Lần đầu tiên trong lịch sử, Hiệp định chung về vấn đề buôn bán dịch vụ được đưa vào nội dung đàm phán. Qua đàm phán chật vật giữa các nước phát triển và đang phát triển, cuối cùng, người ta đã đạt được “Hiệp định chung về buôn bán dịch vụ”, các ngành then chốt được liệt kê thành phụ lục của hiệp định, các nước sơ bộ cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đàm phán và thỏa thuận được một biểu thuế. Có thể nói rằng, buôn bán dịch vụ được đưa vào khuôn khổ Hiệp định chung có ý nghĩa vạch thời đại, có ảnh hưởng sâu sắc đối với thương mại thế giới trong thời gian tới.
I/ Ngành dịch vụ và buôn bán dịch vụ quốc tế
1/ Về ngành dịch vụ và vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân
Phạm vi ngành dịch vụ rất rộng, như vận tải, bảo hiểm, tài chính, thông tin bưu chính, thông tin tư vấn, phục vụ công cộng, thương nghiệp, ngành ăn uống, du lịch, quảng cáo, dịch vụ kỹ thuật, quản lý công cộng, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, thể dục, vệ sinh, dịch vụ cá thể như luật sư, kế toán, nhận thầu công trình xây dựng, nhận thầu lao động…
Trong đời sống kinh tế hiện tại, ngành dịch vụ đã trở thành ngành ngày càng quan trọng của các hoạt động kinh tế. Quá trình sản xuất và lưu thông phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào hoạt động dịch vụ. Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất quốc dân là một trong những tiêu chí quan trọng về trình độ hiện đại hóa của nền kinh tế quốc dân. Tại các nước phát triển chủ yếu, giá trị sản xuất của ngành dịch vụ thường chiếm trên 1/2 tổng giá trị sản xuất quốc dân; ngành dịch vụ cũng là con đường giải quyết việc làm chủ yếu. Như năm 1987, tại Mỹ, ngành dịch vụ chiếm 69,1% tổng giá trị sản xuất quốc dân, tỷ lệ ấy tại Anh là 61,3%, tại Pháp – 63,2%, tại CHLB Đức – 57,7%, tại Nhật Bản – 57,1%; tỷ lệ số người làm việc trong ngành dịch vụ chiếm 76,8% tổng số người có việc làm tại Mỹ, tỷ lệ ấy tại Anh là 68,3%, tại Pháp – 67,8%, tại CHLB Đức – 61%, tại Nhật Bản – 60,1%.
Hiện nay, tại các nước đang phát triển, ngành dịch vụ còn đang ở vào giai đoạn phát triển thấp. Trình độ phát triển của ngành này giữa các nước đang phát triển rất không đồng đều. Tại các nước đang phát triển có thu nhập cao và trung bình, giá trị sản xuất của ngành dịch vụ chiếm khoảng 51% tổng giá trị sản xuất quốc dân. Tại các nước có thu nhập thấp tỷ lệ ấy chỉ chiếm khoảng 29%. Giữa các nước này, tỷ trọng số người làm việc trong ngành dịch vụ cũng chênh lệch nhau rất lớn. Chiếm vai trò chủ yếu trong ngành dịch vụ là ngành dịch vụ truyền thống như: dịch vụ vận tải biển, du lịch, nhận thầu công trình và nhận thầu lao động. Nhiều nước đang phát triển đã nhận ra rằng, sự lạc hậu của ngành dịch vụ đã trở thành một trong những trở ngại quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
2/ Buôn bán dịch vụ quốc tế
a/ Sự phát triển buôn bán dịch vụ quốc tế.
Từ những năm 1970 trở đi, sự phát triển buôn bán dịch vụ có xu hướng tăng mạnh. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế, từ năm 1970 – 1975, xuất khẩu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 20,32%, từ năm 1976 – 1980 bình quân hàng năm tăng 16,7%, vượt rất xa tốc độ tăng thương mại hàng hóa cùng thời gian ấy. Từ những năm 80 lại đây, tốc độ tăng trưởng buôn bán dịch vụ quốc tế tuy có giảm, nhưng vẫn vượt tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa. Theo tài liệu thống kê có liên quan, hiện nay thương mại hàng hóa thế giới đạt 3,5 nghìn tỷ USD, còn buôn bán dịch vụ cũng đã lên tới 900 tỷ USD. Trong tương lai buôn bán dịch vụ vẫn còn tăng trưởng hơn nữa.
b/ Đặc điểm buôn bán dịch vụ.
Do lợi ích so sánh trong buôn bán dịch vụ quốc tế, đặc biệt là lợi ích xuất khẩu thuộc về các nước phát triển cho nên nó có các đặc điểm: một là, các nước phát triển chiếm địa vị chủ đạo trong buôn bán dịch vụ quốc tế, các nước đang phát triển ở vào vị trí thứ yếu; hai là, phạm vi buôn bán dịch vụ có xu thế mở rộng hơn nữa, trong khi đó phát triển nhanh nhất là các ngành dịch vụ mới, như tư vấn kỹ thuật, thông tin, bưu chính viễn thông, còn buôn bán dịch vụ truyền thống thì tăng chậm lại, thậm chí co lại, giảm sút; ba là, các nước phát triển sản xuất siêu dịch vụ, các nước đang phát triển nhập siêu dịch vụ, do vậy các nước phát triển càng được lợi.
3/ Những trở ngại đối với buôn bán dịch vụ quốc tế
Do một số lĩnh vực dịch vụ liên quan tới mạch máu nền kinh tế quốc dân, cho nên các nước đều thực hiện chính sách bảo hộ, đóng cửa tương đối đối với ngành dịch vụ, sự phát triển buôn bán dịch vụ bị chính sách kinh tế của các nước điều tiết, bị các nước can thiệp bằng biện pháp tài chính và các biện pháp hạn chế đặc biệt. Chủ yếu gồm có các biện pháp sau đây: 1) Hạn chế người cung cấp dịch vụ nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước; 2) Độc quyền ngành vận tải biển; 3) Hạn chế dịch vụ nước ngoài về ngân hàng, bảo hiểm, tín dụng; 4) Trong lĩnh vực thông tin quốc tế thì phân biệt đối xử về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhà nước độc quyền, hạn chế trao đổi số liệu vượt ra ngoài biên giới quốc gia; 5) Hạn chế và đặt ra yêu cầu về kỹ năng dịch vụ chuyên nghiệp.
So với thương mại hàng hóa, bảo hộtrong lĩnh vực dịch vụ nghiêm ngặt hơn, tiêu chuẩn cao hơn, hạn chế nhiều hơn. Do vậy đã cản trở buôn bán dịch vụ phát triển.
II/ Đàm phán buôn bán dịch tại Vòng Uruguay
1/ Về đề nghị đàm phán buôn bán dịch vụ
Mỹ là nước giữ vị trí đặc biệt trong buôn bán dịch vụ quốc tế, ngay từ vòng đàm phán Tokyo, họ đã đề nghị đưa vấn đề buôn bán dịch vụ vào nội dung đàm phán. Nhưng các nước phát triển khác rất e ngại ý đồ của Mỹ khi đưa ra đề nghị này cho nên họ không đồng ý. Song, Ủy ban hợp tác và phát triển kinh tế thuộc Liên hợp quốc đã căn cứ vào đề nghị của Mỹ, ra quyết định từ năm 1979 bắt đầu nghiên cứu thí điểm loại bỏ các trở ngại thương mại trong các lĩnh vực kỹ thuật công trình xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Tuyên bố của hội nghị cấp bộ trưởng tại Đại hội lần thứ 38 các nước ký Hiệp định chung họp năm 1982 chỉ ra rằng, các nước ký Hiệp định chung có liên quan tới việc buôn bán dịch vụ, nếu có khả năng thì đều cần tiến hành thẩm tra vấn đề này ở trong nước mình, thông qua tổ chức Hiệp định chung để trao đổi thông tin, tổ chức Hiệp định chung dựa theo phương thức đã nhất trí để biên soạn thành những tập tư liệu về vấn đề này và phân phát cho các nước, các nước căn cứ vào kết quả điều tra để xem xét áp dụng hành động chung trên vấn đề buôn bán dịch vụ thì có thích hợp không. Sau nhiều lần thảo luận, các nước phát triển quyết định đưa vấn đề buôn bán mậu dịch vào nội dung đàm phán tại vòng Uruguay.
Xuất phát từ lợi ích kinh tế của mình, các nước đang phát triển lúc đầu không đồng ý đàm phán về vấn đề này, nhưng do sức ép, cuối cùng, đã phải đồng ý đàm phán, song họ kiên quyết chỉ đàm phán với điều kiện tách riêng buôn bán hàng hóa với buôn bán dịch vụ.
2/ Lập trường của các nước phát triển
Mỹ, nước khởi xướng đàm phán nhiều bên về buôn bán dịch vụ, tích cực chủ trương tựdo hóa buôn bán dịch vụ.
Theo đà phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện đại và sự điều chỉnh mang tính chất toàn cầu về kết cấu công nghiệp, lợi thế so sánh của Mỹ từ ngành chế tạo chuyển sang ngành dịch. Đầu những năm 70, năng lực cạnh tranh trong ngành chế tạo của Mỹ yếu đi rõ rệt, có xu hướng nhập siêu trong buôn bán hàng hóa. Nhưng cùng thời gian đó, trong buôn bán dịch vụ, Mỹ lại xuất siêu lớn, nhờ đó bù đắp được nhập siêu hàng hóa. Chính trong bối cảnh như vậy Mỹ đã đưa ra đề nghị đàm phán nhiều bên về buôn bán dịch vụ.
Trong đàm phán, mục tiêu chủ yếu của Mỹ là định ra một hệ thống quy tắc quốc tế về buôn bán dịch vụ. Hàng loạt trở ngại và đủ thứ hạn chế đã đẩy lui ưu thế so sánh của các xí nghiệp Mỹ, tạo nên phòng tuyến thứ hai ngăn chặn hàng nhập khẩu. Dựng lên vật cản đối với nước ngoài, điều đó cũng hạn chế các hoạt động giao dịch trong nước. Theo Mỹ, cần phải dở bỏ những vật cản ấy.
EEC, Nhật Bản và các nước phát triển khác ủng hộ đề nghị đưa vấn đề buôn bán dịch vụ vào vòng đàm phán Uruguay. Song các nước này đều xuất phát từ lợi ích riêng của mình, do vậy họ có quan điểm khác với Mỹ trên một số vấn đề cụ thể.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.