Lý do AfCFTA có lợi nhất cho Trung Quốc – Phần đầu


Trang mạng Foreign Policy mới đây đăng bài phân tích việc các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang chuẩn bị những điều kiện và hoạt động trên thực địa để hưởng lợi nhiều nhất từ Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA).

Khi AfCFTA lần đầu tiên được đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi (AU) vào năm 2012, thỏa thuận này hướng tới hai mục tiêu. Thứ nhất, xây dựng một chương trình nghị toàn châu Phi về thương mại và hợp tác. Thứ hai, đưa một tỷ lệ lớn người dân châu Phi thoát khỏi đói nghèo bằng cách thực hiện các thay đổi về cơ cấu kinh tế và hợp tác về pháp luật.

Việc thành lập AfCFTA đánh dấu sự thay đổi lớn trong thương mại và phát triển của châu Phi Trong nhiều năm, thương mại châu Phi hầu như chỉ giới hạn trong các lục địa này có hoạt động giao thương quốc tế nhiều hơn so với giao thương trong phạm vi châu lục. Với AfCFTA – một khối kinh tế trị giá 3400 tỷ USD với dân số khoảng 1,3 tỷ người và được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới – vận mệnh của châu Phi hứa hẹn sẽ thay đổi.

Nhưng giờ đây, khi AfCFTA bước vào những tháng đầu tiên của quá trình vận hành, các quốc gia châu Phi không phải là những chủ thể sẽ gặt hái được những lợi ích lớn nhất của thỏa thuận, mà bên được lợi nhiều nhất chính là Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại nổi bật nhất – và thậm chí có thể là lớn nhất – đối với khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi, một vai trò đặt cường quốc châu Á này vào vị trí có thể định hình chính sách trên khắp lục địa. Thông qua các đợt giải ngân vốn, Bắc Kinh đang thay đổi chính sách của châu Phi theo hướng có lợi cho nước này. Sau cam kết đầu tư 40 tỷ USD của Trung Quốc cho Nigeria, Chính phủ Nigeria đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Đài Loan và yêu cầu phái đoàn thương mại của Đài Bắc rời khỏi Abuja (phái đoàn thương mại của Đài Loan phải quay lại trung tâm thương mại Lagos như trước đó). Cũng có thể nhận thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên hợp quốc. Tháng 6/2020, 25 quốc gia châu Phi đã ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc bỏ phiếu về Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Bắc Kinh tự mô tả mình như một siêu cường đang phát triển, câu chuyện thường xuyên được sử dụng để “giới thiệu” nước này là chống phương Tây và là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bình đẳng. Khi ảnh hưởng của phương Tây ở châu Phi suy yếu, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng mạng lưới trên khắp lục địa với các khoản vay, thỏa thuận thương mại và thỏa thuận quân sự mới. Không giống như Mỹ và Anh, nhiều thỏa thuận của 3 nước trên được thực hiện mà không có các quy định nghiêm ngặt gắn liền với quyền con người, khiến những nước này trở thành những đối tác rất được ưa chuộng tại châu Phi.

Với những thỏa thuận này, Trung Quốc – chứ không phải châu Phi – được coi là bên hưởng lợi lớn nhất từ AfCFTA. Các công ty Trung Quốc đã thống trị các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông của lục địa này, đặc biệt là ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi. Năm 2018, nguồn tài trợ của Trung Quốc chiếm 1/4 trong số hơn 100 tỷ USD được cam kết cho phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Năm 2017, các công ty Trung Quốc ước tính đã giành được 50% các hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng của lục địa này.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi mang tính chiến lược: Để đổi lấy các khoản đầu tư và giao dịch không ràng buộc, Bắc Kinh có thể có được các đồng minh mới và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu để cạnh tranh với Mỹ.

Học giả về luật kinh tế quốc tế Efraim Chalamish đánh: “Trung Quốc đang tự quảng cáo mình như nhân tố thúc đẩy tăng trưởng thông qua cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở những nơi có vấn đề về năng lực địa phương”.

Đây là một đề xuất đặc biệt hấp dẫn ở châu Phi – lục địa này đã bỏ lỡ một cuộc cách mạng công nghiệp và do đó phụ thuộc vào thương mại quốc tế để đảm bảo phần lớn nguồn cung hàng hóa thành phẩm. Ngày nay, châu Phi vẫn là một thị trường chủ yếu dựa vào khai khoáng, dồi dào tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu thô và hàng hóa sơ cấp. Nhưng với giá trị sản xuất thấp của những mặt hàng này và điểm yếu về cơ sở hạ tầng của châu lục, ngành công nghiệp không đủ sinh lợi để tạo việc làm tại địa phương và duy trì hoạt động sản xuất ở trong nước. Thay vào đó, những nguyên liệu thô này được chuyển đến Trung Quốc để xử lý và sau đó được nhập khẩu trở lại dưới dạng thành phẩm.

Thay vì tạo ra quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng mà Bắc Kinh đã và đang đề xuất, những thỏa thuận thương mại này có xu hướng có lợi cho Trung Quốc. Hiện nay, các nước châu Phi nhập khẩu nhiều loại hàng hóa và công nghệ từ Trung Quốc, trong khi chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như than đá, dầu mỏ, vàng và ngũ cốc.

Kể từ năm 2000, cán cân thương mại của châu Phi với Trung Quốc có xu hướng giảm, có nghĩa là nhập khẩu của châu lục này vượt quá xuất khẩu, và nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong tương lai. Năm 2019, thâm hụt thương mại của châu Phi với Trung Quốc là hơn 17 tỷ USD. Quy mô thâm hụt này đã chuyển sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia châu Phi từ các đối tác thuộc địa cũ sang Bắc Kinh.

Khi lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong sản xuất hàng gia dụng suy yếu, nước này tăng cường đưa hoạt động sản xuất ra ngoài lãnh thổ và củng cố hoạt động kinh tế của mình ở châu Phi. Bị thu hút bởi nguồn nguyên liệu thô và chi phí lao động rẻ hơn của lục địa này, Bắc Kinh đã tích cực xây dựng các nhà máy và mở rộng sản xuất ở châu Phi.

Với việc Bắc Kinh tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp khai khoáng, một số công đoạn của quá trình tinh chế và chế biến thường được thực hiện ở Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại châu Phi trong những năm tới. Mặc dù các quy trình này có thể vẫn sẽ bị các công ty Trung Quốc chi phối, nhưng đây sẽ là một sự thay đổi tích cực đối với các nước châu Phi. Tuy nhiên, về lâu dài, có quan ngại rằng việc này sẽ không giúp tạo ra việc làm mới ở châu Phi như mong đợi. Hiện tại, Bắc Kinh đang chuyển hoạt động gia công sản xuất các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ sang châu Phi và coi các hàng hóa này là do mình sản xuất – hành động sẽ chỉ gây tổn hại cho các quốc gia châu Phi mong muốn cạnh tranh trên toàn cầu.

Khi AfCFTA lần đầu tiên được đề xuất, AU lập luận rằng khối này sẽ chophép các quốc gia thành viên phát triển năng lực sản xuất địa phương lớn hơn – từ đó châu Phi có thể sử dụng năng lực này cho giao thương toàn cầu với các điều khoản lớn hơn và thuận lợi hơn. Bằng cách thay thế các mặt hàng nhập khẩu và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc bằng thế hệ mới gồm các nhà sản xuất địa phương, lý tưởng nhất là AfCFTA sẽ cho phép châu Phi có được năng lực tự chủ về kinh tế.

Nhưng hiện thực không giống như lý tưởng. Bắc Kinh cung cấp cho các nước châu Phi các khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp cải thiện kết nối trong lục địa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng này thường được xây dựng bởi các doanh nghiệp, kỹ sư và lao động Trung Quốc, nên các các dự án này trên thực tế kết nối các doanh nghiệp Trung Quốc với các thị trường châu Phi đang phát triển.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 25/09/2021

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s