Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XVIII


5/ Hàn Quốc

Khoảng 50 năm về trước, Hàn Quốc có một sự tương đồng khá lớn với Việt Nam, thậm chí nhiều mặt kém Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghệ và quản trị để chấn hưng đất nước. Trọng tâm của cuộc cách mạng này là đổi mới sáng tạo ở mọi cấp bậc.

a/ Cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sang tạo tại Hàn Quốc

Năm 2003, Chính phủ đã khởi động chương trình hướng đến đổi mới sang tạo trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xem các địa phương kém phát triển so với thủ đô là nguồn phát triển mới. Những nỗ lực biến Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sang tạo đề ra nhiều biện pháp công nghệ và đổi mới sang tạo khác nhau, được điều phối bằng các luật và kế hoạch quốc gia. Ở mức cao nhất có “Tầm nhìn năm 2025”, được thiết lập vào năm 1999. Trong tầm nhìn dài hạn cho phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025, đề những hướng phải thực hiện, xây dựng một nền kinh tế tiên tiến và phồn vinh thông qua phát triển khoa học – công nghệ, bằng cách tạo mới, sử dụng và phổ biến tri thức, đề cao hiểu biết khoa học và hình thành hệ thống quản lý tiến bộ của khoa học – công nghệ quốc gia.

Với kế hoạch này, Hàn Quốc đồng thời xác định những định hướng phát triển rõ ràng:

+ Chuyển dần hệ thống đổi mới quốc gia từ “chính phủ dẫn dắt” sang “tư nhân dẫn dắt” ;

+ Nâng cao hiệu quả của đầu tư R&D quốc gia;

+ Làm cho hệ thống khoa học – công nghệ hòa hợp với hệ thống toàn cầu;

+ Ứng phó được với những thách thức và tận dụng được những cơ hội do công nghệ mới đem lại.

Dựa trên “Tầm nhìn năm 2025”, Luật khung về khoa học và công nghệ đã được soạn thảo để thúc đẩy khoa học – công nghệ mang tính hệ thống hơn. Luật khung là cơ sở pháp lý cho các kế hoạch cơ bản 5 năm về khoa học – công nghệ (2003 – 2007 và 2008 – 2012). Các kế hoạch cơ bản là hướng dẫn chung để thực hiện các chính sách về khoa học – công nghệ. Ngoài kế hoạch cơ bản, vào năm 2008, Chính phủ cũng đã ban hành “Sáng kiến 577” bao gồm một số mục tiêu đầy tham vọng: cường độ R&D (tỷ lệ chi R&D/GDP) đạt 5% vào năm 2012; tập trung vào 7 lĩnh R&D trọng yếu và 7 hệ thống hỗ trợ (nguồn nhân lực hàng đầu thế giới, nghiên cứu cơ bản, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, toàn cầu hóa khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo vùng, hạ tầng cơ sở khoa học – công nghệ, văn hóa khoa học – công nghệ); trở thành một trong bảy cường quốc về khoa học – công nghệ trên thế giới.

Hiện tại, Hàn Quốc đang thực hiện một chiến lược mới gọi là “Nền kinh tế sáng tạo”. Chiến lược này nhằm khắc phục những vấn đề mà nền kinh tế Hàn Quốc đang bắt đầu phải giải quyết bao gồm dân số già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và sự thiếu vắng các công nghệ mới thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, nền kinh tế Hàn Quốc được xem là đã đạt đến giới hạn của mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu, đã mang lại thịnh vượng cho quốc gia trong năm thập kỷ.

Hộp: Ba mục tiêu, 6 chiến lược, 22 nhiệm vụ

Kế hoạch hành động của nền kinh tế sáng tạo đưa ra tầm nhìn cho việc “Hiện thực hóa kỷ nguyên hạnh phúc mới cho người dân Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo” để xây dựng hệ sinh thái kinh tế sáng tạo, với ba mục tiêu, gồm:

1/ Tạo việc làm và xây dựng thị trường mới thông qua đổi mới sáng tạo.
2/ Tăng cường khả năng lãnh đạo toàn cầu của Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo.
3/ Xây dựng một xã hội, trong đó tính sáng tạo được tôn trọng và thể hiện.

Theo đó, 6 chiến lược đã được đề xuất cùng với 22 nhiệm vụ (mỗi chiến lược gồm 2 – 5 nhiệm vụ) như sau:
1/ Bù đắp thỏa đáng cho sự sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
+ Tạo điều kiện để dễ dàng khởi động các doanh nghiệp mới thông qua đầu tư không cấp tài chính.
+ Cấp sáng chế cho các ý tưởng sáng tạo.
2/ Tăng cường vai trò của doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế sáng tạo, nâng cao khả năng của các loại hình doanh nghiệp này trong việc gia nhập vào thị trường toàn cầu:
+ Chính phủ và các tổ chức công sẽ trở thành khách hàng số 1 để tiên phong hỗ trợ thâm nhập các thị trường mới.
+ Nới lỏng các quy định và tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ để khuyến khích đầu tư.
+ Đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách tiếp cận các thị trường toàn cầu.
+ Xây dựng hệ sinh thái, khuyến khích hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn.
+ Xây dựng hệ thống kết nối nhu cầu, giáo dục và tuyển dụng để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.
3/ Tạo động lực tăng trưởng để dẫn đầu các thị trường mới và các ngành công nghiệp mới:
+ Kết hợp khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông để tiếp sức cho các ngành công nghiệp hiện có.
+ Xây dựng ngành công nghiệp mới dựa vào phần mềm và Internet.
+ Xây dựng các thị trường mới thông qua đổi mới công nghệ hướng tới con người.
+ Dẫn đầu các thị trường mới bằng cách xác định và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp triển vọng mới trong tương lai.
+ Thúc đẩy tạo lập thị trường và sự hội tụ của ngành công nghiệp thông qua hợp lý hóa quy định.
4/ Nuôi dưỡng tài năng sáng tạo toàn cầu cần thiết để ứng phó với thách thức và theo đuổi ước mơ:
+ Tăng cường phát triển tài năng sáng tạo hội tụ.
+ Giữ vững tinh thần thử thách và tinh thần kinh doanh.
+ Khuyến khích tài năng sáng tạo trong nước, trau dồi tri thức ở nước ngoài.
5/ Tăng cường năng lực đổi mới khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông, tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo:
+ Xây dựng môi trường nghiên cứu tự động đầy thách thức và hỗ trợ thương mại hóa nghiên cứu.
+ Đi tiên phong trong các thị trường mới bằng cách tăng năng lực đổi mới công nghệ thông tin, truyền thông.
+ Khuyến khích phát triển kinh tế vùng, tăng cường chức năng thương mại hóa và đổi mới của các trường đại học.
+ Giải quyết các vấn đề xã hội mang tính quốc tế thông qua khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao vị thế quốc gia.
6/ Xây dựng nền văn hóa kinh tế sáng tạo cho người dân Hàn Quốc:
+ Xây dựng nền văn hóa sáng tạo để hiện thực hóa tính sáng tạo và trí tưởng tượng.
+ Kết hợp các ý tưởng Hàn Quốc với nguồn lực công thông qua chính phủ 3.0.
+ Đổi mới phương thức làm việc của chính phủ để hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Bình luận về bài viết này