Theo đài RFI, Canada là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 tại Việt Nam tính đến tháng 11/2021, với 231 dự án trị giá 4,81 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong khối ASEAN.
Từ vài năm gần đây, Canada hướng đến Việt Nam như một nhân tố năng động giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang từng bước được Ottawa định hình. Hà Nội cũng có thêm được sự ủng hộ từ một nước phương Tây để đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Có thể nói, năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong chính sách về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada. Từ né tránh đề cập những tranh chấp ở Biển Đông, chính phủ của thủ tướng Trudeau đã chỉ đích danh Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền để “cho thấy sự ủng hộ của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận về an ninh và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, Giáo sư Eric Mottet thuộc Đại học Công giáo Lille (Pháp) nhận định Canada đang tăng tốc để bù lại thời gian bỏ lỡ trong việc định hình chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi được cho là sẽ chiếm đến hơn một nửa GDP toàn cầu vào năm 2040. Trong chiến lược này, Việt Nam được đánh giá là một nhân tố năng động. Điều này giải thích cho hàng loạt sự kiện gặp gỡ, hợp tác song phương từ quốc phòng đến thương mại giữa Việt Nam và Canada trong những năm 2020 và 2021. Giáo sư Eric Mottet phân tích.
“Động cơ” khiến Canada thay đổi
Từ vài năm gần đây, Canada đã thay đổi hoàn toàn lập trường về những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngày càng tỏ ra quan tâm hơn đến khu vực này. Hải quân Hoàng gia Canada ngày càng hiện diện thường xuyên hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Việc này được giải thích phần nào qua việc chính quyền Ottawa đang suy nghĩ đến một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên quan sát xem Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia, Ấn Độ làm gì về mặt an ninh trong khu vực này.
Canada cân nhắc xem chiến lược của họ ở Thái Bình Dương sẽ ra sao và đi đến kết luận là cần hiện diện quân sự, kể cả lực lượng hải quân, tại các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này cũng giúp Canada thoát khỏi thế kẹt trong xung đột với Trung Quốc kéo dài suốt 3 năm. Canada hy vọng bằng cách nào đó lấy lại thế bình quyền trong quan hệ với Trung Quốc. Và để đi đến sự bình thường hóa này, Ottawa cho rằng phải hiện diện diện thường xuyên hơn về mặt hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.
Căng thẳng với Trung Quốc
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada rất căng thẳng trong những năm qua. Sự hiện diện thường xuyên hơn của Canada ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, không làm gia tăng thêm căng thẳng vì Canada đã củng cố lập trường. Trong suốt 3 năm, các sự kiện liên quan đến tập đoàn Huawei (Hoa Vi) và hai công dân Michael Spavor và Kovrig bị giam giữ ở Trung Quốc đã khiến quan hệ song phương trở nên phức tạp. Trong thời gian dài, Canada không biết phải làm thế nào với vấn đề này.
Hiện 2 công dân trên đã về nước, mối quan hệ song phương dịu đi một chút. Tuy nhiên, Canada vẫn khá bất bình về cách Trung Quốc xử lý tình hình đó, nên phải tỏ ra cứng rắn hơn, hung hăng hơn một chút và thể hiện rằng Canada là một nước có thể sẽ hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sẽ triển khai một chiến lược đối với khu vực này. Vì thế, Canada sẽ hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai.
Vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Canada
Nhìn một cách tổng thể, chiến lược của Việt Nam nằm trong chiến lược của ASEAN. Đối với tất cả các bên đang nghiên cứu chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dù là Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia hay Ấn Độ, đều coi ASEAN là nhân tố trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ. Việt Nam là một thành viên có vai trò lớn trong ASEAN về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao, nên dĩ nhiên các nước trên cũng phải dựa vào Việt Nam.
Trong khuôn khổ của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ottawa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada sẽ dựa trên các thỏa thuận đã có, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp đơn giản hóa trao đổi kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, cũng có thể thấy Việt Nam sẽ trở thành một điểm tựa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho Canada. Mối quan hệ song phương này còn dựa vào cộng đồng người Việt sinh sống ở Canada, cũng như việc Việt Nam là một đất nước đang trỗi dậy mà hiện cả thế giới đang hướng tới.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có hai nước rất được chú ý đến là Indonesia và Việt Nam. Các bên hướng đến khu vực này đều chú ý đến Việt Nam, một quốc gia sẽ nằm hoàn toàn trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada.
Lợi ích của Việt Nam khi tăng cường quan hệ với Canada
Ngày 7/7/2021, Tham vấn Quốc phòng Việt Nam – Canada đã diễn ra ở Hà Nội. Sau đó, Canada đã mở Văn phòng thường trực Tùy viên Quốc phòng ở Hà Nội.
Về mặt an ninh, có được sự ủng hộ của Ottawa trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông là điều rất tích cực đối với Việt Nam vì Canada là một nhân tố có trọng lượng, là một nước phương Tây cũng nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Canada đã tăng cường quan hệ đối tác với các nước và thể chế cấp vùng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Canada đã đến dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội tháng 11/2020. Ông cũng tham gia nhiều diễn đàn quốc phòng với các nước ASEAN. Hiện giờ, Canada có 1 tùy viên quân sự ở VIệt Nam và 1 ở Malaysia. Có thể thấy Việt Nam được Canada nhắm đến là nơi phải thành lập văn phòng tùy viên quân sự và cùng nghiên cứu để ra được một thỏa thuận cụ thể hóa nghị định thư về kế hoạch an ninh (được hai Bộ trưởng Quốc phòng ký năm 2019). Ngoài ra, Hải quân Canada cũng ghé thăm cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam vào tháng 6/2021. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ nhiều năm qua. Nhìn chung, có thể thấy Việt Nam và Canada xích lại gần nhau nhiều hơn về mặt an ninh.
Về lĩnh vực thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại chính của Canada trong khối ASEAN. Chính quyền Ottawa cũng thể hiện mong muốn từng bước ưu tiên Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng, kể cả thông qua việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm hoặc hợp tác về các vấn đề liên quan đến giáo dục, công nghệ, thông tin và truyền thông… Có thể thấy cả hai nước đang gia tăng quan hệ kinh tế song phương.
Canada coi Việt Nam là một nước trong ASEAN, trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cần phải dựa vào trong tương lai, vừa về mặt an ninh, vừa về thương mại và kinh tế.
Nguồn: TKNB – 23/02/2022