Trong khi báo chí đa phương tiện vẫn đang được nhắc đến như một xu thế không thể khác đối với báo chí trên toàn thế giới, thì báo chí đa nền tảng (multi platform journalism) đã được dự đoán sẽ trở thành tất yếu trong tương lai. Trước thời điểm báo chí bị tác động mạnh mẽ bởi mạng xã hội và điện thoại thông minh, thuật ngữ báo chí đa nền tảng thường chỉ dùng trong lĩnh vực máy tính hay ngành công nghiệp phần mềm, nó chỉ bắt đầu được nhắc nhiều tại các hội thảo báo chí quốc tế vào khoảng năm 2010, thời điểm mang tính bước ngoặt của báo chí truyền thông thế giới. Giống như Thomas L. Friedman từng thốt lên: “Khi tôi viết “Thế giới phẳng” (2004), Facebook chưa tồn tại, Twitter là một âm thanh; mây thì ở trên trời; 4G là bãi đỗ xe, “ứng dụng” là những gì bạn gửi đến trường đại học, LinkedIn hầu như không ai biết đến và hầu hết mọi người nghĩ rằng đó là nhà tù, Big Data là cái tên hay cho một ngôi sao nhạc rap, và Skype, đối với hầu hết mọi người, là một lỗi đánh máy sai…”, tất cả đã thay đổi chỉ trong vòng 6 năm.
1/ Báo chí đa nền tảng là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, báo chí đa nền tảng là xu hướng báo chí mà người đọc có thể tiếp cận tin tức trên tất cả các nền tảng khác nhau: Máy tính, thiết bị di động cầm tay (smartphone, iPad, Notebook…); báo giấy, báo mạng điện tử; các ứng dụng xã hội như Facebook, Snapchat, Twitter… Hay nói cách khác, trong tương lai, để có thể tồn tại, một tờ báo buộc phải “biến đổi” để công chúng có thể tiếp cận thông tin bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào họ muốn, trên bất cứ nền tảng nào mà họ có. Thậm chí, các chuyên gia đã đưa ra viễn cảnh, nếu công chúng đang đọc một bài báo trên máy tính xách tay và bỏ dở khi mở điện thoại di động, máy tính bảng, hay chiếc đồng hồ đeo tay có thể đọc tin tức, họ phải đọc tiếp được đúng đoạn đó trên các thiết bị này.
Vì sao báo chí đa nền tảng lên ngôi trong khi báo chí đa phương tiện và báo chí hội tụ vẫn còn đang là câu chuyện nóng bỏng? Có thể thấy rằng, sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị di động cũng như sự lên ngôi của mạng xã hội trong bối cảnh Internet đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu đã buộc báo chí phải thay đổi.
Theo bản khảo sát World Press Trend 2016 (Các xu hướng báo chí thế giới thường niên năm 2016) của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), 51% dân số thế giới đang sử dụng điện thoại di động và 31% sử dụng mạng xã hội, 30% dân số thế giới sở hữu một điện thoại thông minh và gần 90% người Mỹ truy cập tin tức bằng điện thoại thông minh và các thiết bị di động khác.
Nghiên cứu này dẫn số liệu của Hiệp hội Báo chí Mỹ cho biết, hơn nửa số công chúng báo mạng điện tử của nước này chỉ sử dụng thiết bị di động để đọc tin hàng ngày. Theo trang cung cấp số liệu ComScore, 37% công chún của 10 hãng truyền thông kỹ thuật số của Mỹ truy cập tin tức bằng thiết bị di động và 31% khác đọc tin bằng cả thiết bị di động lẫn máy tính bàn. Tại các thị trường như Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và Canada, hơn 1/3 số người trưởng thành sử dụng thiết bị di động để đọc tin tức. Đặc biệt, số lượng ngày càng tăng của điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng dữ liệu lớn trên báo mạng điện tử, ví dụ như video. Theo thống kê, khoảng một nửa người tiêu dùng Internet tải lên video của riêng họ, 8 – 9 tỷ video mỗi ngày được theo dõi trên Facebook, 8 tỷ video/ngày được xem qua Snapchat và 4 tỷ được xem qua YouTube, hơn 50% lượng truy cập YouTube bây giờ là điện thoại di động, tăng từ 6% trong năm 2011. Nhờ xu hướng tiếp cận tin tức qua mạng, phương thức thu lợi nhuận từ phát hành kỹ thuật số cũng phát triển theo. Doanh thu phát hành kỹ thuật số thu tiền từ công chúng tiếp tục tăng trưởng 2 con số, tăng 30% trong năm 2015 và 547% trong 5 năm qua.
Báo cáo Global mobile media consumption: a “new wave” takes shape (Tiêu thụ truyền thông di động toàn cầu: Một làn sóng mới đang hình thành) được tiến hành vào năm 2014 của InMobi – mạng quảng cáo di động độc lập lớn nhất thế giới cũng cho thấy, tính trên toàn cầu, các khách hàng dành trung bình gần 2,2 giờ mỗi ngày dùng điện thoại di động (97 phút) và máy tính bảng (37 phút), chiếm 37% thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, bỏ xa xử dụng tivi (81 phút), máy tính để bàn (70 phút), radio (44 phút) và báo in (33 phút). Trong đó, có đến 60% người dùng truy cập Internet từ mobile, 30% số đối tượng hàng tháng của các kênh truyền thông là người dùng điện thoại di động.
Cùng với điện thoại di động, vài năm trở lại đây, mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, theo nghiên cứu của trang ComScore, cứ 5 phút online thì người dùng sẽ dành một phút cho mạng xã hội. Riêng với Facebook, trang này đánh giá, người dùng trên toàn thế giới tiêu tốn đến 35 phút mỗi ngày để lướt Facebook, cứ 3 trong 4 phút truy cập vào mạng xã hội là để dành cho Facebook. Trong khi đó, theo báo cáo của chính Facebook, người Mỹ tiêu tốn đến 50 phút mỗi ngày cho mạng xã hội này.
Không chỉ có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, vượt qua cả yếu tố kết nối đơn thuần, hơn bao giờ hết, các nền tảng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc phối hợp truyền bá thông tin. Rất nhiều tin tức lan truyền trên mạng xã hội trước khi chính thức có mặt trên mặt báo, rất nhiều bài báo có nguồn tin từ mạng xã hội. Năm 2015, khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu khiến cho hơn 200 người thương vong. Paris sử dụng hashtag Twitter #PorteOuvert (cửa mở) để cung cấp nơi trú ẩn trong khi Facebook triển khai tính năng an toàn (I’m safe) khuyến khích người dân ở Paris thông báo mình an toàn thông qua tài khoản cá nhân của họ – lần đầu tiên ngoài một thảm họa tự nhiên. Đến nay, những tính năng này được sử dụng thường xuyên hơn khi xảy ra các thảm họa, ví dụ như vụ khủng bố ở khu chợ Giáng Sinh Berlin, vụ động đất ở Nepal hay sau cơn bão Dianmu đổ bộ vào Việt Nam tháng 8/2016, Facebook đều tự động kích hoạt tính năng an toàn.
Mạng xã hội cũng tiến đến gần hơn với báo chí, Twitter cho ra mắt ứng dụng xem video trực tiếp có tên Periscope và nó đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ giới phóng viên. Chưa dừng lại ở đó, mạng xã hội này còn tiếp tục cho ra mắt ứng dụng Project Lightning, một sáng kiến mới được đánh giá là rất hữu ích khi giúp thu thập và sắp xếp một cách có hệ thống các tin tức xung quanh nhiều sự kiện trong đời sống. Facebook cũng giới thiệu thanh trượt mới trên giao dịch có tên Trending Now, là nơi cập nhật những nội dung, tin tức hiện đang được thảo luận nhiều nhất trên Facebook. Cùng với đó là các tính năng như Instant Articles và Live Video giúp truyền tải tin tức gần như ngay lập tức. Ngoài ra còn có thể kể đến các ứng dụng nổi tiếng khác như Snapchat Discover, Apple News, Twitter Moments…
Báo cáo xu hướng truyền thông 2017 của Viện Nghiên cứu Reuters thống kê từ phản hồi của 143 tổng biên tập, CEO và các “nhà lãnh đạo kỹ thuật số” được điều tra trên 24 quốc gia cho thấy những con số đáng suy ngẫm. 70% cho rằng các mối lo ngại về tình trạng lan truyền các tin tức giả/tin không chính xác trên các mạng xã hội sẽ củng cố vị thế của họ, 46% lo ngại nhiều hơn về vai trò của các nền tảng so với năm ngoái, 56% cho biết Facebook Messenger sẽ là một phần quan trọng hoặc rất quan trọng trong các sáng kiến bên ngoài website của họ trong năm nay, 53% nói điều tương tự về WhatsApp và 49% về Snapchat.
Sự lên ngôi của truyền thông xã hội, truyền thông di động trong thời đại của kỹ thuật số đã khiến cho báo chí cũng phải thay đổi, không còn đơn điệu riêng rẽ ở một loại hình, một phương tiện để tiếp cận công chúng, báo chí bắt buộc phải tiến đến hình thức đa nền tảng, trong đó, thứ tự ưu tiên là nền tảng xã hội (social), nền tảng di động (mobile) và cuối cùng mới là web.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị Trường Giang – Báo chí và truyền thông đa phương tiện – NXB ĐHQG HN 2017