Đại dịch và chính trị – Phần cuối


Luật mới đóng vai trò quan trọng trong việc “đảm bảo việc thực hiện kiên quyết, đầy đủ và trung thành chính sách một quốc gia, hai chế độ, theo đó người dân Hong Kong quản lý Hong Kong với mức độ tự chủ cao”. Luật bao gồm một điều khoản về quyền con người, quy định rằng các điều khoản của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và điều khoản về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đều phải được bảo vệ. Nhưgn sức ép chính của luật này là việc tuyên bố các quyền và quyền lực mới cho chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong và liệt kê ra một loạt các hành vi vi phạm được xác định lỏng lẻo. Trong một danh sách dài các “hành động khủng bố”, Điều 24 bao gồm “các hành động gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn hoặc an ninh cộng đồng”. Điều 20, về vấn đề ly khai, nghiêm cấm nhiều hành vi “có hoặc không bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực”, hình sự hóa một cách có hiệu quả các hình thức hành động chính trị bất bạo động.

Sau khi luật được thông qua, chính quyền Hong Kong đã trở nên khắc nghiệt hơn. Vào ngày 30/07/2020, 12 chính trị gia ủng hộ dân chủ đã bị truất quyền tham gia cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp dự kiến vào ngày 06/09/2020. Một ngày sau, các cuộc bầu cử này bị hoãn một năm theo Sắc lệnh Quy định Khẩn cấp hoàn toàn dựa trên lý do bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân Hong Kong. Ngoài việc coi COVID-19 là cái cớ để kiểm soát dân sự chặt chẽ hơn, Trung Quốc có thể đã coi thường các vị thế quốc tế suy yếu của Mỹ và Anh do những nước này hoạt động kém trong cuộc khủng hoảng đại dịch khi gia tăng quyền tự do hành động để áp đặt các biện pháp độc tài mà không gây ra phản ứng quốc tế mạnh mẽ.

Ở một quốc gia có lịch sử nội chiến, chẳng hạn như Sri Lanka, các lực lượng vũ trang được tăng cường trách nhiệm thực thi pháp luật. Như nhà nghiên cứu Steven Simon đã quan sát ở các quốc gia khác, bao gồm Hungary, Philippines và Mỹ, mối đe dọa virus có thể được sử dụng để “lôi kéo công chúng vào việc giảm quyền tự do dân sự và mở rộng quyền hành pháp”. Ông thận trọng cho rằng những động thái như vậy cũng có những nguyên nhân khác và “cuộc khủng hoảng hiện tại dường như không thực sự dẫn đến tình trạng thay đổi cuộc chơi trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa các nền dân chủ tự do và phi tự do – hay các nền dân chủ cạnh tranh – và các chế độ độc tài”. Học giả Francis Fukuyama đã đưa ra một loạt kịch bản mà COVID-19 có thể tác động, với một số bi quan (chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy) và một số lạc quan (nền dân chủ kiên cường). Ông hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lựa chọn có lợi dẫn việc lộ diện những nhân vật độc tài liều lĩnh như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. TÍnh chuyên nghiệp và năng lực có thể lại được đánh giá cao. Nói rộng hơn, Fukuyama lưu ý rằng:

Các cuộc khủng hoảng lớn gây ra những hậu quả lớn, thường là không lường trước được. Cuộc Đại suy thoái đã thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ Hai – nhưng cũng dẫn đến Chính sách kinh tế mới (New Deal), sự trỗi dậy của Hoa Kỳ như một siêu cường toàn cầu và cuối cùng là phi thực dân hóa. Vụ tấn công 11/9 đã dẫn đến hai sự can thiệp thất bại của Mỹ, sự trỗi dậy của Iran và các hình thức mới của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tạo ra một làn sóng chủ nghĩa dân túy đã thay thế các nhà lãnh đạo trên toàn cầu. Các nhà sử học trong tương lai sẽ theo dõi những ảnh hưởng tương đối lớn đối với đại dịch virus corona hiện nay; nhưng thách thức ở đây là phải phát hiện ra chúng trước.

Các đợt dịch bệnh trong quá khứ cho thấy một loạt các ảnh hưởng. Danh tiếng của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên quốc tế quan trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Xu hướng này bắt đầu từ rất lâu trước đây trong Chiến tranh Việt Nam và càng được khẳng định thêm trong các cuộc xung đột khốc liệt ở Afghanistan và Iraq. Thái độ cố ý xa lánh các đồng minh và các tổ chức quốc tế của Hoa Kỳ đã đẩy nhanh và làm sâu sắc vấn đề. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Tổng thống Trump đã thất bại trong việc bảo vệ đất nước mình. Các phát ngôn mang tính công kích của ông đối với Trung Quốc và WHO đã cho thấy ông thiếu khả năng kiềm chề sự bất đồng. Trong một loạt những sai lầm lớn, thất bại trong cuộc tái cử của Trump được cho là sự từ bỏ hoàn toàn trách nhiệm huy động hợp tác quốc tế trong đại dịch.

Kết luận

Ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh là rất lớn. Đối phó với các dịch bệnh luôn là điều khó khăn như đã được minh chứng trong lịch sử và cho đến ngày nay. Lịch sử của các đợt dịch bệnh cho thấy rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có khả năng còn kéo dài và các dịch bệnh khác cũng được dự đoán sẽ xảy ra. Phạm vi của mối đe dọa chắc chắn là trên phạm vi quốc tế – COVID-19 lan nhanh  trên toàn cầu phần lớn là do các phương tiện đi lại hiện đại – và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ giữa các chuyên gia y tế là một đặc trưng cứu vãn cuộc khủng hoảng này. Vai trò chuyên môn của các tổ chức quốc tế như WHO vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh như quy mô và chi phí tốn kém của các nhiệm vụ họ phải giải quyết, mối hoài nghi liên tục giữa các quốc gia và xu hướng bất đồng giữa các cường quốc khiến các tổ chức quốc tế không thể chịu trách nhiệm chung về quản lý đại dịch.

Giải quyết dịch bệnh là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các chính phủ quốc gia. Trách nhiệm này có từ thế kỷ XIV, khi các thành phố ở bán đảo Italy và Adriatic bắt đầu phát triển các hệ thống thực hiện các biện pháp hành chính chống lại bệnh dịch. Mặc dù virus không e ngại đến các đường biên giới, nhưng sự lây lan và cơ hội sống sót của chúng từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp, chính sách và hành vi của các quốc gia. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều đáp ứng được với nhiệm vụ. Tính hiệu quả trong việc giải quyết các đại dịch dường như không làm bật lên vị trí mà họ chiếm giữ trong sự phân chia chế độ dân chủ – chế độ độc tài. Các yếu tố quan trọng hơn là năng lực của các nhà lãnh đạo, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng của họ, tâm thái sẵn sàng lắng nghe các nhà khoa học, tính hiệu quả của bộ máy hành chính và mức độ tin tưởng mà họ tạo ra đối với người dân.

Trong cuộc khủng hoảng này, đã có nhiều cuộc thảo luận về hiệu quả hoạt động của phụ nữ trong vai trò đứng đầu chính phủ. Hầu hết các chính phủ dưới sự lãnh đạo của phụ nữ đã đưa ra các quyết định nhanh chóng về việc phong tỏa và các biện pháp khác, cũng như có hiệu quả trong việc giao tiếp với công chúng. Trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia này có tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Trong các tài liệu phân tích điều này, có nhiều giải thích sơ bộ khác nhau về lý do tại sao phụ nữ hoạt động tương đối hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này và hiện tượng này cần được nghiên cứu thêm.

Các cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh nhất thiết phải liên quan đến nhiệm vụ thiết lập mục tiêu sắp xếp nguy cơ. Trong trường hợp COVID-19, khả năng virus bùng phát lần thứ hai sau khi bị đánh bại ở một số khu vực cụ thể là một trogn nhiều lý do cần thận trọng trong việc hứa hẹn và tuyên bố thành công. Tất nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn virus trên toàn thế giới nên là mục tiêu cuối cùng, nhưng gần như chắc chắn là không thực tế trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Trong khi đó, mục tiêu chính là phải sử dụng nhiều biện pháp để giảm sự lây lan của virus trong dân cư và giảm thiểu khả năng lây nhiễm của người dân đối với virus đó, bao gồm các biện pháp cách ly kiểu cũ cũng như sự phát triển vacccine.

Tin tưởng và sự lãnh đạo là điều cần thiết bởi vì cuộc đấu tranh chống lại các bệnh truyền nhiễm đòi hỏi một mức độ hy sinh cá nhân vì lợi ích xã hội. Nếu người dân được yêu cầu ở trong nhà trong nhiều tháng, giãn cách xã hội, triển khai các kỹ năng của họ ở tuyến đầu hoặc chấp nhận vaccine bất chấp hàng loạt tuyên truyền thù địch trên Internet, họ cần hiểu rằng đó là những lời khuyên trung thực, vì những lý do chính đáng và có mục tiêu hợp lý. Dù lối suy diễn theo hướng chiến tranh rất thu hút, nhưng lại không phù hợp với các cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh bởi vì quá trình đối phó với các mối đe dọa của virus nhất thiết phải chậm rãi, phân cấp và thay đổi nhanh chóng về mặt hành chính và xã hội.

Quá trình chấm dứt các đợt phong tỏa vì đại dịch và các biện pháp khác có thể gây chia rẽ xã hội nhiều hơn so với việc thực hiện nó lúc ban đầu. Điều này đòi hỏi một số đánh giá vốn rất khó và dễ gây tranh cãi về việc làm thế nào để nới lỏng các biện pháp nhất định và những rủi ro có liên quan. Trong cộng đồng, nhân viên chăm sóc tại nhà hoặc giáo viên có thể cảm thấy không an toàn khi tiếp tục công việc bình thường của họ mà không được tiếp cận với một số bằng chứng chắc chắn, thiết bị bảo hộ, quy trình kiểm tra và các hỗ trợ khác. Trong nội bộ các quốc gia, có thể có những bất đồng cơ bản về việc các chính sách và thể chế cần thay đổi như thế nào khi có những trải nghiệm khác nhau về đại dịch này. Trong bối cảnh quốc tế, những bất đồng có thể nảy sinh khi hành động hoặc từ chối hành động của một quốc gia gây ra rủi ro cho các quốc gia khác và công dân của họ. Bất chấp sự cố chấp của một số nhà lãnh đạo, không thể phủ nhận yêu cầu cấp thiết  của việc phối hợp và hài hòa chính sách giữa các cấp chính quyền và xuyên quốc gia.

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Adam Roberts – Pandemics and Politics – The Survival: Global Politics and Strategy, Vol 62, Issue 5, p7-40.

TN 2021 – 3, 4, 5

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s