Bên cạnh đó, một trong những chiến lược nổi bật của báo mạng điện tử là chiến lược nội dung. Nhà báo Meredith Artley của CNN nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao Mạng lưới các Tổng Biên tập Toàn cầu (GEN) vào tháng 6/2016 rằng: “Đúng là có những thuật toán trên Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác. Chúng ta không kiểm soát được chúng. Nhưng chúng ta kiểm soát những bài báo mà chúng ta viết ra, cách thức chúng ta thực hiện, chúng ta cũng kiểm soát vị trí và thời điểm chúng ta đăng tải những bài báo đó”. Thông tin trên báo mạng điện tử không còn chỉ nhanh mà còn sâu rộng, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của độc giả. Dường như trước đây, nội dung là thế mạnh của các tờ báo mạng điện tử có thu phí như The New York Times, Wall Street Journal thì nay, rất nhiều tờ báo mạng điện tử lớn trên thế giới đã đi theo con đường tăng nội dung thông tin. Người đọc có thể tìm thấy tất cả mọi thứ chỉ bằng những đường link và những lần nhấp chuột. Gói tin tức, siêu tác phẩm báo chí, longorm (những bài báo dài, phân tích chuyên sâu về một vấn đề nào đó), dữ liệu… là những hình thức mới rất hấp dẫn của báo mạng điện tử. Đặc biệt, nhanh, chính xác không còn là tiêu chí hàng đầu của các tờ báo mạng điện tử. Cách thức triển khai bài báo hấp dẫn, đầy tính sáng tạo trên sự hỗ trợ của công nghệ cao đã trở thành một hướng mới được rất nhiều tờ báo chú trọng. “The Russia Left Behind: A journey through a hearland on the slow road to ruin” của Ellen Bary đăng trên The New York Times dựa trên một bản đồ tương tác, là một câu chuyện dài xuyên suốt nước Nga, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chữ viết, bản đồ, hình ảnh, video… tạo nên một tác phẩm vô cùng cuốn hút. “Washington: A world apart” đăng tải trên Washington Post cả bài báo là một kho dữ liệu vô cùng lớn đòi hỏi sự đầu tư vô cùng công phu. “Orlando El Duque” Hernandez in la Granfuga” đăng tải trên tờ Victoryjournal là một tác phẩm vô cùng độc đáo. Cả bài báo không có một bức ảnh hay một video, audio nào nhưng kết hợp nhuần nhuyễn của chữ viết, đồ họa cùng lối kể chuyện cuốn hút của tác giả đã mang đến một tác phẩm thu hút, không thể trộn lẫn…
Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, công nghệ web 2.0 được dự báo sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của các tờ báo mạng điện tử. Về cơ bản, Web 2.0 trao quyền nhiều hơn cho người dùng đặc biệt, người dùng có thể đưa lên mạng bất cứ thông tin gì họ muốn… Wikipedia là một ví dụ điển hình. Với Web 2.0, người tiêu dùng đang dần trở thành người sản xuất ra những nội dung thông tin cho chính mình, chính vì vậy, đây có thể coi như là khởi nguồn của một tờ báo công dân. Mặc dù vẫn còn đang được tiếp nhận một cách chưa thực sự cởi mở, một số tập đoàn báo chí nhanh nhạy với công nghệ trên thế giới đã tiến hành áp dụng Web 2.0 như tờ The Sun (Anh), News24.com (Nam Phi), The Asashi Shimburi (Nhật Bản), Sinchew-i.com (Malaysia), Sanoma (Phần Lan), Los Angeles Times (Mỹ), Gatehouse Media (Mỹ), The New Straits Times (Singapore)… và thu được những thành công đáng ghi nhận.
5/ Những nền tảng khác
Ngoài ba nền tảng cơ bản là nền tảng xã hội, di động và web, nhiều tờ báo còn tìm kiếm những nền tảng phi báo chí khác như các màn hình công cộng tại các quảng trường, nhà ga, trên các phương tiện công cộng như tàu điện, tàu hỏa, xe buýt, máy bay, hệ thống truyền hình trong các khách sạn… Tuy nhên, đây là những nền tảng nhỏ, chỉ mang tính mở rộng, không có những chiến lược lâu dài và tập trung.
Có thể kể ra một số hình mẫu thành công trên thế giới nhờ sớm áp dụng chiến lược đa nền tảng, như FT Group và TMG đều đến từ nước Anh.
FT Group là một bộ phận thuộc tập đoàn Pearson PLC, sở hữu tờ Financial Times (FT) kể từ năm 1957 và có nhiều hoạt động kinh doanh khác liên quan đến phân tích tài chính. Vốn phát hành báo tại London nhưng giờ đây có tầm bao phủ toàn cầu, FT được coi là tờ báo sáng tạo hàng đầu và liên tục về online trong thế giới các nhật báo. Họ ra mắt trang FT.com vào tháng 5/1995 và áp dụng việc thu phí vào năm 2002. Tháng 7/2006, FT công bố dự định tích hợp tờ báo in sâu hơn với FT.com, và việc này diễn ra đồng thời với một chương trình cắt giảm nhân sự tự nguyện. Hệ thống thu phí metered paywall được áp dụng vào năm 2007, rồi tiếp theo là ứng dụng mobile sử dụng công nghệ HTML5 vào năm 2011.
Điều đặc biệt quan trọng là các nguồn thu đã thay đổi. Vào năm 2006, nguồn thu từ nội dung số chỉ chiếm 14% nhưng vào năm 2011, con số này đã tăng lên 47%. Tính chung số người trả tiền đọc tờ Financial Times (gồm cả báo in và điện tư vào tháng 10/2013 đạt 629.000, cao hơn nhiều so với mốc đỉnh cao phát hành của báo in và là mức cao nhất trong lịch sử 125 năm hoạt động của báo này.
Trong khi đó TMG, sở hữu tờ Telegraph, vào năm 2013 đã hợp nhất hoạt động nội dung thành một hoạt động thống nhất, phục vụ các sản phẩm in và nội dung số 24 giờ mỗi ngày. Giờ đây, thu nhập của Telegraph là 50% từ quảng cáo và 50% từ phát hành. Số phát hành báo in hằng ngày là 571.000 trong khi số người trả tiền nội dung số là 320.000. Trong số 61 triệu người dùng đơn lẻ mỗi năm, chỉ có 23 triệu từ Anh, có nghĩa Telegraph đã trở thành một trang web toàn cầu. Tại quê hương mình, Telegraph là tờ báo đứng thứ 7 và nhận được khoảng 20.000 bình luận của độc giả mỗi ngày. Lượng truy cập website tăng gấp 10 lần kể từ năm 2006, khi hoạt động sản xuất báo in và nội dung số lần đầu tiên được tích hợp.
Còn tại Việt Nam, sự tác động của mạng xã hội đến báo chí đã bước đầu được nhận thức, tuy nhiên, đa phần các cơ quan báo chí Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với báo chí đa phương tiện và mô hình tòa soạn hội tụ, chưa đầu tư thích đáng cho sự tương tác với mạng xã hội hay báo chí di động. Rất nhiều tờ báo đã có fanpage trên Facebook và có số lượng chia sẻ bài viết khá cao – ví dụ Fanpage của VnExpress đưa lên trang mạng gần 30 tin/bài/ngày; xu hướng “distributed content” đã bắt đầu hình thành và được nhiều tờ báo ứng dụng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, báo chí Việt Nam chưa thật sự tập trung cho nền tảng xã hội, sự tương tác chưa nhiều, hầu hết các tờ báo đã khóa comment của độc giả và việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Đối với nền tảng di động, nhiều tờ báo vẫn đang tiếp tục xây dựng phiên bản mobile, các app đọc báo trên di động đã có khá nhiều như Moza (Tinh Vân), Socbay Media (Naiscorp), Tin ngắn (Viettel), Báo mới (ePi), Thanh niên (báo Thanh niên), Người đưa tin (Netlink), Tuổi trẻ (báo Tuổi trẻ), VnExpress (báo VnExpress), Dân trí (báo Dân trí)… và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới cùng với sự bùng nổ của thiết bị di động. Tuy nhiên, cách sử dụng nền tảng di động hiện nay của các tờ báo mạng điện tử Việt Nam vẫn là thu nhỏ trang báo cho vừa với màn hình di động, chưa có những bước đột phá về nội dung.
Trên thực tế, dù được coi là xu hướng tất yếu cho tương lai, báo chí đa nền tảng cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ, đặc biệt là tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam bởi phải đầu tư cả về tiền bạc lẫn công nghệ, phải có một đội ngũ nhân lực mạnh cùng những chiến lược bài bản và lâu dài… Tuy vậy, khi đã nắm bắt được xu hướng và có những bước đi đúng đắn, các tòa soạn báo chắc chắn sẽ gặt hái được “quả ngọt” cho sự đầu tư của mình.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị Trường Giang – Báo chí và truyền thông đa phương tiện – NXB ĐHQG HN 2017