Các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại cũng là một đề mục mới đã được đưa ra đàm phán tại vòng đàm phán Uruguay. Nội dung chủ yếu là điều tra xem biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư đã có ảnh hưởng hạn chế và bóp méo như thế nào đối với thương mại để từ đó định ra các quy tắc loại trừ chúng. Sau cuộc đàm phán rất khó khăn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển và các nước đang phát triển, cuối cùng người ta đã cho ra đời bản dự thảo “Hiệp định về các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có ảnh hưởng tới thương mại”.
I/ Đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế
1/ Quan hệ giữa đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế
Xét trên góc độ lý luận, tích lũy trong phạm vi một nước là tiền đề tái sản xuất mở rộng của nước đó. Đầu tư là điều kiện quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển của sản xuất. Chỉ khi nào sản xuất phát triển, thương mại mới được mở rộng. Vì vậy, về thực chất,quan hệ giữa đầu tư và thương mại là quan hệ giữa sản xuất và lưu thông. Trên phạm vi thế giới thì đầu tư quốc tế là điều kiện quan trọng thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển. Số lượng, quy mô và tốc độ tăng trưởng đầu tư quốc tế, ở mức độ nhất định, cũng quyết định số lượng, quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền thương mại thế giới.
Nhất thể hóa kinh tế thế giới, mà trong đó có quốc tế hóa tư bản và toàn cầu hóa thương mại, càng phát triển thì quan hệ giữa đầu tư và thương mại quốc tế càng khăng khít. Đầu tư tư bản quốc tế tăng lên thì thương mại quốc tế cũng tăng theo; thương mại quốc tế tăng lên sẽ mở ra cơ hội đầu tư tư bản quốc tế mới, làm tăng đầu tư quốc tế. Hai mặt đó tác động lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau.
2/ Ảnh hưởng của các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại quốc tế
Các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có ảnh hưởng tới thương mại quốc tế chủ yếu ở hai mặt sau đây: Một là, ảnh hưởng tích cực. Người đầu tư trực tiếp là người nước ngoài, được ưu đãi về thuế, sức cạnh tranh của sản phẩm của họ tăng lên, điều đó làm cho họ càng hứng thú đầu tư. Hai là, ảnh hưởng tiêu cực. Sản phẩm xuất khẩu ít, thành tích xuất khẩu kém, các yêu cầu về cán cân ngoại hối, về chuyển lợi nhuận bằng ngoại tệ ra nước ngoài không được xử lý tốt, những điều ấy, làm giảm hứng thú đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh hưởng tích cực sẽ thúc đẩy sản xuất và thương mại phát triển. Ảnh hưởng tiêu cực sẽ hạn chế sản xuất và thương mại.
Mỗi nước đều căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế của mình để áp dụng các biện pháp ưu đãi khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành có nhu cầu phát triển cấp bách, còn đối với các ngành khác thì áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt. Cả hai mặt đó đều có ảnh hưởng tới mậu dịch đối ngoại của họ, do đó mà ảnh hưởng tới hướng đi và lưu lượng thương mại quốc tế.
3/ Đàm phán về các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại
a/ Lập trường của các nước phát triển.
Các nước phát triển cho rằng phải cấm các biện pháp được áp dụng đối với đầu tư gây ra những ảnh hưởng lớn đối với thương mại. Do vậy, theo họ, phải quy định ra quy tắc mới để hạn chế “các điều kiện cho phép đầu tư bước vào trong nhà”, như những quy định về thiết bị, hạn ngạch xuất khẩu tối thiểu, tỷ lệ đầu tư của nước ngoài, điều kiện thương mại ngang bằng, cân đối ngoại hối…, qua đó loại bỏ “vùng xám” không nằm trong khuôn khổ Hiệp định chung.
Trong số các nước phát triển, Mỹ là nước có thái độ kiên quyết nhất. Họ đưa ra một dự án có lợi cho lợi ích của các nước phát triển. Nhưng giữa các nước phát triển lại có bất đồng. Quan điểm của Mỹ và Canada khác nhau khá xa về các biện pháp được áp dụng đối với đầu tư có liên quan tới thương mại, đặc biệt là về vấn đề thành tích xuất khẩu thông qua đầu tư nước ngoài. Canada cho rằng điều đó không phù hợp với Hiệp định chung, còn Mỹ thì lại cho rằng không làm như thế là trái với Hiệp định chung.
b/ Lập trường của các nước đang phát triển
Các nước đang phát triển cho rằng, vấn đề cần thảo luận là các biện pháp được áp dụng đối với đầu tư đã gây ra ảnh hưởng như thế nào đối với thương nghiệp và làm thế nào để tránh được những ảnh hưởng bất lợi đó, chứ không phải là cấm đoán bản thân các biện pháp ấy. Các nước này chủ trương phải dựa vào Hiệp định chung để giải quyết vấn đề các biện pháp đã được áp dụng đối với đầu tư gây ảnh hưởng tới thương mại. Nếu cho rằng, trong trường hợp nào đó, biện pháp này đã ảnh hưởng bất lợi thì cần phải có chứng cứ, chứ không được suy diễn rằng, nó có thể gây ra ảnh hưởng trong bất kỳ trường hợp nào, và phải giải quyết từng trường hợp một.
Theo quan điểm của các nước đang phát triển, vấn đề phát triển của các nước đang phát triển phải được coi trọng đầy đủ hơn trong khi đàm phán về các biện pháp được áp dụng đối với đầu tư có liên quan tới thương mại. Họ kiên quyết phản đối đưa những yêu cầu về xuất khẩu vào nghị quyết, mà phải căn cứ vào trình tự giải quyết tranh chấp để giải quyết từng vụ việc một như trước đây. Cuối cùng đòi hỏi này đã được chấp nhận.
II/ Về phạm vi và tác động của các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại
Tại vòng đàm phán Uruguay, các nước tham gia đàm phán về các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại đã đồng ý sau khi điều tra những thiệt hại đối với thương nghiệp do áp dụng các biện pháp đối với đầu tư theo các điều khoản có liên quan trong Hiệp định chung gây ra thì phải định ra những quy định mới để tiết chế tác dụng phụ đối với thương mại. Do vậy, cuối cùng họ đã đưa ra dự thảo “Hiệp định về các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại”.
1/ Định nghĩa các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư có liên quan tới thương mại.
Những biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư, nếu là đặt điều kiện đối với chiều hướng thương mại và với hoạt động thương mại của một xí nghiệp, do đó gây ra tác động hạn chế hoặc có hại đối với thương mại, mà tác động ấy lại là tác động trực tiếp, to lớn, hơn nữa còn làm tổn hại tới lợi ích của nước khác và không phù hợp với quy định trong Hiệp định chung, thì biện pháp đó bị coi là biện pháp có liên quan tới thương mại.
2/ Phạm vi của các biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư
Biện pháp được áp dụng đối với việc đầu tư là biện pháp được thực thi đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi: 1) Đầu tư vào mọi ngành sản xuất hoặc công trình chế tạo, hoặc lập công ty, hoặc mua lại công ty hiện có; 2) Mở rộng đầu tư; 3) Công ty tiếp tục kinh doanh.
Chỉ trong các trường hợp sau người ta mới có thể coi là biện pháp áp dụng đối với việc đầu tư đã được thực thi: 1) Biện pháp ấy phải được áp dụng một cách phổ biến hoặc phù hợp với luật pháp, với phán quyết của tòa án, hoặc với tập quán hành chính, với chính sách hoặc với quy định; 2) Biện pháp ấy được ký kết là nhà đầu tư hoặc nhà sản xuất chấp nhận; 3) Biện pháp ấy được coi là điều kiện hoặc nhân tố quyết định để một bên ký kết giao kèo được lợi, hoặc được dùng làm điều kiện hoặc nhân tố quyết định để phòng ngừa một bên ký kết rút lại điều có lợi nào đó.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.