Thomas Hale, Andy Lin & Primrose Riordan
Trong bối cảnh thành phố 26 triệu dân đối phó với số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng, có dấu hiệu cho thấy người dân cảm thấy tức giận hơn đối với các biện pháp nghiêm ngặt.
Vào cuối tháng 3, khi người dân Thượng Hải bắt đầu cảm thấy lo lắng về số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến thành phố lần đầu tiên bị phong tỏa hàng loạt, chính quyền đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để xoa dịu tình hình.
“Vui lòng không tin hoặc lan truyền tin đồn”, chính quyền thành phố đã viết trên nền tảng Weibo của Trung Quốc vào ngày 23/3. Cảnh báo rằng mọi người sắp bị hạn chế ra khỏi nhà đăng tải trên đây đã khiến người dân hoảng loạn đi mua thực phẩm.
Chỉ vài ngày sau, những tin đồn – nếu không muốn nói là những thông tin chính xác – hóa ra lại là sự thật. Để đối phó với hàng ngàn ca nhiễm, thành phố lớn nhất của Trung Quốc hôm 3/4 đã công bố các biện pháp phong tỏa lớn nhất ở nước này kể từ khi phong tỏa Vũ Hán; thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên hơn hai năm trước. Việc phong tỏa trung tâm tài chính hàng đầu – ban đầu giới hạn một nửa Thượng Hải, cuối cùng yêu cầu tất cả mọi người ở trong nhà vào cuối tuần – là một sự bác bỏ bất ngờ đối với bất kỳ sự phán đoán nào rằng Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng cách tiếp cận đối với virus. Vào giữa tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Những bình luận của ông đã được một số người hiểu là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị giảm nhẹ chính sách “Zero COVID” cứng rắn.
Thay vào đó, các biện pháp được đưa ra tại Thượng Hải vào ngày 28/3 đã nhấn mạnh cam kết của chính phủ đối với một chiến lược độc nhất toàn cầu hiện nay – tinh chỉnh qua các đợt bùng phát từ Tây An đến Thâm Quyến – cố gắng loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm ở địa phương bất kể thiệt hại kinh tế và xã hội. Cho đến gần đây, Tập Cận Bình có thể nói với người dân Trung Quốc – và các nước trên thế giới – rằng Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn COVID-19. Nhưng hai năm đầu tư chính trị trong cách tiếp cận “Zero COVID” hiện đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết vì quốc gia này ghi nhận hàng ngàn trường hợp mỗi ngày cho dù nước này đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế – ngay cả khi gần như không có trường hợp tử vong nào được thông báo chính thức.
Tại Thượng Hải, các cây cầu bắc qua sông Hoàng Phố bị đóng cửa, máy bay không người lái ghi nhận hình ảnh các đường phố trống trải, rào chắn tạm thời chặn các lối vào các tòa nhà và dịch vụ giao đồ ăn bị quá tải. Chiến lược này ban đầu liên quan đến một lệnh phong tỏa kéo dài 4 ngày được đưa ra vào ngày 28/3 ở phía Đông của con sông, sau đó là những hạn chế tương tự đối với những người ở phía Tây có hiệu lực vào lúc 5 giờ sáng ngày 01/4. Vào ngày 3/4, toàn bộ thành phố 26 triệu dân đã bị phong tỏa sau khi biện pháp tiếp cận ban đầu được mở rộng.
Cư dân phải đối mặt với các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm bị bắt giữ nếu rời khỏi nhà mà không làm xét nghiệm. Lãnh sự quán Pháp tuần trước đã cảnh báo về nguy cơ các gia đình bị chia tách do các xét nghiệm dương tính, cũng như các điều kiện tại các trung tâm cách ly rộng lớn có các trường hợp không có triệu chứng. Ở những nơi khác ở Trung Quốc, dữ liệu giao thông được Financial Times phân tích cho thấy hàng chục thành phố dường như chịu sự hạn chế.
Eric Zheng, Chủ tịch Văn phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết: “Gần như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, cá nhân hoặc doanh nghiệp” và công bố một cuộc khảo sát vào ngày 01/4 trong đó 99% số người được hỏi cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát gần đây. “Cuộc sống của bạn chắc chắn đang bị gián đoạn”.
Việc Thượng Hải bất ngờ bị phong tỏa đặt ra những câu hỏi khó khăn về cách tiếp cận “Zero COVID” của Trung Quốc. Không rõ chiến lược phogn tỏa có thể hiệu quả như thế nào đối với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, mà đã càn quét Hong Kong vào tháng 2 và tháng 3. Dữ liệu tuần trước cho thấy dấu hiệu của một cú đánh kinh tế khó lường từ việc đóng cửa thành phố tại thời điểm diễn ra một cuộc khủng hoảng bất động sản mà đã làm rung chuyển đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sự nhạy cảm gia tăng xung quanh cách tiếp cận của chính phủ – những lời chỉ trích bị kiểm duyệt trên phương tiện truyền thông xã hội và không tồn tại trên các phương tiện truyền thông chính thức – phản ánh mức độ mà cách tiếp cận này mang một ý nghĩa chính trị vượt ra ngoài các hậu quả kinh tế và xã hội của nó. Một đoạn ghi âm bị rò rỉ về một cuộc trò chuyện được cho là giữa một người dân Thượng Hải và một quan chức từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nơi tư vấn cho chính phủ về cách tiếp cận của họ đối với căn bệnh này, đã lan truyền vào cuối tuần sau khi quan chức này thừa nhận các biện pháp trong thành phố bị chi phối vì yếu tố chính trị và bỏ qua các khuyến nghị của các chuyên gia y tế.
Nội dung của cuộc gọi, mà Financial Times không thể kiểm chứng nhưng các nhà chức trách sau đó cho biết họ đang điều tra, trái ngược hẳn với những bình luận từ Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học hàng đầu của CDC. Ông tái khẳng định vào hôm 1/4 rằng đất nước phải tuân thủ chiến lược “Zero-COVID”, nó vẫn là “chiến lược tiết kiệm và hiệu quả nhất”.
Ngay cả khi căng thẳng đang trở nên rõ ràng, chiến lược này là nguồn tự hào mãnh liệt trong nước đối với ban lãnh đạo. Tờ Nhân dân Nhật báo viết vào tuần trước sau khi lệnh phong tỏa Thượng Hải được công bố rằng “Những lợi thế thể chế đáng chú ý của Trung Quốc và sức mạnh quốc gia mạnh mẽ đã được thể hiện đầy đủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh và sẽ tiếp tục được thể hiện”.
Các biện pháp khắt khe
Thượng Hải ban đầu đã cố gắng giảm tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng bằng cách cách ly các khu phức hợp riêng lẻ thường chứa vài trăm người – một cách tiếp cận được gọi là “chia nhỏ và khoanh vùng” – thay vì đưa toàn bộ thành phố vào bế tắc, như ở Vũ Hán hai năm trước. Jessica, một giáo viên tại một trường quốc tế ở Thượng Hải, người đã bị nhốt trong nhà 48 giờ vào tháng trước trước khi các biện pháp phong tỏa toàn thành phố được đưa ra, cho biết: “Mỗi ngày [vào tháng 3] đều có một tình huống ai đó bị nhốt trong văn phòng, hay như tôi có rất nhiều bạn bè bị cách ly tại trường. Chính quyền sau đấy thông báo bây giờ chúng tôi phải đặt tất cả mọi người vào tình trạng phong tỏa”.
Khi biện pháp cách ly từng tòa nhà, từng dãy nhà tỏ ra không hiệu quả ở Thượng Hải, thì chính quyền Thượng Hải đã chia thành phố thành hai – được phân chia bởi sông Hoàng Phố – và thực thi phong tỏa và kiểm tra hàng loạt. Nhưng thay vì giữ tất cả mọi người ở nhà cùng một lúc, chính quyền vạch ra một cách tiếp cận xen kẽ. Pudong (Phố Đông), khu tài chính bị phong tỏa từ ngày 28/3 đến ngày 01/4, với khu vực Puxi (Phố Tây) bị phong tỏa sau đó trong 4 ngày. Cả hai phía của thành phố hiện đã bị đóng cửa.
Mặc dù các thành phố trên toàn thế giới, từ London đến New York, đã áp đặt các biện pháp phogn tỏa trong hai năm qua để kiềm chế đại dịch, nhưng cách tiếp cận ở Thượng Hải thậm chí còn quyết liệt hơn. Một nhà nghiên cứu giấu tên Trung Quốc nói: “Ở Anh, “ở nhà” có nghĩa là một cái gì đó tương đối khác với “ở nhà” ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, “ở nhà thực sự có nghĩa là ở nhà”.
Nhà nghiên cứu chỉ ra nỗ lực thất bại của Thượng Hải trong việc “lựa chọn chính sách một số lĩnh vực để giảm thiểu tổn hại kinh tế” và cho rằng thành phố không có khả năng có bất kỳ quyền tự chủ nào khỏi Bắc Kinh để “điều chỉnh” các chính sách của mình. Hôm 2/4, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã đến thăm Thượng Hải và yêu cầu phản ứng nhanh chóng đối với sự bùng phát, một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp trực tiếp hơn từ Bắc Kinh.
Có những dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương đang quan sát chặt chẽ các đợt bùng phát ở từng thành phố để điều chỉnh cách tiếp cận. Tại Thâm Quyến, một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc, chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tuần vào tháng 3. Mặc dù một số hạn chế được dỡ bỏ, nhưng người dân trong trung tâm sản xuất phía Nam vẫn yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Một người gần gũi với CDC Trung Quốc cho biết: “Chìa khóa để giải quyết căn bệnh này nằm ở việc phát hiện sớm và hành động nhanh chóng. Trong trường hợp Thượng Hải, chính quyền đã không hành động cho đến khi bùng phát ở giai đoạn sau”. Người này nói thêm rằng Omicron “dễ lây lan hơn nhiều” so với các biến thể trước đó đã buộc phải thay đổi sang các hạn chế ngày càng chặt chẽ hơn.
(còn tiếp)
Nguồn: https://www.ft.com/content/11d1f525-6253-4238-b0f6-500f508ec073
TLTKĐB – 16/04/2022