h/ Trình tự khởi tố.
Chính phủ các nước nhập khẩu phải bảo đảm rằng, tổ chức kiểm nghiệm hàng trước khi xuống tàu phải lập ra một trình tự tiếp nhận, nghiên cứu và trả lời các ý kiến của hãng xuất khẩu về sự không hài lòng và oan sai của họ. 1) Tổ chức kiểm nghiệm phải đặt trụ sở làm việc ở các thành phố hoặc bến cảng và cử một hoặc một số người thường xuyên có mặt trong giờ làm việc để tiếp nhận, nghiên cứu và trả lời các khiếu nại hoặc ý kiến bày tỏ sự oan sai của hãng xuất khẩu; 2) Hãng xuất khẩu có thể trao cho những người nói trên văn bản những vụ việc có nghi vấn về nghiệp vụ cụ thể và phương pháp giải quyết sự oan sai đó; 3) Những người trên phải tận tình nghiên cứu sự oan sai của hãng xuất khẩu và giải quyết một cách nhanh chóng.
3/ Nghĩa vụ của chính phủ các nước xuất khẩu
Chính phủ nước xuất khẩu bảo đảm các quy định pháp lý về hoạt động kiểm nghiệm hàng trước khi xuống tàu được thực thi một cách không phân biệt đối xử. Chính phủ nước xuất khẩu phải kịp thời công bố các quy định pháp lý về kiểm nghiệm hàng trước khi hàng xuống tàu để chính phủ các nước khác và các hãng thương mại biết. Khi có yêu cầu, chính phủ nước xuất khẩu phải chủ động giúp đỡ kỹ thuật cho nước nhập khẩu trong việc thực hiện mục tiêu này.
4/ Trình tự thẩm tra của Tổ chức thẩm tra độc lập
Các nước ký hiệp định cần khuyến khích tổ chức kiểm nghiệm cùng nước xuất khẩu tự giải quyết tranh chấp. Song, hai ngày sau khi trình bày oan sai, bất kỳ bên nào cũng có thể đề nghị xác minh. Hai bên phải lập ra một đoàn kiểm tra gồm đại diện của tổ chức kiểm nghiệm và đại diện của hãng xuất khẩu để xử lý vấn đề được đặt ra.
Mục đích thẩm tra là để xác định trong quá trình có tranh chấp về kiểm nghiệm, hai bên có chấp hành các quy định của thỏa thuận này hay không. Việc thẩm tra phải được tiến hành khẩn trương và cho hai bên được trực tiếp trình bày bằng miệng hoặc trình bày bằng văn bản quan điểm của mình. Quyết định của đoàn thẩm tra dựa vào việc biểu quyết, thông qua bằng đa số phiếu. Quyết định giải quyết tranh chấp phải được thông báo cho các bên. Quyết định này có hiệu lực ràng buộc đối với hai bên tranh chấp.
5/ Thông báo, kiểm tra, thương lượng, giải quyết tranh chấp
Các nước ký hiệp định này phải gửi cho Ban thư ký Hiệp định chung các quy định pháp lý về việc thực hiện thỏa thuận này. Mọi sự thay đổi những quy định ấy mà chưa công bố thì chưa có hiệu lực, sau khi công bố phải gửi ngay cho Ban thư ký Hiệp định chung.
Trong vòng 3 ngày sau khi hiệp định này có hiệu lực, các nước ký hiệp định này phải kiểm tra các điều khoản và tình hình chấp hành các điều khoản ấy trong hiệp định này để bổ sung, sửa đổi. Việc thương lượng và giải quyết tranh chấp giữa các nước áp dụng theo quy định trong Hiệp định chung.
III/ Hiệp định về hàng dệt và hàng may mặc
1/ Lịch sử diễn biến của thể chế thương mại thế giới về hàng dệt
Buôn bán hàng dệt và hàng may mặc chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại thế giới và là ngành xuất khẩu trụ cột của các nước đang phát triển. Nhưng lâu nay, việc buôn bán hàng dệt luôn luôn luồn lách ngoài vòng kỷ luật của Hiệp định chung, trở thành lĩnh vực thương mại hàng hóa đặc thù mà người ta gọi là “vùng xám”.
Năm 1957, sau 10 năm Hiệp định chung có hiệu lực, Nhật Bản đã ký kết hiệp định 5 năm về “tự nguyện” xuất khẩu hàng dệt và hàng may mặc. Năm 1959 Mỹ đưa ra khái niệm “quấy rối thị trường” làm chỗ dựa cho họ đi chệch nguyên tắc cơ bản của Hiệp định chung, làm chỗ dựa pháp lý để hạn chế số lượng có tính chất phân biệt đối xử.
Năm 1961, Ủy ban về hàng dệt sợi bông được thành lập, 19 nước và khu vực xuất nhập khẩu hàng dệt ký kết “Hiệp định thương mại quốc tế ngắn hạn về hàng dệt sợi bông”. Từ năm 1962 đến năm 1973 hiệp định ngắn hạn này trở thành hiệp định dài hạn, và hai lần gia hạn, từ chỗ chỉ có 7 loại hàng dệt bị hạn chế bởi hiệp định này tăng lên khoảng 70 loại.
Năm 1972, Ủy ban về hàng dệt được thành lập. Năm 1973 “Hiệp định thương mại quốc tế hàng dệt” (tức “Hiệp định về sợi kép”) được ký kết thay cho hiệp định nói trên. Hiệp định này tạo mô hình buôn bán hàng dệt thông qua các hiệp định song phương giữa các nước xuất nhập khẩu, đi chệch khỏi nguyên tắc nhiều bên được quy định trong Hiệp định chung. Hiệp định này chỉ dựng lên những hạn chế của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển, chứ không có hạn chế giữa các nước phát triển với nhau, do vậy cũng đi chệch khỏi nguyên tắc không phân biệt đối xử được quy định trong Hiệp định chung.
“Hiệp định về sợi kép” lần thứ nhất chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1974, cuối năm 1977 thì hết hạn; “Hiệp định về sợi kép” lần thứ hai có hiệu lực từ năm 1978, cuối năm 1981 thì hết hạn; “Hiệp định về sợi kép” lần thứ ba có hiệu lực từ năm 1982, tháng 7/1986 thì hết hạn; “Hiệp định về sợi kép” lần thứ tư có hiệu lực từ năm 1987, cuối năm 1991 thì hết hạn. Do nhiều nguyên nhân, hiệp định lần thứ tư được gia hạn đến cuối năm 1993.
“Hiệp định về sợi kép” lần thứ 3 có đặc điểm: 1) Mở rộng phạm vi hạn chế; 2) Mở rộng quyền hạn chế của nước nhập khẩu; 3) Tăng nội dung của điều khoản chống lẩn tránh.
Để “Hiệp định về sợi kép” trở về với Hiệp định chung, tháng 4/1984, tiểu ban công tác về hàng dệt được thành lập để nghiên cứu và chuẩn bị cho vấn đề này. Tháng 9/1986, vòng đàm phán Uruguay bắt đầu và xác lập mục tiêu đưa hàng dệt vào khuôn khổ Hiệp định chung. Qua đàm phán nhiều lần giữa các nước phát triển là nước nhập khẩu và các nước đang phát triển là nước xuất khẩu, cuối cùng đã đi tới thỏa thuận về “Hiệp định hàng dệt và hàng may mặc” (dự thảo), xác định thời gian và bước đi cụ thể từ “Hiệp định về sợi kép” trở lại quỹ đạo của Hiệp định chung.
2/ Hiệp định về hàng dệt và hàng xuất khẩu
a/ Nguyên tắc chung.
Thời kỳ quá độ nhất thể hóa hàng dệt phải áp dụng hiệp định này, cần cải thiện điều kiện gia nhập thị trường của các nước cung ứng nhỏ; phải thể hiện được lợi ích cụ thể của nước sản xuất bông và có ưu đãi đặc biệt đối với những nước không phải là nước thành viên của hiệp định về sợi kép; khuyến khích các nước điều chỉnh ngành sản xuất tự chủ; việc thực thi hiệp định này không được ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của các nước ký Hiệp định chung.
b/ Sự sắp xếp và bước đi của việc nhất thể hóa.
Trong vòng 60 ngày sau khi hiệp định này có hiệu lực, các bên ký hiệp định này phải thông báo cho tổ chức giám sát hàng dệt mọi hạn chế về số lượng theo hiệp định song phương về hàng sợi kép, những hạn chế chưa được thông báo phải lập tức được hủy bỏ và không được thực hiện những hạn chế mới, ngoại trừ có quy định khác. Thời gian quá độ nhất thể hóa là 10 năm, kể từ ngày 1/1/1993 đến 31/12/2002. Thời kỳ quá độ nhất thể hóa chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn một (1993 – 1995), bắt đầu từ ngày 1/1/1993, các nước phải lấy năm 1990 làm mốc để đưa ít nhất 12% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt (gồm sợi hóa học, sợi bông, hàng dệt, hàng may mặc) vào khuôn khổ Hiệp định chung, tức là xóa bỏ hạn chế bằng hạn ngạch. Trong giai đoạn này, mỗi năm tăng 16% cơ số hạn ngạch nhập khẩu trên cơ sở mức tăng hàng năm theo định sợi kép song phương năm 1992.
Giai đoạn hai (1996 – 1999), bắt đầu từ ngày 1/1/1996, lấy năm 1990 làm mốc, các nước phải đưa 17% bốn loại sản phẩm nói trên trong tổng lượng nhập khẩu hàng dệt của nước mình vào khuôn khổ Hiệp định chung. Đồng thời hàng năm tăng 25% cơ số hạn ngạch nhập khẩu quy định trong hiệp định song phương năm 1995.
Giai đoạn ba (năm 2000 – 2002), bắt đầu từ ngày 1/1/2000, lấy năm 1990 làm mốc, các nước phải đưa 18% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt của nước mình vào khuôn khổ Hiệp định chung. Đồng thời tăng 27% cơ số hạn ngạch nhập khẩu theo hiệp định năm 1999.
Tới ngày 1/1/2003, hoàn thành toàn bộ tiến trình nhất thể hóa hàng dệt và hàng may mặc theo Hiệp định chung, hủy bỏ mọi hạn chế bằng hạn ngạch và các hạn chế khác.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.