c/ Các quy tắc khác.
Các nước phải hợp tác để xử lý các hành vi dối trá về vận chuyển, thay đổi luồng đường, khai báo láo về nước sản xuất, làm giả các văn kiện, giấy tờ chính thức. Nếu qua điều tra có đủ chứng cứ về sự gian dối thì có thể từ chối nhập khẩu; nếu hàng đã nhập khẩu thì có thể cắt giảm hạn ngạch của nước sản xuất; nếu có chứng cứ cho thấy nước vận chuyển hàng tham gia vào sự lừa dối thì có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với nước này. Đối với các hành vi khai báo dối trá thành phần, số lượng sợi và quy cách sản phẩm, cũng sẽ áp dụng biện pháp thích đáng.
Nếu nước nào đó cho rằng việc tăng tổng lượng nhập khẩu sản phẩm nào đó làm thiệt hại nghiêm trọng hoặc có đe dọa thực tế đối với sản phẩm cùng loại do mình sản xuất hoặc đối với ngành công nghiệp của mình sản xuất sản phẩm trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ấy, thì có thể áp dụng biện pháp bảo vệ, nhưng phải phù hợp với quy định.
Hội đồng đại biểu Hiệp định chung sẽ lập ra tổ chức giám sát việc thực hiện hiệp định. Cứ trước khi kết thúc mỗi giai đoạn nhất thể hóa, Hội đồng đại biểu sẽ thẩm tra rộng lớn một lần.
Ngoài ra, phụ lục hiệp định đã liệt kê ra khoảng 900 loại sản phẩm, như vậy đã mở rộng phạm vi nhất thể hóa hàng dệt.
IV/ Hiệp định về hàng nông sản
1/ Buôn bán hàng nông sản trên thế giới
Buôn bán hàng nông sản trên thế giới là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và cực kỳ phức tạp. Do vậy, việc buôn bán này xưa nay vẫn là một “vùng xám”, một nửa nằm ngoài khuôn khổ Hiệp định chung.
Các nước phát triển nắm giữ khoảng 65% buôn bán hàng nông sản thế giới. Chính nông nghiệp của họ quyết định tình hình buôn bán và sản xuất hàng nông sản nhiệt đới trên thế giới. Đó là nguồn gốc gây ra những sai lạc trong buôn bán hàng nông sản. Các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp trợ cấp khiến cho sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản mất cân đối, lợi thế so sánh không được tận dụng một cách bình thường. Thuế đánh vào hàng nông sản chế biến rất cao; hạn ngạch thuế, thuế có tính chất thời vụ, hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế số lượng…, là những hàng rào dày đặc; các điều lệ vệ sinh cũng có ảnh hưởng tiêu cực đối với buôn bán hàng nông sản.
Chính chính sách nông nghiệp ấy của các nước phát triển đã dẫn đến những thay đổi to lớn trong buôn bán hàng nông sản. Những năm 60, EEC còn là người nhập khẩu hàng nông sản nhiều nhất, nhưng tới những năm 80, họ đã trở thành đối thủ cạnh tranh bằng vai phải lứa với Mỹ và các nước xuất khẩu hàng nông sản khác. Do đó đã nổ ra sự cạnh tranh về hàng nông sản giữa Mỹ và Tây Âu. Những khoản trợ cấp khổng lồ cho hàng nông sản đã trở thành gánh nặng tài chính đối với các nước phát triển, đồng thời điều đó cũng khiến cho giá hàng nông sản mỗi năm một giảm, nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển khó tiếp tục xuất khẩu hàng nông sản.
Tháng 11/1982, Ủy ban về hàng nông sản được thành lập để tìm cách xử lý những sai lạc trong buôn bán hàng nông sản. Tháng 9/1986, tuyên bố của hội nghị cấp bộ trưởng vòng đàm phán Uruguay đã xác định mục tiêu tự do buôn bán hàng nông sản. Sau nhiều năm đàm phán, giữa Mỹ và EEC vẫn còn bất đồng lớn. Trong sản xuất nông nghiệp, Mỹ có lợi thế hơn EEC. Xóa bỏ các biện pháp bảo hộ, như trợ cấp…, có nghĩa là thất nghiệp tăng, điều đó khiến EEC không dám khinh suất sửa đổi chính sách nông nghiệp. Đó cũng là thực chất tranh chấp buôn bán hàng nông sản.
Tại vòng đàm phán Uruguay, lúc đầu Mỹ đề nghị trong vòng 10 năm hủy bỏ toàn bộ trợ cấp có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng nông sản. Sau đó họ lại cụ thể hóa mục tiêu ấy, đó là, trong vòng 10 năm, giảm 75% trợ cấp trong nước, giảm 90% trợ cấp xuất khẩu, đồng thời giảm mạnh thuế nhập khẩu và hàng rào phi thuế quan đối với hàng nông sản. Đề nghị này của Mỹ bị EEC cực lực phản đối. Sau nhiều lần điều chỉnh, mục tiêu của Mỹ đã nhích lại gần với lập trường của EEC, nhưng vẫn còn mâu thuẫn gay gắt.
Xuất phát từ lợi ích của bản thân, tập đoàn Cairns gồm 14 nước xuất khẩu hàng nông sản loại vừa và nhỏ, ủng hộ về nguyên tắc lập trường của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc kiên quyết phản đối mở cửa thị trường gạo nước mình. Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu thì hoặc là ủng hộ hoặc là đồng tình với lập trường của EEC. Còn các nước không xuất mà chỉ nhập khẩu lương thực thì nhấn mạnh rằng hủy bỏ trợ cấp xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho họ, vì vậy họ đòi được đền bù.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Ủy ban đàm phán Dunkel đưa ra một bản dự thảo hiệp định triết trung về hàng nông sản với kỳ hạn từ năm 1993 – 1998, hết thời hạn này sẽ đàm phán lại. Nhưng EEC vẫn phản đối kịch liệt. Ngày 5/11/1992, Mỹ và EEC ký hiệp định có tính chất thỏa hiệp về vấn đề hàng nông sản, làm lóe lên tia hy vọng kết thúc một cách thuận lợi vòng đàm phán Uruguay. Nhưng sau đó Pháp công khai tỏ ý không chấp nhận hiệp định này.
2/ Hiệp định về hàng nông sản
Dự thảo hiệp định về hàng nông sản tại vòng đàm phán Uruguay gồm có 4 phần. Phần một quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các nước ký hiệp định và nguyên tắc chung; phần hai là các cam kết ràng buộc đối với các hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực này; phần bốn quy định các biện pháp cụ thể chiếu cố lợi ích của các nước đang phát triển không có xuất khẩu mà chỉ có nhập khẩu lương thực. Dưới đây sẽ giới thiệu vắn tắt nội dung dự thảo hiệp định này.
a/ Về việc gia nhập thị trường.
Một trong những mục tiêu chủ yếu của hiệp định này là giảm các vật cản gia nhập thị trường, mở cửa thị trường hàng nông sản. Lấy phương thức giảm thuế làm phương thức nhân nhượng. Căn cứ vào phương thức chuyển đổi để chuyển đổi hàng rào phi thuế quan thành thuế, tức là thuế quan hóa các biện pháp phi thuế quan, sau đó giảm thuế.
Thuế, gồm cả thuế bình thường và thuế sau khi thuế quan hóa, từ năm 1993 – 1998 giảm bình quân 36%, mỗi mục thuế giảm tối thiểu 15%. Không được sử dụng biện pháp phi thuế quan mới hoặc sử dụng lại những biện pháp phi thuế quan đã được chuyển hóa thành thuế.
Nếu trong một năm, lượng nhập khẩu một loại hàng nông sản có liệt kê trong biểu thuế lên tới 125% lượng nhập khẩu bình quân 3 năm trước, hoặc nếu giá thấp hơn giá tham khảo từ năm 1986 – 1988, thì có thể đánh thuế ngoại ngạch đối với hàng nông sản ấy, tỷ lệ thuế ngoại ngạch này do hiệp định quy định cụ thể. Điều khoản bảo vệ đặc biệt này có hiệu lực từ năm 1993 – 1998.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.