Lệnh phong tỏa Thượng Hải chỉ là một trong số những biện pháp dễ thấy được thực hiện để cố gắng đối phó với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hai năm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đợt bùng phát này vẫn là nhỏ – đạt mức kỷ lục 13.287 ca nhiễm trên toàn quốc vào hôm 3/4, với hơn một nửa trong số đó ở thành phố – nhưng đe dọa làm suy yếu biện pháp của chính phủ nếu nó không thể được kiểm soát. Đó là lý do một đội quân tình nguyện đến Thượng Hải. Xét nghiệm liên tục hàng triệu người đòi hỏi nhân lực dồi dào. Tại khu vực Quảng Đông, nơi có Thâm Quyến, tính đến giữa tháng 3, hơn 384.700 người đã tình nguyện giúp đỡ. Một tình nguyện viên, người trước đây làm việc trong một cơ quan chính phủ, nói rằng anh ta đang sống ở một phòng chung trong một khách sạn, nhưng những người khác ở trong các container hoặc ký túc xá tạm thời được thiết lập tại trường học. Tình nguyện viên này cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng [tình nguyện viên] làm điều này để đổi lấy một số quyền tiếp cận và thông tin”, thay vì bất kỳ nghĩa vụ yêu nước nào. “Mọi người sống trong tòa nhà bị cách ly, mọi người rất có thể bị cấm ra ngoài, ngoại trừ các tình nguyện viên”.
Tổn thất kinh tế
Khi Thượng Hải đi được gần nửa đường của đợt phong tỏa hai giai đoạn và lần đầu tiên trong nhiều tuần các trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo, dữ liệu chính thức đã vẽ ra một bức tranh liên quan đến tình trạng kinh tế của đất nước.
Dữ liệu PMI sản xuất và phi sản xuất được công bố vào ngày 31/3, một thước đo hoạt động của nhà máy và lĩnh vực dịch vụ, cho thấy cả hai mảng sản xuất đều suy giảm trong tháng 3 so với một tháng trước đó – lần đầu tiên chỉ số của cả hai đều thu hẹp kể từ đầu năm 2020.
Chuyên gia Larry Hu, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn Macquarie, cho rằng nền kinh tế “về mặt chất lượng sẽ suy giảm mạnh vào tháng 3 và có thể cũng vào tháng 4”, nhưng nói thêm rằng “thực sự rất khó để ước tính mức độ suy giảm lớn như thế nào”.
Trung Quốc đã hồi phục nhanh chóng sau cú sốc ban đầu của đại dịch vào đầu năm 2020, trái ngược với hiệu suất của các nền kinh tế lớn khác. Nhưng kể từ đó, nước này đã mất động lực, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản quan trọng. Ngoài ra còn vì những biện pháp hạn chế mạnh mẽ đối với hoạt động tiêu dùng thông qua các lệnh phong tỏa và tác động gây bất ổn từ việc nhiều thành phố bị đóng cửa cùng một lúc. Một phân tích của Financial Times về chỉ số tắc nghẽn giao thông từ Baidu, công cụ tìm kiếm và công ty Internet của Trung Quốc, đã phát hiện ra rằng 32 trong số 99 thành phố lớn cho thấy lưu lượng truy cập vào giờ cao điểm giảm vào ngày 1/4 so với mức trung bình năm 2021, với 13 thành phố bị giảm hơn 20% – một dấu hiệu của những hạn chế nghiêm trọng. Ba thành phố có lực lượng giao thông giảm nhiều nhất là Trường Xuân, Thượng Hải và Thẩm Dương, tất cả đều bị phong tỏa toàn thành phố.
Zheng của Amcham cho biết: “Có những tổn hại kinh tế và xã hội khổng lồ liên quan đến cách tiếp cận không khoan nhượng này nhưng đó là những gì chính phủ tiếp tục theo đuổi”, và bổ sung thêm rằng Trung Quốc đã thực hiện tốt việc ngăn chặn virus trong quá khứ nhưng tình hình trong những tuần gần đây đã thay đổi”.
Zheng chú ý đến việc triển khai các hệ thống cách ly “vòng kín” tại các nhà máy, nơi công nhân tạm thời sống tại chỗ. Đó là một mô hình gần tương tự với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, mà ông cho là “không bền vững”. Tại Thượng Hải, một số nhân viên tài chính đã ở lại làm việc, ngủ trên giường do công ty cung cấp trong văn phòng để tiếp tục làm việc tại thời điểm họ không thể di chuyển.
Tổn hại tài chính bởi đại dịch vẫn chưa rõ ràng – đặc biệt là liên quan đến sự phân biệt không rõ ràng giữa tình nguyện viên và nhân viên hiện tại của nhà nước, những người đã được chuyển sang công việc chống dịch. Larry Hu của Macquarie nói: “Tất nhiên, chiến dịch “Zero COVID” rất, rất tốn kém”. Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, [chính quyền] chỉ quyết tâm kiểm soát COVID… họ không nghĩ quá nhiều về tổn hại tài chính”.
Câu giờ để tiêm chủng
Việc phong tỏa ở Thượng Hải đã kéo dài hơn so với thông báo khiến người dân thành phố khiếu nại về khó khăn trong việc lấy thực phẩm và thuốc men và nỗi sợ hãi về thời gian có thể kéo dài khi số ca bệnh gia tăng. Cách tiếp cận rộng lớn hơn của Trung Quốc đối với đại dịch trong dài hạn cũng khó có thể dự đoán. Về nguyên tắc, chiến lược “Zero COVID” cho phép nước này có thêm thời gian để tiêm chủng cho những người cao tuổi. Ví dụ về Hong Kong nêu bật những rủi ro của việc không làm như vậy. Thành phố, nơi báo cáo không có ca nhiễm nào ở đó trong nhiều tháng trong năm 2021, đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Omircron vào tháng 2 đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm và khiến hơn 7000 người tử vong – đặc biệt là trong số những người chưa được tiêm chủng – chỉ trong hai tháng.
Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, kỳ vọng Thế vận hội mùa Đông kết thúc vào tháng 2 có thể mở ra “cơ hội thay đổi chính sách”. Nhưng bấy giờ ông nghĩ rằng Hong Kong đã “cơ bản gửi một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh” rằng “chiến lược “Zero COVID” này cần phải được duy trì và thự chiện một cách nghiêm ngặt hơn nữa”.
Huang ám chỉ rằng việc tập trung vào xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và cách ly đã khiến chính phủ chuyển trọng tâm khỏi chiến dịch tăng cường tiêm chủng. Hơn 40% những người trên 80 tổi ở Trung Quốc đại lục vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Larry Hu dự đoán rằng cách tiếp cận hiện tại có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng và chính phủ sẽ không chỉ nhắm mục tiêu tiêm chủng mà còn cách truyền đạt mối nguy hiểm của biến thể Omicron. Ông nói: “Nhận thức của hầu hết người dân Trung Quốc là COVID rất nguy hiểm”.
Bất chấp nhận thức đó, dữ liệu chính thức cho biết chỉ có hai trường hợp tử vong trong số 50.000 trường hợp có triệu chứng COVID-19 ở Trung Quốc đại lục vào năm 2022 tính đến cuối tuần trước – cả hai đều ở thành phố Cát Lâm, nơi bùng phát dịch lớn nhất.
Mặc dù các quan chức có vẻ đang tranh luận về các cách tiếp cận được thực hiện ở các thành phố khác nhau, nhưng những lời chỉ trích hoặc thậm chí thảo luận về các chính sách “Zero COVID” của chính phủ rất nhạy cảm ở Trung Quốc. Tại Thượng Hải, chính phủ cảnh báo về tin đồn xuất hiện khi cảnh sát điều tra hai cá nhân vào ngày 22/3 đã tuyên bố thành phố sẽ đóng cửa hoàn toàn trong khoảng từ 4 đến 7 ngày, nói rằng họ đã “bịa đặt thông tin” để thu hút sự chú ý.
Đối với Huang, cách truyền thông trong nước mô tả cách tiếp cận của Trung Quốc so với triển vọng “sống chung” với COVID-19 không chỉ là “sự cạnh tranh giữa hai hệ thống chính trị” mà còn là “giữa hai nền văn minh”.
Ông nói: “Nếu họ từ bỏ dễ dàng như vậy, thì sẽ giống như việc thừa nhận thất bại của chiến lược này… Họ không còn có thể sử dụng điều đó để thể hiện tính ưu việt của hệ thống chính trị”.
Nguồn: https://www.ft.com/content/11d1f525-6253-4238-b0f6-500f508ec073
TLTKĐB – 16/04/2022