Airbnb kiếm tiền bằng cách nào?
Amazon, Uber và Airbnb đều được tải xuống miễn phí, không bao giờ tính phí sử dụng ứng dụng và chỉ hiển thị cho bạn một vài quảng cáo, nếu có. Vậy họ kiếm tiền bằng cách nào?
Các ứng dụng thương mại điện tử trung gian “marketplace” hoặc “platform” kiểu này kết nối người mua với người bán (hoặc người đi xe với người lái xe…) và kiếm tiền hoa hồng bằng cách thu một vài khoản phí với các giao dịch mua hàng thành công. Nó giống như cách chính phủ thu tiền thông qua thuế doanh thu hoặc các đại lý bất động sản tính phí hoa hồng bất cứ khi nào họ giúp bạn mua hoặc bán một ngôi nhà.
Ví dụ: Airbnb tính “phí dịch vụ” bất cứ khi nào bạn đặt phòng thành công. Chủ nhà trả 3%, và khách hàng trả 6 – 12% tiền phí. Các khoản phí này là nguồn thu chủ yếu của Airbnb.
Các ứng dụng thương mại điện tử khác cũng thu phí hoa hồng. Uber thu 20 – 25% số tiền các lái xe kiếm được. Amazon thu phí bên bán thứ ba khi họ đưa ra danh sách sản phẩm và bán các mặt hàng của mình trên nền tảng này. Số thu chính xác là bao nhiêu sẽ thay đổi tùy theo loại sản phẩm, nhưng từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể cho bạn biết là Amazon thu về 30 – 65% lợi nhuận bán sách.
Và đó là cách kiếm tiền của hầu hết các ứng dụng thương mại điện tử trung gian. Vậy có đúng là một số ứng dụng thương mại điện tử trung gian có thể kiếm tiền mà không tính phí hoa hồng không? Chúng ta hãy đọc tiếp nhé.
Tại sao ứng dụng Robinhood cho phép bạn giao dịch cổ phiếu mà không tính phí hoa hồng?
Mua và bán cổ phiếu là một cách tuyệt vời để đầu tư số tiền bạn dành dụm được và kiếm thêm cho mình một khoản tiền, nhưng sau mỗi lần giao dịch thành công, bạn sẽ phải trả một khoản phí hoa hồng cho một nhà môi giới. Có đúng như vậy không? Ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood cho phép bạn thực hiện giao dịch cổ phiếu miễn phí. Đúng vậy, họ không tính phí hoa hồng.
Vậy làm thế nào họ vẫn có lợi nhuận? Có hai phương pháp chính để Robinhood kiếm tiền.
Phương pháp thứ nhất: họ sử dụng mô hình freemium cổ điển để giúp người dùng “quyền lực” nhận được nhiều tính năng hơn. Robinhood Gold cho phép bạn giao dịch ngoài giờ (tức là vài giờ trước và sau phiên giao dịch hàng ngày, từ 9:30 sáng đến 4:00 chiều theo giờ EST) và cho phép bạn vay tiền từ Robinhood để thực hiện thêm các giao dịch vượt quá khả năng chi trả hiện tại.
Phương pháp thứ hai khá thông minh. Robinhood kiếm trước tiền lãi cho số tiền chưa sử dụng nằm trong tài khoản của người dùng, việc này giống như cách bạn nhận được tiền lãi bằng cách gửi số tiền tích trữ chưa sử dụng của mình trong ngân hàng.
Như các bạn có thể thấy, các ứng dụng ngày càng trở nên láu cá với các mô hình kinh doanh của mình. Chúng ta hãy kết thúc bài này bằng cách xem xét một số cách thức kiếm tiền thậm chí còn sáng tạo hơn.
Các ứng dụng làm thế nào để kiếm tiền mà không cần hiển thị quảng cáo hoặc tính phí người dùng
Mọi ứng dụng chúng ta đề cập cho đến giờ đều kiếm tiền bằng cách hiển thị quảng cáo hoặc tính phí người dùng (nếu không phải là trả trước, thì thông qua thuê bao, mua hàng trong ứng dụng hoặc tính phí hoa hồng). Vậy còn cách nào khác để các doanh nghiệp ứng dụng tiếp tục tồn tại và phát triển không? Các ứng dụng có thể nhận được tiền từ bất kỳ ai đó không, ngoài người dùng hoặc các nhà quảng cáo?
Hóa ra câu trả lời là có. Chúng ta hãy cùng kết thúc bài này bằng cách nghiên cứu một số mô hình kinh doanh thông minh hiện nay.
Đầu tiên, bạn có thể tính phí những người khác, ngoài người dùng hoặc nhà quảng cáo. Chẳng hạn, dịch vụ đặt vé du lịch Wanderu sẽ giúp bạn tìm vé xe buýt tốt nhất và giới thiệu bạn đến website của các tuyến xe buýt như Greyhound và Megabus để mua vé. Wanderu không tính phí người mua vé, nhưng thu một khoản phí hoa hồng nhỏ từ các hãng xe buýt cho việc đưa khách hàng đến với dịch vụ của họ.
Hoặc các ứng dụng có thể cố gắng tồn tại mà không có bất kỳ nguồn doanh thu nào. Nghe có vẻ vô lý, nhưng trong thế giới công nghệ, điều đó có thể xảy ra – ít nhất là trong ngắn hạn.
Một số ứng dụng chỉ cố gắng tồn tại trong khó khăn (và sống nhờ vào tiền của nhà đầu tư mạo hiểm), họ cung cấp dịch vụ miễn phí cho đến khi đủ lớn mạnh để có thể bắt đầu kiếm tiền – nói cách khác, khẩu hiệu của họ là “phát triển trước, kiếm tiền sau”. Ví dụ, Venmo không tính phí khi bạn thanh toán tiền hộ bạn bè, hay chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng và chỉ áp dụng cùng một mức phí (3%) nếu bạn chuyển tiền từ thẻ tín dụng của mình, và đó là số tiền cần thiết để trang trải chi phí xử lý quá trình thanh toán của công ty.
Sau đó, vào năm 2018, khi đã có cơ sở người dùng đủ lớn, Venmo quyết định bắt đầu kiếm tiền. Họ thông báo rằng bây giờ bạn có thể thanh toán cho Ubers thông qua Venmo và phát hành thẻ ghi nợ. Trong cả hai trường hợp, người bán phải trả cho Venmo một khoản phí nhỏ. Một số người cũng suy đoán rằng Venmo có thể sẽ bắt đầu thực hiện các quảng cáo mục tiêu nhắm vào người dùng, vì giờ đây họ đã biết chính xác người dùng của họ tiêu tiền vào những thứ gì.
Các ứng dụng khác chỉ hy vọng có ai đó mua lại trước khi cạn tiền. Ví dụ, vào năm 2013, ứng dụng email miễn phí Mailbox ra nhập thị trường, và chẳng bao lâu sau, nó đã gửi được 60 triệu tin nhắn trong một ngày. Sau đó, trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt, Dropbox đã mua lại ứng dụng này và nhóm điều hành đằng sau nó với giá 100 triệu USD. Tuy nhiên, kết thúc của ứng dụng này khá bi thảm: năm 2015, Dropbox khai tử nó và chuyển nhân viên sang các nhóm khác. Cứ coi như chúng ta là những người hoài nghi, nhưng rất có khả năng Mailbox phát triển mạnh mẽ và đạt được “đầu ra” hấp dẫn vì họ cung cấp dịch vụ miễn phí.
Nói tóm lại, các nhà sản xuất ứng dụng đã phải trở nên láu cá hơn bao giờ hết, bởi người dùng chỉ thích các ứng dụng được tải xuống miễn phí. Một điểm đặc biệt là dường như các nhà sản xuất ứng dụng không bao giờ ngừng sáng tạo ra những cách thông minh để kiếm tiền. Chiến lược kiếm tiền quan trọng tiếp theo của họ là gì?
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Neel Mehta, Aditya Agashe & Parth Detroja – Gạt mở chiến lược kinh doanh ẩn sau thế giới công nghệ – NXB CT 2021