi phí về quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ hợp đồng.

+ Việc xác minh cước vận chuyển chỉ tiến hành trong khuôn khổ giá vận chuyển trong nước xuất khẩu mà hai bên đã chấp thuận và có ghi rõ trong hợp đồng tiêu thụ.

+ Các yếu tố không được dùng để so sánh giá cả là: giá tiêu thụ sản phẩm do nước nhập khẩu sản xuất; giá cả hàng hóa do nước xuất khẩu; giá thành sản xuất; giá cả hoặc giá trị được xác định một cách tùy tiện hoặc giả tạo.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s