George Soros sinh năm 1930 ở Budapest, Hungary, di cư sang Anh năm 1947, sang Mỹ năm 1956, hiện sống ở New York. Ông là một huyền thoại trong thế giới tài chính. Quỹ Quantum của ông được xem là “quỹ đầu tư xuất sắc nhất trong lịch sử, đã góp phần nhào nặn lại thế giới sau chiến tranh lạnh”.
Một số ít người coi G. Soros như “một nhà đầu cơ thị trường nổi tiếng nhất thế giới”, kẻ can dự vào cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và trên thế giới hiện nay.
Nhiều người gọi G. Soros là “một trong những nhà từ thiện lớn nhất hiện còn sống”. Ông tài trợ một mạng lưới các quỹ dành để ủng hộ các xã hội mở, đang hoạt động 31 nước trên khắp thế giới từ Đông Âu và Liên Xô (cũ) đến Nam Phi, Haiti, Guatemala, Mông Cổ và Mỹ. Các quỹ trong mạng lưới này đã chi phí một số tiền mỗi năm trên dưới 400 triệu USD (cụ thể là năm 1994 – 300 triệu, 1995 – 350 triệu, 1996 – 362 triệu, 1997 – 428 triệu và năm 1998 cũng duy trì ở mức đó).
Tuy nhiên, còn rất ít người biết đến G. Soros như một người có nhiều ý tưởng khoa học mới mẻ và sâu sắc, đã nhận được các bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học trên thế giới như Trường Nghiên cứu Xã hội mới (the New School for Social Research), trường Đại học Oxford (Anh), Đại học Yale (Mỹ), Đại học kinh tế Budapest (Hungary, quê hương ông). Năm 1995 trường Đại học tổng hợp Bologna (Italy) tặng G. Soros danh hiệu cao nhất của nó – danh hiệu Laurea Honoris Causa để ghi nhận những nỗ lực của ông đề xướng các xã hội mở trên toàn thế giới. G. Soros là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về những biến đổi chính trị và kinh tế ở Đông Âu và Liên Xô, tác giả của nhiều cuốn sách bán rất chạy như cuốn “Giả thuật kim tài chính” (The Alchemy of Finance), “Mở cửa hệ thống Xô Viết” (Opening the Soviet System), “Bảo đảm nền dân chủ” (Underwriting Democracy) và “Soros nói về Soros: Ở lại đằng trước đường cong” (Soros on Soros: Staying Ahead of the Curve).
Trong Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, ông đã vận dụng tất cả sự thông thái, tri thức uyên bác và tầm nhìn sáng suốt của ông để giải thích những gì đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu đang sụp đổ.
Các nền kinh tế (bối cảnh cuối thập kỷ 90) một thời thịnh vượng của Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã sụp đổ; nền kinh tế Nga đã và đang suy tàn, dẫn tới lạm phát và khó khăn kinh tế nghiêm trọng; nhiều ngân hàng Nhật Bản rơi vào tình trạng tan rã; Brazil và phần còn lại của châu Mỹ Latinh đã bắt đầu dần dà tiến đến bờ vực suy sụp; ngay cả ở châu Âu và Mỹ, các thị trường cũng chao đảo dữ dội, cứ mỗi tuần qua đi lại mất lợi nhuận. Giờ đây một số nước đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất. Nhưng không một ai có thể nói rằng những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đã được loại trừ.
G. Soros đã mổ xẻ tình trạng thời điểm đó của nền kinh tế toàn cầu và chỉ rõ các giả thuyết lý luận đã kết hợp với hành vi con người như thế nào để dẫn tới những tai họa này. Ông nêu rõ niềm tin vào các lực lượng thị trường đã làm chúng ta đui mù như thế nào về những sự bất ổ định cơ bản, và những sự bất ổn định này đã phản ứng dây chuyền ra sao để gây ra tình huống nguy kịch mà chúng ta đang lâm vào hôm nay – một tình huống có tiềm năng trở nên xấu hơn rất nhiều.
Song, như G. Soros viết: “Tình thế hoàn toàn không phải là tuyệt vọng… Có thể tránh được một thảm họa nếu chúng ta thừa nhận những thiếu sót của hệ thống chúng ta và sửa chữa chúng kịp thời… Tôi lập luận rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu là một hình thức méo mó của một xã hội mở, và những thái quá của nó có thể sửa chữa, nếu những nguyên tắc của xã hội mở được hiểu rõ hơn và được ủng hộ rộng rãi hơn.
Thuật ngữ “Xã hội mở” (Open society) được nhà triết học về khoa học Karl Popper nêu lên trong cuốn sách của ông “Xã hội mở và những kẻ thù của nó” (xuất bản năm 1944). G. Soros chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng triết học Karl Popper, mặc dù ông có khác với Karl Popper ở một vài điểm quan trọng. Ông hấp thụ những ý tưởng của Karl Popper về tư duy phê phán và phương pháp khoa học, nỗ lực xây dựng lại khái niệm xã hội mở. Trong cuốn sách mới này của ông có phụ đề là “Xã hội mở hiểm nguy”, G. Soros đã “nỗ lực đặt nền móng cho một xã hội mở toàn cầu”. Ông viết: “Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu, nhưng tổ chức chính trị của xã hội toàn cuẩ của chúng ta, buồn thay, lại không đầy đủ. Chúng ta hoàn toàn không có khả năng giữ gìn hòa bình và hành động đáp lại những thái quá của các thị trường tài chính. Nếu không có những sự kiểm soát này, nền kinh tế toàn cầu có thể sụp đổ”. Chính vì vậy “để ổn định và điều tiết một nền kinh tế thực sự toàn cầu, cần một hệ thống toàn cầu về việc ra quyết định chính trị. Nói gọn lại, chúng ta cần một xã hội toàn cầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu của chúng ta… Cần phải cố gắng tạo nên một liên minh với các dân tộc có cùng suy nghĩ để thiết lập các luật và các thiết chế cần thiết cho việc giữ gìn hòa bình, tự do, thịnh vượng và ổn định. Các luật và thiết chế này là gì, điều đó không thể quyết định một lần là xong với mọi người; điều chúng ta cần là đưa vào hoạt động một quá trình hợp tác, lặp đi lặp lại – quá trình sẽ xác định lý tưởng xã hội mở – một quá trình trong đó chúng ta công khai thừa nhận những sự không hoàn hảo của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu và cố gắng học từ những sai lầm của chúng ta”.
Để đặt nền móng cho xã hội mở toàn cầu phải bắt đầu từ lý luận cơ bản. Trong khung khái niệm (conceptual framework), G. Soros nêu ra ba khái niệm then chốt, ba từ khóa: tính có thể sai (fallibility), tính phản xạ (reflexivity) và xã hội mở (open society). Ông tiến hành phê phán khoa học xã hội nói chung và kinh tế học nói riêng đối với thị trường tài chính, diễn giải thị trường này dưới góc độ tính phản xạ hơn là dưới độ lý luận cân bằng của kinh tế học cổ điển. Ông vạch rõ tính chất sai lầm và nguy hiểm của thuyết nguyên giáo thị trường (market fundamentalism). Chính nó đã đặt chủ nghĩa tư bản tài chính vào địa vị cầm lái, làm méo mó cơ chế thị trường, đẩy xã hội mở vào tình trạng hiểm nguy.
Trong phần “Thời điểm quan trọng của lịch sử” (the present moment in history), tác giả áp dụng cái khuôn khổ quan niệm đã nêu trên để phân tích sâu những đặc điểm chính của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối thập kỷ 90. Ông đề cập đến sự khác biệt, độ chênh giữa nền kinh tế toàn cầu và tổ chức chính trị, xã hội mà về cơ bản vẫn còn mang quy mô quốc gia. Ông khảo sát tỉ mỉ quan hệ không bình đẳng giữa trung tâm và ngoại vi, sự đối xử không bình đẳng giữa kẻ cho vay và người vay nợ, cũng như việc đưa một cách sai lầm các giá trị tiền tệ thay cho các giá trị nhân bản, các giá trị con người. Ông đề xuất những giải pháp thực tiễn để có thể ngăn ngừa sự tan rã về tài chính của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu như thế nào, nêu lên những triển vọng cho một hình thức xã hội mở ít méo mó hơn và đầy đủ hơn. Ông bàn về bối cảnh quốc tế và vạch ra một số bước đi thực tiễn để có thể đạt tới xã hội mở toàn cầu, thực hiện triết lý mà ông đã nêu lên.
Để kết luận, G. Soros khẳng định rằng xã hội mở toàn cầu phải được đặt thành “một chương trình nghị sự quốc tế”. Nó không thể được đưa vào cuộc sống bởi nhân dân hoặc các tổ chức phi chính phủ hành động riêng rẽ. Các Nhà nước có chủ quyền cần phải hợp tác về chính trị. Công luận và xã hội dân sự có vai trò quan trọng, bởi vì trong nền dân chủ, các chính khách phải đáp ứng những đòi hỏi của đông đảo dân chúng. “Ở các chính thể dân chủ vận hành tốt, các chính khách thậm chí còn đóng vai trò thủ lĩnh trong việc động viên công luận. Chúng ta cần đến vai trò thủ lĩnh như thế để hình thành một khối liên kết gồm những quốc gia cùng chung khuynh hướng và quyết tâm tạo dựng một xã hội mở toàn cầu”.
Cuốn sách Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu của G. Soros không phải là một cuốn sách kinh tế đơn thuần. Nó cho ta một cái nhìn tổng quát về thế giới hiện đại và xu hướng phát triển của nó. Ở đó thể hiện những suy tư triết học sâu sắc của G. Soros với tính cách một nhà tài chính, đồng thời là một nhà từ thiện, nhà hoạt động xã hội. Mở đầu cuốn sách ông viết: “Mục đích trước sau của tôi khi viết cuốn sách này là làm rõ cái triết lý đã chỉ đạo tôi suốt đời. Tôi được người ta biết đến với tư cách một nhà quản lý tiền tệ thành công và sau đó là một nhà từ thiện. Đôi khi tôi cảm thấy giống như một con đường tiêu hóa khổng lồ: thu nhận tiền vào ở một đầu và đẩy nó ra ở đầu khác, nhưng thực ra một lượng suy tư to lớn đã gắn kết hai đầu với nhau. Một khung khái niệm mà tôi đã hình thành những ngày tôi là sinh viên, rất lâu trước khi tôi bắt đầu tham gia vào các thị trường tài chính, đã chỉ đạo cả việc kiếm tiền của tôi và các hoạt động từ thiện của tôi”.
Những suy tư, những nhận định của G. Soros trong sách, đương nhiên, không thể không có những khác biệt so với những gì mà lâu nay nhiều người trong chúng ta thường quan niệm. Sự khác nhau đó là chuyện bình thường. Điều đáng quan tâm ở đây chính là việc G. Soros đã phân tích sâu sắc cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và đề ra những giải pháp không phải là không có cơ sở để giải quyết những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách mà cộng đồng quốc tế mong đợi.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999.