Con người với tính cách là khách thể tác động của công nghệ – Phần I


B.G. Judin

Các vùng biên trong sự tồn tại của con người

Đối tượng thảo luận trong bài viết này là vấn đề cơ bản, không có gì phải nghi ngờ: con người là gì? Đương nhiên tôi không có ý định đưa ra một định nghĩa mới nào đó về con người – sẽ là quá tự tin nếu định làm điều đó. Nhiệm vụ của tôi khiêm tốn hơn nhiều: chỉ là khẳng định một thực tế rằng sự phát triển các công nghệ y sinh đã làm cho cái vấn đề triết học (thường được coi là trừu tượng) này trở thành một vấn đề hoàn toàn thực dụng trong đời sống thường ngày của chúng ta. Phải đụng đầu với nó không chỉ là các nhà nghiên cứu về các công nghệ sinh học mới mà cả những người dân bình thường tiếp xúc với các công nghệ này.

Cách tiếp cận của tôi sẽ dựa trên khái niệm tình huống tới hạn hay áp biên. Khái niệm này mang tính chất liên bộ môn, được ứng dụng rộng rãi trong cả các khoa học tự nhiên lẫn các khoa học xã hội. Có tồn tại các tình huống tới hạn khi chúng ta ở vào ranh giới giữa hai hoàn cảnh. Thí dụng rõ rệt nhất – sự chuyển hóa của nước từ trạng thái liên kết này sang một trạng thái liên kết khác, chẳng hạn, từ rắn sang lỏng (sự tan băng). Trong nhiệt động học sự chuyển biến như vậy được gọi là sự chuyển hóa trạng thái.

Nếu xem xét sự chuyển hóa tương tự không cần đến sự chi tiết hóa không cần thiết, từ tầm cao chim bay, thì chúng ta chỉ phân biệt được sự đột biến nào đó – là tảng băng mà qua một thời gian nào đó thì chuyển thành một khối lựng chất lỏng nhất định. Nhưng một cái nhìn chăm chú hơn sẽ cho phép nhận ra không ít điều thú vị – những thứ được nghiên cứu với sự chú ý kỹ càng nhất trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên (nếu nói về các hiện tượng). Thông thường chuyển biến trạng thái là quá trình qua nhanh, được đặc trưng bằng trạng thái không ổn định của hệ thống. Hậu quả quan trọng của tính không ổn định đó nằm ở chỗ, sự phụ thuộc giữa cường độ tác động vào hệ thống và phản ứng của nó trước những tác động đó thường là phi tuyến tính, cho nên những tác động tương đối yếu cũng có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến những biến đổi căn bản trạng thái của hệ thống.

Ngay cả các khoa học nghiên cứu xã hội loài người và lịch sử của nó cũng liên quan tới những hiện tượng tương tự. Và ở đây chúng ta ghi nhận những “chuyển biến trạng thái” khi sự tồn tại tương đối ổn định của tổ chức xã hội được thay bằng thời kỳ biến đổi cách mạng nhanh chóng và dữ dội. Trong các điều kiện không ổn định, điều hoàn toàn có thể là những quá trình nào đó diễn ra ở cấp độ vi mô kéo theo những hậu quả sâu sắc thể hiện trên quy mô rất đáng kể, thậm chí là toàn cầu.

Cần đặc biệt nhấn mạnh điều sau đây: trong cả các hệ thống tự nhiên lẫn xã hội, những nhiễu loạn yếu diễn ra trong giai đoạn chuyển biến trạng thái cũng có thể gây ra những thay đổi đáng kể. Việc chú ý tới đặc điểm của các quá trình chuyển biến là quan trọng không chỉ trong nghiên cứu các hệ thống này mà cả trong tìm kiếm các công nghệ hữu hiệu để tác động tới chúng. Đây phần nhiều chính là cơ sở của sự chú ý đang tăng nhanh lên nhanh chóng trong khoa học hiện đại đối với các trạng thái và tình huống loại này. Đến lượt mình, chính sự quan tâm ngày càng tăng đối với các khả năng công nghệ đang được mở ra ở đây đã quyết định các phương hướng ưu tiên của nhận thức khoa học và chính các hệ thống và trạng thái này.

Quay trở lại vấn đề được đặt ra ở đầu bài viết, cần nhận xét rằng, điều nói trên về các tính huống chuyển biến có thể áp dụng được cả cho con người. Ngày nay nó ngày càng trở thành đối tượng của những tác động khác nhau được thực hiện với sự trợ giúp của các công nghệ tương ứng. Có cơ sở để khẳng định rằng, việc tạo ra các công nghệ mới, hữu hiệu hơn để tác động vào con người trong thời đại ngày nay đã trở thành một trong những khuynh hướng có ý nghĩa nhất của tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Mà điều này có ý nghĩa là, thu hút sự chú ý đặc biệt là các vùng biên mà trong phạm vi của nó sự can thiệp công nghệ có thể đặc biệt có hiệu quả.

Áp dụng vào nhận thức về con người, các vùng biên đó có ý nghĩa còn là vì quay về với chúng cho phép chúng ta hiểu rõ hơn con người là gì. Vì chính trong các tình huống áp biên thì những nét quyết định nào đó của khách thể mà chúng ta quan tâm thường thể hiện rõ nhất. Cũng chính trong trường hợpp đó, các tình huống áp biên vốn là ranh giới giữa bản chất riêng của con người và những gì không phải như vậy sẽ làm chúng ta quan tâm. Biến các tình huống áp biên kiểu đó thành điểm tính, chúng ta có thể cố nhận ra con người là gì, một mặt tựa hồ ở bên trong cái tính người này, còn mặt khác, nhìn nó từ bên ngoài. Áp dụng với con người, ngày nay các công nghệ y sinh hóa ra là người tiếp liệu cho các tình huống tới hạn tương tự. Chúng được phát triển và ứng dụng đặc biệt tích cực để thực hiện các thao tác trong các vùng biên đầy rẫy những khả năng khác nhau nhất. Thiết tưởng, chính việc áp dụng các công nghệ y sinh này vào các vùng này phần nhiều đã làm cho vấn đề con người là gì ngày nay cực kỳ thời sự, có thể quyết định các hình thức đặcbiệt trong cách đặt và suy nghĩ về vấn đề này.

Đây là một số thí dụ như vậy. “Hiệp ước về bảo vệ quyền con người và sự tôn nghiêm của sinh thể người liên quan đến việc ứng dụng các thành tựu sinh học và y học: Hiệp ước về quyền con người và y sinh học” được Hội đồng châu Âu thông qua năm 1997 đã trở thành văn kiện bắt buộc về mặt luật pháp đầu tiên kêu gọi điều chỉnh việc tạo ra và ứng dụng các công nghệ y sinh. Theo điều 1 của văn kiện này – là điều mở ra đối tượng và mục tiêu của nó – “Khi ứng dụng các thành tựu y học và sinh học, các bên của hiệp ước cam kết bảo vệ sự tôn nghiêm và cá tính của mỗi sinh thể người và bảo đảm với mỗi sinh thể người, không có sự phân biệt, là sẽ tôn trọng tính toàn vẹn và bất khả xâm phạm của cá tính của nó và tuân thủ các quyền và các tự do cơ bản khác”.

Như có thể thấy rõ qua nội dung bài viết này, ý nghĩa của nó phụ thuộc bằng phương thức căn bản nhất vào điều là, “sinh thể người” và “mỗi” (người) sẽ được hiểu như thế nào. Mà trong khi đó Hiệp ước không đưa ra định nghĩ về cáckhái niệm “con người” (chelovek) và “sinh thể người” (chelovecheskoe sushestvo). Về mặt này, Báo cáo thuyết minh, một văn kiện giải thích các luận điểm của Hiệp ước đã chỉ ra: “Hiệp ước không đưa ra định nghĩa về thuật ngữ “mỗi” (trong tiếng Pháp là “toute personne”). Hai thuật ngữ tương đương nhau và được dùng trong các phương án tiếng Anh và tiếng Pháp của Hiệp ước châu Âu về các quyền con người, nhưng trong đó cũng không có định nghĩa về chúng. Trong tình hình thiếu sự nhất trí giữa các nước thành viên Hội đồng châu Âu về định nghĩa các thuật ngữ này, một quyết định đã được đưa ra: để áp dụng hiệp ước này, việc định nghĩa về chúng là tùy thuộc kiến giải của luật pháp quốc gia của các nước”. Như vậy, Hội đồng châu Âu không nhận về mình dũng khí đưa ra định nghĩa bắt buộc về mặt luật pháp cho các khái niệm “con người” và “sinh thể người”.

Một thí dụ nữa. Mấy năm trước, Ginda Glenn, chuyên gia Mỹ về đạo đức sinh học đã nhận xét: “Mấy năm gần đây đã sản sinh một số thành tựu khoa học mà trước đây chúng ta liệt vào lĩnh vực viễn tưởng khoa học. Từ di chuyển hạt nhân tế bào tới mang thai ngoài cơ thể, từ những con chíp được cấy vào não người đến các cơ thể di chuyển gen, từ cơ thể điều khiển học (kiborg) đến thể khảm (khimera) – các bước tiếp theo trong tiến hóa của chúng ta là như vậy. Những phát minh trong tương lai rõ ràng làm thay đổi quan niệm của chúng ta về vấn đề “con người là gì”. Ngày nay không thể cấp bằng sáng chế ra các sinh thể người, nhưng chính khái niệm “sinh thể người” vẫn cần được tòa án hay người làm luật định nghĩa”. Tôi nhất trí với những lời nói này, nhưng có sửa lại chút ít: theo tôi, để định nghĩa khái niệm này, không chỉ các luật sư và người làm luật, mà cả giới chuyên gia rộng rãi, kể cả các nhà triết học, đều cần tham gia.

Tiếp theo xin nói về 4 vùng biên, mặc dù điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng không thể nhiều hơn. Đúng là có thể tìm ra những vùng biên khác mà liên quan tới chúng có thể đặt ra chính vấn đề này. Theo mức độ chúng ta tiếp cận một vùng nào đó trong số các vùng biên này từ bên trong, chúng ta sẽ có ít căn cứ hơn để khẳng định dứt khoát rằng chúng ta vẫn liên quan tới con người. Còn khi đi qua biên giới ngoài của vùng này, chúng ta có quyền vững tin khẳng định rằng “đây” không còn là con người nữa. Ở lại bên trong vùng biên, chúng ta mất đi các định hướng rõ ràng cho phép quyết định một cách đơn nghĩa, chúng ta có liên quan tới con người hay là không. Từ quan điểm này có thể nói về các vùng biên như là các vùng không xác định.

(còn tiếp)

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 2012 – 88 & 89.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s