Liệu châu Âu có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga? – Phần cuối


Các nước Baltic: Đã sớm thực hiện chính sách “tách khỏi Nga, kết nối châu Âu”

Kết cấu năng lượng cơ bản của Litva: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (3%), dầu mỏ (40%), khí đốt tự nhiên (23%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (20%), năng lượng khác (14%).

Từng thuộc Liên Xô trước đây, mặc dù về chính trị đối đầu đến cùng với Chính quyền Putin, nhưng về nguồn cung năng lượng 3 nước Baltic vẫn khó tách rời hoàn toàn khỏi Nga. Về mặt địa lý, các quốc gia Tây và Bắc Âu có đường ống dẫn khí đốt đến thẳng các nước cung ứng chủ yếu như Na Uy, cũng như nhiều trạm nhập khẩu LNG, ngược lại, các quốc gia Đông Âu, Baltic và bán đảo Balkan rất khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt của Nga.

Trong đó, Litva là một trong những quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn năng lượng của Nga. Năm 2021, Litva nhập khẩu dầu, khí đốt và điện của Nga lên đến 3 tỷ euro, tỷ trọng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga lần lượt chiếm 69% và 42%.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Litva: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (2%), dầu mỏ (37%), khí đốt tự nhiên (22%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (37%), năng lượng khác (2%).

Kết cấu năng lượng cơ bản của Estonia: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (60%), dầu mỏ (4%), khí đốt tự nhiên (8%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (24%), năng lượng khác (4%).

Trong những năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã phân bổ tổng cộng 1,6 tỷ euro chia thành nhiều đợt khác nhau để hỗ trợ các nước Baltic tách khỏi lưới điện của Nga, kết nối vào EU. Ngoài lưới điện sẵn sàng “tách khỏi Nga, kết nối châu Âu”, sau sự kiện Crimea năm 2014, ba quốc gia nhỏ bé sống dưới cái bóng của Liên Xô đã bắt đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chẳng hạn, trạm LNG nổi Klaipeda được đưa vào vận hành từ năm 2014 đã cung cấp một nửa nhu cầu thị trường khí đốt tự nhiên của các nước Baltic và Phần Lan.

Còn về Litva, năm 2021, 90% khí đốt tự nhiên nhập khẩu vẫn đến từ Nga, tuy nhiên chính phủ nước này cho biết việc nhập khẩu khối lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga là do giá rẻ và tiện lợi, không phải không có sự lựa chọn khác. Chỉ cần có kế hoạch phù hợp, dựa vào trạm LNG Kalipeda đã đủ đáp ứng nhu cầu của ba nước Baltic. Ngoài ra, vừa qua Estonia cũng tuyên bố thúc đẩy kế hoạch dự án năng lượng 10 năm – trạm tiếp nhận LNG nổi. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, giá mua một tàu LNG khoảng 300 triệu euro.

Bốn nước Trung Âu: Czech, Slovakia, Áo, Hungary đều có lập trường riêng

Kết cấu năng lượng cơ bản của Czech: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (34%), dầu mỏ (23%), khí đốt tự nhiên (17%), năng lượng hạt nhân (18%), năng lượng tái tạo (11%).

Chính phủ Czech vẫn chưa thể hiện lập trường về việc EU có thể cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, Thủ tướng Petr Fiala nhiều lần cho biết EU cần phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng không ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu. Khoảng 90% khí đốt tự nhiên và 50% dầu mỏ của Czech được nhập khẩu từ Nga, nước này có các mỏ than của mình và nguồn than đá nhập khẩu thêm chủ yếu đến từ Ba Lan. Các chuyên gia kinh tế của Czech cho rằng mặc dù việc cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga là vấn đề nguy hiểm đối với nền kinh tế Czech, nhưng vẫn có thể ứng phó một cách dễ dàng với lệnh cấm nhập khẩu dầu.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Slovakia: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (17%), dầu mỏ (21%), khí đốt tự nhiên (24%), năng lượng hạt nhân (13%), năng lượng tái tạo (13%), năng lượng khác (1%).

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này ủng hộ tất cả các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, bao gồm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. 87% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Slovakia được nhập khẩu từ Nga. Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulík cảnh báo lệnh cấm có thể mang lại hậu quả đối với ngành công nghiệp của Slovakia và châu Âu. Hiện nay, một trong những chính sách của Slovakia là nhập khẩu LNG thông qua các tàu chở dầu, dự kiến cuối tháng này tàu chở dầu đầu tiên sẽ về đến, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của Slovakia trong một tuần. Thủ tướng Eduard Heger nói: “Đương nhiên, chi phí sử dụng tàu chở dầu để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Mỹ đắt hơn so với sử dụng đường ống từ Nga, nhưng đây chính là cuộc sống, chúng tôi phải học cách chấp nhận”.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Áo: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (10%), dầu mỏ (37%), khí đốt tự nhiên (22%), năng lượng hạt nhân (0%), năng lượng tái tạo (30%), năng lượng khác (1%).

Tương tự như Đức, Áo phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Tân Thủ tướng Karl Nehammer cam kết ủng hộ lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, nhưng cảnh báo điều này có thể gây nên hậu quả cho Áo. 80% khí đốt tự nhiên của Áo nhập khẩu từ Nga, ngoài ra nước này còn nhập khẩu của Na Uy (10%) và Đức (5%), do đó với tỷ lệ trên, mức độ lệ thuộc của Áo vào Nga còn cao hơn cả Đức. Hiện nay, Chính phủ Áo đang xây dựng kế hoạch nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm nguồn khí đốt tự nhiên thay thế ở Trung Đông, cũng như nguồn cung LNG, trong đó bao gồm việc vận chuyển từ bờ biển phía Bắc biển Adriatic của Italy về Áo thông qua tuyến đường ống Adria-Vienna.

Kết cấu năng lượng cơ bản của Hungary: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (8%), dầu mỏ (31%), khí đốt tự nhiên (32%), năng lượng hạt nhân (15%), năng lượng tái tạo (11%), năng lượng khác (4%).

Hungary nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga. Thủ tướng Viktor Orban cho biết sẽ phản đối lệnh trừng phạt năng lượng của EU, ông nói: “Mặc dù chúng tôi lên án hành động xâm lược của Nga và cũng lên án chiến tranh, nhưng chúng tôi sẽ không để cho các gia đình ở Hungary phải gánh chịu hậu quả”. Năm 2021, Hungary và tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận cung ứng khí đốt tự nhiên mới với thời hạn 15 năm. Mặc dù vậy, những năm gần đây, Budapest đã bắt đầu thực hiện đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, trong đó có được nguồn cung LNG từ trạm LNG của Croatia.

Anh: Tự chủ hơn về năng lượng sau khi rời khỏi EU (Brexit)

Kết cấu năng lượng cơ bản: Nhiên liệu hóa thạch thể rắn (3%), dầu mỏ (40%), khí đốt tự nhiên (36%), năng lượng hạt nhân (6%), năng lượng tái tạo (15%).

Anh đã rời khỏi EU nên không còn chịu sự ràng buộc của EU về việc có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, hơn nữa trên thực tế mức độ phụ thuộc của Anh vào nhập khẩu năng lượng của nước ngoài khá thấp, tỷ lệ phụ thuộc năm 2019 chỉ 35%. Đầu tiên, một nửa nguồn cung khí đốt tự nhiên Anh đến từ trong nước, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy và Qatar. Về dầu mỏ, nhập khẩu từ Nga chiếm 8% tổng nhu cầu dầu mỏ của Anh, nhưng bản thân Anh cũng là nước sản xuất quan trọng các sản phẩm dầu mỏ và dầu thô, hơn nữa cũng có thể tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Hà Lan, Saudi Arabia và Mỹ.

Theo Cục quản lý thương mại quốc tế Mỹ (ITA), xét từ tình hình chung của thị trường và số liệu giao dịch, ngành công nghiệp năng lượng là ngành có triển vọng nhất của Anh. Anh có thị trường năng lượng hùng hậu, ngành năng lượng đã tạo ra các hoạt động kinh tế trị giá 130 tỷ USD. Lĩnh vực năng lượng cung cấp 730.000 việc làm cho nước Anh – tương đương cứ 49 việc làm trên thị trường thì có 1 việc làm trên lĩnh vực năng lượng. Chính quyền Boris Johnson thúc đẩy Anh phát triển theo hướng là một nền kinh tế carbon thấp, năm 2019, Anh trở thành nền kinh tế chủ chốt đầu tiên ban hành đạo luật để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phát triển toàn diện năng lượng tái tạo.

Do đó, về khía cạnh Anh loại bỏ năng lượng của Nga, có thể nói Johnson rất tự tin khi tuyên bố: Chính quyền Putin xâm lược phi pháp Ukraine, chúng ta sẽ giáng một đòn kinh tế đối với họ – việc Anh sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong năm nay sẽ tăng thêm một đòn trừng phạt quốc tế cứng rắn với Nga.

Các nước nhỏ của châu Âu: Chỉ có thể chờ đợi EU cứu trợ?

Một số quốc gia tương đối nhỏ ở châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên của Nga, bao gồm Slovenia, Serbia, Bắc Macedonia, Bosnia và Heszegovina, Moldova, Romania, Bulgaria…, đây phần lớn là các nước thành viên của Nam Tư cũ hoặc Liên Xô trước đây, hầu hết không phải là các nước thành viên EU, do đó chắc chắn các nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Liên quan đến các thành viên EU như Romania và Slovenia, tạm thời chưa có động thái tán thành có trừng phạt năng lượng đối với Nga hay không, giai đoạn hiện nay đang tập trung thảo luận mở rộng nhập khẩu từ các nguồn khác để làm giảm mức độ phụ thuộc vào Nga.

Mặt khác, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, từ năm 2015 đến nay Ukraine đã ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga, chuyển sang mua khí đốt tự nhiên của EU, tuy nhiên điều này cũng chỉ đồng nghĩa với việc Ukraine thông qua EU để tái nhập khẩu khí đốt của Nga, đồng thời phản ánh thực trạng không ít nước châu Âu không nhập khẩu từ Nga về mặt số liệu sổ sách, nhưng trên thực tế năng lượng vẫn có nguồn gốc từ Nga.

Nguồn: CVĐQT – số 04/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s