Các phương tiện truyền thông và quá trình dân chủ – Phần V


Thái độ hoài nghi của Lippmann. Nếu Lippmann đúng khi nói rằng tất cả những điều đúng đắn nhất mà công chúng có thể làm được là bộc lộ đặc tính và sự phức tạp trong những sở thích của họ vài năm một lần và làm việc đó trong bối cảnh thiếu thông tin cần thiết, khi đó báo chỉ chẳng thể làm tốt chức năng cổ điển của nó. Nhưng báo chí lại có thể thực hiện tốt các chức năng khác. Nếu báo chí không thể cung cấp thông tin đầy đủ về chính phủ cho người dân thì ít nhất báo chí cũng có thể bảo đảm rằng các thống đốc sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho một số ít người có quyền lực. Báo chí có thể đại diện cho công chúng, bảo đảm các thống đốc bang chịu trách nhiệm không phải với công chúng (những người thực sự không mấy quan tâm) mà với những quy tắc của bản thân thể chế xã hội dân chủ.

Những điều tôi đề cập không mấy phức tạp. Ủy ban Pulitzer hàng năm đều trao giải thưởng cho các bài báo đã thực hiện một cách tuyệt vời trách nhiệm trước công chúng. Thông thường, giải thưởng này được trao cho một bài báo được viết nên nhờ nỗ lực phi thường nhằm điều tra và vạch trần một vấn đề. Điều này có nghĩa là người viết sẽ tự chọn lựa vấn đề và tạo dựng chi tiết cho bài báo. Các bài báo này không tùy tiện chọn một số giá trị mà các nhà báo thường đưa vào. Thay vào đó, họ sẽ dựa trên một số đạo luật do chính phủ ban hành (luật hay quy tắc được xã hội thừa nhận) hay một lời phát biểu chính thức của chính phủ (một hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử) và quan sát xem các nhà chính trị có tuân thủ luật hay thực hiện những hứa hẹn đó không. Xét về khía cạnh này, báo chí không có nhiều quyền lực để tạo ra những giá trị mới nhưng lại có cơ hội để quan sát xem liệu trên thực tế người ta có làm theo những giá trị đó hay không. Phóng viên điều tra Dvaid Burnham nói rằng, với vai trò một phóng viên điều tra, chiến lược của ông là phải giữ cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức khác mà ông điều tra thực hiện đúng những mục tiêu đã đề ra. Câu hỏi ở đây không phải là họ đang làm đúng hay làm sai mà là họ có thể thực hiện điều đã cam kết hay không? Đây là câu hỏi có thể được trả lời bằng các phương thức báo chí truyền thống, theo kiểu bám chặt vào các nguyên tắc khách quan. Đồng thời, đó cũng là một câu hỏi khẳng định trách nhiệm của báo chí với vai trò là cơ quan bảo đảm trách nhiệm giải trình của nhà nước trước công chúng.

Sự suy tàn của các đảng phái chính trị. Dường như quyền lực của truyền thông không bị ảnh hưởng bởi sự suy tàn của các đảng phái chính trị. Đúng như vậy. Tuy nhiên, sự suy tàn của các đảng phái chính trị không hoàn toàn nằm ngoài quyền lực của truyền thông. David Broder nhận thấy rằng những dịp tương đối hiếm hoi báo chí đưa tin về hội nghị của các đảng và những cuộc họp giữa nhiệm kỳ đã lại làm công chúng quan tâm tới hoạt động của các đảng.

Các nhà báo có lẽ cũng không xác định rõ được giới hạn trong đó báo chí có thể chủ động tránh đưa tin về các đảng phái chính trị. Báo chí, đặc biệt là truyền hình, thường tỏ rõ thái độ ủng hộ các cuộc bầu cử sơ bộ phổ thông hơn là các họp kín trong nội bộ đảng, coi đây như một cách để lựa chọn các đại diện ra ứng cử tại hội nghị đề cử quốc gia. Ví dụ như năm 1986, CBS News chỉ đưa có một mẩu tin về các bước lựa chọn ứng cử viên không qua bầu cử sơ bộ bất chấp thực tế rằng năm đó 60% ứng cử viên ứng cử được lựa chọn theo phương thức không qua bầu cử sơ bộ. Các cuộc bầu cử sơ bộ có lẽ mang tính dân chủ cao hơn – tất nhiên nếu nhìn từ bên ngoài. Nhưng tôi không tin rằng đây là ý kiến đánh giá của giới báo chí. Báo chỉ chỉ đưa ra nhận xét chuyên môn chứ không phải nhận xét mang tính chính trị rằng các cuộc bầu cử có tính thông tin thường sống động hơn so với các cuộc họp kín trong nội bộ đảng. Theo Richard Rubin, báo chí không phải là nơi đầu tiên đưa ra thông tin về những cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên cho chức vụ tổng thống, nhưng “khi thấy rằng các cuộc bầu cử sơ bộ đem lại lợi ích chuyên môn, họ đã đánh bóng chúng như những thứ sẽ thúc đẩy và ủng hộ nền dân chủ kiểu Mỹ trong công cuộc giải quyết vấn đề đại diện bên trong đảng”.

Bản thân báo chí không thể làm gì để ngăn chặn quá trình suy tàn của các đảng. Tuy nhiên, báo chí có thể xem xét các cách thức mà nó vô tình tạo lập quan điểm phản đối các đảng phái – không đưa trên các trang xã luận mà qua việc đưa tin bài. Báo chí thường xuyên đưa ra những nhận xét có sức ảnh hưởng lớn mà không hề biết. Lập trường phản đối các đảng phái có thể là một trong số đó. Nhận biết điều này có lẽ là bước đầu tiên hướng tới những thay đổi và giúp báo chí có thể chủ động đưa tin một cách hiệu quả hơn về các đảng phái.

Địa vị ưu tiên của các doanh nghiệp lớn. Báo chí có thể làm gì đối với cái mà Lindblom đã lập luận là vị trí ưu tiên cho các doanh nghiệp? Vẫn chưa có lời giải đáp cho câu hỏi này. Bản thân truyền thông đang ngày càng trở thành doanh nghiệp lớn và được quyền ưu tiên tiếp cận với cá chính sách chính phủ ban hành đối với các tập đoàn lớn. Các phương tiện truyền thông cũng được các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính – thường thì các doanh nghiệp địa phương có quy mô nhỏ tài trợ cho báo viết; các tập đoàn lớn tầm cỡ quốc gia tài trợ cho truyền hình. Vì vậy, không thể hy vọng là giới truyền thông có thể làm tổn hại đến lợi ích của các tập đoàn lớn.

Tôi không nghĩ là điều này có thể làm giảm những mối lo ngại mà Lindblom nêu ra. Ông không cho rằng doanh nghiệp không làm tốt trách nhiệm được giao phó, cũng không cho rằng các doanh nghiệp đang lạm dụng các đặc quyền được ưu tiên. Điều mà Lindblom muốn nói là hệ thống chính quyền hiện tại của Mỹ không phù hợp với những hiểu biết thông thường về dân chủ và có nhiều vấn đề cần quyết định, ngoài vấn đề bầu cử, trong đó vai trò và ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định cuối cùng ngày càng lớn, khó nhận thấy và không công khai.

Liệu có thể thay đổi được tình hình này không? Nhiệm vụ của báo chí không phải là tìm hiểu xem giới doanh nghiệp đã có quá nhiều hay quá ít quyền lực hay mức độ quyền lực hợp lý là như thế nào mà là đăng tải các thông tin về các hoạt động chính trị. Nhiệm vụ của báo chí trong trường hợp này là tìm hiểu và đưa tin bằng cách nào giới doanh nghiệp đã trở thành đối tác của chính phủ.

Hãy suy nghĩ trong giây lát về cách báo chí đưa tin về công việc lập pháp của Quốc hội – một biện pháp để bảo vệ môi trường, một luật dự thảo tăng hay giảm thuế. Cách thức báo chí đưa tin, hơn 500 nghị sĩ Quốc hội quyết định cách thức bỏ phiếu là “cảnh” chính. Có lẽ một số người chú ý đến các bài báo đặc biệt hay các bài phân tích thông tin về những điều diễn ra tại “hậu trường” – các nhà vận động hành lang đang tích cực như thế nào, họ là ai, quan điểm của họ là gì? Mặc dù đây là một phần không thể thiếu trong quá trình ban hành bất cứ điều luật nào, nhưng giới báo chí lại chẳng mấy khi chú ý đến nó. Tại sao vậy? Tôi nghĩ rằng không phải vì các phóng viên đang cố gắng bảo vệ các nhà vận động hành lang khỏi con mắt tò mò của công chúng. Đơn giản là xét cho cùng họ phải đưa tin về việc các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu thông qua như thế nào. Suy cho cùng thì chính các nhà lập pháp mới là người quyết định liệu những kiến nghị về thuế kia có trở thành luật không. Điều này hoàn toàn hợp lý. Báo chí sẽ coi những nhà lập pháp và những phụ tá của họ là tâm điểm đưa tin. Tuy nhiên, cũng vì quan niệm như vậy nên báo chí đã bỏ quên một bộ phận quan trọng trong quá trình lập pháp “trong bóng tối”.

Có lẽ có một số biện pháp đơn giản như đưa tin đầy đủ và thường xuyên hơn về các quyết định trong lĩnh vực tư nhân vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách công cộng. Thậm chí trong lĩnh vực công cộng cũng có một số cách để cung cấp tin chính xác hơn mà vẫn chỉ ra được sự liên kết giữa quyền lực công với quyền lực của tư nhân. Các tờ báo có thể xác định một số dự luật chủ chốt trong mỗi phiên họp của Quốc hội hay cơ quan lập pháp bang và giám sát các dự luật đó. Báo chí sẽ kiểm tra xem dự luật đó đang ở trong khâu nào – trong phiên điều trần, trong ủy ban, trong phòng họp hay các cuộc hội thảo. Báo chí cũng chú ý đến các nhóm áp lực khác – không chỉ giới kinh doanh mà cả các nhóm lợi ích có quan điểm của công chúng về dự luật đó – và báo chí phải tóm tắt lại những quan điểm của tất cả những nhóm này. Thậm chí báo chí còn phải xác định các điểm sẽ được luật dự thảo đưa ra mà ít hay nhiều có ảnh hưởng đến các nhóm kể trên. Rõ ràng là không phải lúc nào các nhóm này cũng ảnh hưởng tới quá trình lập pháp. Nhưng báo chí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin đầy đủ tới các cử tri về những vấn đề chủ chốt này và làm cho các nhà vận động hành lang có trách nhiệm nhất định trước công chúng.

Liệu tất cả mọi người sẽ đọc những điều lộn xộn này?  Tất nhiên là không. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta đang bàn luận về truyền thông. Trng phần mở đầu, tôi không đòi hỏi các nhà báo phải coi độc giả của họ là những người được thông tin, có lý trí và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị. Họ chỉ cần nghĩ rằng sẽ có một nhóm các độc giả quan tâm đến những tin tức như vậy. Trên thực tế, cũng có thể chỉ có một số ít người quan tâm đến các thông tin đó. Về mặt lý thuyết, nhóm người này sẽ chỉ là các phóng viên và các biên tập viên. Bởi vì nếu chúng ta đặt quan điểm cổ điển và công chúng có lý trí quan tâm đến chính trị sang một bên, khi đó giới truyền thông có thể được coi là những người bảo vệ công chúng, người đại diện thực hiện việc giám sát cho công chúng và đại diện cho công chúng giám sát tiến trình chính trị thay vì là người truyền đạt thông tin cho công chúng.

Nếu chúng ta xem xét vấn đề theo hướng này, có lẽ báo chí phải có nhiều mục tiêu và chuẩn mực hơn thông thường. Nếu xét như vậy, ý kiến buộc các cơ quan chính phủ hành động theo các mục tiêu đã đặt ra của David Burnham là rất có lý. Ông không cần phải giả sử rằng người dân sẽ quan tâm đến chính trị; ông chỉ cần giả định các chuẩn mực quốc gia và các quy tắc công cộng đã được đưa vào công việc lập pháp cho các cơ quan đang được nhắc đến này hay trong các buổi nói chuyện công khai do các nhà lãnh đạo các cơ quan này thực hiện. Khi đó, điều này đặt ra một chuẩn mực đối với phóng sự điều tra của báo chí vì lợi ích của công chúng.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michael Schudson – Sức mạnh của tin tức truyền thông – NXB CTQG 2003

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s