Khoảng trống đen – Phần I


Sự tan rã vào cuối năm 1991 của nước có lãnh thổ lớn nhất thế giới đã tạo ra một “khoảng trống đen” ngya ở trung tâm của lục địa Âu – Á, cái “vùng đất trung tâm” của các nhà địa chính trị đột nhiên bị bốc dỡ khỏi bản đồ thế giới.

Đối với Mỹ, tình hình địa chính trị mới và phức tạp này đặt ra một thách thức đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ trước mắt là thu hẹp khả năng hỗn loạn chính trị hoặc quay trở lại một nền chuyên chế thù địch, trong một nước đang tan vỡ nhưng vẫn còn nắm giữ một kho vũ khí hạt nhân hùng mạnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ lâu dài vẫn là thúc đẩy cải cách dân chủ và phục hồi kinh tế của nước Nga đồng thời vẫn tránh được sự xuất hiện của một đế quốc Âu – Á có thể cản trở mục tiêu địa chiến lược của Mỹ.

1/ Khung cảnh địa chiến lược mới của Nga

Sự sụp đổ của Liên Xô là giai đoạn cuối cùng của sự phân rã từng bước của khối cộng sản Trung – Xô rộng lớn; khối này trong một thời kỳ ngắn đã có thể sánh với tầm vóc của vương quốc Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ) trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, khối xuyên lục địa Âu – Á hiện đại này chỉ tồn tại trong một thời gian quá ngắn ngủi, lại có sự rời ngũ là Nam Tư của Tito, sự bất phục tùng của Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã sớm báo hiệu tính dễ bị tổn thương của phe cộng sản trức những khát vọng dân tộc chủ nghĩa. Những khát vọng này đã tỏ ra còn mạnh hơn các mối ràng buộc về tư tưởng. Khối Trung – Xô chỉ tồn tại được gần 10 năm, còn Liên Xô khoảng 70 năm.

Tuy nhiên, điều còn quan trọng hơn về mặt địa chính trị là sự sụp đổ của đế quốc Đại Nga cai trị từ nhiều thế kỷ. Sự tan rã nhanh chóng ấy là do thất bại toàn diện về chính trị, kinh tế và xã hội của chính thể Xô viết, tuy rằng phần lớn những bất ổn của nó vẫn được che giấu cho đến phút chót bởi chế độ bí mật tuyệt đối và tình trạng tự cô lập. Do vậy, thế giới rất ngỡ ngàng trước sự tự hủy hoại nhanh chóng của Liên Xô. Trong vòng hai tuần lễ ngắn ngủi trong tháng 12 – 1991, Liên Xô đã bị những người đứng đầu Cộng hòa Nga, Ukraine và Belarus ngang nhiên tuyên bố giải thể và được chính thức thay thế bởi một thực thể lờ mờ được gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), bao gồm tất cả các Cộng hòa Xô viết, trừ các nước Cộng hòa Baltic. Tiếp đó là sự từ chức miễn cưỡng của Tổng thống Xô viết và quốc kỳ Liên Xô trên tháp Kremlin được hạ xuống. Cuối cùng là Liên bang Nga – nay là một quốc gia mà dân tộc Nga chiếm ưu thế với 150 triệu dân – đã xuất hiện như người kế nghiệp Liên Xô cũ, còn các Cộng hòa khác bao gồm 150 triệu người thì đã khẳng định chủ quyền của mình ở mức độ khác nhau.

Sự sụp đổ của Liên Xô gây ra sự khủng hoảng về địa chính trị. Chỉ trong vòng nửa tháng, nhân dân Nga (những người không có được tin tức sớm bằng thế giới bên ngoài về sự tan rã đang đến gần của Liên Xô) bỗng dưng nhận ra rằng họ không còn lả chủ nhân của một đế quốc siêu lục địa, rằng đường biên giới đã bị co lại tại vùng Kavkaz vào đầu năm 1800; tại Trung Á vào giữa năm 1880; và bi thảm và đau đớn hơn cả là ở phía Tây vào khoảng năm 1600, ngay sau triều đại của Ivan bạo chúa. Sự mất đi vùng Kavkaz khơi dậy những nỗi lo sợ mang tính chiến lược trước ảnh hưởng đang lên của Thổ Nhĩ Kỳ. Sự mất Trung Á gây ra cái cảm tưởng bị tước đoạt mất các nguồn lợi về năng lượng và khoáng sản, cũng như nỗi lo âu về sự thách thức tiềm tàng của đạo Hồi. Sự độc lập của Ukraine đã thách thức ngay thực chất cái tham vọng của nước Nga tự cho mình được trời phú cho nhiệm vụ giương cao ngọn cờ của bản sắc toàn Slave.

Cái không gian đã từng bị đế quốc Sa hoàng chiếm đóng trong hàng thế kỷ, bị Liên Xô do người Nga thống trị, chiếm đóng trong ba phần tư thế kỷ nay sẽ phải chứa tới hàng chục quốc gia, mà đại đa số (trừ nước Nga) chưa sẵn sàng đảm nhận chủ quyền thực sự, và về tầm vóc thì biến đổi từ Ukraine tương đối lớn với 52 triệu dân, đến Armenia với 3,5 triệu dân. Khả năng đứng vững được của những nước này là chưa chắc chắn, còn liệu Nga có sẵn lòng thích ứng vĩnh viễn với thực tế này không thì cũng không thể tiên liệu trước được. Cú sốc lịch sử mà người Nga phải gánh chịu đã trở nên nghiêm trọng gấp bội, bởi lẽ có chừng 20 triệu người nói tiếng Nga nay đã là cư dân của những nước ngoài do các giới chính trị ưu tú ngày càng có xu thế dân tộc chủ nghĩa lãnh đạo. Các giới này kiên quyết khẳng định bản sắc của riêng họ sau nhiều thập kỷ chịu đựng Nga hóa ít nhiều mang tính ép buộc.

Sự sụp đổ của đế quốc Nga đã tạo ra một khoảng trống về quyền lực ngay ở trung tâm lục địa Âu – Á. Chẳng những tình trạng yếu kém và hỗn độn trong các quốc gia mới độc lập, mà ngay ở nước Nga, cuộc biến động đã đưa tới một cuộc khủng hoảng về thể chế đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi biến động chính trị lại đi kèm với mưu toan phá bỏ mô hình kinh tế – xã hội Xô viết cũ. Sự chấn thương dân tộc đã trầm trọng thêm với sự dính líu quân sự của Nga tại Tajikistan. Sự dính líu này xuất phát từ mối lo sợ giới Hồi giáo sẽ nắm chính quyền tại quốc gia mới độc lập này. Sự can thiệp bi thảm, tàn bạo vào Chesnia đã phải trả giá rất đắt cả về kinh tế lẫn chính trị. Đau đớn hơn cả là vị thế quốc tế của Nga đã xuống cấp nghiêm trọng: từ chỗ là một trong hai siêu cường của thế giới nay Nga chỉ nhỉnh hơn một cường quốc khu vực của Thế giới thứ ba. Dẫu rằng Nga vẫn còn nắm giữ một kho vũ khí hạt nhân quan trọng, nhưng ngày càng lạc hậu (…).

Như vậy, cuộc khủng hoảng trong nội bộ nước Nga cũng như sự mất đi cái vị thế quốc tế chẳng những đã gây hoang mang, buồn bã, nhất là đối với tầng lớp chính trị ưu tú, mà cả đến tình thế địa chính trị của nước Nga cũng chịu tác động bất lợi. Ở phía Tây, do hậu quả của sự tan rã của Liên Xô, biên giới của nước Nga đã bị thay đổi một cách đau đớn nhất, và phạm vi ảnh hưởng địa chính trị đã co lại nhanh chóng. Các quốc gia vùng Baltic đã từng bị Nga kiểm soát từ những năm 1700, và việc mất đi các hải cảng Riga và Talin làm cho đường biển vào Baltic của Nga bị hạn chế, và phải chịu đựng băng giá vào mùa đông hơn trước. Tuy rằng, Nga đã tìm cách giữ được một vị trí nổi trội về chính trị tại nước mới chính thức được độc lập và đã được Nga hóa cao độ là Belarus, nhưng gần như chắc chắn rằng, sự truyền nhiễm dân tộc chủ nghĩa ở đây rồi cũng sẽ chiếm ưu thế. Và ở phía bên kia biên giới của Liên Xô cũ, sự sụp đổ của Hiệp ước Varsava đã đưa tới hậu quả là các nước trước đây ở Trung Âu, tiêu biểu là Ba Lan đã nhanh chóng quay về phía NATO và Liên minh châu Âu.

Gây bối rối hơn cả là việc mất Ukraine. Sự xuất hiện một quốc gia Ukraine độc lập chẳng những đã thách thức mọi người Nga phải xem xét lại thực chất của chính cái bản sắc chính trị và sắc tộc của họ, mà còn là một thất bại lớn về địa chính trị đối với nức Nga. Sự chối bỏ trên ba trăm năm lịch sử của Nga cũng có nghĩa là chối bỏ một nền kinh tế giàu tiềm năng công nghiệp cùng 52 triệu người dân khá gần gũi về sắc tộc và tôn giáo, đã từng làm cho Nga trở thành một đế quốc thực sự lớn và tự tin. Sự độc lập của Ukraine cũng tước đoạt của Nga cái vị trí nổi trội trên Biển Đen, nơi mà Odessa đã từng được Nga dùng làm cửa ngõ để buôn bán với Địa Trung Hải và thế giới.

Việc mất Ukraine có tác động chủ chốt về mặt địa chính trị, bởi lẽ họ hạn chế tối đa những lựa chọn địa chiến lược của Nga. Dù cho không còn có các nước vùng Baltic và Ba Lan, một nước Nga mà còn giữ được quyền kiểm soát đối với Ukraine thì vẫn có thể tìm cách trở thành người đứng đầu một đế quốc Âu – Á đầy tự tin, trong đó có Nga có thể thống trị các quốc gia không phải Slave ở về phía Nam và Đông Nam Liên Xô cũ. Thế nhưng nếu không có Ukraine với 52 triệu đồng bào Slave, thì mọi mưu toan của Nga nhằm xây dựng lại một đế quốc Âu – Á sẽ đưa đến tình trạng Nga đơn độc vướng mắc vào những xung đột kéo dài với những không phải Slave mới được thức tỉnh về dân tộc và tôn giáo. Cuộc chiến tranh với Chesnia có lẽ mới chỉ là một thí dụ đầu tiên. Mặt khác, còn vì lẽ tỷ lệ sinh sản đang suy giảm của Nga và sự bùng nổ sinh sản trong những người Trung Á. Bất cứ thực thể Âu – Á mới nào đơn thuần dựa vào quyền lực của Nga mà không có Ukraine, nhất định sẽ trở thành một thực thể kém đi tính chất châu Âu và càng thêm nhiều tính chất châu Á hơn.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Zbigniew Brzezinski – Bàn cờ lớn – NXB CTQG 1999.

Bình luận về bài viết này