Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần cuối


Theo mô hình “lãnh đạo – thể chế”, lãnh đạo điều hành mạnh và lãnh đạo tư tưởng yếu sẽ dẫn đến việc thể chế hóa theo vụ việc của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của Quad 2.0 có thể là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực xây dựng thể chế theo vụ việc. Thể chế theo vụ việc là tình huống trong đó một số quốc gia tạm thời thiết lập một thể chế để đối phó với các vấn đề khẩn cấp và cấp thiết. Ở mức độ nhất định, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và mối quan tâm hàng hải mới nổi đối với hành vi của Trung Quốc đã tạo động lực lớn cho sự hồi sinh của Quad 2.0 vào năm 2017. Mặc dù các quốc gia Quad vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại, nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào để Quad 2.0 được thể chế hóa hơn nữa: Quad sẽ trở thành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo hay hội nghị cấp bộ trưởng 2 + 2 giữa các quốc gia này? Bốn quốc gia này hiện thực hóa đối thoại an ninh của họ như thế nào khi đối phó với Trung Quốc?

Một thập kỷ trước, Australia đã xóa sổ Quad 1.0 vì không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc. Hiện giờ, thái độ của Ấn Độ đối với Quad 2.0 cũng có vẻ mơ hồ, Thủ tướng Modi đưa ra một cái nhìn cân bằng và lành tính về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2018. Do đó, nếu Ấn Độ không muốn khiêu khích Trung Quốc hoặc Trung Quốc hỗ trợ thành công cho sự trỗi dậy của Ấn Độ, Quad 2.0 có thể không tiến lên như Hoa Kỳ mong đợi. Ở mức độ nào đó, Quad 2.0 có thể được coi là nỗ lực cân bằng mềm chống lại Trung Quốc, trong đó bốn quốc gia Quad đang điều phối các chính sách an ninh của họ đối với một Trung Quốc đang trỗi dậy mà không tạo ra một liên minh quân sự chính thức. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách ngoại giao quyết đoán ở Biển Đông, mối đe dọa chung gia tăng từ Bắc Kinh có thể trở thành lý do để các nước Quad tăng cường hợp tác từ cân bằng mềm sang cân bằng cứng trong lĩnh vực an ninh. Nói cách khác, liệu thể chế theo vụ việc tạm thời của Quad có tồn tại hay không chủ yếu phụ thuộc vào cách Trung Quốc quản lý quan hệ song phương với các nước láng giềng.

Bên cạnh hợp tác an ninh, còn có cân bằng mềm về kinh tế trong Quad 2.0. Nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua Chiến lược Vành đai và Con đường (BRI), các quốc gia Quad có vẻ đang bắt đầu phối hợp nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ví dụ, Nhật Bản, Ấn Độ và Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận phát triển Cảng Colombo vào tháng 5 năm 2019. Thỏa thuận này được xem là nỗ lực chung của Nhật Bản và Ấn Độ nhằm chống lại ảnh hưởng BRI của Trung Quốc ở Nam Á. Với các sáng kiến cơ sở hạ tầng khác của Australia và Hoa Kỳ đang hình thành, Quad 2.0 có thể trở thành một cơ chế cân bằng mềm kinh tế để đối phó với BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu nó có thể được thể chế hóa hay không vẫn chưa chắc chắn.

Kết luận

Lập luận được trình bày trong bài viết này là xây dựng thành công thể chế phụ thuộc vào hai hình thức lãnh đạo chính trị: lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành. Các lãnh đạo tư tưởng bao gồm các học giả trong cộng đồng tri thức có thể giúp các quốc gia xác định và mở rộng các lợi ích chung trong hợp tác; lãnh đạo điều hành bao gồm chính phủ và các chủ thể quốc gia sẽ giúp các quốc gia vượt qua trở ngại trong hoạt động hợp tác, chẳng hạn như vấn đề “hành động tập thể”, và “lợi ích tương đối”. So với lịch sử xây dựng chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC, trường hợp Ấn Độ – Thái Bình Dương không mang đến nhiều lạc quan vì thiếu cả lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành trong xây dựng các thể chế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Chúng tôi đề nghị rằng bước đầu tiên để thể chế hóa thành công Ấn Độ – Thái Bình Dương là tìm ra lãnh đạo điều hành đáng tin cậy, bởi vì kinh nghiệm của APEC cho thấy việc nuôi dưỡng lãnh đạo tư tưởng thông qua một cộng đồng trí thức mang tính lâu dài. Hoa Kỳ là ứng cử viên tốt nhất để đảm nhận vai trò lãnh đạo điều hành. Do đó, Quad 2.0 sẽ là nơi thử nghiệm tốt, tạo cơ hội để đạt được thể chế hóa theo vụ việc về hợp tác an ninh giữa bốn quốc gia thành viên. Tuy nhiên, bản chất của thể chế theo vụ việc cho thấy thành công và sự bền vững của nó phụ thuộc vào tính cấp bách của vấn đề. Nếu Trung Quốc giảm căng thẳng và bảo đảm cho các nước láng giềng về bản chất lành tính trong sự trỗi dậy của họ, thì việc giảm tính khẩn cấp của các vấn đề an ninh hàng hải sẽ ngăn cản sự hợp tác an ninh giữa các nước Quad do chi phí kinh tế liên quan đến chính sách chống Trung Quốc là rất lớn.

Một thách thức khác đối với việc thể chế hóa khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương nằm ở bản chất gây tranh cãi của chủ nghĩa khu vực ở khu vực này trên thế giới. Mặc dù hợp tác khu vực về các vấn đề kinh tế và an ninh phi truyền thống, ít phức tạp hơn chủ nghĩa khu vực an ninh, nhưng đã có nhiều thể chế khu vực hiện có ở châu Á – Thái Bình Dương: ví dụ, hai tổ chức tự do hóa thương mại và kinh tế đang cạnh tranh nhau trong khu vực này là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do ASEAN và Trung Quốc lãnh đạo, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do Nhật Bản và Australia (không có Hoa Kỳ) lãnh đạo. Về hợp tác kinh tế, có Diễn đàn APEC, Hiệp định APT và nhiều hiệp định thương mại và đầu tư tự do song phương. Trong lĩnh vực an ninh, các liên minh song phương do Hoa Kỳ lãnh đạo và các tổ chức đa phương định hướng ASEAN (như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng) đã đề cập đến cả vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực. Quan trọng hơn, Ấn Độ đã tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực hiện có, như ARF, EAS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. HÌnh ảnh “bát mì spaghetti” rối tung lộn xộn này của các tổ chức khu vực tạo ra bóng đen bao phủ quá trình thể chế hóa trong tương lai của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Logic ở đây rất đơn giản: Ấn Độ đã tham gia đầy đủ vào nhiều tổ chức trong khu vực. Tại sao lại mở rộng chủ nghĩa khu vực sang Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Những phức tạp và nghi ngờ tiếp theo nảy sinh từ tuyên bố của ASEAN về tính trung tâm của tổ chức này trong bất kỳ hoạt động xây dựng thể chế nào trong tương lai ở Ấn Độ – Thái Bình Dương trong Báo cáo triển vọng ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương, công bố vào tháng 6 năm 2019, đã được Hoa Kỳ và Australia ủng hộ. Chủ nghĩa đa phương do ASEAN dẫn đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bị chỉ trích là “tạo ra nhiều quá trình chứ không phải tiến bộ” hay “hữu danh vô thực” do thiếu hiệu quả trong giải quyết các vấn đề khu vực. Nếu các tổ chức đa phương hiện có dưới sự lãnh đạo của ASEAN, chẳng hạn như ARF và EAS, không thể ứng phó với các thách thức ở châu Á – Thái Bình Dương, thì câu hỏi đặt ra: tính trung tâm của ASEAN sẽ là một phước lành hay một lời nguyền trong việc xây dựng thể chế trong tương lai ở Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Một yếu tố khó tiên đoán trong chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai là Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc không chấp nhận khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những diễn văn chính thức vì họ coi thuật ngữ này là một nỗ lực ngăn chặn của một số quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Australia. Tuy nhiên, sáng kiến đầu tư dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” là một phần của Chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) kéo dài qua Ấn Độ – Thái Bình Dương, và ở một mức độ nhất định, đó là chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận điều này một cách công khai. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng BRI từ một sáng kiến đầu tư song phương sang khuôn khổ đa phương, tương lai của việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tươi sáng hơn nhiều. Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ sở chiến lược làm cơ sở cho khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện tại. Sự tham gia của các nước ASEAN sẽ trở nên quan trọng, bởi vì nó sẽ làm loãng tinh thần chống Trung Quốc trong khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện tại. Do đó, Trung Quốc không thể một mình xây dựng chủ nghĩa khu vực kinh tế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, mặc dù có thể đảm trách lãnh đạo điều hành dựa trên nền tảng sức mạnh kinh tế của mình. Tìm kiếm cách thức phối hợp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, và nuôi dưỡng sự lãnh đạo tư tưởng trong cộng đồng trí thức sẽ là những bước đầu tiên trong thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương và đây là một quá trình lâu dài.

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s