Ruchir Sharma
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình tại các thị trường kinh tế mới nổi đến giữa thập niên vừa qua lần đầu tiên đạt mức hơn 7% năm và các nhà dự báo được dịp phóng đại quá mức về mối tương quan ảnh hưởng của nó. Theo dự báo, Trung Quốc không bao lâu sẽ là cường quốc vượt qua của Mỹ, và Ấn Độ có số dân khổng lồ hoặc Việt Nam sẽ là Trung Quốc tiếp theo trong tương lai. Theo kết quả thăm dò, các chuyên gia tiên đoán rằng Bắc Kinh sẽ sớm dẫn đầu nhóm BRIC – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – sẽ trở thành siêu cường duy nhất trong khi vai trò của phương Tây mờ nhạt dần. Điều này dẫn tới sự phổ biến của cụm từ viết tắt CIVET – Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi xuất phát từ cụm từ MIST (Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ).
Năm năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, phần lớn sự phấn chấn và những cụm từ viết tắt nêu trên đã trở nên lỗi thời. Tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi đã giảm xuống 4% trong năm 2013 lúc BRIC đang tan vỡ. Nước nào cũng có lý do riêng của nó và tuy những cuộc họp thượng đỉnh vẫn diễn ra như thường lệ song chúng chỉ nhằm làm rõ thêm những khó khăn trong việc tạo dựng một khối thật sự có ý nghĩa từ các chính thể chuyên chế và chính thể dân chủ vốn có những lợi ích kinh tế xung đột. Khi dự báo thổi phồng mất dần, các nhà dự báo phải xem xét lại những sai lầm trong dự đoán của mình vào thời điểm đỉnh cao của sự bùng nổ các nước BRIC.
Sai lầm của họ rất nhiều. Các nhà tiên đoán không coi các thị trường mới nổi như những câu chuyện cá nhân, và họ bắt đầu gộp chúng vào một nhóm vô danh với từ viết tắt dễ nhớ nhưng vô nghĩa. Họ quá tin tưởng vào tuyên bố của các lãnh đạo chính trị, những người chịu trách nhiệm về sự bùng nổ và bỏ qua các lực lượng toàn cầu khác, chẳng hạn như gói kích thích kinh tế của Mỹ và châu Âu đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà dự báo cũng đưa ra dự đoán dựa trên một yếu tố duy nhất – nhân khẩu học. Trong khi nghiên cứu cho thấy một loạt các yếu tố phức tạp khác cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tóm lại, các nhà dự báo đã mắc lỗi khi thực hiện phương pháp ngoại suy. Họ cho rằng xu hướng gần đây sẽ tiếp tục vô thời hạn và các nền kinh tế nóng sẽ tiếp tục phát triển nóng, bỏ qua bản chất vốn có tính chu kỳ của sự phát triển chính trị và kinh tế. Sự phấn chấn vượt qua tính khả thi – một quá trình làm sai lệch dự báo kinh tế.
Hội chứng đơn tử (Lý thuyết một yếu tố)
Lịch sử cho thấy phương pháp ngoại suy tuyến tính hầu như bao giờ cũng sai. Tuy thế, các chuyên gia bị thu hút bởi ý tưởng mơ mộng và ám ảnh của phương pháp này dường như không thể không áp dụng nó. Trong thập niên 1960, Philippines đã giành quyền đăng cai trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển châu Á vì cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia này vào thời điểm đó sẽ đưa Philippines trở thành ngôi sao của khu vực trong nhiều năm tới. Điều đó đã không xảy ra bởi trong thập kỷ tiếp theo, tăng trưởng kinh tế đã bị đình trệ do chính sách sai lầm của nhà độc tài Ferdinand Marcos (nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn giữ nguyên dự báo). Tuy nhiên, phương pháp ngoại suy vẫn tiếp tục tồn tại, và trong những năm 1970, suy nghĩ như vậy đã dẫn các học giả Mỹ và cơ quan tình báo dự đoán tương lai thuộc về Liên Xô, và trong những năm 1980 sẽ thuộc về Nhật Bản. Sau sự bùng nổ thị trường mới nổi của thập kỷ qua, phương pháp ngoại suy ngày càng thêm bất hợp lý. Dự báo cho rằng các sức mạnh kinh tế trong thế kỷ XVII của Trung Quốc và Ấn Độ là bằng chứng cho thấy hai quốc gia này sẽ thống trị trong thập kỷ tới, và thậm chí trong những thế kỷ tới.
Sự bùng nổ cũng cho thấy rõ một lỗi dự báo thường gặp khác: các dự đoán dựa vào các lý thuyết đơn tử. Sự bùng nổ của Trung Quốc một phần nhờ vào lao động giá rẻ của một quốc gia có dân số đang trẻ hóa, các nhà dự báo bắt đầu tìm kiếm các nền kinh tế phát triển nóng tiếp theo ở một quốc gia với đặc điểm dân số tương tự – mà bỏ qua thách thức trong việc phát triển một ngành sản xuất tiên tiến để tạo việc làm cho tất cả mọi người. Đã từng có những người theo trường phái kinh tế tự do cho rằng một nhà nước minh bạch khuyến khích đầu tư là yếu tố quyết định, tuy nhiên dù là chính phủ dân chủ hay độc tài thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng không khác gì nhau trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Những người theo trường phái đạo đức kinh doanh cho rằng nợ luôn luôn là xấu (quan niệm này càng được củng cố sau cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008), mặc dù tăng trưởng kinh tế và tín dụng đi đôi với nhau.
Hạn chế của lý thuyết đơn tử là không theo sát các sự kiện đang diễn ra hoặc đánh giá quá cao những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho mỗi quốc gia. Một mặt, thể chế nhà nước và đặc điểm về dân số thay đổi quá chậm để có thể dự đoán rõ ràng về hướng đi của nền kinh tế. Mặt khác, những người dự báo – những người cho rằng thay đổi về văn hóa và tăng trưởng kinh tế có cùng tốc độ mà không tính đến tốc độ thay đổi rất nhanh của văn hóa. Lấy Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ làm ví dụ, các nền dân chủ Hồi giáo lớn, nơi kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã phản bác lại quan điểm cho rằng Hồi giáo cản trở sự phát triển kinh tế.
Lý thuyết tổng quát thường không dự đoán được những gì sắp xảy ra. Những người theo quan điểm địa lý là yếu tố quan trọng không thể lường trước được sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua của một số quốc gia có vị trí địa lý không thuận lợi, như các quốc gia giáp biển như Armenia, Tajikistan và Uganda. Ở Kazakhstan, giá dầu tăng cao đã giúp cho nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài suốt thời kỳ hậu Xô Viết.
Tính chất rõ ràng mạch lạc của lý thuyết đơn tử đã tạo nên sức hấp dẫn của nó. Nhưng do những thuyết này bỏ qua những thay đổi nhanh chóng của cạnh tranh toàn cầu, tạo ra bức tranh kém thuyết phục để dựa vào đó mà lập kế hoạch cho 5 – 10 năm tới. Sự thật là các chu kỳ kinh tế ngắn, thường chỉ kéo dài 3 – 5 năm từ đỉnh tới đáy. Tình hình cạnh tranh có thể thay đổi hoàn toàn trong thời gian đó, dù thông qua đổi mới công nghệ hay thay đổi chính trị.
(còn tiếp)
Người dịch: Nguyễn Đại
Nguồn: Ruchir Sharma – The Ever-Emerging Markets. Why Economic Forecast Fail – Foreign Affairs, January/February 2014
TN 2014 – 72