Thương mại vô hình – Phần cuối


e/ Về các quy định trong nước.

Các nước có quyền thực thi các quy định về ngành dịch vụ trong nước tại đất nước mình, nhưng không được mâu thuẫn với các quy định trong hiệp định này. Các nước đang phát triển có nhu cầu đặc thù về sử dụng quyền này.

Nước này có thể yêu cầu công việc dịch vụ hoặc người cung cấp dịch vụ của nước khác phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn hoặc điều kiện nào đó. Nhưng, những yêu cầu đó phải phù hợp với năng lực của họ và không tăng thêm gánh nặng đối với họ. Việc thực hiện những yêu cầu này có thể dựa trên cơ sở ký kết giao kèo hoặc trên cơ sở những quy định, tiêu chuẩn và điều kiện tại các hiệp định đã cùng nhau thừa nhận.

Không được biến các quy định, tiêu chuẩn và điều kiện ấy thành công cụ chuyên quyền độc đoán hoặc phân biệt đối xử giữa các nước hoặc che đậy sự hạn chế buôn bán dịch vụ.

Khi có yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ hoặc của bên tiếp nhận dịch vụ, thì phải thông qua tổ chức tư pháp, trọng tài hoặc thủ tục hành chính để nhanh chóng điều tra và uốn nắn các quyết định hành chính có liên quan tới việc cung cấp dịch vụ.

g/ Về độc quyền dịch vụ và người chuyên doanh cung cấp dịch vụ.

Người cung cấp dịch vụ độc quyền là thực thể quốc doanh hoặc tư doanh trên lãnh thổ một nước nào đó được chính phủ nước đó giao quyền hoặc chỉ định là người cung cấp duy nhất ngành dịch vụ nào đó. Còn người cung cấp dịch vụ chuyên doanh là một trong số ít người cung cấp dịch vụ do chính phủ đã chỉ định.

Bất kỳ nước nào, khi chỉ định một thực thể kinh doanh là người cung cấp dịch vụ độc quyền và chuyêndoanh cũng phải bảo đảm rằng, những ưu đãi dành cho người cung cấp dịch vụ của nước khác trong trường hợp tương tự không thấp hơn những ưu đãi dành cho người cung cấp dịch vụ trong nước.

Các nước phải bảo đảm rằng, các dịch vụ được cung cấp ngoài dịch vụ độc quyền và dịch vụ chuyên doanh không được sử dụng biện pháp gây ra thiệt hại lợi ích của người cung cấp dịch vụ của nước khác.

h/ Nguyên tắc kinh doanh.

Khi thực thi luật cạnh tranh và quy tắc cạnh tranh trong phạm vi lãnh thổ nước mình, các nước có quyền yêu cầu người cung cấp dịch vụ của nước khác trên lãnh thổ nước mình giao nộp các tư liệu cần thiết để đề phòng các trường hợp gây rối thị trường hoặc gây ra tác động có hại cho cạnh tranh thị trường. Các nước cần hợp tác và trao đổi thông tin cho nhau về vấn đề này.

i/ Về biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Mọi biện pháp bảo vệ đều chỉ là tạm thời, hơn nữa chỉ được thực hiện theo nguyên tắc nhiều bên nhất trí, phải đáp ứng các điều kiện: trong sáng, có thương lượng, có thông báo và phải chịu sự giám sát.

k/ Về cá biện pháp bảo đảm cân đối thu chi quốc tế.

Khi có khó khăn trong việc cân đối thu chi quốc tế, các nước có thể yêu cầu được áp dụng biện pháp tạm thời đối với dịch vụ được cung cấp tại nước mình. Chú ý tới yêu cầu của các nước đang phát triển trong việc sử dụng biện pháp thích đáng để giải quyết khó khăn về thu chi quốc tế.

l/ Về việc thừa nhận quy định của nước khác đối với nhân viên chuyên nghiệp.

Các nước cần thừa nhận quy định của các nước khác về tiêu chuẩn, tư cách của nhân viên chuyên nghiệp; không ngăn cấm các nước có tiêu chuẩn khác nhau đối với người cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài, nhưng phải ghi rõ trong cam kết gia nhập thị trường.

m/ Về trợ cấp.

Nước thực hiện trợ cấp cho buôn bán dịch vụ phải thông báo cho Toàn thể các nước ký Hiệp định chung mọi hình thức trợ cấp mà mình thực hiện đối với ngành dịch vụ trong nước và những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp có thể sẽ xảy ra đối với buôn bán dịch vụ.

IV/ Về cam kết cụ thể, tự do hóa từng bước và thực hiện hiệp định

1/ Về cam kết cụ thể

a/ Về việc gia nhập thị trường.

Bất kỳ nước nào cũng phải mở cửa thị trường dịch vụ. Hai bên đàm phán để thống nhất ý kiến về các điều kiện gia nhập thị trường, về hạn ngạch và việc thực hiện nghĩa vụ. Những ưu đãi về gia nhập thị trường dành cho dịch vụ hoặc người cung cấp dịch vụ của nước khác không được ít hơn những ưu đãi đã cam kết khi đàm phán về việc thực hiện nghĩa vụ này.

Khi đàm phán, nếu có nhiều phương thức cung cấp dịch vụ, thì người cung cấp dịch vụ nước ngoài có quyền tự do lựa chọn phương thức nào có lợi cho họ nhất.

b/ Về chế độ ưu đãi chung.

Các ưu đãi mà nước tiếp nhận dịch vụ dành cho ngành dịch vụ hoặc người cung cấp dịch vụ nước ngoài về các mặt luật pháp, quy chế, quản lý hành chính không được kém hơn những ưu đãi dành cho ngành dịch vụ và người cung cấp dịch vụ trong nước có cùng một hoàn cảnh.

Khi cần thiết, có thể dành cho ngành dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của nước khác những ưu đãi khác với ưu đãi dành cho người cung cấp dịch vụ trong nước, miễn là trên thực tế những ưu đãi đó tương đương với ưu đãi đối với người cung cấp dịch vụ trong nước và thực tế không có phân biệt đối xử.

Các quy định pháp luật, các quy chế và các yêu cầu về chế độ ưu đãi chung không áp dụng đối với các hoạt động mà các cơ quan của chính phủ mua cho chính phủ sử dụng (chứ không để sản xuất ra dịch vụ hoặc tiêu dùng thương nghiệp). Chế độ ưu đãi chung không ngăn cản trợ cấp hoặc tặng biếu có tính chất khuyến khích đối với người cung cấp dịch vụ trong nước.

2/ Về tự do hóa từng bước

a/ Các nước ký hiệp định này cần tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán định kỳ về vấn đề tự do hóa thương mại hơn nữa nhằm giảm hoặc loại bỏ các biện pháp có hại cho việc gia nhập thị trường buôn bán dịch vụ một cách có hiệu quả, đồng thời cũng nhằm làm cho các nước đều có lợi ích theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, cân đối toàn diện về nghĩa vụ và quyền lợi.

Mức độ tự do hóa thương mại được quyết định bởi chính sách của chính phủ các nước và trình độ phát triển của mỗi nước. Do vậy, cần có sự linh hoạt đối với từng nước đang phát triển trong việc họ ít mở cửa ở một số lĩnh vực hoặc ít nới rộng loại hình giao dịch, hoặc trong việc họ từng bước gia nhập thị trường tùy theo tình hình phát triển của họ. Các vấn đề được thảo luận trong các cuộc đàm phán tự do hóa từng bước gồm có: 1) Loại bỏ từng phần hoặc toàn bộ các điều kiện, các hạn chế và các ý kiến bảo lưu về gia nhập thị trường hoặc cam kết tự do hóa thương mại hơn nữa; 2) Hủy bỏ từng phần hoặc toàn bộ việc thẩm định tư cách và điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi chung hoặc những điều bảo lưu về chế độ ưu đãi chung; 3) Các vấn đề tương tự có liên quan tới các điều khoản trong hiệp định này; 4) Thông qua việc sửa đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp hạn chế quy mô hoạt động kinh doanh, hoặc các biện pháp không cho người cung cấp dịch vụ của nước khác có cơ hội cạnh tranh giống như người cung cấp dịch vụ trong nước.

b/ Các quy định về việc áp dụng hiệp định này.

Từ ngày hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, các nghĩa vụ, kỷ luật, nguyên tắc và những giải thích thống nhất ghi trong hiệp định này được áp dụng đối với tất cả các nước đã ký kết. Sau khi đàm phán đã có kết luận và đã được ghi vào các văn bản kế hoạch, các nước không được: 1) Dựng lên hoặc duy trì các vật cản và điều kiện gia nhập thị trường không đúng với hiệp định này, không thực thi theo kế hoạch đã được dàn xếp; 2) Sửa đổi biện pháp cũ hoặc sử dụng biện pháp mới khiến ngành dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của nước khác không được hưởng chế độ ưu đãi theo kế hoạch đã được dàn xếp.

c/ Về việc dàn xếp kế hoạch thực hiện.

Sau khi đàmphán giữa nước này với nước khác kết thúc, các nước phải căn cứ vào thời gian biểu đã định thực hiện nghĩa vụ của mình như kế hoạch đã dàn xếp. Kế hoạch này cần gồm các nội dung: 1) Những hạn chế, điều kiện phải xóa bỏ và những điều bảo lưu về gia nhập thị trường; 2) Các điều kiện và những điều bảo lưu về tư cách được hưởng chế độ ưu đãi chung; 3) Các vấnđề có liên quan tới các điều khoản khác của hiệp định này; 4) Các biện pháp phụ kèm theo để được gia nhập thị trường; 5) Ngày giờ bắt đầu có hiệu lực của các quy định về nghĩa vụ ấy trong kế hoạch.

Việc sửa đổi, xóa bỏ kế hoạch hoặc các ý kiến về duy trì nguyên trạng phải được thông báo cho Toàn thể các nước ký hiệp định, và phải qua đàm phán để điều chỉnh và bổ sung.

3/ Về việc chấp hành hiệp định

Hiệp định chung về buôn bán dịch vụ có quy định trình tự thương lượng và giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp tình hình nghiêm trọng cần phải hành động, thì một nước hoặc nhiều nước được phép căn cứ vào tình hình thực tế để ngừng thực hiện nghĩa vụ của họ đối với nước khác. Trình tự giải quyết tranh chấp cũng quy định cả biện pháp trả đũa giữa các ngành dịch vụ, hoặc sự trả đũa đan chéo giữa ngành dịch vụ với ngành buôn bán hàng hóa; quy định cơ chế quyết định phối hợp hành động; quy định lập ra Ủy ban giám sát việc thực hiện hiệp định, giải quyết các tranh chấp.

Hiệp định này cũng quy định các nước phát triển cần cung cấp cho những người cung cấp dịch vụ của các nước đang phát triển tư liệu thương mại và kỹ thuật, các tư liệu có liên quan về đăng ký, cấp phép và xin duyệt tư cách chuyên nghiệp. Việc viện trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển do Ban thư ký Hiệp định chung cung cấp.

Điều khoản cuối cùng trong hiệp định này có các quy định cụ thể về việc chấp nhận và tham gia hiệp định, ngày hiệp định bắt đầu có hiệu lực, về việc các bên không áp dụng hiệp định này với nhau, về việc không thừa nhận lợi ích của một nước nào đó, việc sửa đổi hiệp định và rút ra khỏi hiệp định.

Hiệp định chung về buôn bán dịch vụ này có tính linh hoạt nhất định, các nước có thể căn cứ vào trình độ phát triển của mình để đàm phán về nghĩa vụ phải gánh vác, tương ứng với trình độ phát triển của mình.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Cương – Từ “Câu lạc bộ các nhà giàu trên thế giới” đến “Liên hợp quốc kinh tế và thương mại” – NXB CTQG 1996.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s