Giới thiệu “Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu” của George Soros – Phần cuối


Rồi đến một điểm khi tai ương ở vùng ngoại vi không thể tốt cho trung tâm nữa. Tôi tin rằng chúng ta đã đến điểm đó với cuộc suy sụp ở nước Nga. Tôi có ba lý do cơ bản để nói như vậy.

Lý do thứ nhất là cuộc suy sụp ở Nga đã phơi bày ra những thiếu sót nhất định trong hệ thống ngân hàng quốc tế mà từ trước đến nay vẫn bị bỏ qua. Thêm vào với việc hướng vào bảng cân đối của chính họ, các ngân hàng còn bước vào những giao dịch hoán đổi, những buôn bán đổi chác đặt trước và buôn bán phái sinh với nhau và các khách hàng của họ. Những giao dịch buôn bán này không được biểu hiện trên các bảng cân đối của các ngân hàng. Chúng thường xuyên được ghi dấu cho thị trường, nghĩa là chúng thường xuyên được định giá lại và bất kỳ khác biệt nào giữa giá chi phí và thị trường đều được bù lại bằng những việc chuyển tiền mặt. Người ta mong đợi rằng điều này sẽ loại bỏ sự rủi ro của bất kỳ sự vỡ nợ nào. Các thị trường hoán đổi, đặt trước và phái sinh rất lớn, và những khoản đặt cọc thì cực kỳ mỏng manh như sợi tóc; nghĩa là giá trị của số tiền nguồn gốc là một bội số nhiều lần của số vốn dùng trong cuộc kinh doanh. Các cuộc giao dịch buôn bán tạo thành chuỗi giao dịch lôi kéo giá với nhiều khâu trung gian, và mỗi khâu trung gian có trách nhiệm với bên đối tác mà không hề biết có ai nữa liên quan. Việc hướng vào các đối tác riêng lẻ bị hạn chế bởi việc tạo lập các giới hạn tín dụng.

Hệ thống phức hợp này đã bị một cú sốc choáng váng khi hệ thống ngân hàng của Nga sụp đổ. Các ngân hàng Nga vỡ nợ, nhưng các ngân hàng phương Tây vẫn ở tình thế khó khăn đối với các khách hàng của họ. Người ta không tìm được cách nào để đền bù khoản nợ của một ngân hàng đối với những khoản nợ của các ngân hàng khác. Nhiều quỹ phòng rủi ro và các tài khoản đầu cơ khác chịu những thua lỗ khá lớn đến mức bị xóa bỏ. Mức chênh lệch bình thường bị gián đoạn, và những người buôn chứng khoán chuyên nghiệp giữa các phái sinh khác nhau, tức là buôn bán phái sinh này đối với phái sinh khác, cũng chịu những thua lỗ lớn. Một tình hình tương tự nảy sinh ngay sau đó khi Malaysia cố tình đóng cửa các thị trường tài chính của họ đối với người nước ngoài, nhưng Nhà chức trách tiền tệ Singapore hợp tác với các ngân hàng trung ương khác đã hành động kịp thời. Các hợp đồng đang thực hiện vẫn có lãi, còn lỗ được chia sẻ. Một thất bại tiềm tàng của hệ thống đã tránh được.

Những sự kiện này dẫn hầu hết những người tham dự thị trường giảm sự hiện diện của họ. Các nhà băng đang cố gắng một cách điên cuồng để hạn chế sự hiện diện của mình, không dùng đòn bẩy kích thích và giảm rủi ro. Các cổ phần nhà băng rơi tự do. Một cuộc rạn nứt tín dụng toàn cầu đang thành hình. Nó đã và đang hạn chế dòng lưu chuyển ngân quỹ tới các vùng ngoại vi, nhưng nó cũng bắt đầu tác động đến mức độ sẵn có của tín dụng trong nền kinh tế nội địa. Ví dụ thị trường trái phiếu cũ đã đóng cửa.

Điều này đưa tôi đến điểm thứ hai. Cơn đau ở vùng ngoại vi đã trở nên dữ liệu đến mức các nước riêng lẻ bắt đầu lựa chọn không tham gia hệ thống tư bản toàn cầu, hay đơn giản trượt vào con đường thất bại rồi từ bỏ. Đầu tiên là Indonesia, rồi nước Nga đang chịu một cuộc suy sụp hoàn toàn, nhưng những gì diễn ra ở Malaysia, và ở một mức độ thấp hơn, ở Hong Kong, bằng cách nào đó thậm chí còn đầy đe dọa hơn. Sự sụp đổ của Indonesia và nước Nga là không trù định trước, nhưng Malaysia cố tình lựa chọn. Nước này đã gây được tổn thất đáng kể cho các nhà đầu tư và đầu cơ nước ngoài, và nó đã đạt được một số giải nguy tạm thời nào đó, nếu không phải cho nền kinh tế, thì ít nhất cho những người lãnh đạo đất nước. Sự giải nguy xuất phát từ khả năng giảm lãi suất và bơm thị trường chứng khoán lên bằng cách cô lập đất nước với thế giới bên ngoài. Sự giải nguy nhất định chỉ là tạm thời vì các đường biên giới có nhiều sơ hở và đồng tiền rời bỏ đất nước này một cách bất hợp pháp; tác động đến nền kinh tế sẽ đầy tai họa, nhưng các nhà tư bản địa phương gắn với chế độ sẽ có đủ khả năng giải cứu công việc kinh doanh của họ trừ khi bản thân chế độ bị lật nhào. Những biện pháp mà Malaysia tiến hành sẽ gây tổn thương cho các nước khác vốn đang cố gắng giữ các thị trường tài chính của họ mở ngỏ, vì nó sẽ khuyến khích vốn rời đi khỏi các nước đó. Về phương diện này, Malaysia đã bắt tay thực hiện chính sách “biến-hàng-xóm-của-anh-thành-kẻ-ăn-mày”. Nếu điều đó khiến Malaysia trông có vẻ tốt hơn so với các láng giềng của nó, thì chính sách dễ có kẻ bắt chước, khiến cho các nước khác thấy khó hơn khi giữ các thị trường của họ mở ngỏ.

Nhân tố cơ bản thứ ba đang hoạt động để làm tan rã hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu là các nhà chức trách tiền tệ quốc tế rõ ràng không có khả năng giữ hệ thống đó lại với nhau. Các chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có vẻ không hoạt động; thêm vào đó, IMF đang hết tiền. Sự đáp lại của các chính phủ G7 đối với cuộc khủng hoảng nước Nga, thật đáng buồn, là không đầy đủ, và sự mất kiểm soát thật là đáng sợ. Các thị trường tài chính về phương diện này khá kỳ dị: chúng bực bội với bất kỳ loại can thiệp nào của chính phủ, nhưng lại giữ chặt một niềm tin sâu sắc rằng nếu điều kiện thực sự trở nên gay go, các nhà chức trách sẽ nhảy vào. Niềm tin này nay đang rung chuyển.

Ba nhân tố này đang hoạt động cùng nhau để tăng cường dòng chảy đã đổi ngược hướng của vốn từ vùng ngoại vi về trung tâm. Cơn choáng ban đầu do cuộc suy sụp ở nước Nga có khả năng qua đi, nhưng sự căng thẳng ở vùng ngoại vi có khả năng tiếp tục. Sự rời đi của vốn bây giờ lan tỏa sang Brazil, và nếu Brazil suy sụp, Argentina sẽ bị nguy ngập. Những dự báo về sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang thu hẹp quy mô lại một cách rõ ràng, và tôi đoán rằng nó sẽ kết thúc ở khoảng giá trị âm. Nếu và khi sự suy thoái lan sang nền kinh tế chúng ta, chúng ta có thể trở nên kém sẵn lòng đón nhận hàng nhập khẩu vốn rất cần thiết để nuôi dưỡng dòng lưu chuyển đổi chiều của vốn, và sự suy sụp trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể kèm theo một sự suy sụp trong thương mại tự do quốc tế.

Đường hướng này của các sự kiện chỉ có thể ngăn chặn được bởi sự can thiệp của các nhà chức trách tài chính quốc tế. Triển vọng rất mong manh, vì các chính phủ G7 vừa mới thất bại, không can thiệp được ở nước Nga, nhưng hậu quả của sự thất bại đó có thể làm một tiếng kêu cảnh tỉnh. Có một nhu cầu khẩn cấp cần suy nghĩ lại và cải cách hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Như ví dụ Nga đã cho thấy, các vấn đề sẽ trở nên ngày càng khó giải quyết nếu chúng được cho phép mưng mủ lâu hơn.

Sự suy nghĩ lại phải bắt đầu từ chỗ thừa nhận rằng các thị trường tài chính mang đặc điểm cố hữu là không ổn định. Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu dựa trên cơ sở một niềm tin rằng nếu để mặc chúng, các thị trường tài chính có xu hướng vươn tới sự cân bằng. Người ta cho rằng chúng vận động như một con lắc: chúng có thể bị các lực bên ngoài, cái gọi là những cơn sốc ngoại sinh đẩy ra khỏi vị trí cũ, nhưng chúng sẽ tìm cách trở lại vị trí cân bằng. Niềm tin này là sai lầm. Các thị trường tài chính bị đẩy vào những sự thái quá, và nếu một chuỗi tiếp nối bùng nổ/đổ vỡ tiến quá một điểm nhất định, nó sẽ không bao giờ quay ngược trở lại xuất phát điểm ban đầu. Thay vì hoạt động như một con lắc, các thị trường tài chính gần đây hoạt động như một quả bóng rơi, đập vào hết nền kinh tế này sang nền kinh tế khác.

Người ta nói rất nhiều về việc áp đặt kỷ luật thị trường, nhưng nếu việc áp đặt kỷ luật thị trường nghĩa là áp đặt sự bất ổn định, thì xã hội có thể chịu đựng bao nhiêu sự bất ổn định? Kỷ luật thị trường cần được bổ sung bằng kỷ luật khác nữa: việc duy trì sự ổn định trên các thị trường tài chính phải là mục tiêu của chính sách công cộng. Đây là một nguyên tắc chung mà tôi muốn đề xướng.

Mặc dù có một niềm tin bao trùm vào các thị trường tự do, nguyên tắc này cũng đã được chấp nhận và thực hiện ở một quy mô quốc gia. Chúng ta có Hệ thống Dự trữ Liên bang và các nhà chức trách tài chính khác – những cơ quan được ủy thác ngăn ngừa một sự sụp đổ trong các thị trường tài chính nội địa của chúng ta và nếu cần thiết sẽ hành động với tư cách người cho vay khi các biện pháp khác thất bại. Tôi tin rằng họ có khả năng thực hiện nhiệm vụ họ được ủy thác. Nhưng buồn thay chúng ta đang thiếu các nhà chức trách thích hợp trên vũ đài quốc tế. Chúng ta có các thiết chế Bretton Woods là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn đang cố gắng một cách dũng cảm để tự thích ứng với tình thế đang thay đổi nhanh chóng. Phải thừa nhận rằng các chương trình của IMF không thành công trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay; sứ mệnh của nó và các phương pháp hoạt động của nó cần phải được xem xét lại. Tôi tin tưởng rằng có thể cần có những thiết chế bổ sung. Đầu năm nay tôi đã đề xuất việc thành lập một Công ty Bảo hiểm Tín dụng Quốc tế, nhưng hồi đó vẫn chưa rõ ràng dòng chảy đổi ngược của vốn sẽ trở nên một vấn đề nghiêm trọng đến thế, và đề xuất của tôi không gây được tác động gì. Tôi tin rằng giờ đây thời điểm của nó đã đến. Chúng ta cũng phải thành lập một loại giám sát quốc tế nào đó đối với các nhà chức trách giám sát quốc gia. Thêm nữa, chúng ta phải xem xét lại những cách làm việc của hệ thống ngân hàng quốc tế và sự vận hành của các thị trường hoán đổi và phái sinh.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s