Pháp: Nước lớn về năng lượng hạt nhân của châu Âu
Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (4%), dầu mỏ (31%), khí đốt tự nhiên (14%), năng lượng hạt nhân (41%), năng lượng tái tạo (11%).
Pháp là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai châu Âu, chỉ xếp sau Đức, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu do trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ít. Đồng thời, Pháp cũng là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, là nước xuất khẩu ròng điện. Phần lớn điện năng của Pháp đến từ năng lượng hạt nhân, tiếp đó là thủy điện, về cơ bản có thể tự cung tự cấp năng lượng.
Về khía cạnh nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, nguồn cung của Pháp đa dạng hơn so với Đức. Năm 2020, Pháp nhập khẩu xăng nhiều hơn dầu thô, trong đó dầu thô chủ yếu có nguồn gốc từ Kazakhstan (16%), Mỹ (16%) và Saudi Arabia (13%); sản phẩm xăng chủ yếu nhập khẩu từ Nga (18%) và Bỉ (13%). Nhìn chung, Nga vẫn là nước cung ứng lớn nhất các sản phẩm dầu thô và xăng của Pháp, các nhà cung ứng chủ yếu còn lại bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, Algeria, Kazakhstan, các khu vực cung ứng khác nắm 50% nhu cầu của Pháp.
Nguồn cung khí đốt tự nhiên lớn nhất của Pháp là Na Uy (36%), tiếp đó là Nga (17%) và Algeria (8%). Trong khi đó, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Pháp chủ yếu đến từ Algeria (21%), Nga (21%), Nigeria (20%), tổng nguồn cung của Mỹ và Qatar chiếm khoảng 10%.
Do đó, so với Đức, sức ép trả đũa từ Nga mà Pháp đối diện không quá lớn, Chính quyền Emmanuel Macron tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc gia tăng các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga. Hơn nữa, có “sức mạnh” từ năng lượng hạt nhân, Chính phủ Pháp sẽ dốc toàn lực thúc đẩy các biện pháp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, một mặt Pháp nhanh chóng yêu cầu các nước cung ứng khác gia tăng nguồn cung dầu và khí đốt, mặt khác đưa ra các biện pháp cải cách năng lượng ở trong nước: giữa tháng 3 vừa qua, Chính quyền Emmanuel Macron tuyên bố sẽ ngừng trợ cấp cho việc lắp đặt mới các lò sưởi khí đốt tự nhiên trong khu dân cư, đồng thời tăng cường hỗ trợ đối với việc sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo, tăng trợ cấp 1000 euro cho các hộ lắp hệ thống sưởi bơm nhiệt và sinh khối. Chính phủ sẽ cung cấp 150 triệu euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan chức năng ở các thành phố chuyển sang sưởi ấm bằng năng lượng tái tạo.
Italy: “Ngồi chung một con thuyền” với Đức
Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (5%), dầu mỏ (36%), khí đốt tự nhiên (39%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (19%), năng lượng khác (2%).
Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1987, Italy quyết định ngừng phát triển điện hạt nhân bằng một cuộc trưng cầu dân ý với số phiếu áp đảo, trở thành nền kinh tế lớn nhất không sử dụng năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đồng thời đến nay cũng là quốc gia Tây Âu có tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng cao nhất (77,5% vào năm 2019).
Hiện nay, khí đốt tự nhiên đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng của Italy, tuy nhiên 40% khí đốt tự nhiên nhập khẩu của nước này đến từ Nga, tương đương với 3 tỷ m3/năm, muốn thoát khỏi phụ thuộc vào Nga có thể nói là khó khăn chẳng thua kém Đức. Ngoài việc tìm cách mở rộng nguồn cung từ hai nước cung ứng lớn thứ hai và thứ ba là Algeria (23%) và Na Uy (11%) thì Italy đang có kế hoạch xây dựng hai kho chứa LNG nổi (FSRU) để tăng cường nhập khẩu LNG.
Hai tàu vận chuyển LNG có tổng dung lượng hơn 10 triệu m3 sẽ được bố trí ở biển Tyrrhenus và biển Adriatic, gần các cảng hiện có cơ sở hạ tầng đường ống của Italy, tìm cách nhập khẩu LNG từ các nơi như Qatar, Mỹ, Mozambique… Đầu tháng 3, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Italy Roberto Cingolani cho biết ít nhất cần phải mất 3 năm mới có thể hoàn thành việc thay thế nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, tuy nhiên thông qua việc tăng cường nhập khẩu LNG có thể thay thế 2 tỷ m3 trong trung hạn.
Năm 2020, lượng sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo (38%) của các nước EU đã lần đầu tiên vượt qua nhiên liệu hóa thạch (34%), tuy nhiên tỷ trọng của năng lượng tái tạo ở Italy lại khá thấp, thấp hơn mức bình quân 22% của châu Âu. Cùng với chiến tranh Ukraine và cuộc chiến trừng phạt diễn ra, Chính phủ Italy đã nhanh chóng phê chuẩn nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn, tuy nhiên để làm được điều này cần phải có thời gian. Mặc dù Thủ tướng Italy Mario Draghi tạm thời chưa thể hiện lập trường về việc liệu có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, nhưng nhiều khả năng là chỉ đồng ý cấm nhập khẩu dầu. Đối với Italy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay luôn là tìm kiếm nguồn cung thay thế, nhưng điều không may là đây không phải là điều có thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Hà Lan: “Kẻ thừa kế giàu có” cũng gặp rắc rối về năng lượng
Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (11%), dầu mỏ (35%), khí đốt tự nhiên (38%), năng lượng hạt nhân (3%), năng lượng tái tạo (8%), năng lượng khác (5%).
Như đã đề cập ở trên, trữ lượng năng lượng hóa thạch của châu Âu ít nhất toàn cầu, nhưng trong đó có một “kẻ thừa kế giàu có”, chính là Hà Lan. Một mặt nước này cùng Anh, Na Uy, Đan Mạch chia sẻ các giếng dầu ở Bắc Hải, mặt khác lại có giếng khí đốt Groningen lớn nhất EU, nên Hà Lan không thiếu năng lượng. Tuy nhiên, do khai thác quá mức giếng khí đốt Groningen từ thập niên 1960 đến nay đã khiến mặt đất của tỉnh này chìm xuống, cường độ và tần suất động đất của khu vực phía Bắc trong mấy thập niên trở lại đây không ngừng tăng lên, đe dọa an toàn tính mạng của người dân bản địa. Trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân, năm 2019 cơ quan quản lý chức năng quyết định đóng cửa giếng khí đốt vào năm 2022, sớm hơn 8 năm so với dự kiến vào năm 2030. Kể từ năm 2018, Hà Lan đã chuyển từ nước xuất khẩu ròng sang nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên.
So với năm 2000, tỷ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Hà Lan chỉ là 38%, nhưng năm 2019 đã tăng vọt lên 64%, chỉ đứng sau Đức ở châu Âu, hiện nay ngay cả công ty Shell cũng phải dựa vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để duy trì hoạt động, trong đó khí đốt của Nga chiếm tới 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Hà Lan.
Hiện nay, Hà Lan chỉ có một nhà máy điện hạt nhân và một trạm LNG. Hai năm qua, các cơ quan chức năng của Hà Lan gấp rút theo đuổi phát triển năng lượng tái tạo, hy vọng từng bước giảm thiểu việc sử dụng khí đốt tự nhiên. Số liệu mới nhất của năm 2020 cho thấy tỷ trọng năng lượng tái tạo của Hà Lan đã đạt 11,1%.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine đến nay, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng lên mức chưa từng có, mặc dù vậy Chính phủ Hà Lan vẫn hết sức thận trọng đối với việc khai thác lại giếng khí đốt Groningen. Cuối tháng 2, Thủ tướng Mark Rutte cho biết: không thể để 100.000 – 200.000 người dân phải đối diện với rủi ro động đất lớn hơn vì giảm giá khí đốt. Tuy nhiên, Mark Rutte không loại trừ khả năng thay đổi lập trường liên quan, ông nói “Đây là tình huống cuối cùng, cũng là kịch bản cuối cùng nếu đột nhiên không có khí lưu chuyển từ các đường ống trong nhà”.
Mark Rutte cũng phản đối việc EU trừng phạt năng lượng của Nga. Trước khi xảy ra tình huống và kịch bản cuối cùng nêu trên, về cơ bản Hà Lan vẫn có khuynh hướng dựa vào nhập khẩu để giải quyết nhu cầu, và Nga đang là nhà cung cấp không thể thiếu.
Ba Lan: Than đá, khí đốt, đều dựa hoàn toàn vào Nga, liệu có thực sự ổn định?
Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (42%), dầu mỏ (30%), khí đốt tự nhiên (15%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (12%), năng lượng khác (1%).
Là nước láng giềng tốt của Ukraine, Ba Lan có phản ứng mạnh mẽ nhất đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, hàng triệu người tị nạn đã tràn vào nước này và được các gia đình mở rộng vòng tay chào đón. Chính phủ Ba Lan đứng ở “tuyến đầu chống Nga”, yêu cầu mạnh mẽ EU cấm nhập khẩu toàn bộ năng lượng của Nga. Tuy nhiên, là quốc gia có dân số đông thứ 5 của EU, sự tự tin về năng lượng của Nga dường như không đủ. Một đặc trưng trong kết cấu năng lượng của Ba Lan là tỷ lệ sử dụng than đá vẫn khá cao, chiếm 42% vào năm 2019, chỉ đứng sau Estonia (60%) trong số các nước thành viên EU. Nguồn cung điện lực của Ba Lan phụ thuộc đến 70% vào than đá.
Hiện nay, khí đốt tự nhiên của Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng nhập khẩu của Ba Lan, hơn nữa dầu mỏ và than đá của Nga lại chiếm đến 67% và 75% khối lượng nhập khẩu của nước này, đủ thấy nhu cầu cơ bản về năng lượng của Ba Lan cũng phụ thuộc vào Nga rất nhiều. Để theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon do EU đưa ra, Ba Lan luôn tìm cách nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn để thay thế than đá trong thập kỷ này. Cùng với việc hợp đồng dài hạn của Ba Lan với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay, Ba Lan đã có sự chuẩn bị nhất định: ngoài tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ, tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên nối với Na Uy sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 11 năm nay.
Trong chương trình cải cách năng lượng dài hơi, điện hạt nhân sẽ là trụ cột. Chính quyền Warsaw có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong năm tới, đồng thời dự kiến Ba Lan có thể sản xuất 6 – 9 GW điện hạt nhân vào năm 2043, chiếm 10% tổng sản lượng điện, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ước tính lên đến 22,5 tỷ euro.
Mặc dù nỗi ám ảnh của Ba Lan về thảm họa hạt nhân Chernobyl trong những năm 1980 sâu đậm hơn nhiều quốc gia châu Âu, nhưng phát triển điện hạt nhân dường như là con đường tất yếu, chính phủ hiện tại coi năng lượng hạt nhân là một khâu then chốt để thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá. Trong đó, Ba Lan có ý định đặt nhà máy điện hạt nhân ở khu vực sông Oder gần biên giới Đức – Ba Lan. Là quốc gia đang có kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân, Đức cảm thấy lo ngại đối với các nhà máy điện hạt nhân. Trong chuyến thăm Ba Lan gần đây, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke – người thuộc đảng Xanh chủ trương loại bỏ năng lượng hạt nhân đã phát biểu rằng không loại trừ khả năng sử dụng công cụ pháp lý: theo quan điểm của Berlin, năng lượng hạt nhân vừa không tốt vừa không an toàn. Nếu các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng ở Ba Lan, chúng tôi sẽ sử dụng các văn bản pháp lý thích hợp để theo đuổi đến cùng… Ở cấp độ châu Âu, điều này không cần nói”.
(còn tiếp)
Nguồn: CVĐQT – số 04/2022