Báo chí đa nền tảng – Phần II


2/ Nền tảng mạng xã hội

“Chung sống” hay “hợp tác” với mạng xã hội không còn là điều quá mới mẻ nữa, để tồn tại và phát triển, báo chí không còn cách nào khác là phải biến mạng xã hội trở thành “đồng minh” của mình. Sử dụng Fanpage để chia sẻ đường link từ các bài viết từ báo mạng điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội, chọn mạng xã hội là phương tiện đầu tiên truyền tải thông tin đến bạn đọc… là cách mà các tờ báo đang làm.

Hãy lấy Facebook – mạng xã hội có số người dùng đã lên tới hơn 1,9 tỷ mỗi tháng trên toàn cầu tính tại thời điểm tháng 3/2017 làm ví dụ điển hình cho việc báo chí phát triển nền tảng xã hội. Hiện nay, khi đưa thông tin lên Facebook, các tờ báo vẫn giữ 2 cách làm cơ bản. Một là chia sẻ các đường link bài viết của tờ báo lên Fanpage – thường là các bài báo đỉnh nhằm thu hút được sự quan tâm của độc giả, khi người đọc sử dụng máy tính hoặc điện thoại bấm vào thì sẽ link đến trang chủ của tờ báo và đọc nguyên văn bài báo trên trang báo này. Nhờ đó, người đọc có thể tìm đọc các nội dung khác trên tờ báo, tuy nhiên, cách này thường chậm do phải mất thời gian tải trang web. Một cách khác đó là sử dụng tính năng Instant Articles khi nguòi đọc sử dụng thiết bị di động. Tháng 5/2015, Facebook ra mắt tính năng này, chỉ sau đó không lâu, 9 đơn vị báo chí xuất bản lớn trong đó có The New York Times, NBC News, BBC, BuzzFeed… đã phổ biến các bài viết của mình trên nền tảng Facebook tại ứng dụng Instant Articles. Khi sử dụng Instant Articles, nội dung các bài viết được giữ nguyên, chỉ có các tính năng được nâng cấp để người dùng sử dụng thuận tiện hơn rất nhiều. Khi người đọc nhìn thấy bài viết, chỉ cần bấm vào là toàn bộ các nội dung sẽ hiện ra ngay lập tức với tốc độ tải nhanh hơn. Chưa hết, người đọc còn có thể tương tác với chính các nội dung trong bài viết như xem ảnh chất lượng cao, video tự động chạy khi cuộn tới, phóng to thu nhỏ hình trong bài viết, có thể lướt để đọc các bài báo khác trên cùng tờ báo, có thể tương tác với bản đồ, nghe các đoạn audio có trong bài và thậm chí là ấn nút like, tiến hành bình luận, chia sẻ vào từng đoạn của bài viết nếu thích.

Việc bắt tay này nằm trong xu hướng về những loại tin tức được sản xuất, phát hành và tạo doanh thu gọi là “distributed content” – hình thức các cơ quan báo chí trao đổi nội dung cho các nền tảng như Facebook hay Twitter mà không gắn kết trở lại với website của mình để người dùng mobile có thể truy cập nhanh chóng. Trên thực tế, Snapchat mới là nền tảng đầu tiên khơi mào cho xu hướng này với tính năng Discover được tung ra vào tháng 1/2015. Snapchat đã thu hút được những nguồn tin rất đa dạng, từ CNN, NatGeo, Buzzfeed, Mashable, DailyMail cho đến Vice, People, Cosmopolitan, MTV, Food Network… Cuộc đua trở nên sôi động khi ngay sau đó Google, Instagram và Apple cũng nhanh chóng vào cuộc.

Với sự hợp tác này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như The New York Times, là đối tác của Instant Articles từ tháng 10/2015, các bài báo của The New York Times đăng trên Facebook có số chia sẻ trung bình cao gấp 3,5 lần, like gấp 2,5 và con số bình luận (comment) gấp 5,5 lần so với trên các đường link thông thường, theo khảo sát của Newswhip. Tổng giám đốc BBC World Service Francesca Unsworth trong bài phát biểu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 28/3/2017 cũng chia sẻ, vào tháng 2/2017, ban BBC Tiếng Việt bắt đầu thử chức năng Instant Articles của Facebook và ngay lập tức nó đem lại một phần tư số độc giả. Nhờ đó, đến tháng 3, nội dung của BBC Tiếng Việt đã đến được với 4 triệu người.

Một ví dụ điển hình khác của việc báo chí ngày càng coi trọng nền tảng mạng xã hội là câu chuyện của hãng tin AP. Tối 19/12/2016, tay súng Mevlut Mert Altintas đã bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey G. Karlov khi ông đang phát biểu tại một triển lãm tranh. Phóng viên Burhan Ozbilici của AP đã ghi lại được toàn bộ sự cố đó và thay vì đưa tin lên mạng, sau hơn 2h vụ việc xảy ra, tài khoản chính thức chuyên về ảnh của AP trên Facebook đã đăng tải bức ảnh chụp tay súng đang đứng cạnh thi thể và giơ tay tỏ ý chiến thắng. Bức ảnh ngay lập tức khiến thế giới chấn động, chỉ sau 6h được đăng tải, đã có đến 9 triệu lượt xem, được chia sẻ lại hơn 45000 lần với 5600 bình luận và 28000 lượt bày tỏ cảm xúc. Trang tin tức truyền thông xã hội Mashable đã dẫn lới một thành viên Newswhip cho rằng, bức ảnh vụ ám sát này thu hút sự chú ý cao gấp 175 lần mức trung bình dành cho trang ảnh của AP.

Đầu tháng 9/2016, hai mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook và Twitter đã “bắt tay” với nhiều hãng thông tấn quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn những thông tin sai lệch và cải tiến chất lượng tin tức trên mạng xã hội. Liên minh mang tên First Draft News ngày 13/9 thông báo sẽ có khoảng 20 hãng thông tấn, báo chí đã tham gia mạng lưới chia sẻ thông tin về thực hành báo chí trong thời đại công nghệ thông tin này.

Sự “bắt tay” của báo chí và mạng xã hội đã tạo ra một cú nhảy vọt lớn, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin. Có thể nói rằng nền tảng xã hội, báo chí đã tìm được con đường đến với độc giả nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều là màu hồng, nền tảng xã hội cũng đã tạo ra những nguy cơ mà không tỉnh táo, các cơ quan báo chí có thể đánh mất mình. Thông thường, các tờ báo chỉ đưa một phần thông tin lên mạng xã hội, như là một cách để thu hút độc giả, tuy nhiên, càng ngày việc “giao phó” nội dung cho các mạng xã hội  càng phổ biến, thậm chí Washington Post đưa 100% thông tin lên mạng xã hội. Cho đến nay, sau 2 năm, “distributed content” không còn là xu hướng mới mà đã trở nên rất phổ biến và thực sự đang tạo nên một “cuộc chiến” giữa các nhà nghiên cứu về việc lợi hay hại khi báo chí chạy theo xu hướng này. Ngả về “distributed content”, báo chí sẽ đánh mất tầm ảnh hưởng, thay vì tìm đến báo chí, người đọc có thể chọn các mạng xã hội làm nguồn tin chính, thậm chí báo chí sẽ trở thành các công ty sản xuất nội dung phục vụ các nền tảng xã hội và tình trạng đốc quyền  thông tin của các mạng xã hội hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, nhiều tờ báo sẽ đứng trước nguy cơ “chết” bởi doanh thu từ quảng cáo sụt giảm, bản thân người đọc cũng không quan tâm bài báo đó do tờ báo nào viết, tác giả nào viết và một khi Facebook thay đổi thuật toán của họ, các tờ báo bắt buộc phải chạy theo trong tư thế đánh mất mình. Trong bài viết chuyên đề “Chiến lược nào cho báo chí khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ”, VietnamPlus đã đưa ra những mối nguy mà báo chí gặp phải khi bắt tay với các mạng xã hội như sau:

“Các nền tảng đặt luật chơi cho hệ sinh thái của họ và thực thi quyền lực khi họ muốn (ví dụ Facebook kiểm duyệt bức hình em bé Napal khi tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten đăng tải vì thuật toán chỉ nhận diện được hình khỏa thuân mà không hiểu đực bối cảnh là sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh ở Việt Nam).

Các nền tảng tung ra các sản phẩm hoặc tính năng mới và lôi kéo các đối tác tham gia, nhưng rồi họ đổi ý và đơn phương hủy bỏ các sản phẩm này (ví dụ như Facebook thuyết phục các nhà xuất bản tin tức đầu tư vào các ứng dụng tin tức timeline hồi năm 2011 rồi ngưng dự án vào năm 2012).

Các nền tảng tung hô đối tác lên tận mây xanh rồi lại nhấn xuống bùn đen nếu muốn (ví dụ nước Zynga, một công ty sản xuất social game, trở thành nhà phát triển và đối tác kinh doanh hàng đầu của Facebook vào năm 2010 nhưng sự hợp tác này đã chấm dứt vào năm 2012).

Tại Việt Nam, cuối năm 2015, Facebook đưa một số báo và trang web vào danh sách triển khai Instant Articles đợt đầu tiên và cho phép tất cả các tờ báo sử dụng tính năng này kể từ ngày 12/04/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều tờ báo vẫn từ chối sử dụng tính năng này hoặc sử dụng một cách không triệt để.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị Trường Giang – Báo chí và truyền thông đa phương tiện – NXB ĐHQG HN 2017

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s