Thị trường nguyên liệu: Thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản hoang dã – Phần đầu


Theo báo Le Monde (Pháp), bão giá hàng hóa nguyên liệu gần đây bắt nguồn chủ yếu từ cuộc chiến tranh Ukraine, đồng thời là hậu quả của việc giao dịch nguyên liệu giống như trên thị trường tài chính và việc buông lỏng quản lý, hiện tượng bắt đầu cách đây 40 năm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trung gian “làm mưa làm gió”.

Trong 3 năm qua, giá dầu tăng 4 lần, giá khí đốt tăng 10 lần và giá lúa mì tăng 2,5 lần. Sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh Ukraine ngày 24/2, giá các loại nguyên liệu đã tăng với tốc độ kỷ lục và thế giới bước vào thời kỳ giá cả dao động mạnh. Khủng hoảng giá cả diễn ra đối với nhiều mặt hàng, bắt đầu từ điện và khí đốt. Dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm ít nhất 1% và thế giới có nguy cơ bước vào thời kỳ suy thoái vào năm 2023.

Đó là hậu quả khó tránh khỏi của quy luật thị trường hay dấu hiệu của sự vận hành có vấn đề của nền kinh tế? Thị trường nguyên liệu chưa bao giờ vận hành một cách hỗn loạn như hiện nay. Javier Blas, đồng tác giả cuốn sách được đánh giá cao có nhan đề “Bán cả thế giới” nhận xét: “Điều khó tin nhất liên quan đến hiện tượng này là các chính phủ đã mất khả năng kiểm soát thị trường nguyên liệu từ cách đây 40 năm”. Giáo sư lịch sử kinh tế Philippe Chalmin thuộc Đại học Dauphine (Pháp) cũng có đánh giá tương tự: “Trong 40 năm qua, nguyên liệu đã trở thành hàng hóa giao dịch giống như bất kỳ sản phẩm nào khác”.

Đã qua cái thời mà giá nguyên liệu được điều tiết chặt chẽ. Sự buông lỏng quản lý cùng với xu hướng giao dịch thái quá và thiếu minh bạch giống như trên thị trường tài chính đã tạo ra một thế giới mới chịu sự chi phối của một nhóm nhỏ gồm các công ty có ảnh hưởng lớn. Như lời của Blas, thị trường nguyên liệu là “thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản hoang dã”.

Giao dịch tài chính thái quá trên thị trường nguyên liệu

Ngày 20/4/2020, trong khi thế giới vẫn đang chìm trong đại dịch COVID-19, một hiện tượng chưa từng có đã xuất hiện và gây sửng sốt cho tất cả các nhà giao dịch dầu mỏ. Trên thị trường thương mại New York, giá dầu đã rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Vì mỗi hợp đồng dầu mỏ phải có số lượng ít nhất 1000 thùng, nên điều đó đồng nghĩa với việc người bán chấp nhận trả cho người mua ít nhất 37.630 USD để thoát nợ. Nguyên nhân của hiện tượng này là sự giao thoa giữa đầu cơ tài chính và hàng hóa thực tế.

Trở lại năm 1983 tại Mỹ, lần đầu tiên dầu mỏ trở thành một loại hàng hóa trong giao dịch tài chính. Hợp đồng dầu tương lai đầu tiên đã được West Texas Intermediate (WTI), hệ thống tiêu chuẩn Mỹ về chất lượng dầu thô, thiết lập. Đối với mỗi hợp đồng, người bán cam kết giao dầu thô tại một thời điểm định trước với mức giá định trước. Nhưng đây không phải là một hợp đồng trừu tượng, mà nó gắn liền với thực tế: Đến kỳ hạn, dầu sẽ được chuyển đến Cushing, bang Oklahoma, nơi đặt nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ.

Đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào dầu lửa, hợp đồng tương lai là điều đáng quý. Nhờ đó, một công ty hàng không có thể đàm phán mua trước nhiên liệu với mức giá phù hợp. Nhưng để cả hệ thống hoạt động, cần phải có sự tham gia của các nhà đầu cơ chấp nhận mua và bán sản phẩm này, đồng thời đóng vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ.

Những người trung gian này giữ vai trò ngày càng quan trọng. Theo một nghiên cứu của hai giáo sư Michel Robe và John Roberts thuộc Đại học Illinois, lực lượng đầu cơ thuần túy chiếm 50 – 70% khối lượng giao dịch trên thị trường nông sản Mỹ. Đối với lúa mì, chỉ khoảng 24 – 39% giao dịch thuộc về các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ thực sự, số còn lại thuộc về các nhà đầu tư.

Khi khủng hoảng COVID-19 bùng phát, giá dầu rơi xuống mức thấp nhất. Giới đầu cơ thấp thỏm khi các hợp đồng phải được thực hiện đúng ngày 21/4 nhưng không có người mua nào quan tâm. Họ đứng trước nguy cơ phải ôm rất nhiều dầu sẽ được giao mà không có cách xử lý thỏa đáng. Không thể lập tức mua kho chứa vì tất cả đều đầy trong khi mức tiêu thụ dầu trên thế giới giảm đến một phần tư. Đến ngày 17/4, nỗi hoảng loạn lan rộng khắp thị trường. Cần phải nhanh chóng giải quyết một lượng dầu lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp nắm giữ các kho chứa có ưu thế trong đàm phán và do đó có thể mua vào với giá rẻ mạt.

Liệu đây có phải bằng chứng cho thấy thị trường nguyên liệu nằm ngoài vòng kiểm soát? Giáo sư Joĕlle Miffre thuộc Trường kinh doanh Audencia (Pháp) đã theo dõi rất sát thời kỳ giá dầu rơi xuống mức âm như vậy. Bà thừa nhận việc giá dầu từ -37 USD/thùng leo lên 139 USD/thùng trong vòng 2 năm là hiện tượng lạ thường, nhưng cho rằng thị trường có khả năng tự điều tiết và các ngân hàng đầu tư tạo điều kiện cho việc thanh khoản và hình thành giá cả. Các cú sốc năm 1973 và 1979 đã diễn ra trước giai đoạn tài chính hóa thị trường dầu mỏ, khi các hợp đồng tương lai vẫn chưa xuất hiện. Mặt khác, nhiều loại nguyên liệu không được giao dịch dưới hình thức hợp đồng tương lai cũng rơi vào tình trạng bấp bênh. Ví dụ như thị trường lithium, không có các hợp đồng kỳ hạn, nhưng trong vòng một năm, giá cả đã tăng đến 8 lần. Giáo sư Robe cho rằng hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc thao túng. Ông cho rằng cuộc chiến Ukraine đã làm thay đổi tình thế và giá cả là sự phản ánh chính xác tình hình thực tế.

Từ năm 2000, các ngân hàng đầu tư đã tạo ra những bộ phận mới để phụ trách thị trường nguyên liệu. Giới đầu tư đánh cược vào biến động giá cả mà không quan tâm tới ảnh hưởng của nó đến đời sống thực. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNECE) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Trước năm 2000, những diễn biến về giá nguyên liệu độc lập với thị trường tài chính. Nhưng từ năm 2000 trở đi, hai yếu tố này có liên quan đến nhau.

Nikel – một trường hợp kỳ lạ

Sàn giao dịch kim loại London (LME), nằm ở trung tâm thành phố, có bề dày lịch sử đáng tự hào. Nó được thành lập vào năm 1877, sở hữu một mạng lưới kho chứa rộng lớn và vẫn duy trì giao dịch bằng cách hô giá như ở thời điểm cách đây cả trăm năm. Trong tất cả các ngày, một vài nhà giao dịch sẽ tề tựu xung quanh những chiếc bàn đỏ để trao đổi hợp đồng bằng cách hét giá thật to, một cảnh tượng rất lạ với những người không am hiểu.

Thực tế từ rất lâu, giao dịch đã được thực hiện chủ yếu qua máy tính. Đêm 7/3 rạng sáng 8/3 vừa qua là thời điểm đặc biệt. Giá nikel, kim loại quan trọng được sử dụng trong chế tạo ắc quy xe điện và thép không gỉ, bất ngờ vọt lên đến 100.000 USD/tấn, tăng hơn 4 lần so với thời điểm hai ngày trước đó. Đến 8h15’, ban lãnh đạo LME đã đưa ra một quyết định chưa từng có: không chỉ dừng niêm yết, một động thái bình thường khi thị trường hỗn loạn, mà còn hủy một số giao dịch đã được thực hiện trong đêm.

Điều này làm mất lòng tin vào thị trường. Michael Marlowe, Giám đốc Công ty tư vấn kim loại Hythe Bay Metals, cho rằng LME muốn kiếm tiền dễ dàng bằng cách thu hút các giao dịch được thực hiện với tần suất cực ngắn, chỉ vài phần nghìn giây dựa trên thuật toán số học. Ông cho rằng không thể tư vấn chính xác cho khách hàng về những giao dịch vô lý như thế.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 29/04/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s