Đại dịch và chính trị – Phần IV


Hậu quả chính trị của đại dịch

Những thảm họa lớn, đặc biệt nếu chúng có thể được đổ lỗi cho các chính phủ cụ thể, có thể thúc đẩy những phát triển chính trị đáng kể. Chẳng hạn như theo Richard Evans, mặc dù nhiều đợt bùng phát dịch tả ở Trung Âu vào thế kỷ XIX gần như trùng hợp với các cuộc cách mạng, nhưng “dịch bệnh thường là kết quả nhiều hơn là nguyên nhân tạo ra những chuyển biến mang tính cách mạng cũng như phản ứng của chính phủ liên quan”. Trong khi đó, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919 có thể đã tạo động lực cho phong trào độc lập mới chớm nở của Ấn Độ. Người ta cho rằng một trận đại dịch rốt cuộc có thể đã mang lại nền độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947, và từ đó đã kích hoạt quá trình phi thực dân hóa. Tuy nhiên, mối liên hệ chặt chẽ giữa đại dịch và sự gia tăng của các hoạt động xã hội ở Ấn Độ không được thừa nhận.

Đôi khi, các biện pháp được thực hiện để xử lý dịch bệnh có thể dẫn đến sự phản đối của công chúng – cho dù vì lý do tôn giáo, sức khỏe, sự cẩn trọng hay các lý do khác. Đây không phải là hiện tượng mới. Năm 1691, trong đợt bệnh dịch hạch lớn cuối cùng của thành phố Dubrovnik, những người bị nghi nhiễm bệnh và buộc phải di dời đến đảo Lokrum đã nổi dậy, rõ ràng là do điều kiện cách ly quá đông đúc. Ở nước Anh hiện nay, một lý do khiến chính phủ chậm trễ quyết định phong tỏa (cuối cùng được áp dụng vào ngày 23/3/2020) xuất phát từ mối lo về nguy cơ tiềm ẩn của sự bất mãn vốn khá phổ biến ở nước này. Trong khi đó, ở Mỹ, những hành động phản đối chống lại việc phong tỏa bị coi là phản khoa học, chống chính phủ liên bang và bạo lực.

Trong những tháng đầu năm 2020, ở nhiều quốc gia có xu hướng mặc nhiên chấp nhận một giả định đơn giản về hậu quả chính trị của đại dịch rằng: COVID-19 là một mối đe dọa chết người đối với các xã hội mà chỉ có chính phủ mới có thể đối phó, do đó trách nhiệm cơ bản nhất của họ đó là bảo vệ người dân. Kết quả tất yếu là thời gian cho các cuộc bãi công và các phong trào chống đối kết thúc. Đây là chiến tranh và đòi hỏi phải đoàn kết dân tộc.

Lối suy diễn tất cả theo hướng chiến tranh tất nhiên là không ăn khớp với nhau. Cuộc đấu tranh chống lại virus, về bản chất rất khác với chiến tranh. Điểm tương đồng đúng nghĩa của cuộc đấu tranh chống lại virus có thể là sự phản kháng của dân chúng đối với chế độ chuyên chế. Cả hai hướng hành động đều dựa trên sự hiểu biết rằng kẻ thù – có thể là kẻ chuyên quyền cần những công dân ngoan ngoãn, hoặc virus cần vật chủ ấm áp để có thể nhân rộng và lây lan – phụ thuộc vào con người hợp tác hàng ngày. Cả hai phương thức đều nhằm mục đích làm suy yếu sức mạnh của đối thủ, không mất công chiến đấu quá nhiều bằng cách tước đoạt các nguồn lực thiết yếu của đối thủ. Và cả hai đều có xu hướng phải mất nhiều thời gian mới đạt được kết quả, dẫn đến cảm giác thất vọng ở những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh.

Tất nhiên, những khác biệt cũng rất rõ ràng. Phong tỏa có xu hướng là một hành động của nhà nước, trong khi phản kháng dân sự thường do các nhóm xã hội dân sự khởi xướng. Mặc dù vậy, việc phong tỏa không phải trong mọi trường hợp đều là sản phẩm của sự can thiệp của chính phủ, mà còn có thể là kết quả từ sáng kiến của người dân. Lawrence Freedman đã quan sát thấy rằng ở Vương quốc Anh vào tháng 3/2020, ngay cả trước khi lệnh đóng cửa do chính phủ áp đặt trở thành bắt buộc, công chúng đã tự hành động. Đến ngày 18/03/2020, tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông ở London đã giảm 40%. Khoảng 45% người dân London đã ngừng ghé thăm các địa điểm giải trí. Việc các nhà khoa học tham gia nhiều và công khai vào các quy trình của chính quyền dẫn đến hành động bắt buộc phong tỏa của chính phủ truyền tải thông điệp rằng đây không phải là một cuộc tranh giành quyền lực do chính phủ áp đặt, mà là một việc làm cần thiết về mặt xã hội và khoa học.

Bất kỳ điểm tương đồng nào giữa lệnh phong tỏa và các phong trào phản kháng dân sự không khiến chúng trở thành đồng minh tự nhiên. Ngược lại, nhiều chính phủ ra lệnh phong tỏa vì COVID-19 đã có một đường lối cứng rắn đối với các cuộc biểu tình, đặc biệt là thông qua các lệnh cấm tất cả các cuộc tụ họp cộng đồng đông người. Tuy nhiên, trong thời kỳ bị phong tỏa, nhiều phong trào, cho dù vì lý do sức khỏe hay thận trọng chính trị, đã giảm bớt các cuộc biểu tình. Các phong trào khác cố gắng điều chỉnh các chính sách và phương thức hoạt động của họ tuân theo quy định phải đứng cách nhau 3m và phải đeo khẩu trang.

Trong số rất nhiều phong trào xã hội đang hoạt động trong cuộc khủng hoảng COVID-19, phong trào dễ thấy và có ảnh hưởng nhất là phong trào quốc tế của cộng đồng người Mỹ gốc Phi chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen “Black Lives Matter”. Những người Mỹ gốc Phi bị đàn áp thường được mô tả bằng tình trạng khó thở do hành vi bạo lực của cảnh sát, tạo ra mối liên hệ tượng trưng với dấu hiệu nhiễm bệnh COVID-19. Thêm vào đó là những bằng chứng ngày càng tăng cho thấy COVID-19 có nhiều khả năng gây tỷ lệ tử vong cao ở người nghèo và những người thuộc các nhóm người da đen, châu Á và dân tộc thiểu số. Các dữ kiện này tạo ra cảm giác về sự bất công.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 còn gây ra những hậu quả phi tự do. Ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bệnh dịch là lý do để hoãn các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương. Ở một số nơi, nó còn là cơ sở để ban hành luật khẩn cấp đình chỉ một loạt các thủ tục hiến pháp và quyền công dân. Hai trường hợp điển hình là Hungary và Hong Kong.

Ở Hungary, mục tiêu lâu dài của Thủ tướng Viktor Orbán là tạo ra cái mà ông gọi là “nền dân chủ phi tự do”. Vào ngày 30/03/2020, quốc hội Hungary đã thông qua một đạo luật có tên là “Đạo luật bảo vệ chống lại virus corona” cho phép chính phủ ra phán quyết bằng sắc lệnh trong phạm vi cần thiết để giải quyết hậu quả của đại dịch mà không cần phải đưa ra Quốc hội để tranh luận. Pháp lệnh này đã bị chỉ trích trên quy mô rộng, Nghị viện châu Âu còn lên án nó là “hoàn toàn không phù hợp với các giá trị của châu Âu”.

Ở Hong Kong, những vấn đề gây ra cuộc khủng hoảng lớn vào năm 2020 đã tồn tại từ lâu. Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, hiệp ước quốc tế quan trọng đảm bảo quyền tự chủ của Hong Kong ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, được cho là xác định vị thế Đặc khu hành chính Hong Kong trong 50 năm kể từ khi lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào ngày 01/07/1997. Trong cộng đồng cư dân xuất hiện mối lo ngại lớn về sự xói mòn mức độ tự trị hiện có. Từ năm 2005 trở đi, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn và chủ yếu là bất bạo động, hầu như là để yêu cầu mở rộng dân chủ. “Phong trào ô dù” do sinh viên lãnh đạo từ năm 2014, yêu cầu cải cách luật bầu cử của Hong Kong, đã được tổ chức rất bài bản. Sau đó, từ tháng 6/2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn, chủ yếu do sinh viên lãnh đạo, đã được tổ chức do những lo ngại về một dự luật mới của Hong Kong được đề xuất liên quan đến dẫn độ đối với người phạm tội bỏ trốn và hỗ trợ pháp lý lẫn nhau giữa Hong Kong và bất kỳ nơi nào ngoài Hong Kong.

Vào đầu năm 2020, đại dịch đã làm thay đổi trọng tâm của vấn đề, dường như làm tăng thêm quyết tâm của chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh trong việc chấm dứt những màn thể hiện thù địch công khai. Vào cuối tháng 3/2020, với sự khuyến khích từ Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong đã thông qua quy định cấm tụ tập nhiều hơn 4 người với lý do kiểm soát dịch bệnh. Nhưng quy định không ngăn chặn được các cuộc biểu tình. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh đã bỏ qua hoàn toàn chính quyền Hong Kong để thông qua “Luật An ninh Quốc gia” mới cho Hong Kong vào ngày 30/6, có hiệu lực ngay lập tức. Chính phủ Anh tuyên bố rằng luật mới “rõ ràng vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố chung năm 1984 về Hong Kong”.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Adam Roberts – Pandemics and Politics – The Survival: Global Politics and Strategy, Vol 62, Issue 5, p7-40.

TN 2021 – 3, 4, 5

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s