Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần V


Khi sử dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương năm 2018, chính phủ Australia đã thường xuyên đề cập đến nó trong Sách trắng quốc phòng. Điều này chắc chắn gắn liền với một ý nghĩa bảo vệ mạnh mẽ cho khái niệm này. Mặc dù các quan chức Australia đã cố tình mở rộng áp dụng thuật ngữ này cho các vấn đề khác rộng hơn, nhưng mục đích thực sự của khái niệm này có vẻ mang tính chiến lược hơn là kinh tế. Theo một số học giả, “lý do sử dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương cho đến nay vẫn mang tính chiến lược và địa chính trị, và được thiết kế mở rộng và củng cố tính ưu việt của quân đội Mỹ lãnh đão và để cân bằng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Về lý thuyết, chủ nghĩa khu vực dựa trên nền tảng an ninh có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn so với dựa trên nền tảng kinh tế bởi vì bản chất phi chính phủ của hệ thống quốc tế tạo ra nhiều rào cản hơn đối với các quốc gia tìm cách hợp tác trong phạm trù các vấn đề toàn cầu, đặc biệt liên quan đến các khía cạnh an ninh. Theo các nhà thể chế chức năng, sự phát triển thành công của chủ nghĩa khu vực thường bắt đầu bằng hợp tác kinh tế, với hy vọng rằng hợp tác về kinh tế, xã hội và môi trường sẽ lan tỏa đến hợp tác về quân sự và an ninh. Một lý do chính cho việc xây dựng thể chế thành công ở châu Á – Thái Bình Dương nằm trong chương trình nghị sự tập trung vào kinh tế và thương mại cho chủ nghĩa khu vực. Khi so sánh, chủ nghĩa khu vực dựa trên nền tảng an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có vẻ phi thực tế.

Sự khác biệt thứ hai giữa châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương liên quan đến lãnh đạo tư tưởng là cách thức mà các chính phủ tương tác với cộng đồng trí thức. Mặc dù cả chính phủ Australia và Nhật Bản đều tài trợ cho nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng họ chủ yếu bí mật thực hiện. Quan trọng hơn, cả hai chính phủ đã kiềm chế không chính thức tán thành các ý tưởng và đề xuất của cộng đồng trí thức; thay vào đó, họ đã tiến hành chính sách ngoại giao thầm lặng để vận động các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các thành viên ASEAN, hướng tới hợp tác kinh tế khu vực. Ngoài ra, chính sách ngoại giao không chính thức (ngoại giao kênh 2: những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của chính phủ) thông qua Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và xã hội hóa các ý tưởng về tự do hóa thương mại và kinh tế trong khu vực.

Khi so sánh, một số chính phủ, đặc biệt là Australia và Nhật Bản, có vẻ nhiệt tình hơn các học giả trong việc thúc đẩy và chấp nhận khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương ở cấp độ chính thức. Thực tế, có vẻ như các chính phủ này dự định khởi động một chiến dịch thảo luận để tạo ra bản sắc Ấn Độ – Thái Bình Dương cho khu vực. Tuy nhiên, các tiếp cận từ trên xuống, do chính phủ này lãnh đạo dường như không hiệu quả và thậm chí phản tác dụng trong việc phổ biến khái niệm này trong khu vực. Trung Quốc đã công khai đặt câu hỏi về lý do đằng sau sự xuất hiện khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong các diễn ngôn chính thức của một số quốc gia. Hầu hết các quốc gia ASEAN vẫn tránh, sợ rằng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể làm giảm tính trung tâm của ASEAN trong chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương, được công bố vào cuối tháng 6 năm 2019, đã nhắc lại tính trung tâm của ASEAN trong khu vực. Tuy nhiên, sự tự khẳng định này có thể phản ánh sự thiếu tự tin của ASEAN đối với việc mở động địa chính trị từ châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Lãnh đạo điều hành cũng thể hiện sự khác biệt giữa châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi thúc đẩy chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo điều hành tiềm năng đã kiềm chế không đảm nhận vai trò lãnh đạo, bị hạn chế bởi các mối quan tâm quốc gia của họ. Thay vào đó, Australia trở thành một nhà lãnh đạo điều hành mặc định để thúc đẩy việc thành lập APEC vào năm 1989. Là một cường quốc tương đối yếu, Australia không được coi là một nhà lãnh đạo điều hành mạnh để điều hành APEC. Hơn nữa, ASEAN cũng luôn cố gắng chia sẻ vai trò lãnh đạo trong APEC, điều này càng làm giảm sức mạnh điều hành của tổ chức.

Dưới thời chính quyền Clinton, Hoa Kỳ đã đảm nhận vai trò lãnh đạo điều hành của APEC trong một thời gian ngắn và nâng cấp thành công từ hội nghị bộ trưởng lên hành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào năm 1993. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm thể chế hóa hơn nữa APEC với các quy tắc và thỏa thuận ràng buộc và hợp pháp, vì lo ngại Hoa Kỳ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến các vấn đề trong nước của họ bằng cách liên kết thương mại với vấn đề nhân quyền. Nói cách khác, họ không muốn hy sinh quyền chủ quyền của mình cho hợp tác kinh tế. Do đó, việc xây dựng thể chế của APEC được coi là một trường hợp thể chế hóa nông, trong đó các quốc gia vẫn coi các thể chế là một công cụ để theo đuổi lợi ích của mình mà không cho các thể chế vai trò độc lập trong việc hình thành hành vi của thể chế.

Lãnh đạo điều hành đằng sau ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trải qua một số thay đổi mạnh mẽ. Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe là quốc gia sớm ủng hộ khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, thậm chí là một lãnh đạo điều hành. Năm 2007, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ hình thành “Bộ tứ kim cương” (Quad). Điều đáng chú ý là Dick Cheney, Phó tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nhật Bản quảng bá Quad. Được biết, chính Cheney là người đầu tiên đưa ra đề xuất Quad với Thủ tướng Australia lúc đó là John Howard. Sau đó, Howard đến thăm Nhật Bản và thảo luận về đề xuất Quad với Abe. Tiếp đó, Abe đến thăm Ấn Độ và Washington để kết thúc cuộc họp Quad đầu tiên vào tháng 5 năm 2007. Tuy nhiên, việc Australia rút khỏi Quad dưới thời chính quyền Rudd đã chấm dứt Quad 1.0 vào năm 2008. Đây là hành động gây ảnh hưởng tiêu cực thách thức lãnh đạo điều hành của Nhật Bản trong việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trong làn sóng thứ hai, Australia đã trở thành lãnh đạo điều hành trong việc thúc đẩy khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua chiến dịch thảo luận các tài liệu chính thức. Tuy nhiên, quyền hành pháp của Australia chỉ giới hạn trong các luận đàm chính thức của mình bởi vì hầu hết các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ ba thành viên Quad khác, đều giữ khoảng cách với khái niệm này. Cho đến nay, vẫn chưa có nỗ lực cụ thể nào để thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ trở thành quốc gia ủng hộ mạnh mẽ khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương: ông cố tình nhắc đến “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong các bài phát biểu công khai và các tài liệu chính thức. Đồng thời, “Quad 2.0” dường như tái xuất sau khi bốn quốc gia này tiến hành họp đối thoại vào tháng 11 năm 2017.

Nếu Hoa Kỳ duy trì động lực thúc đẩy Quad 2.0 nói riêng và chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung, thì sự lãnh đạo điều hành đằng sau các nỗ lực xây dựng thể chế Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể được coi là mạnh, nhờ khả năng kinh tế và quân sự lớn mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Tuy nhiên, sự lãnh đạo tư tưởng đằng sau chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn còn yếu vì cộng đồng trí thức Ấn Độ – Thái Bình Dương chưa thỏa đáng và không hiệu quả. Cho đến nay, chưa có lợi ích chung nào có thể đoàn kết hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Ví dụ, việc phân định địa lý của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi giữa các quốc gia Quad. Australia và Hoa Kỳ có cùng quan điểm địa lý về Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho rằng khu vực này bao gồm khu vực châu Á – Thái Bình Dương ban đầu cộng thêm Ấn Độ. Tuy nhiên, cách hiểu địa lý của Nhật Bản về Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng hơn nhiều. Trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản, Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm hai lục địa Á châu và Phi châu trên khắp hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tương tự, Chiến ược An ninh Hàng hải 2015 của Ấn Độ xác định Ấn Độ – Thái Bình Dương là một khu vực trải từ “Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, qua các eo biển Ấn Độ – Thái Bình Dương và Biển Đông/Hoa Nam và Biển Philippines”.

Những quan điểm khác nhau về phân định địa lý đặt ra các vấn đề đối với thể chế hóa hoặc xây dựng thể chế Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hầu hết các nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực tập trung vào hội nhập kinh tế. Nếu không có ranh giới rõ ràng về một khu vực, gần như không thể tiến hành hợp tác khu vực hiệu quả giữa các quốc gia. Ngoài ra, theo Jeffrey Wilson, khoảng cách năng lực kinh tế lớn giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và các quốc gia Ấn Độ Dương tạo thành một trở ngại tự nhiên cho hội nhập thương mại và đầu tư giữ hai khu vực, mặc dù tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong những năm gần đây rất ấn tượng.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s