Dưới góc độ quản trị, trước những mong đợi mâu thuẫn nhau của các thành phần có liên quan, nhà quản lý sẽ gia tăng quyền lực của mình bằng cách áp dụng câu ngạn ngữ “chia để trị”; các vị đại diện nghiệp đoàn thường bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này bởi họ cảm nhận rõ sự xóa nhòa của vị trí trung tâm của mối quan hệ làm công ăn lương, và sự suy yếu cảu phương thức đối thoại xã hội truyền thống, và điều đáng lưu ý là khái niệm các thành phần có liên quan đang có khuynh hướng thay thế cho khái niệm “các đối tác xã hội” (partenaires sociaux). Nhưng lạ đời là chính những người ủng hộ lý thuyết tân cổ điển cũng chỉ trích giới hạn này khi cho rằng nó sẽ củng cố thêm xu hướng cơ hội nơi các nhà quản lý vì nó có nguy cơ làm họ giảm đi sự tập trung vào việc đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông.
Lý thuyết về các thành phần có liên quan đã tạo nên một quan niệm hạn hẹp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trở thành trách nhiệm đối với các thành phần có liên quan, nhưng phải chăng các giá trị và lợi ích của các thành phần liên quan là quá yếu để có thể đại diện [cho toàn xã hội]? Trong quá trình xây dựng các chỉ tiêu cho tiêu chuẩn ISO 26000, rất nhiều vấn đề xung quanh việc ứng dụng các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp qua lối tiếp cận “các thành phần có liên quan” đã được tranh luận; điều cần lưu ý lối tiếp cận này không cho phép bao trùm hết toàn bộ các vấn đề của sự phát triển bền vững (stakes without holders).
Vấn đề này lại đưađến câu hỏi: liệu chúng ta có thể khẳng định được rằng lợi ích chung là tổng số lợi ích của mỗi thành phần có liên quan? Vượt lên trên những giới hạn liên quan đến vấn đề quản lý các mối quan hệ với các thành phần có liên quan, đó là vấn đề quan niệm chính trị được ngầm hiểu trong lý thuyết này.
Quan niệm chính trị phía sau lý thuyết này là gì? Khái niệm các thành phần có liên quan có liên quan đến quan niệm cộng đồng trong nền dân chủ biểu quyết (démocratie délibérative) [Pesqueux, 2006]; các tổ chức của các thành phần có liên quan, phát sinh từ xã hội dân sự, không ưu tiên trông chờ nơi nhà nước, mà là nơi doanh nghiệp. Mặt khác, trong các quan niệm và các bảng phân loại các thành phần có liên quan, nhà nước cũng thường được xếp cùng một cấp độ như các thành phần có liên quan khác. Lý thuyết này nằm trong truyền thống tư tưởng tự do, vốn được củng cố bởi nhận định về sự bất lực của một nền luật pháp thực định – nền luật pháp này thay thế sự tự điều tiết bằng những quy định; lý thuyết này “giải thích một không gian công cộng mà nơi đó, các cơ quan công quyền không còn xác định được thế nào là công cộng nữa” [Bonafous-Boucher, 2006, p243]. Quá trình “định chế hóa” doanh nghiệp như vậy là điều cần phải được xem lại.
Như chúng ta đã thấy, lý thuyết các thành phần có liên quan cho rằng sự thừa nhận và sự kết tụ những lợi ích của các thành phần có liên quan có thể hội tụ lại trong một lợi ích chung; thế nhưng ta biết rằng, kể từ thời Condorcet, tổng cộng những sự ưa thích riêng không thể tạo nên một sự ưa thích chung được; tổng các lợi ích của các thành phần có liên quan – giả định rằng các lợi ích này hội tụ với nhau – cũng không thể tương ứng với một lợi ích chung của xã hội, trừ phi chúng ta hoàn toàn ngả theo quan niệm duy lợi. Về mặt lý thuyết, việc định nghĩa lợi ích chung này được trao cho nhà cầm quyền; nhưng ở cấp độ quốc tế thì ai sẽ nắm giữ tính hợp thức này? Một tổ chức được thừa nhận ở cấp độ quốc tế hay một quyền lực đế quốc thống trị? Thế mà, theo lý thuyết các thành phần có liên quan, chính các đại công ty đa quốc gia sẽ là người nắm quyền xác định đâu là lợi ích chung của xã hội.
Do đó, chúng ta cần hướng đến một lối tiếp cận khác có thể giúp xác định đâu là những lợi ích mang tính toàn cầu, những lợi ích cơ yếu giúp đảm bảo cho sự sống còn và tái sản xuất của xã hội loài người (bảo vệ tầng ozone, đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho toàn thế giới, giảm tình trạng nghèo đói). Có như vậy, chúng ta mới có thể hình dung một trách nhiệm mang tính toàn cầu của doanh nghiệp, nói cách khác, chúng ta có thể xác định những vấn đề chủ yếu của một chính sách CSR trong mối tương quan với những đóng góp hoặc tổn hại đối với việc sản xuất và bảo tồn các lợi ích chung mang tính toàn cầu, cũng như sự phát triển bền vững toàn cầu.
Những lý lẽ biện hộ cho CSR xuất phát từ các lý thuyết khế ước và lý thuyết các thành phần có liên quan đã giao cho doanh nghiệp vai trò điều tiết xã hội nhằm tổ chức những mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể khác nhau; nhưng những lý lẽ đó lại không chú ý tới vai trò của các quy tắc, các giá trị và các chuẩn mực xã hội đối với việc tạo nên những mong đợi của các thành phần có liên quan. Những lối tiếp cận này, vốn chủ yếu mang tính chất chức năng luận, đã phân tích và coi các hành vi thực tiễn như là những sự đáp ứng cho các mong đợi hoặc những áp lực của các nhóm chủ thể, nhưng lại không giúp làm sáng rõ sự gắn kết của những hành vi ấy với xã hội như cách mà các lý thuyết xã hội học đã cố gắng làm.
Doanh nghiệp gắn chặt với xã hội: khung phân tích xã hội học về CSR
Các cách tiếp cận xã hội học này được xây dựng trên quan điểm cho rằng, tổ chức hay doanh nghiệp là những bộ phận gắn chặt với xã hội, với các luật lệ, các giá trị và nền văn hóa của xã hội. Các lý thuyết xã hội học theo trường phái tân định chế khẳng định rằng những điều kiện của môi trường xung quanh không thể tách rời khỏi quan niệm của các chủ thể về những điều kiện ấy; đồng thời các lý thuyết này cũng xác định rằng các hoạt động của doanh nghiệp không thể tách rời khỏi những giá trị đang chi phối tại nơi mà doanh nghiệp đang hoạt động. Các lý thuyết xã hội học còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiều kích biểu tượng và nhận thức, và tính đến cả những mong đợi mâu thuẫn nhau giữa các thành phần có liên quan. Các nhà quản lý doanh nghiệp luôn triển khai các chiến lược hình ảnh và các chiến lược tương thích biểu tượng hoặc hiện thực phù hợp với các giá trị đó cũng có thể được phân tích dưới ánh sáng của lý thuyết về các quy ước hay các tập tục (théorie des conventions).
Tính hợp thức: giá trị cốt yếu của CSR
Vấn đề về tính hợp thức không tách rời khỏi vấn đề về trật tự xã hội. Quan niệm của Weber chính là nền tảng lý thuyết cho mọi công trình nghiên cứu về vấn đề này. Quan niệm này dựa trên ý tưởng cho rằng các cá nhân luôn tán thành tính chất pháp lý-duy lý, hoặc tính chất truyền thống, hoặc tính chất đặc sủng của quyền lực. Tính hợp thực “pháp lý-duy lý” đặt nền tảng niềm tin vào sức mạnh của luật pháp và các quy định. Lối tiếp cận tân định chế nằm trong chiều hướng tư duy này. Lối tiếp cận này khẳng định tầm quan trọng của các định chế, các hệ thống quy tắc, chuẩn mực và giá trị mang tính ổn định và hợp thức, nhằm giải thích các sự kiện xã hội và kinh tế. Nó cũng phân tích quá trình định chế hóa và quá trình hình thành tính hợp thức do bàn tay kiến tạo của xã hội (la construction social de la légitimité).
Tính hợp thức của các doanh nghiệp nảy sinh trong lòng một môi trường đã được định chế hóa, nghĩa là một môi trường đã áp đặt những yêu cầu xã hội và văn hóa, thúc đẩy các doanh nghiệp đóng một vai trò nhất định nào đó và duy trì một số biểu hiện nào đó ở bên ngoài. Doanh nghiệp cần phải học cách xuất hiện sao cho phù hợp với những tiêu chí đã được quy ước, và sao cho giống như một tổ chức duy lý. Suchman [1995] đã tổng hợp các nghiên cứu của các nhà xã hội học theo khuynh hướng tân định chế, và định nghĩa tính hợp thức như là “cái ấn tượng chung rằng các hành động của tổ chức là điều đáng mong muốn, là điều thích hợp hay là điều thích đáng xét trong mối tương quan với hệ thống chuẩn mực, giá trị hoặc niềm tin mà xã hội đã kiến tạo”.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.