Dẫn luận cho Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – Phần I


Cuốn sách này nỗ lực đặt nền móng cho một xã hội mở toàn cầu. Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu, nhưng tổ chức chính trị của xã hội toàn cầu chúng ta, buồn thay, lại không đầy đủ. Chúng ta hoàn toàn không có khả năng gìn giữ hòa bình và hành động đáp lại những thái quá của các thị trường tài chính. Nếu không có những sự kiểm soát này, nền kinh tế toàn cầu có thể sụp đổ.

Nền kinh tế toàn cầu có đặc điểm không chỉ ở tự do buôn bán hàng hóa và dịch vụ, mà thậm chí hơn thế nữa, ở sự vận động tự do của vốn. Lãi suất, tỉ giá hối đoái, và giá chứng khoán ở các nước khác nhau có liên quan qua lại mật thiết, và các thị trường tài chính toàn cầu có ảnh hưởng cực lớn tới các điều kiện kinh tế. Nếu xét vai trò quyết định mà tư bản toàn cầu quốc tế đang đóng trong vận may rủi của các nước riêng lẻ, thì không phải là không thích hợp nếu nói đến một hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu.

Tư bản tài chính được hưởng một địa vị đặc quyền. Vốn cơ động hơn các nhân tố khác của sản xuất, và tư bản tài chính thậm chí còn cơ động hơn cả đầu tư trực tiếp. Tư bản tài chính lưu chuyển tới nơi nào nó được bồi hoàn tốt nhất: vì nó là dấu hiệu báo trước sự thịnh vượng, các nước cạnh tranh nhau để thu hút nó. Do những ưu thế này, vốn ngày càng được tích lũy nhiều hơn ở các thiết chế tài chính và các công ty công chúng đa quốc gia: quá trình này diễn ra thông qua sự trung gian của các thị trường tài chính.

Sự phát triển của các nền kinh tế toàn cầu không được đi kèm bởi sự phát triển song hành của một xã hội toàn cầu. Đơn vị cơ bản của đời sống chính trị và xã hội vẫn là nhà nước – dân tộc. Luật quốc tế và các thể quốc tế dù có, vẫn không đủ mạnh để ngăn ngừa chiến tranh hay vi phạm quyền con người trên quy mô lớn ở các nước riêng lẻ. Các đe dọa về sinh thái không được giải quyết đầy đủ. Các thị trường tài chính toàn cầu phần lớn ở ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách quốc gia hay quốc tế.

Tôi cho rằng tình trạng hiện nay là không lành mạnh và không thể tiếp tục. Các thị trường tài chính mang tính không ổn định cố hữu, và có những nhu cầu xã hội không thể được đáp ứng bằng cách để cho các lực lượng thị trường tự do hoành hành. Thật không may, những thiếu sót này lại không được thừa nhận. Thay vào đó, có một niềm tin rộng rãi rằng các thị trường mang khả năng tự sửa chữa, và một nền kinh tế toàn cầu có thể nảy nở mà không cần một xã hội toàn cầu. Người ta tuyên bố rằng lợi ích chung sẽ được phục vụ tốt nhất bằng cách cho phép mọi người chăm lo cho lợi ích riêng của chính anh ta hay chị ta, và rằng những nỗ lực bảo vệ lợi ích chung bằng việc ra quyết định tập thể sẽ làm méo mó cơ chế thị trường. Ý tưởng này được gọi là tự do kinh doanh (“laissez faire”) ở thế kỷ XIX nhưng nó có thể không phải là một cái tên hay ngày nay, vì nó là một từ Pháp và hầu hết những người tin ở phép màu của thị trường không nói tiếng Pháp. Tôi đã tìm ra một cái tên hay hơn cho nó: thuyết nguyên giáo thị trường (market fundamentalism).

Chính thuyết nguyên giáo thị trường đã khiến cho hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu không lành mạnh và không thể tiếp tục được. Đây là một tình cảnh tương đối mới đây. Vào cuối thế chiến thứ hai, sự lưu động quốc tế của vốn còn hạn chế và các thiết chế Bretton Woods được thành lập để tạo điều kiện dễ dàng cho thương mại khi sự lưu động vốn còn chưa có. Các hạn định đã được gỡ bỏ dần dần, và chỉ khi Margaret Thatcher và Ronald Reagan lên cầm quyền khoảng năm 1980 chủ nghĩa nguyên giáo thị trường mới trở thành một hệ tư tưởng thống trị. Chính thuyết nguyên giáo thị trường đã đặt tư bản tài chính vào địa vị cầm lái.

Đương nhiên đây không phải lần đầu tiên chúng ta có một hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Những đặc điểm chính của nó lần đầu tiên được nhận dạng khá tiên tri bởi Karl Marx và Friedrich Engels trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản công bố năm 1848. Cái hệ thống thịnh hành ở nửa sau thế kỷ 19 bằng cách nào đấy lại ổn định hơn cái biến thể hiện nay. Thứ nhất, có những cường quốc đế quốc mà Vương quốc Anh là nổi bật trước hết trong đó; các cường quốc này thu được lợi nhuận đủ lớn từ vị trí ở trung tâm của hệ thống để thấy cần giữ gìn nó. Thứ hai, có một đồng tiền quốc tế duy nhất dưới hình thức vàng; ngày nay có ba đồng tiền chủ yếu – đồng USD, đồng Mark Đức mà sớm trở thành đồng tiền chung châu Âu (Euro); và đồng Yen – cả ba đang cọ xát nhau như những vỉa kiến tạo, thường gây nên động đất, xô đẩy làm tan vỡ các đồng tiền thiết yếu trong quá trình đó. Thứ ba và quan trọng nhất là đã từng có những niềm tin và quy chuẩn đạo đức chung, không nhất thiết được thực thi, song được chấp nhận rất phổ biến là đáng mong muốn. Các giá trị này kết hợp một đức tin vào lý trí và một sự kính trọng khoa học với truyền thống đạo đức Do Thái – Cơ Đốc giáo, và nói chung cung cấp một sự chỉ dẫn đáng tin cậy hơn về điều gì đúng và điều gì sai so với những giá trị thịnh hành ngày nay. Các giá trị tiền tệ và thị trường giao dịch không tạo một cơ sở đầy đủ cho sự cố kết xã hội. Mệnh đề này có thể không nhiều ý nghĩa lắm đối với độc giả như nó vốn có, nhưng nó sẽ được nêu rõ ra trong cuốn sách này.

Mặc dù có tính ổn định tương đối của nó, hiện thân thế kỷ 19 của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu đã bị phá hủy bởi cuộc Thế chiến thứ nhất. Sau cuộc chiến tranh, đã có một nỗ lực yếu ớt nhằm tái dựng nó, nhưng nỗ lực đó đã đi đến một kết thúc tồi tệ trong cuộc sụp đổ năm 1929 và cuộc Đại suy thoái tiếp theo. Nếu xét rằng những yếu tố của tính ổn định đã từng có ở thế kỷ 19 mà nay lại không có, thì sẽ có khả năng tới đâu là biến thể hiện nay của chủ nghĩa tư bản toàn cầu cũng đi đến một kết thúc tồi tệ?

Tuy vậy có thể tránh được một thảm họa nếu chúng ta thừa nhận những thiếu sót của hệ thống chúng ta và sửa chữa chúng kịp thời. Những thiếu sót này xuất hiện như thế nào và làm thế nào có thể sửa chữa chúng? Đây là những câu hỏi mà tôi đề xướng để xem xét. Tôi lập luận rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu là một hình thức méo mó của một xã hội mở, và những thái quá của nó có thể sửa chữa nếu những nguyên tắc của xã hội mở được hiểu rõ hơn và được ủng hộ rộng rãi hơn.

Thuật ngữ “xã hội mở” được lưu hành bởi Karl Popper trong cuốn sách của ông Xã hội mở và những kẻ thù của nó. Vào thời điểm cuốn sách được công bố năm 1944, xã hội mở bị đe dọa bởi các chế độ cực quyền là những chế độ dùng quyền lực của nhà nước để áp đặt ý chí của họ lên dân chúng. Khái niệm xã hội mở có thể dễ hiểu hơn nếu tương phản nó với các xã hội đóng mà các hệ tư tưởng cực quyền nuôi dưỡng. Điều này vẫn đúng đến tận khi sụp đổ hệ thống Xô viết năm 1989. Các xã hội mở – thường được nói đến bằng tên chung là phương Tây – đã bộc lộ sự cố kết đáng kể khi đối mặt một kẻ thù chung. Nhưng sau sự sụp đổ của hệ thống Xô viết, xã hội mở với sự nhấn mạnh của nó vào tự do, dân chủ, và sự thống trị của pháp luật, đã mất đi nhiều sức thu hút của nó với tư cách một nguyên tắc tổ chức, và chủ nghĩa tư bản toàn cầu nổi lên toàn thắng. Chủ nghĩa tư bản với việc nó dựa chỉ riêng vào các lực lượng thị trường, cũng đặt ra một nguy cơ loại khác cho xã hội mở. Nội dung trung tâm của cuốn sách này là chủ nghĩa nguyên giáo thị trường ngày nay là một mối đe dọa lớn cho xã hội mở, hơn bất kỳ hệ tư tưởng cực quyền nào.

Lời tuyên bố này hẳn gây choáng khá lớn. Nền kinh tế thị trường là bộ phận hợp thành của xã hội mở. Friedrich Hayek, nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ 20 của kinh tế học “laissez-faire”, là một người vững tin vào khái niệm xã hội mở. Làm thế nào một chủ nghĩa nguyên giáo thị trường có thể đe dọa xã hội mở?

Cho phép tôi tự làm rõ ý kiến của mình. Tôi không nói rằng thuyết nguyên giáo thị trường hoàn toàn đối lập với ý tưởng về xã hội mở theo cách thức mà chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đã làm. Rất trái ngược với điều đó là đằng khác. Các khái niệm xã hội mở và nền kinh tế thị trường gắn chặt với nhau, và thuyết nguyên giáo thị trường có thể coi như chỉ là một sự bóp méo ý tưởng về xã hội mở. Điều đó không hề làm nó kém nguy hiểm hơn chút nào. Thuyết nguyên giáo thị trường gây nguy hiểm cho xã hội mở một cách không cố ý bằng cách diễn giải sai về cách các thị trường hoạt động và dành cho chúng một vai trò quá lớn.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s