Theo tạp chí The Diplomat ngày 10/03, trong năm 2021, 4 nền kinh tế gồm Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan và Ecuador đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hàn Quốc cũng đã gửi những tín hiệu mạnh mẽ rằng Seoul hy vọng sẽ tham gia hiệp định này.
Trong danh sách này không có tên Mỹ, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Mặc dù có một sự công nhận rộng rãi ở Washington rằng động thái rút khỏi TPP là một sai lầm chiến lược, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP trong thời gian tới.
Các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết họ sẽ tìm cách theo đuổi tư cách thành viên của thỏa thuận này, bao gồm 3 quốc gia ở Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines và Indonesia. 3 quốc gia này đã bày tỏ mức độ quan tâm khác nhau đến việc tham gia CPTPP và đã nghiên cứu một cách không chính thức về những gì cần thiết để chính thức gia nhập hiệp định thương mại này. Việc trở thành thành viên của CPTPP đối với các quốc gia này hiện nay sẽ đặc biệt hấp dẫn, vì được ưu đãi tiếp cận một số thị trường lớn của các nước phát triển và nhu cầu thu hút đầu tư vào bên trong sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, đề nghị gia nhập CPTPP gần đây của Trung Quốc đã khơi dậy sự quan tâm đến những lợi ích tiềm năng của tư cách thành viên. Hơn nữa, do sự bất ổn xung quanh tương lai của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ, trong đó Thái Lan, Philippines và Indonesia là những nước hưởng lợi lớn, nhu cầu hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của họ có thể thúc đẩy động lực chính trị cần thiết để tham gia. Tuy nhiên, các vấn đề theo trình tự, phản đối các bên nội bộ liên quan và các vấn đề khác tiếp tục làm trì hoãn quá trình tuyên bố chính thức ý định tham gia.
Thái Lan từ lâu đã bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP. Cán bộ thương mại và tài chính của Thái Lan đã tiến hành các nghiên cứu khả thi riêng biệt từ khi hiệp định này vẫn được gọi là TPP và Mỹ vẫn đang tham gia. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã không thể chống lại sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích, do lo ngại về khả năng tiếp cận thị trường thuốc lá và mong muốn bảo vệ thị trường nông sản trong nước. Vào tháng 11/2021, Thái Lan đã gây chú ý khi một quan chức chính phủ nước này tuyên bố rằng Thái Lan đặt mục tiêu tham gia các cuộc đàm phán về tư cách thành viên; tuy nhiên, quan chức này lưu ý rằng một số điều khoản sẽ cần được thương lượng nội bộ trước khi chính thức tuyên bố ý định tham gia.
Gần đây, Đại sứ Thái Lan tại Mỹ Manasvi Srisodapol đã nói Phòng Thương mại Mỹ rằng, Thái Lan “nhận thấy những lợi ích tiềm năng từ việc tham gia hiệp định thương mại. Chúng tôi đang trogn quá trình tham vấn với các bên liên quan và đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng của Thái Lan để đảm bảo rằng chúng tôi có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bao trùm”.
Giống như Thái Lan, mối quan tâm của Philippines đối với CPTPP cũng rất rõ ràng, nhưng quá trình tham vấn và phân tích pháp lý về các điều khoản cần thiết để gia nhập đã bị kéo dài. Đầu năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez đã chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu lại các cơ hội gia nhập hiệp định thương mại. Ngày 3/2/2021, ông Lopez đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Damien O’Connor, chính thức tìm hiểu về quá trình tham gia. Một năm sau, Philippines tiếp tục thương lượng với các bên liên quan, bao gồm cả các bên ký kết CPTPP và các bên quan tâm khác như Vương quốc Anh.
Trong cuộc trò chuyện với Phòng Thương mại Mỹ, Đại sức Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói rằng thông tin Trung Quốc quan tâm đến việc gia nhập đã khiến CPTPP trở nên hấp dẫn hơn đối với nước này Philippines đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, mặc dù hiệp định này vẫn chưa được Quốc hội Philippines phê chuẩn. Đại sứ Romualdez lưu ý, lý do ban đầu khiến Philippines quan tâm đến việc tham gia CPTPP là nhằm tiếp cận thị trường ổn định vào Mỹ, quốc gia dẫn đầu thỏa thuận vào thời điểm đó.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò về một hiệp định thương mại tự do song phương tiềm năng với Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán này đã không tiến triển do nhiều quan ngại từ phía Mỹ. Theo Bộ trưởng Romualdez, do thiếu một thỏa thuận thương mại ổn định với Mỹ, “thời gian biểu để Philippines tham gia CPTPP sẽ gấp rút nếu Mỹ quyết định tái gia nhập”.
Mặc dù chính phủ Indonesia chắc chắn sẽ xem xét hiệp định chủ yếu qua lăng kính kinh tế, nhưng nhận thức rằng CPTPP được thiết kể để loại trừ Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về địa chính trị. Năm 2018, Indonesia cũng kêu gọi các nước ASEAN chưa tham gia TPP đàm phán tập thể về các điều khoản của Hiệp định, nhưng hiện nay chủ nghĩa tập thể đó còn rất ít.
Đại sứ Indonesia tại Mỹ Rosan Roeslani gần đây khi được hỏi về lập trường hiện tại của Indonesia đối với CPTPP, đã để ngỏ cánh cửa, nhưng dường như đồng ý rằng không có tiến triển cụ thể nào sắp xảy ra.
Năm tới sẽ cung cấp thêm manh mối từ 3 quốc gia về tiềm năng trở thành thành viên của CPTPP và trong khi các cuộc bầu cử trong nước sẽ là một phần của câu chuyện, các yếu tố bên ngoài như sự quan tâm của các nước khác đối với việc tham gia hiệp định và các chi tiết của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cùng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 được hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Nguồn: TKNB – 14/03/2022