Barkhane – sự thất bại của Pháp tại Mali – Phần đầu


Báo Le Monde mới đây có bài viết về chiến dịch Barkhane, chiến dịch chống nổi dậy của quân đội Pháp chống lại các tay súng Hồi giáo ở khu vực Sahel của châu Phi. Sau 9 năm chiến đấu chống chủ nghĩa thánh chiến ở Sahel, ngày 17/2/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải ngậm ngùi thông báo quyết định rút quân đội Pháp khỏi Mali. Tuyên bố này được nhiều nhà quan sát coi là sự kết thúc của một chu kỳ chiến lược của Pháp tại châu Phi. Nội dung bài viết này như sau:

Có những thất bại đau đớn hơn những thất bại khác, đặc biệt là khi xem xét nguyên nhân dẫn đến thất bại của cả một quá trình lâu dài. Câu chuyện về 9 năm can dự của Pháp ở Mali trong khuôn khổ chiến dịch Serval từ tháng 01/2013, sau đó đến chiến dịch Barkhane từ tháng 8/2014, vẫn sẽ còn được viết. Nhưng theo như ý kiến của nhiều nhân tố trên thực địa và những binh sĩ tại ngũ hoặc đã nghỉ hưu, thì thông báo rút quân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước hết là sự kết thúc của một chu kỳ, hay cái chết của một điều không tưởng về chính trị, ngoại giao và quân sự.

Nhiều năm trôi qua có thể khiến chiến dịch Barkhane bị lãng quên, nhưng nếu thế cũng nên nhắc lại rằng chiến dịch này ban đầu được sinh ra từ một chiến thắng. Đó là chiến thắng của chiến dịch Serval, một thành công chớp nhoáng, gần như hoàn hảo, như những gì được học tại các học viện quân sự. Sau đó, vào tháng 01/2013, một phong trào thánh chiến bắt đầu thế chỗ cho cuộc nổi dậy của người Tuareg tại Mali và bắt đầu lan rộng ra ngoài miền Bắc Mali, mà người ta từng hy vọng nó sẽ vẫn bị giới hạn ở đó. Khi các cơ quan tình báo Pháp nhận ra rằng thánh chiến đã tới gần Mopti, thành phố nằm trên một trục dẫn tới thủ đô Bamako của Mali, quyết định ngăn chặn mới được đưa ra.

Tổng thống Pháp khi đó là François Hollande (2012 – 2017) là người chịu trách nhiệm. Sau khi nỗ lực tìm kiếm đồng minh bằng cách để không thấy mình đơn độc trong sa mạc Mali, ông đã ráp nối các kế hoạch được đệ trình. Kết luận được đưa ra thời điểm đó như sau: Thứ nhất, phải xóa bỏ ngành công nghiệp bắt cóc con tin giúp thu lời cho các nhóm thánh chiến. Hiện có 12 người phương Tây, trong đó có một số người Pháp, đang bị các nhóm thánh chiến giam giữ. Thứ hai, hoạt động này có chỗ dựa là vùng núi Adrar des Ifoghas, một căn cứ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công đe dọa toàn bộ tiểu vùng. Một cựu sĩ quan cho biết: “Trong vòng hai tháng, với 2000 binh sĩ và chi phí 200 triệu euro, người ta dự báo rằng chiến dịch quân sự là điều khả thi”.

Kết quả đáng khích lệ

Với sự ra đời của chiến dịch Serval, “điều không tưởng về tác chiến”, theo cách nói của viên sĩ quan này, đã trở thành hiện thực. Khoảng 6000 binh sĩ Pháp được điều động tham gia chiến dịch. Sau vụ bắt giữ một nhóm thánh chiến vào ngày 11/01/2013 và giành lại quyền kiểm soát sân bay Gao sau đó 15 ngày, tới tháng 04/2013, vấn đề khủng bố ở miền Bắc được cho là tạm thời đã được kiểm soát ở góc độ quân sự. Các kho hậu cần đã được triển khai để cung cấp nước cho các binh sĩ tham chiến, những người cần từ 10 – 12 lít nước/ngày. Hơn 600 chiến binh thánh chiến đã bị tiêu diệt, 100 tay súng bị bắt giữ. Tóm lại, đây là một chiến dịch với thành tích xuất sắc, đáng để lưu giữ trong biên niên sử.

Việc chuyển từ chiến dịch Serval sang chiến dịch Barkhane được thực hiện trong tâm lý lạc quan này. Tướng Didier Castres, khi đó là chỉ huy Trung tâm lập kế hoạch và chỉ đạo chiến dịch quân sự ngoài nước, cho biết: “Thời điểm đó, tôi có nói rằng chúng ta phải thay đổi trạng thái hoặc dừng lại”. Để duy trì cam kết của Pháp và hy vọng vào một kết quả lâu dài, Tướng Castres khẳng định cần đạt được bốn điều kiện tiên quyết: “Chặn đứng mọi hoạt động buôn lậu vũ khí từ Libya, đạt được một thỏa thuận hòa bình thực chất giữa miền Bắc và miền Nam Mali, đảm bảo sự ủng hộ thực sự của Algeria và giải quyết các vấn đề quản trị”. Tuy nhiên, tất cả các điều kiện này chưa bao giờ đạt được.

Phải nói vào thời điểm đó, một sự kết hợp bất ngờ của nhiều nhân tố đã thúc đẩy Pháp thúc đẩy một chiến dịch quân sự mới. Trước nguy cơ phải chứng kiến Bamako bị nhấn chìm bởi các nhóm thánh chiến, các quốc gia láng giềng của Mali đã tự huy động lực lượng, điều nằm ngoài mong đợi của Pháp. Chad điều động 2500 binh sĩ, Burkina Faso điều động cả một tiểu đoàn, Niger tham gia các hoạt động quân sự trên không. Theo yêu cầu của Paris, ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng lao vào cuộc. Ngay từ tháng 2/2013, EU đã triển khai một sứ mệnh huấn luyện (EUTM) mà chỉ huy đầu tiên là tướng François Lecointre, người sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Pháp (2017 – 2021). Về phần mình, tháng 4/2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã xác nhận thành lập một sứ mệnh gìn giữ hòa bình và cử lực lượng mũ nồi xanh đến thực địa.

Khó khăn xuất hiện

Động lực chính trị-quân sự được củng cố nhờ tiến trình dân chủ. Tháng 7/2013, Mali tổ chức bầu cử tổng thống, chấm dứt hơn một năm bất ổn chính trị kể từ khi Bamako trải qua một cuộc đảo chính quân sự vào mùa Xuân năm 2012. Tổng thống đắc cử Ibrahim Boubacar Keïta, vốn thân Pháp nhưng không quyết đoán, trở thành người đồng hành quan trọng trong chiến dịch Barkhane cho đến khi ông bị lật đổ vào mùa Hè năm 2020. Một sĩ quan quân đội Pháp đã mô tả chặng đường 7 năm đồng hành của Tổng thống Keïta như một “đường hầm dài”. Đặc biệt từ năm 2014, chiến lược của Pháp đã bị đảo lộn. Giữa lúc chiến dịch Barkhane được phát động, Libya bắt đầu chìm trong cuộc nội chiến. Những tác động của việc Pháp can thiệp vào đất nước này hồi năm 2011 nhằm lật đổ Đại tá Muammar Gaddafi cuối cùng cũng không mang lại kết quả tốt hơn. Chốt khóa Libya lật tung, dẫn đến việc không thể thực hiện điều kiện thứ nhất mà tướng Castres đã nêu.

Năm 2015, mối đe dọa thánh chiến bùng nổ ở Pháp và châu Âu dưới sức ép của các cuộc tấn công khủng bố được lên kế hoạch từ khu vực Iraq và Syria. Thomas Gassilloud, nghị sĩ Quốc hội Pháp và thành viên Ủy ban quốc phòng và các lực lượng vũ trang, cho biết: “Bối cảnh này có thể đã dẫn đến việc tăng cường cuộc chiến chống khủng bố lên một mức cao hơn”. Và Pháp vẫn hy vọng sẽ thực hiện được điều kiện thứ hai: thúc đẩy chính quyền trung ương Mali và một phần các nhóm nổi dậy Tuareg ở miền Bắc ký kết một hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên, mục tiêu này gặp nhiều trở ngại. Hiệp định Algiers, được đàm phán dưới sự bảo trợ của Algeria, được coi là một trong những công cụ để loại bỏ các chiến binh thánh chiến. Tuy nhiên, vấn đề là hiệp định này lại là một trong những nguồn gây hiểu lầm ngày càng tăng giữa Pháp và Mali. Cụ thể, Mali luôn cho rằng hiệp định Algiers đã tạo điều kiện cho một hình thức phân chia lãnh thổ nước này, với thành phố Kidal bị rơi vào tay phiến quân Tuareg.

Lực lượng thánh chiến giành ưu thế

Kể từ năm 2016, Chiến dịch Barkhane ở Mali bắt đầu vấp phải nhiều thách thức. Một cựu binh từng tham gia chiến dịch nhận xét: “Giống như trong tất cả các cuộc chiến chống nổi dậy, nguy cơ đối với chiến dịch Barkhane luôn xuất phát từ lực lượng nổi dậy”. Cứ một phần tử thánh chiến thiệt mạng thì lập tức có 10 kẻ khác gia nhập lực lượng thánh chiến.

Do những hạn chế về năng lực, Pháp chưa bao giờ muốn triển khai binh lính ở miền Trung Mali ngoại trừ một vài chiến dịch hiếm hoi. Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Pháp cũng lo ngại bị cuốn vào vòng xoáy xung đột nguy hiểm đã tồn tại từ lâu giữa hai cộng đồng sắc tộc Fulani và Dogon. Dần dần, các chiến binh thánh chiến đã giành được lợi thế ở miền Trung Mali. Trước áp lực từ các chiến binh thánh chiến, cuối cùng Mali đã phải khuyến khích thành lập các nhóm dân quân cộng đồng, đặc biệt là trogn cộng đồng người Dogon. Nhưng quyết định này lại khơi dậy ngọn lửa bạo lực và khuyến khích các nhóm thánh chiến tuyển mộ lực lượng. Đến nỗi năm 2015, ở miền Trung đã xuất hiện Mặt trận giải phóng Macina (FLM), một tổ chức thánh chiến với thành phần chủ yếu là người Fulani. Kể từ đó, tổ chức này đã trở thành một trong những nhánh nòng cốt của Nhóm hỗ trợ đạo Hồi và người Hồi giáo (GSIM), hiện được cho là hiện thân rõ nhất của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở khu vực Sahel.

Việc GISM ra đời vào tháng 3/2017, hai tháng trước khi Emmanuel Macron đắc cử Tổng thống Pháp, đã hoàn tất quá trình gia tăng sức mạnh của các nhóm thánh chiến. Để giành lợi thế, các nhóm khủng bố vũ trang đang thúc đẩy Hồi giáo hóa xã hội Mali. Từng làng một bắt đầu buộc các trường học truyền thống chuyển thành trường học kinh Koran, phụ nữ phải mang khăn che mặt, công lý được thiết lập dựa trên các quy tắc của luật Hồi giáo và các liên kết hành chính với nhà nước trung ương bị phá bỏ. Nhiều người dân tỏ thái độ phản đối, nhưng cũng nhiều người khác nhượng bộ, cho rằng có thể được nhiều hơn mất trong cuộc chuyển đổi chống lại một nhà nước Mali ngày càng yếu ớt. Việc các nhóm này cùng với các chi nhánh của chúng gặm nhấm dần lãnh thổ Mali cũng là tín hiệu dự báo một quá trình Hồi giáo hóa sâu rộng xã hội Mali, bao gồm cả giới tinh hoa và một bộ phận giới trẻ ở Bamako. Điều này giải thích tại sao chính quyền Mali hiện có khuynh hướng tìm cách đối thoại với các nhóm thánh chiến.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 21/03/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s