Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần III


Làm thế nào và tại sao phải gắn kết những mong đợi của các thành phần có liên quan vào trong các quyết định của doanh nghiệp? Điều đó có những tác dụng và những hạn chế nào?

Câu hỏi xuyên suốt trong lý thuyết về các thành phần có liên quan, kể cả lý thuyết về CSR, là làm sao mang lại sự thừa nhận hoặc là sự hợp thức cho tầm quan trọng của các thành phần có liên quan trong việc quản trị doanh nghiệp [Mercier, 2006]. Làm thế nào và tại sao cần phải gắn những mong đợi của các thành phần có liên quan vào trong các quyết định của doanh nghiệp? Những câu trả lời lý thuyết được đưa ra trong các lý thuyết mang tính chất mô tả, công cụ hay chuẩn tắc về các thành phần có liên quan nằm trong hai hệ hình đối nghịch nhau: hệ hình “định hướng kinh doanh” (business-oriented), duy lợi, xem CSR như là một “công cụ”, và hệ hình “định hướng đạo đức” (ethic-oriented) chuẩn tắc, xem CSR như một “lý tưởng” [Pasquero, 2005].

Nhãn giới “định hướng kinh doanh” xem lợi ích của các thành phần có liên quan như một điều kiện đảm bảo cho hiệu quả kinh tế và tài chính của doanh nghiệp (nhất là cho các cổ đông). Nhãn giới quản trị này bắt nguồn từ lý thuyết của Freeman và sau đó được đề cập lại trong các cách tiếp cận công cụ và chuẩn tắc. Lý thuyết này tìm cách mô tả và giải thích bản chất các mối quan hệ và hành vi của các doanh nghiệp trong tương quan với các thành phần có liên quan; đồng thời làm cơ sở cho lý thuyết công cụ vốn dựa trên giả thuyết cho rằng lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các cổ đông nảy sinh từ các đáp án tương thích với những mong đợi của các thành phần có liên quan. Tiếp cận công cụ được đặt trong nhãn giới của lý thuyết phụ thuộc vào tài nguyên xác định rằng các khế ước hợp tác sẽ đảm bảo mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời tạo dựng được sự tin tưởng giữa doanh nghiệp với các thành phần có liên quan. Những mong đợi của các thành phần có liên quan sẽ trở thành cơ sở để định ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cách tiếp cận mang tính công cụ như vậy về các thành phần có liên quan cung cấp một khung gần như tổng quát về các công cụ và các quy chiến quản lý cũng như lượng giá CSR. Việc thừa nhận lợi ích của các thành phần có liên quan được chứng minh qua sự hội tụ về lợi ích trong dài hạn của các thành phần có liên quan khác nhau (quan điểm đối tác trong tính quản trị).

Nhãn giới “định hướng đạo đức” thì lại tập trung vào các nghĩa vụ đạo đức của doanh nghiệp đối với các thành phần có liên quan. Trong lối tiếp cận chuẩn tác thuộc lý thuyết các thành phần có liên quan, quyền lợi của các thành phần này có một giá trị nội tại và doanh nghiệp là người hàm ơn xã hội. Ngay khi các nhà quản lý doanh nghiệp thừa nhận sự tồn tại và sự hợp thức của các thành phần có liên quan, họ cần phải đưa những kỳ vọng của các nhóm này vào trong các mục tiêu của doanh nghiệp. Sự phân tích mang tính “đạo đức” về các quyết định của doanh nghiệp trở thành một quá trình mang tính quyết định. Nhãn giới này được thể hiện trong cách nhìn mang tính quan hệ về tổ chức dựa trên các khế ước công bằng mà theo đó, những xung đột về lợi ích có thể được giải quyết bằng cách đảm bảo lợi ích của từng nhóm đều được tối đa hóa. Nhà quản lý cần phải quan tâm đến sự công bằng xã hội và cổ xúy cho sự bình đẳng giữa các thành phần có liên quan khác nhau. Cách tiếp cận này đưa đến việc nhìn nhận lại bản chất của doanh nghiệp. Donaldson và Dunffee [1999] khẳng định rằng có một khế ước xã hội giữa doanh nghiệp và xã hội, và điều này khiến cho doanh nghiệp có nghĩa vụ đạo đức là phải góp phần vào sự sung túc của xã hội.

Lý thuyết các thành phần có liên quan là khung quy chiếu chủ đạo cho các lý thuyết CSR

Như chúng ta đã thấy, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hẳng định rằng doanh nghiệp có những nghĩa vụ đối với xã hội, ngoài những nghĩa vụ pháp lý và kinh tế [Bowen, 1953]. Đây là một tiến trình tự nguyện và ban điều hành cần phải đáp ứng được những yêu cầu của các thành phần có liên quan. Vì thế, Caroll [1979], một trong những tác giả được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực này, đã xây dựng một mô hình vốn đã trở thành khung quy chiếu trong giới nghiên cứu Anh – Mỹ. Mô hình này trình bày tháp các trách nhiệm gồm bốn cấp độ như sau.

Mỗi cấp độ trên đây phụ thuộc vào cấp độ đứng trước nó: việc thỏa mãn hai cấp độ đầu tiên là do xã hội đòi hỏi, thỏa mãn cấp độ thứ ba là điều mà xã hội mong đợi, và thỏa mãn cấp độ thứ tư là điều mà xã hội ước ao.

Việc phân chia ra thành bốn cấp độ trách nhiệm và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho lĩnh vực kinh tế như trên chắc chắn đã không tính được hết tính chất phức tạp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đặc biệt, cách phân chia này đã không tính đến mối quan hệ tương tác giữa các cấp độ với nhau (chẳng hạn những tác động tích cực của hoạt động từ thiện đối với các kết quả kinh tế của doanh nghiệp) và những chọn lựa, đôi khi hết sức gay cấn, giữa công tác xã hội với việc mưu cầu hiệu quả kinh tế. Vả lại, người ta cũng có thể tranh cãi là tại sao lại xếp việc tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý đứng đằng sau việc tìm kiếm lợi nhuận. Các cấp độ trách nhiệm trên đây có thể là khung quy chiếu để xác định các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như lối tiếp cận của Caroll đã có hội nhập chiều kích đạo đức, thì nó vẫn còn gắn khá chặt với nhãn giới công cụ.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng toàn bộ các lý thuyết về CSR được xây dựng trên nền tảng của lý thuyết về các thành phần có liên quan đều cho rằng sự hội tụ giữa các cứu cánh của doanh nghiệp và những mong đợi của các thành phần có liên quan là điều có thể đạt được thông qua các khế ước công bằng. Các lý thuyết này thuộc về khuynh hướng “không tưởng đồng vận” (utopie agoniste), tức là khuynh hướng chối bỏ sự tồn tại của những sự đối kháng (antagonisme) giữa các thành phần có liên quan [Pesqueux, 2006]. Tuy nhiên, thật khó có thể dung hòa giữa các cứu cánh, vì những mong đợi của các thành phần có liên quan thường là xung đột nhau, và chính đây là hạn chế của lối tiếp cận này.

Những hạn chế của lý thuyết về các thành phần có liên quan

Mặc dù luôn hiện diện trong mọi văn bản viết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, lý thuyết về các thành phần có liên quan vẫn có một số hạn chế ở cả cấp độ thực tiễn lẫn cấp độ nền tảng chính trị.

Việc “dàn dựng” các thành phần có liên quan. Xét ở cấp độ thực tiễn và công cụ, thật là hão huyền khi phải xét đến toàn bộ các thành phần có liên quan tiềm năng của doanh nghiệp. Lý lẽ của các nhà quản lý thường bị giới hạn rất nhiều bởi tính cấp bách của các vấn đề, bởi những áp lực và bởi những hệ thống thông tin mà họ có được hoặc được họ sử dụng để ra quyết định. Vì thế, ảnh hưởng của các thành phần có liên quan sẽ phụ thuộc vào nhận định cũng như việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các mong đợi nơi nhà quản lý, nhất là khi những mong đợi đó mâu thuẫn nhau. Các nhà quản lý sẽ “dàn dựng” (mettre en scène) và lựa chọn những chủ thể nào [trong số các thành phần có liên quan] có thể giúp ích được cho họ trong việc xác định chiến lược của mình. Hơn nữa, việc quy chiếu mọi thứ vào doanh nghiệp (quan niệm coi doanh nghiệp là trung tâm) cũng làm lu mờ toàn bộ các mối quan hệ và tương tác giữa các thành phần có liên quan khác.

Như vậy, ở đây phải đặt ra câu hỏi về tính đại diện và tính hợp thức của các chủ thể được tuyển chọn bởi các nhà quản lý. Tại Pháp, nếu như luật lao động quy định rằng các nghiệp đoàn là đại diện cho người lao động, vậy còn các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khác thì sao? Ai là người đại diện cho các nhóm như “khách hàng”, “các nhà cung ứng”?

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s