Kai He & Huiyun Feng
Quan hệ quốc tế trở nên mơ hồ nếu không được thể chế hóa ở mức độ nào đó bởi nó thiếu vắng những kỳ vọng và hiểu biết chung.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc dẫn đến những thách thức mới đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ngay cả khi người ta vẫn tiếp tục tranh luận về những quy tắc cấu thành trật tự đó. Đồng thời, ngay từ những năm đầu của thế kỷ, Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trở thành một khái niệm chính trị phổ biến ở Australia, Ấn Độ, NHật Bản và Hoa Kỳ. Việc các quốc gia này quảng bá “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ” có thể coi là một phản ứng tập thể đối với thách thức tiềm năng của Trung Quốc trước trật tự quốc tế tự do. Dù tốt hay xấu, thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” đã xuất hiện nổi bật trong thuật ngữ chính sách đối ngoại của một số quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy sự hiện diện của thể chế quan trọng nào liên quan đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Phép thử khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai nằm ở chỗ xem xét khả năng thể chế hóa khu vực này, có nghĩa là xem xét liệu các quốc gia có sẵn sàng phát triển các cơ chế phục vụ xây dựng thể chế trên cơ sở khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không.
Như Mark Beeson đã chỉ ra, “tầm quan trọng lâu dài của Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ… được xác định chủ yếu bằng cách thức khái niệm này được (hoặc không được) thể chế hóa… [ví dụ] sự tồn tại của Liên minh châu Âu đã tạo nên bản sắc của châu Âu… và người dân châu Âu”. Nói cách khác, liệu Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể thay thế châu Á – Thái Bình Dương trở thành một khu vực địa chính trị mới để xác định lại quan hệ chiến lược giữa các quốc gia hay không phụ thuộc vào việc các quốc gia có thể xây dựng các thể chế đa phương dựa trên khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không. Địa lý tự nhiên không hề tồn tại trong luận đàm chính trị: tất cả các khái niệm địa lý, ở một mức độ nhất định, được xây dựng dựa trên xã hội. Trong quá trình xác định và xây dựng xã hội, xây dựng thể chế khu vực là một bước quan trọng để được công nhận và chấp thuận các quan điểm và khái niệm chính trị. Ví dụ, khái niệm châu Á – Thái Bình Dương không được hoan nghênh trong khu vực khi nó được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1960. Sau khi thành lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1989, thuật ngữ “châu Á – Thái Bình Dương” đã được thể chế hóa hơn, được công nhận và chấp thuận thông qua các tương tác nhà nước và hợp tác kinh tế. Thuật ngữ này dần trở thành một khái niệm địa chính trị quan trọng, có thể so sánh với các khái niệm như châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Đương nhiên, một khái niệm địa lý mới ban đầu có thể được nhiệt liệt chào đón hoặc lạnh lùng tiếp nhận. Ngoài Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Tại sao các quốc gia không thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương trong 10 năm qua? Khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ được thể chế hóa như thế nào trong tương lai? Đây là những câu hỏi trọng tâm cần được giải quyết trong bài viết này. Từ những hiểu biết sâu sắc về thể chế hóa chức năng và nghiên cứu về lãnh đạo chính trị trong các chế độ quốc tế, chúng tôi đưa ra một mô hình “lãnh đạo – thể chế” để giải thích động lực đằng sau những nỗ lực xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Chúng tôi cho rằng những khó khăn trong việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương bắt nguồn từ việc thiếu cả “lãnh đạo điều hành” và “lãnh đạo tư tưởng”. Lãnh đạo điều hành là điều kiện cần để các quốc gia giải quyết các khó khăn trong hoạt động, như “lợi ích tương đối” và “hành động tập thể”, trong việc hợp tác với nhau dưới tình trạng phi chính phủ. Lãnh đạo tư tưởng giúp các quốc gia nhận thức và xác định lợi ích chung hoặc “lợi ích tuyệt đối” có được từ hợp tác, đó cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành hợp tác giữa các quốc gia. Tương lai của việc xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào việc các học giả và quốc gia trong khu vực đảm nhận hai vai trò lãnh đạo này ra sao.
Bài viết được chia thành bốn phần. Trước hết, chúng tôi sẽ thảo luận ngắn gọn về ba làn sóng luận đàm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” kể từ năm 2007. Thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình “lãnh đạo – thể chế” để giải thích những kết quả khác nhau của các nỗ lực xây dựng thể chế hình thành thông qua sự tương tác giữa lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng. Chúng tôi đưa ra quan điểm rằng việc thiếu lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng đằng sau khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đã dẫn đến một quá trình xây dựng thể chế chậm chạp trong khu vực. Thứ ba, chúng tôi so sánh các trường hợp châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương để minh họa tầm quan trọng của lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng trong việc hình thành thể chế hóa một khái niệm địa lý. Trong phần kết luận, chúng tôi xem xét các thách thức đối với xây dựng thể chế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và giải thích Trung Quốc, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là một yếu tố khó tiên đoán trong tương lai của chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ba làn sóng luận đàm Ấn Độ – Thái Bình Dương
Thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” đã trải qua ba làn sóng luận đàm trong khu vực. Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên đề xuất với quốc hội Ấn Độ rằng “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hiện đang mang đến một sự kết hợp năng động của những vùng biển tự do và thịnh vượng”. Trong cùng năm đó, bốn quốc gia trong Đối thoại An ninh bốn bên (Quad), bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, đã có buổi họp khai mạc. Sáng kiến Quad 2007 chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, Australia đã đơn phương tuyên bố rời khỏi Quad vào năm 2008 (mặc dù vậy, Quad dường như được hồi sinh với tên gọi Quad 2.0 khi các quan chức cấp cao từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Manila vào tháng 11 năm 2017, tương lai của Quad vẫn chưa chắc chắn).
Từ năm 2011 đến năm 2013, các quốc gia Quad trước đây đã chọn lại thuật ngữ này trong từ điển chính sách đối ngoại của họ. Ví dụ, ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ Hillary Clinton đã đề cập vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ có ý định mở rộng “liên minh với Australia từ quan hệ đối tác Thái Bình Dương sang một đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương, và thực chất là một đối tác toàn cầu”. Thủ tướng Ấn Độ khi đó, Manmohan Singh, cũng đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” để định nghĩa khu vực trong bài phát biểu công khai tại Nhật Bản vào tháng 5 năm 2013. Đáng chú ý nhất, Australia đã xác định “sự nổi lên của Ấn Độ – Thái Bình Dương như một vòng cung chiến lược duy nhất” trong Sách trắng quốc phòng năm 2013, và trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” trong các tài liệu chính thức của mình.
Sự hồi sinh gần đây nhất của khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương do Tổng thống Mỹ Trump khởi xướng. Ông đã nhiều lần kêu gọi “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào tháng 11 năm 2017. Thuật ngữ này được Trump lặp lại trong Chiến lược An ninh Quốc gia tháng 12 năm 2017, trong đó thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” xuất hiện mười một lần trong khi “châu Á – Thái Bình Dương” chỉ được sử dụng một lần. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã công bố báo cáo Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, và Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương công bố vào cuối tháng 6 năm 2019.
Ba làn sóng luận đàm này phản ánh tình huống tiến thoái lưỡng nan về thể chế hóa của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bất chấp việc một số lãnh đạo chính trị sử dụng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong các bài phát biểu, tuyên bố và tài liệu chính thức của mình, những thăng trầm trong luận đàm chính trị xung quanh khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương cho thấy khả năng thể chế hóa khu vực này còn lâu mới thành công. Rõ ràng, những nỗ lực xây dựng thể chế hữu hình dựa trên khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương tụt xa phía sau so với mức độ phổ biến của thuật ngữ này trong khu vực. Cho đến nay, không có tổ chức đa phương nào chính thức thống nhất khái niệm về Ấn Độ – Thái Bình Dương. Quad 2.0 dường như là hiện thân gần nhất; tuy nhiên, ngay cả khi việc phân nhóm đó thành công, đó chỉ là một mô hình hợp tác an ninh “tiểu đa phương” giữa bốn quốc gia; nó không thể biểu lộ ý nghĩa địa lý của “Ấn Độ – Thái Bình Dương” theo nghĩa chung.
(còn tiếp)
Người dịch: Vũ Ngọc Quyên
Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.
TN 2020 – 20, 21, 22