Barkhane – sự thất bại của Pháp tại Mali – Phần cuối


Viện trợ phát triển

Từ năm 2017, lực lượng vũ trang Pháp cũng phải làm quen với một nhân vật mới tại Điện Elysée: Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp không còn coi vấn đề loại bỏ các chiến binh Hồi giáo là giải pháp hiệu quả cho xung đột tại Mali. Chính trong hoàn cảnh đó, đã xuất hiện ý tưởng kết nối chặt chẽ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với các hoạt động của chiến dịch Barkhane. Rémy Rioux, Tổng giám đốc AFD, là người thân cận với Tổng thống Macron. Kết hôn với em gái của một sĩ quan lục quân, Rioux có một ưu điểm mà Chính phủ Macron không thể bỏ qua: Ông là một nhà hoạt động nhân đạo có thái độ thân thiện với hoạt động quân sự.

Từ năm 2018, một cố vấn AFD đã được biệt phái thường trực cho chiến dịch Barkhane, nhằm hỗ trợ tối đa mọi hoạt động đảm bảo an ninh của quân đội Pháp thông qua một dự án phát triển. Pháp phải có khả năng chứng minh rằng họ đang giúp đỡ chính quyền Mali bằng nhiều cách chứ không chỉ bằng cách truy lùng các nhóm vũ trang Hồi giáo. Nhưng sự thay đổi này lại xung đột với tôn chỉ hoạt động của AFD, nơi theo truyền thống vẫn coi cách hành động duy nhất có hiểu quả là “phòng ngừa xung đột”. Các mệnh lệnh của tổng thống cũng phải đối mặt với hai khó khăn: Một là, tiến trình viện trợ phát triển luôn diễn ra rất chậm, mặt khác là nỗi lo lắng của đội ngũ nhân sự tại Mali, khi nhiều người trong số này không hề dấn thân vào công việc vì nghĩ rằng mối liên hệ của họ với chiến dịch Barkhane sẽ khiến họ gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Do đó, Pháp chưa bao giờ công khai rằng trong những năm gần đây, Pháp đã viện trợ hàng trăm triệu euro cho toàn bộ chương trình điện khí hóa ở miền Nam Mali và xây dựng mạng lưới vệ sinh ở Bamako. Tại Điện Elysée và trong nội bộ AFD, nhiều người biết rất rõ rằng các nhóm thánh chiến đã hưởng lợi từ các khoản viện trợ được phân bổ cho một số dự án ở xa hơn về phía Bắc, mà việc nghiệm thu không thể được thực hiện một cách chặt chẽ. Cuối cùng, Pháp chưa bao giờ thực sự thành công trong việc áp đặt các điều kiện viện trợ nghiêm túc đối với chính quyền Mali, đặc biệt là do lo ngại rằng nước này sẽ bị cáo buộc áp đặt chủ nghĩa thực dân mới.

Những khó khăn về lực lượng

Những gì không được nói ra cũng được tích tụ dần trong lĩnh vực quân sự. Các lực lượng vũ trang chung Sahel, được cho là sẽ đóng góp tích cực cho các nỗ lực tại Mali kể từ năm 2017 trong khuôn khổ lực liên quân, vẫn rất yếu về mặt cơ cấu và thường xuyên bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Ngay cả việc phân công nhiệm vụ chiến đấu cho lực lượng này cũng là một vấn đề. Được EU cung cấp tài chính, lực lượng này phải chịu sự giám sát của Liên hợp quốc trước mỗi chiến dịch nhằm tránh tình trạng biển thủ công quỹ xảy ra như cơm bữa. Quy trình này khiến việc triển khai nhiệm vụ bị chậm lại hoặc không thực hiện được. Hơn nữa, lực lượng cũng phải dựa vào nguồn lực ít ỏi của không quân mỗi quốc gia tham gia, tức là chỉ có vài máy bay trực thăng tấn công và máy bay trinh sát của mỗi nước.

Lực lượng vũ trang Mali, nhờ hỗ trợ huấn luyện của EU và yêu cầu hỗ trợ chiến đấu cho chiến dịch Barkhane, đã bắt đầu phát triển, từ 7000 binh sĩ vào năm 2013 lên 34.000 hiện nay. Nhưng lực lượng này vẫn chưa đủ độ tin cậy trong mắt người dân Mali vốn luôn cho rằng quân đội của họ thường xuyên biển thủ công quỹ, và chiến dịch Barkhane có thể tạo điều kiện cho họ làm vậy. Theo thời gian, cảm giác ngờ vực này lớn dần, đặc biệt đối với những binh sĩ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (Minusma), với hơn 13.000 người trên khắp đất nước. Do thiếu trực thăng chiến đấu, không được huấn luyện đầy đủ và chủ yếu làm nhiệm vụ phòng thủ, lực lượng này thường đóng vai trò khán giả chứng kiến những hành động tàn bạo, và rồi lại trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công thánh chiến. Hơn 260 binh sĩ Minusma đã thiệt mạng kể từ năm 2013. Cuối cùng, các nhà ngoại giao, quân đội và các nhà hoạt động nhân đạo của Pháp đã phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng môi trường, đó là tình trạng khô hạn ngày càng xuất hiện nhiều. Đi kèm với đó là sự thiếu hụt các nguồn lực, trong khi các căng thẳng ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho các nhóm thánh chiến có thể dễ dàng kết nối với nhau.

Sự ra đời của lực lượng đặc nhiệm Takuba

Năm 2019 là năm kinh hoàng cho chiến dịch Barkhane theo như nhìn nhận của một số người. Thời điểm đó, binh sĩ Pháp được trang bị máy bay không người lái vũ trang, khiến hiệu quả của chiến dịch tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, số binh lính Pháp bị thương hoặc hy sinh hằng năm trong chiến dịch Barkhane cũng ở mức tương đối, với tổng cộng 53 người từ năm 2013 – 2022. Nhưng con số này không hẳn là vấn đề nếu xét theo mức độ nguy hiểm trên chiến trường Mali. Cái chết của 13 binh sĩ hồi tháng 11/2019 do tai nạn máy bay trực thăng xảy ra trong một chiến dịch ở Liptako là tổn thất nghiêm trọng nhất về người của Pháp kể từ khi Paris bắt đầu can dự quân sự ở Mali năm 2013. Sau tai nạn này, tháng 01/2020, Tổng thống Macron đã có một quyết định chấn động: tăng quân số Pháp tham gia chiến trường Mali.

Dự kiến số quân này sẽ được duy trì đến khi chiến dịch Barkhane kết thúc. Từ con số 4800, lực lượng Pháp được tăng lên 5100 binh sĩ. Và Lực lượng vũ trang chung Sahel cũng được khuyến khích tăng cường nỗ lực chiến đấu. Tương tự, các nỗ lực viện trợ phát triển cũng được thúc đẩy và cú hích này được đánh giá rất cao ở châu Phi. Đặc biệt, 5 quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan và Bồ Đào Nha đã thực hiện một bước đi chưa từng có khi nhất trí thành lập một liên minh các lực lượng đặc biệt, mà mô hình dựa trên những thành công ở khu vực biên giới Iraq-Syria. Đó chính là lực lượng đặc nhiệm Takuba dưới sự lãnh đạo của Pháp, với một lực lượng gọn nhẹ hơn so với các đơn vị thông thường, nhưng chính xác hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Trước sự bành trướng của chủ nghĩa thánh chiến, Paris vẫn muốn tập trung nỗ lực vào một khu vực duy nhất là tam giác nằm giữa Niger, Mali và Burkina Faso, đóng vai trò là hậu cứ của các chiến binh thánh chiến, mà chiếm chủ yếu là các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đại sa mạc Sahara (EIGS), vốn phát triển rất mạnh mẽ kể từ khi được thành lập vào mùa Xuân năm 2015. Lý do giải thích cho sự tập trung nỗ lực của Pháp vào tam giác này là sự bánh trướng của các phần tử thánh chiến ở Mali dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát. Do đó, Pháp muốn dồn toàn lực sẵn có để ngăn chặn nguy cơ khủng bố phát triển sang các nước láng giềng về Vịnh Guinea, nơi có các lợi ích kinh tế được coi là quan trọng hơn.

Sự sụp đổ chính trị của Mali

Một số chuyên gia cho rằng chính trong bối cảnh đó, Pháp đã bỏ lỡ một khả năng để đưa chiến dịch Barkhane kết thúc theo một cách vinh quang hơn so với những gì được thấy. Tháng 6/2020, khi mà mọi con mắt đều đổ dồn về tam giác Niger-Mali-Burkina Faso, các lực lượng Pháp đã tiêu diệt Abdelmalek Droukdel, kẻ sáng lập tổ chức thánh chiến al-Qaeda tại Maghreb Hồi giáo (AQIM), ở gần Tessalit, một thành phố nằm ở phía Đông Bắc Mali. Thành công hiếm có đó cho thấy sự hiện diện tiềm ẩn của các cơ quan đặc biệt Pháp, trong đó có Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE). Nhưng vì nhiều lý do, Điện Elysée đã không nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy chiến dịch, có thể là vì nước Pháp đã phải vật lộn với giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.

Hai tháng sau, vào tháng 8/2020, điều mà ai cũng lo ngại cuối cùng đã xảy ra: sự sụp đổ chính trị ở Mali. Một cuộc đảo chính quân sự khiến chính quyền của Tổng thống Keïta đi vào dĩ vãng. Trớ trêu là ban đầu, phe đảo chính đã nhận được sự ủng hộ của các nhà ngoại giao và binh lính Pháp. Khi đó, Paris muốn tin rằng những sĩ quan đảo chính sẽ hiểu rõ thực trạng an ninh của đất nước họ và có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng rồi khó khăn chồng chất khó khăn. Tháng 4/2021, cái chết đột ngột của Idriss Deby, nhà lãnh đạo của nước láng giềng Cộng hòa Chad và là người hỗ trợ đắc lực về mặt quân sự cho Pháp ở khu vực Sahel trong suốt 30 năm qua, đã khiến tình trạng bất ổn ở khu vực trở nên trầm trọng thêm. Tại Mali, sự chia rẽ ngày càng nặng nề trong nội bộ chính quyền chuyển tiếp, mà đỉnh điểm là một cuộc xung đột mới xảy ra vào tháng 5/2021, dẫn đến việc Mali đưa ra đường lối chiến lược mới hướng tới Nga.

Vậy là quan hệ giữa Paris và Bamako liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng. Hợp tác quân sự bị đình chỉ trong sự thờ ơ của chính quyền. Tháng 7/2021, Điện Elysée thông báo muốn “tổ chức lại” chiến dịch Barkhane và cắt giảm số binh sĩ tham gia. Bamako tiếp tục không có ý kiến. Mọi nỗ lực của phía Pháp hòng tìm kiếm một lối thoát trong danh dự lần lượt bị chối bỏ. Từ tháng 12/2021, theo nhiều nhà quan sát, sự xuất hiện của các chuyên gia Nga và hàng trăm lính đánh thuê của tổ chức bán quân sự Nhóm Wagner đã gây nhiều tranh cãi. Việc Pháp tuyên bố tiêu diệt lãnh đạo EIGS là Abou Walid Al-Sahraoui vào tháng 9/2021 dường như đã rơi vào quên lãng.

Nguồn: TLTKĐB – 21/03/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s