Về khả năng Thái Lan bắt tay Việt Nam để xuất khẩu gạo


Theo tạp chí The Diplomat ngày 31/5, một cơ quan xuất khẩu của Thái Lan ngày 30/5 đã chất vấn về đề xuất của Thái Lan và Việt Nam thành lập một tập đoàn xuất khẩu gạo, theo đó sẽ gộp thị phần của hai nước với nhau nhằm hỗ trợ nông dân và quản lý chi phí sản xuất đang tăng cao.

Ông Thanakorn Wangboonkongchana, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan đã thông báo về đề xuất nói trên sau khi các quan chức nông nghiệp của hai nước gặp nhau bên lề một hội chợ triển lãm nông trại ở Bangkok.

Ông Thanakorn Wangboonkongchana nói rằng, giá gạo “đã ở mức thấp trong hơn 20 năm qua trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng”. Mục đích của sự hợp tác này là “nhằm tăng giá gạo, tăng thu nhập của nông dân và tăng khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu”.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh thị trường gạo toàn cầu đang dư thừa với giá gạo ở Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm do đồng Rupee mất giá và nguồn cung dồi dào tại các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, sau Ấn Độ, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Do đó, bất kỳ động thái hợp tác nào giữa hai nước để hình thành một tập đoàn điều hành giá gạo có thể có những tác động đáng kể đến thị trường gạo toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh giá các mặt hàng cơ bản tăng mạnh trên toàn cầu do chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan, nói với Reuters rằng ý tưởng này không thực sự tốt. Nếu Thái Lan và Việt Nam tăng giá một cách đồng bộ, những người mua nhạy cảm với giá sẽ chuyển sang các nhà cung cấp thay thế, chẳng hạn như Ấn Độ, nước chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Ông Chookiat cho biết: “Các chính trị gia không am hiểu về thị trường gạo và họ không thảo luận về vấn đề này với hiệp hội”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng nói rằng, mụ tiêu của các cuộc đàm phán với Thái Lan không phải là kiểm soát giá cả mà là an ninh lương thực: “Sẽ không hợp lý khi nói về việc tăng hoặc kiểm soát giá gạo vào thời điểm này khi mà giá lương thực toàn cầu đang tăng”.

Những thông điệp khác nhau này cho thấy mức độ không chắc chắn về kế hoạch hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có một thỏa thuận như vậy, nó sẽ phản ánh một xu hướng ngày càng tăng về việc các chính phủ can thiệp vào hoạt động của thị trường để đạt được các mục tiêu quốc gia, chẳng hạn như kiểm soát giá cả hoặc duy trì sự ổn định chính trị trong nước.

Ở Đông Nam Á, ví dụ mới nhất về chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy này là việc chính phủ Indonesia áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với cả than đá và dầu cọ, đặc biệt là lệnh cấm toàn diện với dầu cọ, nhằm kiểm soát giá toàn diện và dầu ăn trong nước. Malaysia cũng đã tạm dừng xuất khẩu thịt gà do tình trạng khan hiếm trong nước và giá cả tăng cao, dẫn đến tình trạng khan hiếm ở Singapore vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Khi giá toàn cầu tiếp tục tăng trong bối cảnh bất ổn ở Đông Âu, những can thiệp tương tự của các chính phủ có thể xảy ra trong những tháng tới.

Nguồn: TKNB – 02/06/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s