Đi theo hướng Tổ chức thương mại nhiều bên – Phần cuối


b/ Trợ giá trong nước.

Theo dự thảo hiệp định này, các nước phải từng bước giảm trợ giá trong nước đối với hàng nông sản để giá hàng nông sản sát với giá thị trường. Phương thức cụ thể là trước tiên tính ra “đơn vị của tổng lượng trợ giá”, sau đó, giảm đi; đối với những hàng nông sản không thể tính ra “đơn vị của tổng lượng trợ giá” được giảm ngang với mức cam kết trợ giá. Nhưng việc giảm trợ giá này không áp dụng đối với: trợ cấp đầu tư cho người đầu tư có thu nhập thấp và thiếu vốn. Lấy mức trợ cấp trong thời gian từ năm 1986 – 1988 làm mốc, từ năm 1993 – 1998 phải giảm 20% tất cả các khoản trợ cấp trong nước.

c/ Về cạnh tranh xuất khẩu.

Để thực hiện buôn bán tự do, cạnh tranh công bằng, dự thảo hiệp định này còn quy định phạm vi giảm trợ cấp xuất khẩu. Về phương thức giảm, hiệp định coi trọng cả giảm chi ngân sách và giảm số lượng sản phẩm được trợ cấp. Lấy năm 1986 – 1988 làm mốc, từ năm 1993 – 1998, phải giảm 36% ngân sách chi trợ cấp, gảim 24% sản phẩm được trợ cấp.

Ngoài ra còn dành ưu đãi đặc biệt và đơn phương cho các nước đang phát triển. Các nước này được giảm cam kết không quá 1 phần 3 mức cam kết theo quy định trong hiệp định này.

V/ Đi theo hướng tổ chức thương mại nhiều bên

1/ Các thỏa thuận khác tại vòng đàm phán Uruguay

“Văn bản cuối cùng về kết quả đàm phán thương mại nhiều bên tại vòng Uruguay” quy định rằng, các hiệp định vòng đàm phán Uruguay mở cửa đối với mọi bên đàm phán và đòi hỏi chấp nhận cả gói, cũng có nghĩa là, các nước tham gia đàm phán hoặc chấp nhận toàn bộ, hoặc không chấp nhận toàn bộ, chứ không được chọn lọc chấp nhận một số hiệp định, còn một số hiệp định thì không chấp nhận.

Ngoài các hiệp định đã nói ở trên, dự thảo “Văn bản cuối cùng” còn có các nội dung sau:

a/ Về thuế.

Nghị định thư giảm thuế quy định rằng, trên cơ sở mức thuế hiện hành, các nước ký hiệp định lại phải giảm 1 phần 3 nữa. Biểu thuế mới trở thành biểu thuế của Hiệp định chung, bắt đầu có hiệu lực cùng với hiệu lực của nghị định thư.

b/ Về các biện pháp phi thuế quan.

Ngoài hiệp định về quy tắc nơi sản xuất, hiệp định về kiểm nghiệm trước khi hàng xuống tàu, còn có 6 hiệp định đã được thỏa thuận tại vòng đàm phán Tokyo là: hiệp định thư về trình tự cấp giấy phép nhập khẩu, hiệp định về việc chính phủ thu mua, hiệp định về chống bán phá giá, hiệp định về trợ cấp và chống trợ cấp, hiệp định về hàng rào kỹ thuật và hiệp định tính giá hải quan đã sửa đổi.

c/ Về việc sửa đổi các điều khoản trong Hiệp định.

Đã có những sửa đổi đối với biện pháp bảo vệ, việc liệt kê thuế vào biểu thuế, hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với thương mại quốc doanh, xiết chặt hơn kỷ luật đối với những hạn chế về số lượng vì mục đích cân đối thu chi quốc tế, xiết chặt hơn kỷ luật torng việc thành lập liên minh thuế quan và đối với việc miễn trừ trách nhiệm.

d/ Về trình tự và quy tắc giải quyết tranh chấp, về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Quy định cụ thể hơn về thương lượng, dàn xếp, thành lập tổ chuyên gia, trình tự khiếu tố, trọng tài, về giám sát thi hành quyết định, về nghĩa vụ đền bù và ngừng nghĩa vụ giảm thuế… Đồng thời, quyết định lập ra tổ chức giải quyết tranh chấp, xác lập cơ chế trả đũa.

e/ Về vai trò của Hiệp định chung.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp định chung, người ta đã quyết định lập ra cơ chế thẩm nghị chế độ thương mại và đã làm thử; yêu cầu các nước ký hiệp định phải bảo đảm tính trong sáng của chính sách thương mại; các nước ký hiệp định phải kịp thời thông báo cho Ban thư ký Hiệp định chung tình hình thực hiện và thay đổi chính sách thương mại; lập ra trong Ban thư ký “Trung tâm đăng ký thông báo”, lập ra tổ thẩm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ thông báo của các nước; tăng cường sự giao lưu và hợp tác giữa Hiệp định chung với Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới.

g/ Về các lĩnh vực mới.

Vòng đàm phán Uruguay cũng đã thỏa thuận được dự thảo hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến thương mại, về buôn bán hàng giả, về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại và về buôn bán dịch vụ.

2/ Tổ chức thương mại nhiều bên

Một thành quả quan trọng tại vòng đàm phán Uruguay là đã đạt được thỏa thuận bước đầu về quyết định thành lập Tổ chức thương mại nhiều bên.

Trong hơn 40 năm kể từ ngày thành lập Hiệp định chung tới nay, số nước ký hiệp định này lúc đầu là 23 nước, nay đã tăng lên tới 104 nước (Nam Tư (cũ) bị tạm đình chỉ tư cách thành viên), kim ngạch mậu dịch giữa các nước ký hiệp định chiếm trên 90% kim ngạch mậu dịch thế giới. Về ảnh hưởng thực tế của Hiệp định chung đối với nền kinh tế thế giới thì không một tổ chức kinh tế thế giới nào có thể bì kịp. Bởi vậy, địa vị pháp lý của nó ngày càng quan trọng.

Tổ chức thương mại nhiều bên ra đời sẽ chấm dứt lịch sử hơn 40 năm việc tạm thời áp dụng của Hiệp định chung. Với việc xác lập quy tắc quốc tế hoàn bị về buôn bán hàng hóa, buôn bán dịch vụ, về quyền sở hữu trí tuệ và về các lĩnh vực thương mại vô hình khác và chúng thật sự nằm trong khuôn khổ Hiệp định chung, tổ chức thương mại nhiều bên sẽ trở thành tổ chức quốc tế chính thức quan trọng nhất giữa các chính phủ trong nền thương mại thế giới.

Tổ chức thương mại nhiều bên sẽ quản lý thống nhất việc thi hành các hiệp định được ký kết tại vòng đàm phán Uruguay, là nơi đàm phán thương mại nhiều bên; quản lý mọi công việc của tổ chức giải quyết tranh chấp. Điều đó cho thấy tính kế thừa của nó đối với Hiệp định chung.

Trong tổ chức thương mại nhiều bên sẽ lập ra một ủy ban chung phụ trách tổ chức tổng hợp về giải quyết tranh chấp, tổ chức thẩm nghị chính sách thương mại và các tổ chức dưới quyền khác. Đồng thời, trong ủy ban chung này sẽ lập ra ủy ban về buôn bán hàng hóa, ủy ban về buôn bán dịch vụ, ủy ban về quyền sở hữu trí tuệ, ủy ban về thu chi quốc tế, ủy ban ngân sách, ủy ban phát triển…

Thành viên cảu tổ chức thương mại quốc tế là các nước ký Hiệp định chung hiện nay, nếu họ chấp nhận cả gói mọi hiệp định tại vòng đàm phán Uruguay. Còn tất cả các nước khác và các khu vực (lãnh thổ) hải quan độc lập có quyền tự trị về thương mại đều có thể đàm phán, gia nhập tổ chức thương mại nhiều bên theo trình tự đã quy định.

Các nước thành viên của Tổ chức thương mại nhiều bên phải sửa đổi các đạo luật trong nước cho phù hợp với quy định của hiệp định tại vòng đàm phán Uruguay.

Tổ chức thương mại nhiều bên có tư cách pháp nhân. Hiệp định về Tổ chức thương mại nhiều bên có hiệu lực cùng lúc với hiệp định tại vòng đàm phán Uruguay, ngày giờ cụ thể sẽ do hội nghị cấp bộ trưởng vòng đàm phán Uruguay xác định.

Hiệp định chung phát triển thành Tổ chức thương mại nhiều bên, quy tắc thương mại nhiều bên phát triển từ chỗ được áp dụng tạm thời tới chỗ được áp dụng lâu dài, từ chỗ là tổ chức chỉ quản lý buôn bán hàng hóa tiến tới chỗ quản lý cả thương mại hữu hình, thương mại vô hình và quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến thương mại. Điều đó có thể rút ra một kết luận cơ bản như sau: Hiệp định chung đang trở thành “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” với ý nghĩa thật sự như thế. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và Tổ chức thương mại nhiều bên sắp ra đời chẳng những có ảnh hưởng to lớn đối với nền thương mại thế giới trong thế kỷ này mà còn tiếp tục có ảnh hưởng đối với tình hình thương mại thế giới trong thế kỷ XXI.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s