Theo đài RFA, khối ngân hàng thương mại Việt Nam nắm giữ khoảng 70% lượng tín dụng của cả nước, do vậy các NHTM có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế, góp phần quyết định nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững hay chỉ tập trung vào tăng trưởng. Tuy nhiên, mặc dù có vai trò lớn như vậy, nhưng hầu hết các NHTM Việt Nam vẫn chưa quan tâm đầy đủ tới các vấn đề môi trường-xã hội trong hoạt động tín dụng và thường coi đây là trách nhiệm của người vay vốn.
Mặc dù ngày càng nhiều ngân hàng trên thế giới đã công bố các kế hoạch hoạt động phù hợp với Hiệp định Paris và cam kết trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời coi đây là một lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, việc đưa ra các cam kết về môi trường-xã hội của các NHTM Việt Nam còn khá mờ nhạt.
Theo một nghiên cứu công bố vào giữa tháng 4/2021 của sáng kiến Tài chính công bằng Việt Nam (FFV) về các cam kết xã hội, môi trường, quản trị (ESG) của 10 NHTM lớn nhất hoặc đã từng hoặc đang đầu tư, cho vay vào các dự án nhiệt điện than, các cam kết ESG của các NHTM ở Việt Nam hiện vẫn còn khá hạn chế và đang ở mức khởi đầu. Trong 3 lĩnh vực được khảo sát, cam kết về môi trường của các ngân hàng hiện đang có số điểm thấp nhất, với điểm trung bình của các NHTM chỉ đạt 0,3 trên thang điểm 10, còn điểm trong các lĩnh vực xã hội và quản trị lần lượt là 1,3 và 1,6. Tuy điểm về các tiêu chí quản trị là cao nhất, nhưng số điểm này của các NHTM Việt Nam vẫn thua kém khá xa điểm của một số nước trong khu vực đã tiến hành khảo sát như Indonesia (3,0) và Thái Lan (3,5).
Đi sâu vào lĩnh vực môi trường, báo cáo cho biết, các NHTM này chỉ đạt 0,1 điểm trong lĩnh vực cam kết về thiên nhiên, 0,2 điểm ở biến đổi khí hậu và 0,5 điểm trong ngành sản xuất điện.
Theo bà Hoàng Thu Trang, đại diện sáng kiến FFV, điểm số về cam kết thiên nhiên và BĐKH thấp như vậy là do các NHTM chưa có những quy định yêu cầu, hay khuyến khích doanh nghiệp vay vốn không được thực hiện những hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, các di sản văn hóa thế giới cũng như như chưa yêu cầu công bố về lượng khí thải nhà kính, khuyến khích chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chính bản thân các ngân hàng cũng chưa công bố thông tin về lượng khí thải nhà kính từ hoạt động tài chính của ngân hàng.
Bà Trang cho biết, chỉ có VPBank là ngân hàng duy nhất trong 10 ngân hàng được khảo sát đã có điểm ở tiêu chí BĐKH, mặc dù chưa cao (1,2 điểm). Lý do tạo nên sự khác biệt này là do ngân hàng đã đưa ra được sản phẩm “Khung tín dụng xanh” (GLF), khuyến khích khách hàng vay vốn giảm khí thải nhà kính, thực hiện các quy định bảo vệ động vật hoang dã, không cung cấp tín dụng cho các dự án khai thác gỗ thương mại trong rừng nhiệt đới nguyên sinh… Tuy nhiên, đây chỉ là một sản phẩm tín dụng của VPBank, các sản phẩm khác không áp dụng những tiêu chí này: “Tôi cần phải nói thêm, đây chỉ là một sản phẩm nhỏ trong số nhiều sản phẩm cho vay của VPBank. Cam kết này không thể hiện trong tất cả sản phẩm khác của VPBank”.
Trong lĩnh vực năng lượng, bà Trang cho rằng, mặc dù rất nhiều định chế tài chính lớn của thế giới đã tuyên bố dừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than, nhưng dường như các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa đi theo xu thế này. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn tín dụng dành cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của các NHTM gia tăng trong những năm gần đây, nhưng hiện chưa có NHTM nào có cam kết chính sách công khai về ngừng cấp tín dụng cho các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay tăng mức tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo”.
Chưa có bằng chứng để khẳng định việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là do họ quan tâm tới phát triển bền vững, mong muốn nền kinh tế chuyển đổi sang hướng sử dụng năng lượng tái tạo hay chỉ đơn thuần nhìn nhận rằng đây là một cơ hội kinh doanh tốt.
Trong lĩnh vực xã hội, theo bà Trang, các cam kết của các NHTM cũng rất mờ nhạt. 10/10 ngân hàng đều chưa có quy định công khai yêu cầu hay khuyến khích khách hàng doanh nghiệp thực hiện những cam kết về bình đẳng giới. Hầu hết các NHTM chưa công bố những cam kết về quyền lao động, quyền con người và vũ khí. Ở lĩnh vực này, mức điểm trung bình của cả 10 ngân hàng đạt 5/10, vì hầu hết các ngân hàng đã ghi được điểm do có chi nhánh tại khu vực nông thôn, có các khoản vay cho người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.
Kết quả này có được phù hợp với với những chính sách chú trọng vào tài chính toàn diện được đưa ra trong quyết định và chiến lược của Chính phủ, trong đó có quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025: “Tài chính toàn diện là mảng đáng ghi nhận nhất trong các yếu tố xã hội”.
Quản trị là lĩnh vực ghi điểm cao nhất của các NHTM, với điểm số trung bình đạt 1,5/10. Theo bà Trang, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các cam kết bảo vệ quyền lợi và bảo mật thông tin của khách hàng, nghiêm cấm nhân viên nhũng nhiễu khách hàng, công khai báo cáo tài chính, đồng thời cam kết chống tham nhũng và rửa tiền. Tuy nhiên, cam kết phòng chống tham nhũng của các ngân hàng hiện vẫn chưa đủ sâu: “Rất ít ngân hàng quy định các công ty nhận các hoản vay cũng phải có những cam kết phòng chống tham nhũng. Hầu hết các ngân hàng không để ý đến điều này và cho rằng đây là trách nhiệm của chính công ty nhiều hơn”.
(còn tiếp)
Nguồn: TKNB – 28/04/2021.